Các ngân hàng Mỹ và các nhà quản lý tài sản (asset managers) nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc (TQ) trong khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Nhưng cố gắng của họ có vẻ vô ích!
Đời không như là mơ!
BlackRock trở thành nhà quản lý tài sản toàn cầu đầu tiên vận hành một doanh nghiệp quỹ tương hỗ (mutual fund) thuộc sở hữu hoàn toàn ở Trung Quốc (TQ) vào năm 2021, khoảng một năm sau khi giám đốc điều hành Larry Fink của BlackRock gọi quốc gia này là “một trong những cơ hội tài chính lớn nhất”.
Hai năm sau, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới đang phải chật vật để sống sót trên thị trường. Theo tổ chức cung cấp dữ liệu tài chính Wind, BlackRock hiện đứng thứ 145 trong gần 200 công ty quỹ tương hỗ TQ đang quản lý các “tài sản trong nước”. Các chi nhánh tại TQ của Fidelity International và Neuberger Berman còn bị xếp hạng thấp hơn. Sự khởi đầu không mấy suôn sẻ của BlackRock là điển hình cho thấy, giấc mơ làm giàu từ TQ của những gã khổng lồ Wall Street dường như đang tan biến.
Dòng giao dịch của nhiều ngân hàng đầu tư Mỹ tại TQ đã chậm lại kể từ khi các công ty địa phương ngày càng chuyển sang hợp tác với các đối thủ TQ của họ. Trong khi đó, nền kinh tế TQ chậm lại và mất an ninh dữ liệu kinh doanh cũng làm giảm sự thèm muốn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tài sản TQ. Lệnh hành pháp mới của Tổng thống Joe Biden cấm người Mỹ đầu tư vào một số công ty TQ là cú đòn mới nhất trong cuộc đối đầu giữa hai nước.
Chỉ mới cách đây vài năm, triển vọng dường như có vẻ sáng sủa đối với các tổ chức tài chính của Mỹ. Năm 2020, TQ bãi bỏ nhiều hạn chế đối với các nhà quản lý tài sản Mỹ bán quỹ tương hỗ cho các nhà đầu tư cá nhân TQ và dỡ bỏ giới hạn về quyền sở hữu nước ngoài tại các công ty chứng khoán trong nước. Nhờ vậy, ngay năm sau, Goldman Sachs đã nắm toàn quyền kiểm soát liên doanh chứng khoán nội địa TQ của mình; và năm 2022, Morgan Stanley tăng được tỷ lệ sở hữu trong liên doanh chứng khoán TQ lên 94%.
Nhưng bất chấp việc chính thức nới lỏng giới hạn sở hữu, các nhà phân tích nhận thấy TQ không hề có ý định cho phép một công ty Mỹ sở hữu 100%. Stephen Roach, cựu chủ tịch của Morgan Stanley Châu Á và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Paul Tsai China Center của Trường Luật Yale, cảnh báo:
“Các mô hình kinh doanh phương Tây vốn hoạt động tự do ở TQ chỉ vài năm trước nay bị thách thức nặng nề. Môi trường hiện nay khắc nghiệt hơn trước rất nhiều. Theo tôi, các kế hoạch mở rộng quy mô lớn đang bị trì hoãn”.
Khi các công ty Wall Street phải đối mặt với sự sụt giảm kéo dài về doanh thu đầu tư tại Mỹ, những nỗ lực của họ ở TQ cũng đang gặp khó khăn. Theo báo cáo thường niên về các doanh nghiệp TQ, năm ngoái, các liên doanh ở TQ của Goldman, Morgan Stanley và JPMorgan đều báo cáo doanh thu sụt giảm tại mảng kinh doanh ngân hàng đầu tư (investment banking business). Trong khi đó, các công ty cùng ngành tại TQ, Citic Securities và China International Capital Corp ghi nhận mức tăng doanh thu lần lượt là 6% và 0.3%.
Trong thập niên qua, liên doanh chứng khoán TQ của Goldman, vốn chỉ tạo ra 4% thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư vào năm 2022, đã dẫn đầu hoặc đồng dẫn đầu bảy đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại thị trường nội địa TQ, gồm cả đợt phát hành vào năm ngoái. Nay, dữ liệu của Wind cho thấy Citic Securities đã dẫn đầu 57 đợt IPO trong năm 2022, trong khi liên doanh chứng khoán TQ của JPMorgan chỉ dẫn đầu hai thương vụ vào năm ngoái và Morgan Stanley không có dẫn đầu nào.
Vào Tháng Năm, các giám đốc điều hành hàng đầu của JPMorgan, gồm cả Jamie Dimon, đã bay tới Thượng Hải để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Global China Summit của các ngân hàng đầu tư. Trong một cuộc phỏng vấn bên lề với Bloomberg, Mark Leung, giám đốc TQ của JPMorgan cho biết đã nhận được đầy đủ giấy phép để hoạt động tại quốc gia này, “nhưng sẽ phải mất một hành trình dài hơn để xây dựng quy mô và danh tiếng. Tuy nhiên công ty vẫn cam kết phát triển ở TQ”.
Rút lui để tránh mất thời gian và rắc rối
Các doanh nghiệp xuyên biên giới cũng bị ảnh hưởng khi sự nhiệt tình của các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường TQ suy yếu. Theo dữ liệu của Wind, năm ngoái, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng $12 tỷ cổ phiếu nội địa TQ thông qua một liên kết giao dịch phổ biến, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Trong khi đó, họ đã rút khoảng $84 tỷ khỏi thị trường trái phiếu TQ vào năm 2022 và $20 tỷ vào năm 2023 (tính đến cuối Tháng Bảy). Nhu cầu của nước ngoài đối với cổ phiếu và trái phiếu TQ có phục hồi phần nào trong năm nay, nhưng thời kỳ mua mạnh đã qua, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Đối với các nhà quản lý tài sản, TQ đã tạo ra một thị trường rộng lớn chưa được khai thác và cơ hội bán quỹ tương hỗ còn nhiều.
Nhưng các tổ chức quốc tế đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ địa phương lớn hơn và bán được nhiều loại quỹ tương hỗ hơn, đặc biệt là các quỹ tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. BlackRock đã huy động được 6.68 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng $917 triệu, vào Tháng Chín, 2021 cho quỹ tương hỗ mới thành lập tại TQ sau khi nhận được đơn đặt hàng từ hơn 110,000 cá nhân.
Quỹ chứng khoán hỗn hợp Mixed Securities Fund đầu tư vào hàng chục loại cổ phiếu vốn hóa trung bình và vốn hóa lớn niêm yết ở TQ đại lục nhưng tính đến 30 Tháng Sáu, tài sản của quỹ đã giảm 47%, do nhà đầu tư rút lại và lợi nhuận âm 30% kể từ khi ra mắt. Vanguard, một nhà quản lý tài sản khổng lồ khác của Hoa Kỳ, đi theo con đường khác sau khi lên kế hoạch mở rộng ở TQ.
The Wall Street Journal đưa tin, năm 2021, Vanguard đã đình chỉ việc chuẩn bị triển khai hoạt động kinh doanh quỹ tương hỗ ở TQ sau khi nhận ra rằng việc xây dựng sự mở rộng ở đó sẽ khó khăn và tốn kém. Đầu năm 2023, nhiều nhà phân tích Wall Street đưa ra những dự báo lạc quan cho thị trường TQ với hy vọng việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại sau các lệnh hạn chế của Covid-19 sẽ thúc đẩy sự bùng nổ chi tiêu của người tiêu dùng.
Nhưng thực tế diễn ra khác. Sau khi đánh giá một loạt dữ liệu kinh tế tồi tệ, ngân hàng trung ương TQ bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp sau nhiều tháng gia tăng theo hình xoắn ốc đã không còn được báo cáo công khai. Andrew Collier, giám đốc điều hành của Orient Capital Research tại Hong Kong kết luận: “Wall Street hiện phải đối mặt với rủi ro địa chính trị rất lớn khiến việc đầu tư vào TQ là không đáng vì vừa mất thời gian vừa rắc rối, vừa kiếm được không bao nhiêu”.