‘Hà Nội chưa vội đã toang’

CÁT LINH

Chỉ sau một đêm, bức tường thành vững chắc mang con số 16 của Hà Nội bị phá vỡ hoàn toàn. Cuộc sống người dân thủ đô bị đảo lộn. Sự hoang mang, lo sợ càng tăng nhanh như tên bắn khi chưa đầy 24 giờ, vào chiều thứ Bảy, 7-3-2020, Bộ Y tế chính thức công bố thêm bốn trường hợp nhiễm COVID-19. Phần lớn đều có liên quan đến bệnh nhân thứ 17.

Cách ly, cách ly và cách ly

Chủ nhật 8-3, Bộ Y tế xác nhận ca thứ 21 tại Việt Nam nhiễm Covid-19 là GS-TS Nguyễn Quang Thuấn (1959, Hà Nội). Ông ngồi gần hàng ghế 5A với cô Nguyễn Hồng Nhung, “bệnh nhân thứ 17“. Giáo sư Thuấn nguyên là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Hội đồng lý luận Trung Ương, là một trong 16 thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Một ngày trước đó, ngày 7-3, trường hợp nhiễm Covid-19 thứ 18 được xác nhận. Bệnh nhân là N.V.T. (nam, sinh năm 1993 quê xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) trở về từ dịch Daegu, Hàn Quốc, tâm dịch lớn thứ hai Châu Á, ngoài Trung Quốc.

Cũng trong chiều 7-3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết bà Lê Tuyết H. – bác gái của cô Nguyễn Hồng Nhung, và ông Dương Đình Ph., lái xe riêng của gia đình cô, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Hai người này đều cư trú ở khu phố Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. 

Lực lượng y tế tiêu độc khử trùng ở thôn Phù Lưu, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hình: báo Lao Đông Online

Không chỉ riêng Hà Nội, thành phố Hải Phòng vào trưa ngày 7-3 cũng công bố phong toả hai khu vực, nơi có người từng gặp gỡ với bệnh nhân Nhung. Báo Lao Động cho biết “hai khu vực này mỗi nơi có khoảng 1.000 dân sẽ nội bất xuất ngoại bất nhập trong thời gian cách ly 14 ngày theo quy định tính từ ngày 7-3”.

Con đường đi của bệnh nhân thứ 17 khi về đến Việt nam không dừng ở Hà Nội, Hải Phòng. Chiều tối thứ Bảy, Tuổi Trẻ Online (TTO) cho biết đến 18h30 ngày 7-3, TP.HCM đã xác minh và cách ly thêm chín trường hợp liên quan đến ca thứ 17 nhiễm COVID-19. Đến 12 giờ đêm ngày 7-3, TTO loan tin “Một người Úc gốc Việt bị sốt khi nhập viện khai báo đi cùng chuyến bay với cô gái Hà Nội nhiễm Covid-19”. Ngay lập tức, lúc 23 giờ ngày 7-3, ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND P. Cầu Kho, Quận 1, TP.HCM cho biết ngành y tế đã cách ly hai người cư trú trên địa bàn phường vì bị sốt.

Cả 4 trường hợp có hộ khẩu tại TP.HCM liên quan đến bệnh nhân thứ 17 nhiễm COVID-19 đều đã được cách ly trong ngày 7-3. Hình: TTO

Hà Nội hỗn loạn

Không cần đến 24 giờ đồng hồ, từ sáng thứ Bảy, tất cả các siêu thị ở Hà Nội đã trong tình trạng “người mua không có, người lần không ra”.

Hình: Net Citizens

Bảo Minh, một bạn trẻ sống và làm việc ở thủ đô, nói với Saigon Nhỏ:

“Sáng sớm nay ở tất cả các hệ thống siêu thị, người dân xếp hàng dằng dặc chen lấn xô đẩy tranh nhau mua đồ. Em đi rất nhiều chỗ mà cho đến giờ này (khoảng 10 giờ tối) vẫn không mua được thức ăn cho buổi tối. Người dân rất hoang mang, đổ xô đi mua đồ dự trữ. Siêu thị, chợ đều bán sạch đồ.”

Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh, thông tin về những chiếc xe đẩy với các thùng mì gói, giấy vệ sinh chất cao ngất ngưỡng. Người dân xếp hàng dài trong siêu thị, gương mặt dù đã trang bị khẩu trang y tế nhưng cũng không dấu được nét lo lắng qua ánh mắt.

Hình: Net Citizens

Những gì do cộng đồng mạng truyền cho nhau ngày hôm nay cho thấy người Hà Nội đang chuẩn bị cho một cuộc sống dài ngày với mì gói và chỉ mì gói…

Hình: Net Citizens

Rồi thêm nữa, có mì, cũng phải nghĩ đến rau. Mỗi người dân ôm hàng chục túi rau to tướng, cố gắng chất đầy lên xe để chở về.

Một người dân ngay thủ đô viết trên Facebook: “Đi hai chợ không mua được bó rau. Có người bạn tiếp tế cho bó rau sạch trồng ở sân nhà, quí hơn vàng.

Sài Gòn ‘gom hàng’

Sài Gòn, cũng trong tình cảnh “gom hàng mùa dịch” nhưng…nhẹ nhàng hơn như muôn thưở nay Sài Gòn đã thế.

Coop Mart Rạch Miễu 48 Hoa Sứ. P7. Quận Phú Nhuận. Hình: Saigon Nhỏ

Một người dân sống ở Sài Gòn cho chúng tôi biết từ 7-8 giờ sáng Chủ nhật, Coop Mart Rạch Miễu 48 Hoa Sứ. P7. Quận Phú Nhuận đã đông kín người mua sắm. Rất khó để tìm những chiếc xe đẩy chứa hàng trong siêu thị vì khách mua hàng xong vẫn để nguyên hàng hoá trên xe, chờ dịch vụ chuyển về nhà.

Nhân viên Coop Mart lên hàng liên tục, không để bất kỳ quầy hàng nào bị vơi hoặc thiếu. Do đó không có tình trạng thiếu hàng gây ra cảnh chen lấn, tranh giành. Người dân cho biết theo ông, với tình hình hiện tại, Coop Mart đã có sự chuẩn bị khá tốt.

Coop Mart Rạch Miễu 48 Hoa Sứ. P7. Quận Phú Nhuận. Hình: Saigon Nhỏ

Vỡ trận

Mặc cho Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Mặc cho Bộ Y tế dốc hết sức nhắn tin trấn an liên tục trong ngày. Mặc cho bộ máy truyền thông đã “được lệnh” tung toàn lực để loan tin việc các địa phương có cư dân liên quan đến bệnh nhân thứ 17 đều được cách ly chặt chẽ, khử trùng cơ sở lưu trú.

Mặc do TTO đã chạy hẳn một bài viết với tiêu đề to đùng: “Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư âm tính với virus corona, cách ly 14 ngày”. Đó là vì cũng chính các “nhà báo mạng” là người đầu tiên tìm ra thông tin Bộ trưởng Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngồi cùng hạng thương gia với cô Nguyễn Hồng Nhung, bệnh nhân thứ 17, trên chuyến bay VN0054 hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng 2-3.

Bộ trưởng Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Hình: TTO

Mặc cho VnExpress cố đưa tin hình thật to: “Bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung, 26 tuổi, đang cách ly tại phòng áp lực âm Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã hết sốt, sức khỏe ổn định” thì có vẻ như, đã quá trễ. 

Hà Nội dường như vẫn không thể trấn an tâm lý người dân lúc này.

Tài khoản Facebook Tuan Chan ghi: “Hà Nội tung tin bệnh nhân Corona số 17 đã khỏe lại (có đính kèm 1 tấm ảnh chụp ngang duy nhất) để phản bác tin đồn trên mạng rằng cô ta đang trong tình trạng nguy cấp tại BV. 

Với một tấm ảnh chụp ngang kiểu này liệu có đủ sức thuyết phục 90 triệu dân?  Gọi Phone vào yêu cầu BS chụp thẳng mặt 1 tấm để dập tắc tin đồn của “phản động”, chẳng lẽ việc này lại khó khăn với đảng đến vậy sao?!”

‘Tâm thức chạy giặc’

Chỉ cần một bệnh nhân thứ 17, cuộc sống của người dân đổi nhịp hoàn toàn. Những hình ảnh “chạy hàng siêu thị” trên mạng xã hội, chạy khỏi nơi cư trú trước khi có lệnh phong toả là cách duy nhất người ta đối phó với dịch bệnh, một dịch bệnh mà cả thế giới đang dồn sức chung tay dập tắt.

Cách đối phó này, đối với những thế hệ hậu chiến như bạn trẻ Bảo Minh, là rất “kỳ lạ”. Bảo Minh cho rằng:

Quan trọng nhất lúc này là phải giữ được bình tĩnh để chiến đấu với dịch bệnh. Điều mà chúng ta cần lúc này là ý thức của mỗi người. Mà đó là thứ duy nhất không thể mua được bằng tiền.

Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, tác giả cuốn sách “Bàn về Trung Quốc trỗi dậy” có một ghi nhận rất đáng quan tâm về sự việc này. Ông bình luận phản ứng của người Hà Nội lúc này là “Tâm thức chạy giặc, trữ gạo và không tin ai“:

“Thử hỏi các bà cụ 70-80 tuổi sống ở VNCH qua thập kỷ 1970-80 xem có bà nào tin vào ngân hàng, hợp tác xã nhà nước không? Tôi nghĩ chắc hiếm. Các cụ tin vào một cột xi măng hay cái đít lu nào đó thôi.

Không tin ai khác ngoài mình trong các cuộc chiến loạn để cứu đàn con là một đức tính quý báu của Mẹ Việt Nam, từ cảnh sống khắc nghiệt tạo nên. Tâm thức đó truyền phần nào sang thế hệ sau.

Biết được phần nào nguồn cỗi của tích trữ, của chuẩn bị cho những tận cùng khổ nạn thì sẽ thấy thương thế hệ trước và thông cảm cho người đồng bào dù họ ở khung cảnh nào của địa cầu.”

Nếu như Bảo Minh, một bạn trẻ thế hệ 9X chưa từng biết chạy giặc là gì đơn giản tin rằng nếu “người dân ai cũng tự ý thức được như vậy thì dịch bệnh sẽ sớm được dập tắt và bình yên sẽ lại về” thì Tiến sĩ Lê Vĩnh Trường có cái nhìn dè dặt hơn với cục diện. Ông mong mỏi: 

Mong lắm có một sự nhường nhịn, phân phải – chưa dám nói quý phái gì gì đâu – ở siêu thị. Song cũng luôn tồn tại bản năng tự tồn trong thế giới nhiều tung hô ba xạo; và hai chữ “vì dân” thường chỉ là khẩu hiệu”.

Trong cái thế giới có “nhiều tung hô ba xạo” ấy, rất nhiều người dân vẫn còn thấm đẫm tư duy “tự thân gom góp”, hoặc “càng nhiều càng tốt”. Ngày xưa, chẳng phải vua Hùng thứ 18 đã ra yêu cầu sính lễ đối với Sơn Tinh và Thủy Tinh: “một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Ai có nhanh, có nhiều, người đó thắng. Dẫu biết chỉ là truyền thuyết, nhưng phải chăng cái tâm lý “gom cho đầy” đã vận vào máu của người Việt từ nghìn năm trước?

Không ít người bày tỏ trên mạng xã hội rằng “chính những người đã gieo vào tâm trí người dân sự lạc quan phản khoa học về một dịch bệnh mà cả thế giới phải run sợ phải chịu trách nhiệm.” Như con đập thuỷ điện bị vỡ, dòng nước lũ đang ào ào cuốn phăng tất cả niềm tin mờ mịt của những con người “thấp cổ bé miệng”. Giữa cơn thác đó, họ sẽ bấu víu vào đâu?

Khi “Hà Nội chưa vội đã toang”, thì nền tảng kiến thức về tự bảo vệ bản thân và trách nhiệm với cộng đồng đang ở tầng…báo động.

“Hà Nội chưa vội đã toang” là thế!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Ngừng trì hoãn
Có một vấn đề trong thế giới kỹ thuật số ngày nay: Quá tải thông tin. Từ âm nhạc, trò chơi đến mạng xã hội và những giờ giải trí…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: