Hiếu Lê, chiến binh Mỹ gốc Việt ở Ukraine: “Mọi thứ hết sức kinh khủng”

Anh Hiếu Lê, khi ở chiến trường Ukraine (Facebook nhân vật)

Hiếu Lê có lẽ chiến binh người Mỹ gốc Việt duy nhất đã tham gia đạo quân tình nguyện ở Ukraine đế chống lại cuộc xâm lược của Nga. Từ đầu cuộc chiến, Hiếu đã dùng kinh nghiệm của một cựu quân nhân Hoa Kỳ để yểm trợ người dân Ukraine, và được xếp vào một nhóm hỗn hợp quân nhân tình nguyện của nhiều nước. Anh đã quay lại Mỹ sau hai tuần với câu chuyện kể của mình.

Ngày 6 Tháng Ba, Hiếu Lê viết trên Facebook của mình lời nhắn trước khi lên đường: “Gói ghém những thứ tôi có thể sử dụng được và tạm biệt gia đình tôi ở California. Tôi buồn khi thấy mẹ mình khóc. Tôi thương lắm như nhưng quyết tâm của tôi vẫn y nguyên. Tôi sẽ đến Ukraine để giúp đỡ người dân ở đó và hy vọng sẽ không lâu nữa, cho đến khi hòa bình ở châu Âu trở lại… Tôi có một người bạn sẽ chở tôi đến cửa khẩu Ba Lan, và liên lạc với cơ quan quân sự Ukraine”.

Hiếu Lê từng là lính Thiết giáp M1 của Hoa Kỳ từ năm 2010 đến năm 2017. Năm 2012, anh được điều động đến Afghanistan. Dựa trên kiến thức quân sự đã có, Hiếu Lê quyết định tham gia cuộc chiến, câu chuyện của anh cũng được đăng tải trên tờ Task & Purpose, từ lúc bắt đầu tham gia cho đến lúc kết thúc nhiệm vụ.

Khi đến Ukraine, Hiếu Lê cho biết anh có nghĩ đến việc người Nga khi bắt được anh sẽ trừng phạt hay tử hình, và đó là lý do anh cố gắng xin ký hợp đồng nhập ngũ chính thức với quân đội Ukraine, với hy vọng rằng anh sẽ được bảo vệ bởi Công ước Geneva. “Tôi và một số người Mỹ nhất trí rằng thà chết trong chiến đấu còn hơn bị bắt”, Hiếu nói.

Hiếu Lê giải thích việc anh đột ngột kết thúc ngừng tham chiến sau hai tuần: “Tôi thực sự cảm thấy bối rối, không biết giải thích sao cho đủ về việc phải rời đi sớm. Nhưng bạn đã bao giờ thấy điều gì khủng khiếp và đau lòng đến mức bạn không thể nào tiếp tục nổi chưa? Đối với tôi là như vậy”, Hiếu nói.

Thời điểm Hiếu Lê rời đi, cũng là lúc là các chỉ huy quân đội Ukraine đang xét lại việc kêu gọi các tình nguyện viên từ mọi nơi đến chiến đấu chống Nga. Bối cảnh hỗn loạn dẫn đến việc tiếp nhận nhanh chóng và dễ dãi, bao gồm các thành viên không có kinh nghiệm thực chiến, khai dối về khả năng và kinh nghiệm. Quan trọng hơn là có những thành phần muốn được bắn giết và cả các đối tượng nghiệp ngập muốn tham gia một không khí loạn lạc và hành động tùy tiện.

Phóng viên Andrew Milburn của Task & Purpose cũng tiết lộ rằng mình thấy Ukraine nhanh chóng lập lại trật tự, thải hồi một số tình nguyện viên sau màn kiểm tra về khả năng ứng chiến. Một sĩ quan Ukraine nói với Task & Purpose với điều kiện giấu tên rằng các chỉ huy quân đội Ukraine đang rà soát lại về cách họ tuyển dụng người nước ngoài bằng cách tập trung vào các cựu chiến binh được đào tạo chuyên sâu, ưu tiên cho lính bắn tỉa. Hiếu Lê cho biết anh thấy những tình nguyện viên khai báo dối về việc từng là nhân viên lực lượng đặc biệt nhưng họ rất vô kỷ luật và không chuyên nghiệp.

Là một người lính được đào tạo chuyên nghiệp, Hiếu Lê cảm thấy bị sốc vì những điều đó. “Họ dùng các loại thuốc kích thích, ma túy hàng ngày – và không ai biết được những loại ma túy đã được buôn lậu vào vùng chiến sự như thế nào” – Hiếu Lê viết trên Facebook – “Họ muốn làm gì thì làm và các sĩ quan quân đội Ukraine đành ngó lơ hoặc bất lực trong việc ngăn chặn”.

Hiếu Lê cùng nhóm nhận nhiệm vụ đi lấy thi thể của đồng đội. “Đây là một nhiệm vụ khó khăn” – Hiếu Lê mô tả. Nhóm của anh phải đi vòng qua những nơi mà lính Nga đang đóng. Cả đội vác trên mình các loại mìn chống tăng và tên lửa chống thiết giáp, đi bộ đến 8 km. Trên đường đi, anh và cả nhóm gặp lính Nga. Có vẻ như họ không muốn chiến đấu nên đã cùng hô “Vinh quang cho Ukraine”, vì vậy hai bên vượt qua nhau mà không xảy ra chuyện gì.

Cuối cùng, thi thể người lính được tìm thấy. Hiếu Lê là người viết tên, số hộ chiếu và ngày chết của người lính lên một mảnh bìa cứng, đặt cùng với thi thể. Sau đó, họ kéo thi thể trở ngược lại các tuyến đường.

Viết trên Facebook, Hiếu Lê viết “máu của anh ấy nhuộm màu đồng phục của tôi, trong khi tôi mang anh về. Giữa chúng tôi không thể có lời nói nào, nhưng tình cảm thì sâu sắc không thể giải thích được. Khi chúng tôi đến đầu cầu, xe cứu thương đón ở đó, và chúng tôi cho anh ta vào một chiếc túi đựng thi thể và cùng chào khi xe cứu thương chạy đi”. Sau đó, Hiếu Lê không thể ngừng khóc trong 10 phút. Quá nhiều điều giằng xé trong anh, và anh biết rằng việc góp sức của anh với người Ukraine cũng đã hết.

“Trong thời gian ở Ukraine, tôi đã sống sót sau các cuộc tấn công của Nga với tên lửa hành trình, pháo kích liên tục, di chuyển qua lãnh thổ thù địch, lạnh thấu xương cùng bệnh tật, đói khát và nỗi thống khổ nhìn thấy chết chóc”, Hiếu Lê viết Facebook. “Tôi mệt mỏi tận xương. Tôi không chắc mình sẽ ở lại Ukraine bao lâu nữa, nhưng tôi tin rằng mình đã làm đủ vai trò của mình, và hài lòng về thời gian ở đây”.

(Facebook nhân vật)

Hiếu Lê nhận ra mình không may khi tham gia sớm và bị ghép vào một nhóm lính ô hợp. “Tôi nhận ra bản chất tội phạm và phi pháp của các nhóm lính quốc tế tình nguyện khác, mà nhóm của tôi buộc phải sống cùng, nên tốt hơn hết là tôi nên rời đi trước khi tôi bị coi dính líu đến bất kỳ tội ác chiến tranh nào của họ”.

Anh Hiếu không cho biết anh có tham gia tố cáo các hành động càn quấy của các tay súng quốc tế ấy không, nhưng anh nói được chỉ huy Ukraine thông báo rằng họ có chứng cứ một nhóm lính lê dương đi làm nhiệm vụ trong tình trạng say xỉn, cướp phá nhà của người dân, bắn bừa bãi trong thành phố…

“Quân đội Ukraine cuối cùng đã phải bắt giữ họ và những kẻ cầm đầu đang ngồi trong nhà tù Ukraine trong khi 15 người khác bị tước vũ khí và sẽ bị áp giải như tội phạm đến biên giới với một bức thư được gửi cho chính phủ của họ nêu chi tiết tội ác của họ ở Ukraine. Đối với những người đang ở trong tù, tôi phải nói rằng nếu các tù nhân khác nếu phát hiện ra rằng họ là người nước ngoài mượn chuyện tình nguyện chiến đấu để cướp phá ở Kyiv, họ sẽ bị đối xử như những kẻ ấu dâm. Tôi chân thành hy vọng rằng đó là sự thật. Những con vật như vậy không xứng đáng được đối xử tốt hơn”, anh Hiếu nói với sự giận dữ.

Cần nói thêm là trong thời gian anh Hiếu Lê tham gia tình nguyện chiến đấu ở Ukraine, thành phần cuồng Nga đã tấn công Facebook của anh, liên tục nhắn tin chửi rủa về việc anh đứng về phía người dân Ukraine. Hiếu buộc phải đặt hạn chế tiếp xúc trên Facebook, ngăn các tin nhắn từ người lạ. “Người Việt Cộng sản ghét tôi”, anh Hiếu ghi trên phần story của Facebook, trích dẫn vài lời miệt thị từ Việt Nam. Tương tự như trường hợp Văn phòng đại diện Sứ quán ở Ukraine ở Hà Nội hàng ngày vẫn bị nhắn tin, báo cáo giả để tấn công và cắt ghép các phát ngôn từ để gây sự ghét bỏ, anh Hiếu cũng bị những thành phần như vậy tràn vào Facebook của anh, sau khi tin tức cho biết anh là một người Việt hiếm hoi tình nguyện trực tiếp tham chiến để bảo về nền dân chủ và độc lập ở Ukraine.

Hiếu Lê nói anh vẫn cảm thấy sự đau đớn trong tâm hồn với những gì mình trải qua ở Ukraine, và cứ suy nghĩ suốt trong chuyến tàu từ Ukraine qua Ba Lan. “Mặc dù phần đóng góp của tôi trong cuộc chiến có lẽ đã xong, nhưng ngoài kia, giao tranh vẫn đang tiếp tục. Mỗi ngày càng có thêm nhiều người lính tình nguyện đi đến, tham gia để chống lại chế độ Nga chuyên chế. Đất nước nhỏ bé này đã và sẽ chiến đấu với nước Nga đến cuối cùng. Người Ukraine mạnh mẽ, cần cù và tràn đầy hy vọng. Vì vậy, ở Ukraine, niềm hy vọng sẽ mãi trường tồn”, anh Hiếu Lê kết luận. Ngày 22 Tháng Ba, anh chính thức chấm dứt nhiệm vụ ở Ukraine.

Tìm đọc thêm các cảm nghĩ của Hiếu Lê ở: https://www.facebook.com/HieuHuuLe

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: