Họ đã biết về ngày 19-1-1974 như thế nào?

19-1-2016, người Sài Gòn tưởng niệm trận Hải chiến Hoàng Sa (Hình: Trần Bang)

CÁT LINH

Biến cố ngày 19-1-1974 cùng với 75 chiến sỹ Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH) tử trận trong trận hải chiến gìn giữ đảo Hoàng Sa do Trung Quốc xâm lược đã trở thành một ngày lịch sử đối với rất nhiều người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, điều này chưa từng được giảng dạy trong những môn Lịch sử sau năm 1975. Nhưng, những người trẻ ấy vẫn có nhiều cách để biết về sự thật của trận hải chiến.

Vì sao họ biết?

“Theo em được biết ngày 19-1 là ngày của trận chiến Hoàng Sa giữa Việt Nam Cộng Hoà và Trung Quốc. Cũng là ngày tưởng nhớ các tử sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến 1974.” Một bạn trẻ thế hệ 8X cho biết.

Có những bạn qua truyền thông mạng, Facebook mà họ đã biết về ngày này, như trường hợp của Thái Minh Hải từ Hà Nội. Anh biết về biến cố Hoàng Sa từ những người bạn trên mạng xã hội, khi họ đi tưởng niệm ở tượng đài Lý Thái Tổ và bị chính quyền ngăn cản. Hải nói:

“Ngoài ra em biết đến ngày này sau khi em nghe bài Vọng Nam Quan thì em có lên mạng tìm hiểu thì em biết ngày này là ngày kỷ niệm sự hy sinh của các chiến sĩ VNCH để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa.”

Trường hợp của bạn Nguyễn An Khang, đang làm việc ở Bình Dương, Sài Gòn cho biết anh chỉ được biết và bắt đầu tìm hiểu về ngày này từ năm 2011, sau một sự kiện.

“Từ khi tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp vào năm 2011 thì em mới bắt đầu tìm hiểu thêm về lịch sử, ngày này năm 1974 đã xảy ra một trận chiến.”

Nhiều lý do để chối bỏ

Sau khi tự tìm đến các tài liệu để biết vì sao lại có buổi lễ tưởng niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa mỗi năm, những bạn trẻ này cũng hiểu cả vấn đề vì sao họ không được biết về một sự kiện lịch sử trong những buổi học ở trường? Vì sao hoàn toàn không có các công bố về những gì đã xảy ra ở Hoàng Sa, Trường Sa ngày 19-1-1974? Vì sao ngày này không được nhà nước Việt Nam ghi nhớ?…

“Sau khi tìm hiểu thì em thấy do chính quyền Việt Nam, cụ thể là Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc trong cuộc chiến tương tàn giữa hai miền. Sau đó thì chính quyền Trung Quốc đã cướp biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà chính quyền Việt Nam không dám lên tiếng bảo vệ. Vì sự phụ thuộc quá lớn nên họ không dám công bố về cuộc chiến này hay sự mất mát của biển đảo.”

Một lý do khác, vẫn theo bạn An Khang, đó là vì “mâu thuẫn với những gì họ truyền dạy trước đó”:

“Khi mà những hành động có yếu tố bảo vệ chủ quyền thì sẽ mâu thuẫn với những gì họ truyền dạy trước đó, nếu công bố ra thì sẽ ngoài ý muốn mà lúc đầu họ đã tuyên truyền.”

Cũng với lý do là “không muốn ghi nhận những gì được cho là có ảnh hưởng của VNCH,” đó là ý kiến của Peter Trần Sáng, từ Nghệ An. Anh nói:

“ĐCS Việt Nam sẽ luôn luôn xem VNCH là kẻ thù, mà trong trận chiến đó thì VNCH đứng ra bảo vệ biển đảo nên chắc chắc ĐCS Việt Nam không lấy công lao đó để đưa vào lịch sử của đội ngũ cộng sản.”

Hàng năm, người dân Việt Nam, các tổ chức xãhội dân sự đều tổ chức lễ tưởng niệm, dâng hoa tưởng nhớ các tử sĩ của trận hải chiến Hoàng Sa năm đó, thế nhưng tất cả đều bị quấy phá bằng những hành động như ngăn cản, giật vòng hoa, canh giữ không cho đến nơi làm lễ…

Tưởng niệm Hoàng Sa tại Vũng Tàu năm 2016. (Hình: Hùng Trần)

Anh Nguyễn An Khang cho rằng những hành động đó bắt nguồn từ sự sợ hãi và họ tìm mọi cách làm cho sự lan toả của sự ghi nhớ ngày càng ít đi.

“Khi nhiều người tìm hiểu thì nhận ra rằng người lính (nguỵ) họ xả thân để giữ lấy biển đảo. Khi tìm hiểu rồi họ sẽ quay lại với những gì chính quyền truyền tải ngay từ đầu. Thứ hai nữa, Việt Nam và Trung Quốc đang có chiều hướng xích lại gần nhau hơn thì những vấn đề đó sẽ gây cho những người dân nghĩ khác, không phải những gì mà chính quyền mong muốn.”

Với sự hiểu biết của các bạn trẻ này, họ nhận thấy:

Chính quyền sợ người dân hiểu biết được vấn đề và sợ người dân biết được đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, sợ họ biết được quá nhiều thông tin thì họ sẽ biết chính quyền cộng sản không phải là chính nghĩa như họ đã tuyên truyền.

‘Chúng tôi luôn ghi nhớ’

Những bạn trẻ này là những người được sinh ra và lớn lên trong thời điểm gọi là “thời bình”. Những kiến thức về lịch sử, về xã hội mà họ được truyền dạy dưới mái trườngXHCN đãkhông thuyết phục được nhận thức của họ với tình hình thực tế của đất nước. Do đó, chỉ từ một bài hát, một sự kiện tàu Bình Minh, hay từ những chia sẻ của cộng động mạng xã hội lại có sức lan toả mạnh mẽ, khiến họ dấn thân vào cuộc chiến đi tìm sự thật.

Trần Sáng, một bạn trẻ ở Hà Tĩnh lên tiếng:

“Em là người công giáo, luôn luôn được dạy những điều hay, sự thật. Từ năm 2005, nơi quê hương em sống xảy ra một sự kiện là chính quyền đàn áp đập phá đất đai của công giáo. Từ đó trong người em lúc nào cũng nôn nao về việc làm của chế độ. Từ năm 2014, ngày 185, em xuống đường biểu tình lần đầu tiên đòi lại biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Từ đó em chú tâm tìm về lịch sử Việt Nam Cộng Hoà nhiều hơn.”

Khi đã tự thân tìm hiểu và biết về sự thật, họ càng muốn dấn thân, muốn tham gia nhiều hơn vào những sự kiện tưởng nhớ. Đối với họ, đó là lịch sử, không che dấu được.

“Mình phải biết ơn những người đã gây dựng nên đất nước, những người cho ta một tương lai, mộtđất nước để sinh sống. Khi nhìn thấy hình ảnh trên mạng phản ảnh những cảnh công an, an ninh cản người dân đi tưởng niệm người đã hy sinh xương máu của mình, điều đó rất đáng buồn. em rất mong muốn ngày này đươc lan truyền rộng rãi hơn để thế hệ sau biết.”

“Theo em, đó là lịch sử. Những ngày này, yếu tố lịch sử cần phải có những buổi lễ tưởng niệm, tri ân. Dù là lý tưởng đối lập nhau trong thời điểm đó, nhưng dù sao điều mà họ muốn là chiến đấu để bảo vệ mảnh đất này chứ không phải là chiến đấu vì lý tưởng đối lập với chính quyền hiện tại. Không nên vì một lợi ích của phe phái, một chiều hướng mà che đậy đi quá khứ, che đậy đi phần lịch sử đó. Trong tình hình hiện nay, người trẻ cần phải hiểu về đất nước.”

Mỗi một bạn trẻ ấy sẽ có cách thể hiện sự ghi nhớ của họ đối với những ngày lịch sử như thế. Có những người hoà mình vào buổi lễ tưởng niệm. nếu bị ngăn chặn không đến được thì họ viết những dòng cảm xúc như một cách tưởng nhớ. Với Peter Trần Sáng thì anh nhờ biển gửi đến những người tử sĩ chưa một lần biết mặt những đoá hoa tri ân.

“Trong ba năm trước đây thì hầu như năm nào, đến ngày này em cũng đi xuống biển để thả hoa, tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ấy. Thật sự như bình thường bây giờ mình chưa có cảm xúc, nhưng khi xuống biển, thả hoa, nhìn xuống biển, mình tưởng tượng ngày xưa từng có một trận chiến như thế, cảm xúc nó dâng trào. Em thấy một sự việc như thế mà chính quyền cộng sản Việt Nam không dám ghi vào lịch sử thì đó là một sự tồi tệ nhất của các đảng phái đảng cộng sản. Tồi tệ hơn nữa là khi người dân đi tưởng niệm thì họ vùi dập và đánh đập.”

Ngày này 45 năm trước, những người bạn trẻ hôm nay vẫn còn là những hạt bụi trong vũ trụ. 45 năm sau, họ xé rào ngăn cản để tìm về lịch sử và tri ân những người mà đối với họ, là những người đã gây dựng và bảo vệ đất nước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: