Bức tranh kinh tế Mỹ, những điểm tối-sáng

Minh họa: paul-alain-hunt-unsplash

Cơ quan Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) có thể lặp lại sai lầm của thập niên 1970? Giới quan sát hy vọng một thoả thuận trần nợ công giữa chính phủ và Quốc hội sẽ sớm đạt được trong những tín hiệu lạc quan về sự vực dậy của các ngân hàng khu vực.

Năm ngoái, khi Fed bắt đầu xúc tiến chiến dịch mạnh mẽ để dập tắt lạm phát, họ đặt mục tiêu là không được lặp lại những bi kịch đau đớn của thập niên 1970, khi để lạm phát ra khỏi tầm kiểm soát dẫn đến bất ổn kinh tế. Mục tiêu chống lạm phát lần này có vẻ khả quan. Sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, Fed đang đạt được một số thành công và lạm phát giảm mạnh.

Tuy nhiên Gary Richardson, nhà sử học về Fed, giáo sư kinh tế tại Đại học California ở Irvine lo lắng rằng, nếu các nhà hoạch định chính sách dừng chiến dịch tăng lãi suất ngay bây giờ, họ có nguy cơ lặp lại những sai lầm của thập niên 1970. “Trong tình hình này, bạn càng dừng tăng lãi suất lâu, nguy cơ càng đến sớm. Đó là điều phải suy nghĩ”.

Khi nhóm họp vào tuần trước, Fed đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0.25%, nêu lý do lạm phát vẫn “cao hơn” mục tiêu 2%. Tuy nhiên, do sợ căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng gây áp lực lên nền kinh tế, Fed có khả năng giữ nguyên lãi suất khi nhóm họp lại vào Tháng Sáu. Chủ tịch Jerome Powell nhận định: “Tôi có cảm giác rằng chúng ta đang tiến gần đến giai đoạn cuối của chiến dịch”. Các nhà đầu tư hiện nghiêng về quan điểm “chi phí đi vay có thể đã đạt đến đỉnh điểm” nên không cần tăng lãi suất.

Richardson lo ngại lạm phát sẽ tăng trở lại nếu ngưng tăng lãi suất đủ lâu. “Việc ngưng chiến dịch tăng lãi suất sớm có thể khiến Fed mất khả năng xử lý tình thế và đưa ra những lựa chọn tồi tệ trong tương lai. Điều đó từng xảy ra vào thập niên 1970 – ông nói – Lãi suất tăng kịch tính từ giữa năm 1972 đến 1974 rồi đột ngột giảm khi nền kinh tế suy thoái. Lúc đó, lạm phát lập tức tăng trở lại, buộc Paul Volcker, người tiếp quản Fed năm 1979, phải xử lý. Volcker đẩy lùi lạm phát hai con số bằng cách tăng chi phí đi vay cao đến nỗi đã gây ra các cuộc suy thoái liên tiếp vào đầu thập niên1980 mà có lúc đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên hơn 10%. Nếu Fed đi vào lối mòn cũ mà không duy trì chiến dịch chống lạm phát, phép loại suy lịch sử cho thấy điều tệ hại sẽ lập lại, thậm chí tồi tệ hơn”.

Nền kinh tế Mỹ bây giờ cũng khác rất nhiều so với 50 năm trước. Nhưng rủi ro luôn cao đối với Fed tại những thời điểm nền kinh tế không chắc chắn. Dữ liệu công bố ngày 5 Tháng Năm cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo thêm 253,000 việc làm trong Tháng Tư, mức tăng bất ngờ khi nhiều chỉ dẫn cho thấy việc tuyển dụng đang chậm lại. Thực tế đó có thể giúp Fed tự tin để tiếp tục tăng lãi suất, bất chấp hy vọng ngược lại ở Wall Street.

Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, nhận định trong một lưu ý gửi khách hàng: “Sức mạnh của dữ liệu việc làm Tháng 4 đã tạo động lực duy trì chính sách của Fed trong tương lai nhưng lại gây thất vọng cho các nhà đầu tư”. Trong khi đó, các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu không sớm đạt được thỏa thuận nâng trần nợ quốc gia (debt ceiling).

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trên chương trình “This Week” của ABC: “Chúng ta cần phải tăng trần nợ công để tránh thảm họa kinh tế. Trừ khi trần nợ công được tăng lên, Hoa Kỳ sẽ không thể thanh toán các hóa đơn của mình vào đầu tháng Sáu”. Các nhà quan sát kỳ vọng nhiều vào cuộc họp giữa Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo Quốc hội, gồm cả Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hoà-California) vào ngày 9 Tháng Năm.

Wally Adeyemo, Thứ trưởng Tài chính nhận định: “Sự không chắc chắn của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và các doanh nghiệp khó lập kế hoạch cho tương lai. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy những tác động đối với nền kinh tế khi Quốc hội không giải quyết được trần nợ công và nước Mỹ đi vào vỡ nợ!”. Đã có suy đoán Biden có thể tìm ra cách đơn phương giải quyết trần nợ công theo Hiến pháp nếu Quốc hội bị chia rẽ không thể đi đến thoả thuận. Nhưng bà Yellen khuyến cáo: “Không có lựa chọn nào tốt hơn một thỏa thuận. Tôi không muốn bàn đến các lựa chọn khẩn cấp. Điều quan trọng là các thành viên của Quốc hội nhận ra trách nhiệm của họ”.

Trong khi đó cổ phiếu ngân hàng khu vực có thêm biến động lớn. Chỉ số ngân hàng khu vực KBW (KBW Regional Banking Index, dùng theo dõi những ngân hàng cho vay quy mô trung bình) đã giảm 8% vào tuần trước. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ sự thất bại của Silicon Valley Bank vào Tháng Ba.

Tuy nhiên, tuần này cũng có một tín hiệu lạc quan hơn: Cổ phiếu của ngân hàng PacWest đã tăng 39% và tiếp tục đà phục hồi. Ngân hàng cho vay có trụ sở tại California này cho biết sẽ cắt giảm các khoản thanh toán cổ tức bằng tiền mặt để tiết kiệm tiền mặt. Giám đốc điều hành Paul Taylor tuyên bố: “Với sự không chắc chắn của nền kinh tế hiện nay, sự biến động gần đây trong lĩnh vực ngân hàng và những thay đổi tiềm ẩn khác, hoạt động kinh doanh của chúng tôi về cơ bản vẫn ổn định”.

Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực khác, gồm cả Zions và Comerica cũng tăng trong phiên giao dịch Thứ Hai. Nhưng với các biến động đang diễn ra, còn quá sớm để tuyên bố cuộc khủng hoảng niềm tin của người gửi tiền vào ngân hàng đã kết thúc. Hãy nhớ các nhà đầu tư lo lắng thế nào trước sự thất bại của First Republic Bank vào tuần trước. Dù JPMorgan Chase mua toàn bộ tiền gửi và phần lớn tài sản (asset) của ngân hàng này để bảo vệ người gửi tiền (depositor), nhưng các cổ đông (shareholder) đã bị xóa sổ, dẫn đến cuộc điểm mặt những ngân hàng cho vay dễ bị tổn thương khác để tạo ra cơn sốt rút tiền mới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: