California: Cách tiếp cận mới với Covid-19 như thế nào?

Chiến lược “Smarter” (shots, masks, awareness, readiness, testing, education and Rx) của Thống đốc Gavin Newsom (ảnh: Allen J. Schaben/Los Angeles Times/Getty Images)

Thứ Năm 17 Tháng Hai, Thống đốc tiểu bang California Gavin Newsom đã công bố kế hoạch để trở thành tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ xem coronavirus chỉ còn là bệnh dịch “đặc hữu” (endemic).

Thống đốc Newsom đã công bố một cột mốc quan trọng khi chính thức thông báo tiểu bang của ông sẽ trở thành nơi đầu tiên trên toàn quốc xem coronavirus chỉ còn là một nguy cơ đặc hữu, có thể kiểm soát được. Quyết định của ông đánh dấu giai đoạn mới quan trọng trong phản ứng chung của tiểu bang và có thể trở thành động lực chung của nước Mỹ khi chính quyền ở các tiểu bang khác cũng tìm cách quay trở lại tình trạng bình thường dù biến thể Omicron chưa hết lan tràn.

“Chúng ta sắp chuyển từ giai đoạn khủng hoảng sang giai đoạn mới: Tìm cách sống chung với coronavirus. Đại dịch này sẽ không có điểm kết thúc xác định và không có ngày kết thúc. Kế hoạch mới nhằm giải tỏa sự mệt mỏi của dân chúng khi các biện pháp y tế công cộng ngăn chặn virus và duy trì tinh thần lạc quan đã phát huy hiệu quả – Newsom giải trình tại cuộc họp báo – Mọi người chờ bước sang trang mới cũng nên biết chúng tôi cần sự hỗ trợ của họ và chúng tôi vẫn xem việc giữ an toàn cho cộng đồng là ưu tiên. Hiện, việc giải quyết khủng hoảng không còn là trọng tâm mà là khả năng phòng ngừa và thích ứng với dịch bệnh và làm sao để những cơ quan hữu quan đẩy mạnh biện pháp phát hiện và ngăn chặn các đợt bùng phát mới cũng như phát hiện các biến thể mới, kể cả các chiến dịch qui mô chống lại thông tin sai lệch, tăng cường dụng cụ kiểm dịch và phương tiện điều trị hơn là bắt buộc mang khẩu trang và đóng cửa hoạt động kinh doanh”.

Kế hoạch “Smarter” của Newsom (viết tắt của shots, masks, awareness, readiness, testing, education and Rx – tiêm chủng, khẩu trang, ý thức, sẵn sàng, xét nghiệm, giáo dục và Rx) gồm duy trì một kho chứa 75 triệu khẩu trang, tăng tỷ lệ tiêm chủng, tăng số xét nghiệm hàng ngày, theo dõi nước thải để tìm tàn dư virus và chủ động ứng phó với một đợt tăng đột biến có thể xảy ra bằng cách tuyển thêm nhân viên y tế làm việc theo hợp đồng từ các công ty cung cấp lao động.

Theo dữ liệu mới nhất của tiểu bang, kế hoạch mới đánh dấu một sự thay đổi quan trọng đối với California kể từ khi đại dịch bắt đầu với hơn 82,000 ca tử vong được ghi nhận. California, giống như nhiều nơi của Mỹ, đã chứng kiến ​​số ca nhiễm mới giảm sau đợt tăng mạnh do biến thể Omicron. Tuần này, nhiều nơi đã dừng lệnh buộc mang khẩu trang đối với những người tiêm chủng đầy đủ (nhưng các quan chức y tế vẫn khuyên nên đeo khẩu trang ở các không gian công cộng trong nhà).

Tuy nhiên, không phải kế hoạch của Newsom đều được mọi người hoan nghênh. Chủ tịch đảng Cộng hòa California, bà Jessica Millan Patterson gọi kế hoạch là “cường điệu quá mức” (over-hyped). Bà nói: “Hôm nay, Gavin Newsom đã mời chúng ta món salad chữ nghĩa (word salad) lớn và một ít món khác”. Thay đổi của California được đưa ra khi nhiều cuộc thăm dò cho thấy người dân Mỹ đã quá mệt mỏi với đại dịch. Cách tiếp cận mới về coronavirus đối với gần 40 triệu cư dân California được xem là báo trước những tác động dây chuyền trên khắp nước Mỹ, nhưng tỷ lệ tiêm chủng khác nhau có nghĩa là một số khu vực được chuẩn bị tốt hơn những khu vực khác để sống chung với Covid.

Hiện còn khoảng 35% người Mỹ chưa được tiêm chủng đầy đủ vì những lý do khác nhau. Một số quốc gia cũng đã bắt đầu thăm dò ý kiến của người dân để xem coronavirus vào bệnh dịch đặc hữu, nghĩa là chấp nhận để nó tồn tại ở mức kiểm soát được trong những năm tới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) định nghĩa “đặc hữu” là “sự hiện diện thường xuyên” và/hoặc “sự phổ biến thường xuyên của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm ở một quần thể sống trong một khu vực địa lý”. Tuy nhiên, theo các quan chức y tế công cộng, nước Mỹ vẫn chưa đạt được tình trạng này.

Albert Ko, Chủ nhiệm khoa dịch tễ học và bệnh do vi sinh vật gây ra tại Trường Y tế Công cộng Yale, nói với Washington Post: “Sự chuyển dịch từ đại dịch sang đặc hữu không bao giờ tức thì và khó xác định. Đây không phải là một tình huống quay ngược công tắc để chuyển ngay từ đại dịch sang đặc hữu mà là một quá trình dần dần như chúng ta đang trải qua”. Mới đây, Anthony S. Fauci, Cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden, đã không sử dụng từ “đặc hữu” trong cuộc phỏng vấn của tờ Financial Times mà chỉ nói “Mỹ đang thoát khỏi giai đoạn bùng nổ của đại dịch đến mức có thể giảm bớt các hạn chế khi virus đã dễ quản lý hơn”. Ngày 16 Tháng Hai, ông Fauci nói với hãng tin Reuters: “Mỹ và những quốc gia khác trên thế giới đã sẵn sàng quay lại cuộc sống bình thường.

Tòa Bạch Ốc cũng có suy nghĩ tương tự. Điều phối viên phản ứng Jeff Zient nói vào ngày 16 Tháng Hai: “Chúng ta đang tiến tới thời điểm mà Covid không còn là cuộc khủng hoảng sức khỏe, mà là một dịch bệnh trong đó chúng ta có thể phòng thủ và điều trị được. Tổng thống và nhóm đặc trách Covid đang tích cực lập kế hoạch cho tương lai”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: