Nối tiếp xu hướng tăng mạnh của tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch hôm Thứ Hai, 19 Tháng Tám.
Mũi tên trên bảng chứng khoán tăng liên tục làm dịu bớt cái nóng gay gắt của miền Nam California những ngày qua, cũng là tín hiệu vui trước hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến diễn ra trong tuần này.
Hôm qua, chỉ số Dow Jones tăng 236.77 điểm, tương đương tăng 0.58%, đạt 40,896.53 điểm trong phiên đóng cửa. Chỉ số S&P 500 tăng 0.97%, đạt 5,608.25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1.39%, đạt 17,876.77 điểm. Đây là phiên tăng thứ tám liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq, chuỗi phiên tăng dài nhất của mỗi chỉ số. Tuần trước, cả ba chỉ số cùng ghi nhận mức tăng tuần mạnh nhất kể từ đầu năm.
Thị trường chứng khoán bước sang Tháng Tám với trạng thái biến động mạnh, khi một vài dữ liệu kinh tế đáng thất vọng làm dấy lên mối lo về suy thoái kinh tế và khả năng Fed đã quá chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất. Nhưng các dữ liệu mới trong tuần trước giúp xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư, đem theo tia nắng hy vọng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà đầu tư lạc quan khi đón nhận báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 7 tốt hơn dự báo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm xuống, và báo cáo tài chính khả quan của hãng bán lẻ Walmart. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 ghi nhận mức tăng thấp nhất trong hơn 3 năm.
“Thị trường đã phục hồi gần như hoàn toàn sau đợt bán tháo vì nỗi lo suy thoái quá mức xuất hiện vào đầu tháng này,” giám đốc điều hành Greg Marcus của công ty UBS Private Wealth Management nói với CNBC. “Chúng tôi cho rằng mức độ biến động của thị trường sẽ duy trì ở mức cao từ nay tới cuối năm. Chúng tôi lạc quan về thị trường, nhưng không nghĩ thị trường sẽ tăng vọt như một đường thẳng. Lý do là nền kinh tế đang giảm tốc và có thể sẽ có một số dữ liệu kinh tế xung đột trong những tháng sắp tới.”
Trong một báo cáo mới công bố, ngân hàng Goldman Sachs hạ khả năng nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ về mức 20% từ 25% trước đó, không lâu sau khi nâng khả năng này từ 15% lên 25%. Theo chiến lược gia Henry Allen của ngân hàng Deutsche Bank, dù thị trường đã bình tĩnh trở lại, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý rằng các yếu tố nền tảng dẫn tới bán tháo trên toàn cầu cách đây hai tuần vẫn chưa hoàn toàn biến mất.
Hãng tin Reuters trích dẫn lời của ông Allen viết trong một báo cáo: “Dữ liệu kinh tế trên toàn cầu đang ngày càng yếu đi. Lạm phát giảm đồng nghĩa chính sách tiền tệ thực tế ngày càng thắt chặt hơn, mối lo về địa chính trị đang cao, và chúng ta đang bước vào một giai đoạn khó khăn mang tính mùa vụ.”
Thứ Sáu tuần trước, Đại Học Michigan công bố báo cáo khảo sát cho thấy niềm tin người tiêu dùng tăng mạnh hơn dự báo. Theo đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt 67.8 điểm trong Tháng Tám, so với mức 66.4 điểm của Tháng Bảy, và mức dự báo 66.9 điểm mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters.