Buổi điều trần đầu tiên của Uỷ Ban Đặc trách điều tra cuộc tấn công vào Quốc Hội ngày Sáu tháng Giêng (gọi tắt là Uỷ Ban 6/1) đã kết thúc, nhưng dư âm của hai tiếng đồng hồ đầy kịch tính ấy vẫn còn vang dội khắp internet và trên các mạng xã hội. Theo thống kê của cơ quan Nielsen, khoảng 20 triệu người trên nước Mỹ đã mở TV xem miniseries mới nhất này trên các đài chính thống như ABC, NBC, CBS… Chưa kể không biết bao nhiêu người nữa xem trực tuyến trên máy tính, điện thoại, iPad v.v. qua những kênh như YouTube và các website khác, không chỉ ở Mỹ mà khắp nơi trên thế giới.
Đài Fox dĩ nhiên đã giữ lời hứa không chiếu chương trình “reality TV” này, có lẽ vì không muốn khán giả mình bị đầu độc bởi sự thật về cuộc phiến loạn. Nhưng dù Fox cố né tránh cách mấy, trước sau gì sự thật vẫn là sự thật. Còn đối với những người đã muốn nhắm mắt bịt tai thì có nói cách nào họ cũng không thèm nghe; dẫu không bị điếc họ cũng giả đò không hiểu, không tin, không hay biết.
Chi tiết động trời
Từ hơn cả năm nay, công chúng đã được nghe quá nhiều những câu chuyện cũng như được xem vô số video clip về ngày Sáu tháng Giêng. Những tưởng bấy nhiêu đã đủ rồi, nhưng tại buổi điều trần Uỷ ban 6/1 đã tung ra thêm một lô hình ảnh và video chưa từng được công bố. Gây sốc nhất có lẽ là hình ảnh một đại đội Proud Boys chừng 250 gã râu ria, nhiều người mặc áo giáp và mang thiết bị như sắp sửa ra trận, đồng loạt tiến về Điện Quốc Hội lúc 10 giờ sáng – hơn hai tiếng đồng hồ trước khi Donald Trump bước lên bục diễn thuyết.
Như vậy cuộc tấn công hôm ấy nào phải do “quần chúng tự phát” sau khi nghe lời hiệu triệu từ vị lãnh tụ của họ như một số đài báo và dân biểu nghị sĩ Cộng Hoà rêu rao bấy lâu nay? Đã vậy, ta còn được Uỷ Ban cho biết, với hình ảnh kèm theo làm bằng chứng, rằng đêm hôm trước bọn Proud Boys này còn mang súng đạn đến chất đầy một khách sạn ở Maryland thuộc vùng ngoại ô Washington D.C., sẵn sàng để tấn công thủ đô nếu có lệnh. Như đã nói trong một bài trước, trong số năm tên Proud Boys đang trộ khám, bốn người từng phục vụ trong quân đội.
Nhà làm phim tài liệu Nick Quested, một nhân chứng trong buổi điều trần hôm thứ Năm, còn quay được cảnh thủ lãnh nhóm Proud Boys Enrique Tarrio gặp gỡ bí mật tên trùm của nhóm Oath Keepers là Steward Rhodes dưới hầm garage. Họ nói gì với nhau thì ta không biết, nhưng cả hai hiện đang nằm tù chờ ngày ra toà tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Cú lừa vĩ đại
“The Big Lie” là cụm từ được báo chí dùng để gọi cú lừa vĩ đại mà Donald Trump và những kẻ thân cận của ông ta đã dùng để thuyết phục những người phò Trump rằng cuộc bầu cử 2020 đầy rẫy gian lận và do đó chiến thắng của Joe Biden là bất chính. Mặc dù phe Trump không trưng ra được bất cứ bằng chứng nào, nhưng họ vẫn lặp đi lặp lại câu dối trá ấy không ngượng miệng khiến không biết bao người nhẹ dạ tin như sấm.
Trong buổi điều trần, Uỷ Ban 6/1 đã đưa ra hai video clip ngắn cho thấy chính những người thân cận nhất của Trump cũng không tin có gian lận bầu cử. Người thứ nhất là Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr. Ông Barr nói với Uỷ Ban ông đã không tìm được bất cứ chứng cớ nào cho thấy có gian lận, và ông đã nói thẳng với Trump rằng cáo buộc ấy là vô căn cứ, là chuyện dở hơi (“nonsense”). Trưởng nữ của Trump là Ivanka cũng thú nhận với Uỷ Ban cô ta tin lời Bill Barr, rằng không có gian lận bầu cử. (Sau buổi điều trần, Donald Trump đã lên mạng Truth Social của mình để trách móc cô con gái.)
Lạy ông con ở bụi này!
Ivanka không phải là người thân duy nhất của Trump bật mí việc nhiều người thừa biết Trump nói láo nhưng vẫn lao vào cuộc đảo chánh bất thành. Jared Kushner, chồng Ivanka và là cố vấn tối cao cho Tổng thống Trump, nói với Uỷ Ban rằng trong những tuần lễ ngay sau vụ phiến loạn, có ít nhất ba bốn dân biểu Hạ Viện đã gởi thư đến Bạch Cung xin được tổng thống ân xá trước khi ông Trump hết nhiệm kỳ.
Theo CNN, những vị dân biểu ấy là: Paul Gosar (Arizona); Andy Biggs (Arizona); Mo Brooks (Alabama); và Scott Perry (California). Ta không rõ những người này sợ họ sẽ bị kết tội gì sau khi Joe Biden lên cầm quyền, nhưng họ xin ân xá trước cả khi bị truy tố có lẽ vì họ biết (hoặc lo) rằng mình có thể sẽ bị kết tội. Riêng Scott Perry thì quyết liệt chối phăng việc mình đã xin ân xá sớm, và gọi những cáo buộc của Uỷ Ban 6/1 là láo toét (“a soulless lie”).
Tổng thống bị tiếm quyền
Vài tiếng đồng hồ sau khi Quốc Hội bị đám đông tiến chiếm, trong lúc các dân biểu nghị sĩ và nhân viên của họ phải tháo chạy tìm chỗ ẩn náu, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đã không có bất cứ động thái nào để giải vây cho những người đang bị mắc kẹt trong Điện Capitol, kể cả vị Phó của mình là Mike Pence.
Dân biểu Liz Cheney, đồng chủ tịch Uỷ Ban 6/1, kể rằng khi ông Trump nghe những kẻ làm loạn hô to khẩu hiệu đòi treo cổ Mike Pence, ông ta còn nói với thuộc hạ mình rằng đó cũng là một ý tưởng hay (“maybe our supporters have the right idea”) và nếu Pence bị như vậy thì cũng đáng lắm (“he deserves it”). Bà Cheney nói khi Quốc Hội đang bị đám đông tấn công dữ dội, ông Trump vẫn bình chân như vại theo dõi cuộc phiến loạn trên màn ảnh TV trong Bạch Cung:
“Ông ta đã không gọi Bộ trưởng Quốc phòng. Không nói chuyện với Bộ trưởng Tư pháp. Không nói chuyện với Bộ An ninh Quốc gia. Tổng thống đã không ra lệnh cho Vệ binh Quốc gia nhập cuộc. Và ông đã không phối hợp với Bộ Tư pháp để huy động các nhân viên công lực. Mike Pence là người đã phải làm những chuyện đó.”
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, kể lại rằng Phó Tổng thống Pence đã gọi cho ông liên tục, giọng hớt ha hớt hải, biểu phải gởi quân đội đến ngay lập tức. Trong khi đó thì Giám đốc Nhân sự Bạch Cung Mark Meadows yêu cầu Tướng Milley đừng để cho người ngoài biết rằng Phó Tổng thống Mike Pence là người đang cầm quyền chứ không phải Tổng thống Trump. Tướng Milley nói khi nghe đến đó, trong đầu ông chỉ hiện ra ba chữ: “Chính trị. Chính trị. Chính trị.”
Căn cứ theo Điều II, Khoản I, Mục 6 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, Phó Tổng thống chỉ có quyền điều động quân đội và điều hành đất nước nếu Tổng thống “bị truất phế, qua đời, từ chức, hoặc không còn khả năng thực thi các quyền hành thuộc nhiệm sở của mình.”