Cuộc bầu cử giữa kỳ và những lời nói dối

BÌNH LUẬN CHỦ NHẬT
Share:
Càng sát ngày bầu cử, hai đảng càng ráo riết vận động cử tri. Ảnh: Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Barack Obama đến Pennsylvania hôm thứ Bảy 5-11-2022 để vận động cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng Dân Chủ vào ghế thượng nghị sĩ và thống đốc. Ảnh Mark Makela/Getty Images)

Chỉ hai ngày nữa, ngày 8 tháng Mười Một 2022, cử tri Hoa Kỳ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ hết sức quan trọng. Có lẽ đây là cuộc bầu cử mà những lời tuyên truyền dối trá được sử dụng rộng rãi nhất để triệt hạ đối thủ.

Thực ra, rất đông cử tri đã đi bầu sớm, hoặc gửi phiếu bầu qua đường bưu điện hoặc trực tiếp bỏ phiếu tại các điểm bầu cử mở cửa 11 ngày trước ngày bầu cử chính thức. Ngày 8 Tháng Mười Một có thể coi là ngày hoàn tất cuộc bầu cử đã kéo dài gần một tháng.

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, ở cấp liên bang, cử tri sẽ bầu toàn bộ Hạ Viện 435 dân biểu, 35 trong số 100 thượng nghị sĩ Thượng Viện; 36 tiểu bang sẽ bầu thống đốc và những chức vụ quan trọng khác và cho biết ý kiến (chấp thuận / bác bỏ) một số dự luật quan trọng của tiểu bang mình.

Trọng tâm chú ý là bầu cử Thượng, Hạ Viện và thống đốc các tiểu bang.

Trong số 35 ghế thượng nghị sĩ sẽ bầu lại, có 14 ghế hiện do đảng Dân Chủ nắm và 21 ghế do đảng Cộng Hòa nắm. Trong số 36 thống đốc tiểu bang sẽ bầu lại, đảng Cộng Hòa có 20 thống đốc, đảng Dân Chủ có 16.

Cũng như mọi cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 là trận đấu quyết liệt giữa hai đảng chính trị lớn nhất, Dân Chủ và Cộng Hòa. Đảng nào giành được thắng lợi chung cuộc sẽ có tiếng nói quyết định về đường lối của đất nước trong những năm tới ở tất cả các lĩnh vực, từ ngoại tế, kinh tế, pháp luật đến những vấn đề dân sinh cụ thể.

Cho đến nay, khảo sát ý kiến cử tri của các tổ chức thăm dò dư luận và các tổ chức truyền thông đều dự đoán, đảng Cộng Hòa gần như chắc chắn giành lại vị thế đa số ở Hạ Viện mà hiện Cộng Hòa đang kém Dân Chủ 9 ghế (213-222); có thể giành đa số ở Thượng Viện mà hiện hai đảng đang cân bằng 50-50. Người ta cũng dựa vào các tiền lệ lịch sử, trong đó đảng nắm quyền hành pháp (tổng thống) thường thất bại trước đảng đối lập trong cuộc bầu cử giữa kỳ, dẫn tới một sự cân bằng quyền lực, một đảng ngồi trong Tòa Bạch Ốc còn một đảng chiếm đa số Quốc Hội. 

Nếu những dự đoán này là đúng, nghĩa là đảng Cộng Hòa giành lại vị thế đa số trong Quốc Hội Hoa Kỳ sau ngày 8 tháng Mười Một sắp tới thì chính quyền Joe Biden sẽ gặp thử thách lớn trong việc theo đuổi các chương trình nghị sự của mình.

Tuy nhiên, bầu cử tự do cũng giống như đá banh, luôn hàm chứa những điều bất ngờ mà có khi đến phút 89 vẫn chưa xác định được kết quả.

***

Cho đến cuối tháng Mười, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Mỹ không hài lòng với cách điều hành đất nước của đảng Dân Chủ và Tổng thống Joe Biden. Trang mạng FiveThirtyEight cho biết, chỉ có 42% số người được hỏi là hài lòng với công việc chính phủ và 52% là không hài lòng. 

Lợi thế của đảng Cộng Hòa là tỷ lệ lạm phát ở Mỹ trong năm 2022 đã lên mức cao nhất trong bốn thập niên qua. Giá xăng dầu cao chót vót cùng với tình trạng khan hiếm hàng hóa do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn đã kéo giá tất cả các mặt hàng lên cao, xói mòn túi tiền của người dân, nhất là dân lao động và tầng lớp trung lưu mà tiền lương và thu nhập không tăng tương ứng.

Từ lạm phát, các lý thuyết gia của đảng Cộng Hòa cảnh báo một cuộc suy thoái của kinh tế Mỹ sắp xảy ra, hủy hoại tài sản và cuộc sống của mọi người dân. Vô số các nhà quản trị các tập đoàn kinh tế lớn nhất nối nhau xuất hiện trên truyền hình đưa ra những nhận định rất u ám về nền kinh tế Mỹ, cứ như một vụ sụp đổ là không thể tránh khỏi và sẽ đến rất sớm. Những thông điệp như vậy, dù trái với sự thật, vẫn có hiệu ứng lan tỏa tâm lý bi quan trong toàn xã hội, dẫn tới nỗi thất vọng đối với chính quyền.

Một hiện tượng thứ hai tác động mạnh tới tâm lý cử tri là tình trạng tội phạm, nhiều hơn và nghiêm trọng hơn đến mức ở nhiều thành phố người dân ngại đi ra đường một mình vào ban đêm hoặc tới chỗ vắng. Sự an toàn, nhất là đối với người cao niên, người dân các sắc tộc thiểu số, da màu, càng ngày càng ít được bảo đảm. Những vụ lớn như thảm sát bằng súng đạn cho đến những vụ ít nghiêm trọng như đập kính xe hơi để ăn cắp đồ dùng, xảy ra thường xuyên như cơm bữa.

Lạm phát trên thế giới vào cuối tháng Năm 2022

Đảng Cộng Hòa tập trung xoáy vào những thực trạng này và đổ lỗi cho đảng Dân Chủ kém cỏi trong điều hành kinh tế, tăng lương và chi tiêu quá nhiều và “quá mềm mỏng” trong quản lý xã hội. Sự đổ lỗi này được khuếch đại trong tất cả các quảng cáo tranh cử của các ứng cử viên Cộng Hòa, được hậu thuẫn của các tổ chức truyền thông cánh hữu như mạng truyền hình Fox News, Newsmax… và nguồn tài trợ khổng lồ từ các tỷ phú tài phiệt.

Việc xoáy vào các chủ đề thiết thực với đời sống như kinh tế, lạm phát, tội phạm, tác động trực tiếp đến nỗi lo toan thường nhật của cử tri giúp cho đảng Cộng Hòa tự thể hiện thành một tổ chức chính trị chăm lo đến đời sống người dân, vừa để né tránh những quan điểm của đảng này bị cử tri phản đối như vấn đề quyền phá thai, tình hình di dân bất hợp pháp ở biên giới v.v…

Chiến lược tranh cử đó của đảng Cộng Hòa có hiệu quả lớn. Trong các cuộc thăm dò dư luận, phần lớn cử tri đều cho các vấn đề mà đảng này nêu ra là trọng tâm lựa chọn của họ, vượt lên trên những vấn đề cấp bách khác như quyền bầu cử, quyền phá thai, thể chế dân chủ…

***

Nhưng hầu hết những lời đổ tội cho chính quyền Biden và đảng Dân Chủ về lạm phát, suy thoái kinh tế, tội phạm lan tràn mà đảng Cộng Hòa đưa ra đều không có cơ sở vững chắc và khó có thể gây được lòng tin trong những cử tri có suy nghĩ sâu sắc. Lạm phát chẳng hạn là một hiện tượng có thật, ai cũng cảm nhận được mỗi khi đi đổ xăng hay mua sắm ở siêu thị. Nhưng việc đổ lỗi cho chính quyền Biden là không đúng, không chỉ ra được nguyên nhân thật sự của vấn đề tăng giá hàng hóa.

Lạm phát năm 2022 là một hiện tượng toàn cầu, nước nào cũng bị lạm phát, và với tỷ lệ 8.3%/năm, lạm phát của Mỹ còn kém xa nhiều nước công nghiệp khác như Anh (9.0%), Hà Lan (9.6%) hay Brazil (12.1%) dù những nước này không nằm dưới quyền cai trị của ông Biden và đảng Dân Chủ.

Đại dịch COVID-19 làm đứt quãng nguồn cung cấp hàng hóa, nhiên liệu, tiếp theo đó là cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga và các biện pháp cấm vận kinh tế của phương Tây rồi cuộc phong tỏa kéo dài, làm gián đoạn sản xuất công nghiệp ở nhiều trung tâm kinh tế của Trung Quốc nhằm thực hiện biện pháp “zero-COVID” của Tập Cận Bình là những thủ phạm gây ra tình trạng lạm phát, tăng giá hàng hóa trên toàn thế giới.

Tăng mạnh nhất là các mặt hàng nhiên liệu (xăng, dầu, khí đốt) và lương thực thực phẩm. Khi những nguyên nhân gây lạm phát chưa được xử lý triệt để thì giá cả chưa thể ổn định. Ông Biden và đảng Dân Chủ có tài thánh cũng không giải quyết được. Những biện pháp của chính quyền Biden như xả kho dự trữ quốc gia để tăng nguồn cung dầu cho thị trường chỉ là động tác bất đắc dĩ, tạm thời làm giảm nhẹ chứ không thể giải quyết dứt điểm vấn nạn lạm phát.

Một nguyên nhân ít người để ý là các tập đoàn độc quyền đã lợi dụng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa để tăng giá và trục lợi, buộc người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho cùng một sản phẩm mà họ đã mua năm ngoái, năm kia. Không ai phủ nhận giá nguyên liệu mua vào tăng buộc các nhà sản xuất phải tăng giá hàng bán ra, nhưng nghiên cứu của các nhà kinh tế chỉ ra rằng việc tăng giá bán mang lại doanh thu cao hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra để mua nguyên liệu và trả lương người lao động.

Ở mặt hàng xăng dầu chẳng hạn, trong khi người lái xe méo mặt vì khi đổ một bình xăng phải trả nhiều tiền gấp rưỡi so với năm ngoái thì các đại gia xăng dầu báo cáo lợi nhuận chín tháng đầu năm nay cao một cách khó tưởng tượng: So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của hãng Exxon tăng 203% lên $43 tỷ, của Chevron tăng 175% lên $29 tỷ, của BP tăng 161% lên $22.8 tỷ và của Shell tăng 138% lên $33 tỷ. Nói cách khác, các tập đoàn xăng dầu đang lợi dụng tình trạng thiếu nguồn cung do chiến tranh và nhu cầu tiêu thụ tăng sau đại dịch để nâng giá và thủ lợi, đẩy người tiêu dùng vào khó khăn. 

Đổ thừa chính quyền Biden gây ra lạm phát xói mòn túi tiền của người Mỹ là một lối lập luận gian trá, chỉ cố kích động sự căm ghét của cử tri mà không dựa trên tình hình thực tế và suy luận thấu đáo.

***

Về kinh tế nói chung cũng vậy. Các nhà tài phiệt mở miệng là nói kinh tế Mỹ suy thoái, đi thụt lùi, thậm chí sắp sụp đổ để phục vụ cho tính toán chính trị của đảng Cộng Hòa – đảng có lập trường ủng hộ các các tập đoàn lớn và hạn chế sự can thiệp của chính phủ. Họ thừa biết thực tế là kinh tế Mỹ đang mạnh. Tỷ lệ người thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Đồng đôla Mỹ mạnh đến mức vượt qua cả giá trị của đồng euro châu Âu và lần đầu tiên người ta phải bỏ ra tới 140 yen Nhật mới mua được 1 đôla Mỹ. Thâm hụt ngân sách của chính phủ đã giảm được một nửa. Tăng trưởng kinh tế trong quý ba 2022 của Mỹ đạt 2.9%/năm, cao hơn cả tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. 

Lý thuyết kinh tế học cho rằng, một nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái khi tăng trưởng GDP bị giảm trong ba quý liên tiếp – điều chưa thấy ở kinh tế Mỹ năm 2022 và trong tương lai gần. Tuyên truyền sai lệch về suy thoái kinh tế nhằm gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bi quan để tác động đến lá phiếu cử tri là một hành vi không lương thiện.

Phê phán chính quyền Biden điều hành kinh tế kém cỏi nhưng đảng Cộng Hòa không đưa ra được một chính sách thay thế nào. Họ sẽ làm gì để giảm lạm phát, ngăn chặn kinh tế suy thoái? Đảng Cộng Hòa nói rằng nếu giành được đa số trong Quốc Hội, họ sẽ ra luật cắt giảm thuế cho các công ty (như ông Donald Trump đã làm), giảm các chương trình phúc lợi như Quỹ An sinh Xã hội, chương trình Medicare và cắt giảm viện trợ cho cuộc kháng chiến của Ukraine. Những chính sách đó chắc chắn gây thiệt hại cho người nghèo và trung lưu, nhưng chưa chắc giúp kinh tế phát triển mạnh hơn.

Trong 100 năm qua, nước Mỹ trải qua 17 cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, tất cả đều xảy ra dưới quyền lãnh đạo của các tổng thống Cộng Hòa.

Tội phạm bạo lực gia tăng có nguyên nhân từ tình trạng súng đạn tràn lan mất kiểm soát. Một nhân viên tuần tra xa lộ Texas đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát tại trường tiểu học Robb Elementary ở Uvalde, Texas. Tại cuộc họp báo sáng thứ Sáu 27 tháng Năm 2022. Ảnh Michael M. Santiago/Getty Images.

Tình trạng tội phạm ở Mỹ đã giảm liên tục trong nhiều năm và bắt đầu tăng trở lại từ năm 2019 đến nay. Nhưng không phải là do chính quyền của đảng Dân Chủ nhẹ tay với tội phạm, đòi giảm ngân sách dành cho lực lượng cảnh sát, như tuyên truyền của đảng Cộng Hòa. 

Nguyên nhân thực sự nằm ở chính sách tự do sở hữu súng, không bị kiểm soát; thậm chí một số tiểu bang Cộng Hòa ra luật cho phép cư dân mang súng tới nơi công cộng mà không cần phải có giấy phép. Từ 2019 đến 2022 số vụ tội phạm bạo lực ở Mỹ tăng 28%, trong đó các vụ giết người bằng súng tăng tới 35%. Và các nghiên cứu ghi nhận ở những tiểu bang Cộng Hòa bỏ phiếu cho ông Trump năm 2020, tỷ lệ số vụ tội phạm bạo lực trên đầu người cao hơn tới 40% so với các tiểu bang Dân Chủ bầu cho ông Biden.

Một số chính trị gia Dân Chủ cấp tiến đã kêu gọi giảm bớt nguồn tài trợ cho cảnh sát, gia tăng tài trợ cho các dịch vụ xã hội ngăn ngừa tội phạm như dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đảng Cộng Hòa nói rằng giảm tài trợ cho cảnh sát làm cho tội phạm lan tràn. Thực tế là cho đến nay lời kêu gọi của một số dân biểu Dân Chủ vẫn chỉ là lời nói, chưa có địa phương nào cắt giảm nguồn lực của cảnh sát; thực tế có tới 83% số thành phố và tiểu bang ở Mỹ tăng ngân sách cho các lực lượng thực thi pháp luật của mình thay vì cắt giảm như tin đồn.

Cốt lõi của tình trạng bạo lực nằm ở chỗ nhiều người Cộng Hòa cực đoan hiện coi việc sử dụng vũ lực là biện pháp chính để giải quyết những bất đồng về quan điểm. Tâm lý đó cộng với tình trạng súng đạn tràn lan, mất kiểm soát đã dẫn tới những thảm họa về tội phạm bạo lực. Thay vì đổ lỗi cho đảng Dân Chủ và chính quyền Biden, lẽ ra đảng Cộng Hòa nên tìm cách thoát ra khỏi vòng kim cô của Hiệp hội Súng trường Mỹ và ban hành những đạo luật kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, sở hữu và sử dụng súng đạn, đồng thời có thái độ dứt khoát lên án hành vi sử dụng bạo lực.

Tiếc là đảng Cộng Hòa không có một cách suy nghĩ như vậy, họ bao che cho hành vi bạo loạn tấn công Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 tháng Giêng 2021 theo xúi giục của ông Trump, họ thậm chí chế giễu, vụ nhà riêng của Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi bị kẻ cực đoan đột nhập, đánh vỡ đầu chồng bà Pelosi, và họ im lặng trước những cuộc tấn công thường dân mà những kẻ theo chủ thuyết người da trắng thượng đẳng gây ra.

***

Đảng Dân Chủ có nhiều vấn đề của riêng họ, nổi bật là sự chia rẽ trong nội bộ đảng giữa lớp chính trị gia già như Biden, Pelosi với lớp trẻ cấp tiến, giữa đại diện các tiểu bang có thế mạnh kinh tế khác nhau. Sự rạn nứt nội bộ đó làm cho đảng Dân Chủ yếu hẳn đi và thể hiện rõ trong hai năm vừa qua, khi đảng Dân Chủ và chính quyền Biden phải rất chật vật mới thông qua được Quốc Hội các đạo luật trong chương trình lập pháp của họ.

Nhưng so ra với đảng Cộng Hòa đang biến thành một thứ “đảng Trump” thì đảng Dân Chủ ít ra vẫn trung thực hơn, quan tâm nhiều hơn tới nền dân chủ, tới cuộc sống thịnh vượng của cử tri.

Tự do lựa chọn là quyền thiêng liêng của cử tri. Nhưng nếu trong cuộc bầu cử sắp tới, cử tri Mỹ bị những luận điệu gian trá và sai trái lung lạc để lựa chọn sai lầm, trao quyền lập pháp cho đảng Cộng Hòa thì đó là một nỗi thất vọng rất lớn, lớn hơn nỗi thất vọng với chính quyền Biden hiện nay. Khi sự dối trá giành được quyền lực thì tương lai của nước Mỹ, của nền dân chủ lâu đời, sẽ có thể rất xấu.

_________

Trận chiến tháng 11: Khi Cộng hòa lẫn Dân chủ giành lá phiếu người Mỹ gốc Á

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: