Cuộc điều trần 6 Tháng Một 2021: Không bất kỳ ai có thể đứng trên Hiến pháp Hoa Kỳ

6 Tháng Một 2021 có thể được xem là sự kiện mà lần đầu tiên Hiến pháp Hoa Kỳ bị xé toạc (ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

Bối cảnh lịch sử

Gần một năm rưỡi sau ngày Quốc Hội bị tấn công bởi một đám đông ủng hộ Donald Trump với mục đích ngăn cản cuộc đếm phiếu Đại Cử Tri để chính thức hoá chiến thắng của Joe Biden, Uỷ ban Đặc trách Điều tra vụ Sáu tháng Giêng sẽ có một loạt sáu buổi điều trần vào tháng Sáu để công khai hoá những gì họ tìm thấy, hòng giúp công chúng hiểu rõ hơn chuyện gì đã xảy ra và những ai đứng sau lưng cuộc đảo chánh bất thành này.

Những kẻ quá khích trở nên cuồng loạn và bạo động không thể kiểm soát (ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

Ngày 6 Tháng Một 2021 là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ mà toà nhà Quốc Hội bị tấn công kể từ khi được xây lại sau Chiến tranh 1812 với Anh. Năm 1814 quân Anh chiếm Điện Quốc Hội và đốt phá Thư viện Quốc gia. Họ còn tiến đánh Bạch Cung khiến Tổng thống James Madison, cha đẻ bản Hiến Pháp, phải cùng gia đình lánh nạn sang Virginia. Đối với dân Mỹ lúc bấy giờ, thất bại quân sự này là một vết thương tâm lý sâu đậm vì trái tim nền dân chủ non trẻ của họ đã bị giặc ngoại xâm đâm một nhát khá nặng.

Những người bạo động không thuần túy đặt câu hỏi về lá phiếu bầu cử mà còn xuất phát chủ yếu từ sự sùng bái Donald Trump như một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ thời hiện đại (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Từ đó đến nay hai thế kỷ đã trôi qua, nước Mỹ đã trở thành cường quốc số một trên thế giới. Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng như bản Hiến Pháp Hoa Kỳ đã là nguồn cảm hứng cho biết bao quốc gia khác, trong đó có cả Việt Nam. Thế cho nên cuộc phiến biến 6 Tháng Một do chính người Mỹ trong nước gây ra đã khiến biết bao người sửng sốt, ngỡ ngàng, và tức giận. Có thể nói một cách không cường điệu rằng các buổi điều trần sắp tới đây của Uỷ Ban 6 Tháng Một còn nghiêm trọng gấp trăm lần vụ Watergate vào thập niên 1970 dẫn tới việc từ chức của Richard Nixon.

Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ mà người dân Mỹ lại tấn công chính trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Song song với cuộc điều tra của Quốc Hội mang tính chất lập pháp nhằm mục đích sửa đổi bộ luật hòng đề phòng sự kiện tương tự trong tương lai, Bộ Tư Pháp cũng có một cuộc điều tra riêng mang tính cách hình sự nhằm trừng phạt những kẻ có hành động phạm pháp và vi hiến. Lập Pháp và Tư Pháp, như ta biết, là hai nhánh độc lập trong thể chế tam quyền phân lập của nước Mỹ. Uỷ Ban 6 Tháng Một của Hạ Viện không có quyền kết án ai ngoài việc cáo buộc nhân chứng tội khinh thường Quốc Hội nếu họ không chịu ra điều trần khi nhận tống trát. Đó là trường hợp của Steve Bannon hồi Tháng Mười Một năm ngoái, và Peter Navarro hôm thứ Sáu vừa qua. Bộ Tư Pháp đã nhận đơn tố cáo từ Uỷ Ban và khởi tố hai người này; họ từng là cố vấn cho Donald Trump trước và sau khi ông ta lên làm tổng thống.

Tính mạng nhiều nghị sĩ bị đe dọa (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Phó Tổng thống Mike Pence bị đòi “treo cổ” (ảnh: Erin Schaff-Pool/Getty Images)

Bộ Tư Pháp đang làm gì?

Ngoài hai nhân vật nói trên, tính đến nay Tư Pháp đã bắt giữ và truy tố ít nhất 861 người dính líu đến cuộc phiến loạn. Hơn 300 người đã nhận tội để khỏi phải ra toà. Đa số bị khởi tố các tội như xâm nhập khu vực cấm vào, phá hoại tài sản của công, cản trở người thi hành công vụ, dùng vũ lực (hay vũ khí) tấn công cảnh sát v.v. Nhưng cũng có một số bị truy tố những tội hình sự nặng hơn.

Tháng Giêng năm 2022, đầu sỏ nhóm cực hữu Oath Keepers là Elmer Rhodes cùng mười thành viên của nhóm đã bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền. Đây là một tội danh cực kỳ nghiêm trọng và hiếm khi được dùng đến vì rất khó để chứng minh. Chỉ khi nào Tư Pháp thấy có đủ bằng chứng để thuyết phục bồi thẩm đoàn họ mới dám cáo buộc ai tội này.

Thế rồi hôm thứ Hai đầu tuần, chỉ vài ngày trước khi Uỷ Ban 6 Tháng Một có buổi điều trần đầu tiên, Tư Pháp cho tung ra quả bom tấn thứ nhì: Năm nhân vật chủ chốt của nhóm Proud Boys cũng bị truy tố tội âm mưu lật đổ chính quyền. Những người này, trong đó có đầu đảng Enrique Tarrio, trước đây đã bị khởi tố tội cản trở người thi hành công vụ và đang bị tạm giam chờ ngày hầu toà. Với cáo buộc mới nhất này họ sẽ còn bị giam giữ dài hạn. Và nếu bị kết án, họ có thể phải ngồi tù vài chục năm.

Dĩ nhiên Tư Pháp không chỉ muốn bắt những nhóm người này. Ai cũng biết đây là chiến thuật bắt trùm mafia đã được sử dụng cả trăm năm qua mà Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland chắc chắn thuộc lòng. Muốn bắt con cá lớn, trước hết phải bắt đám tép riu như tài xế, đầu bếp v.v. Những người đó không có nhiều tiền hay quyền lực nên họ sẵn sàng “thành khẩn khai báo” để tránh ở tù. Dùng lời khai cùng chứng cớ của họ, công tố có thể khui ra tội của những con cá lớn hơn một tí, và cứ thế mà tiến sâu vào sào huyệt của nhóm đầu não.

Song kiếm liên hoàn

Mặc dù Hạ Viện và Bộ Tư Pháp thuộc hai nhánh độc lập của chính quyền, nhưng điều đó không có nghĩa cuộc điều tra của họ không dính dáng gì tới nhau hoặc họ không có trao đổi thông tin nếu cần. Là người ngoài cuộc, chúng ta không thể biết chuyện gì xảy ra đằng sau hậu trường. Nhưng qua những điều thỉnh thoảng được bật mí một cách có chủ đích, ta có thể đoán rằng Chủ tịch Uỷ Ban 6/1 Bennie Thompson và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland có một số thoả thuận ngầm để chia sẻ thông tin và dữ liệu, đồng thời tránh giẫm lên chân nhau trong khi làm việc. Mỗi bên có lịch trình và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung ai cũng muốn bảo vệ Hiến Pháp và thể chế dân chủ của đất nước.

Như đã thượng dẫn, Tư Pháp vừa ra lệnh khởi tố nhóm Proud Boys tội âm mưu lật đổ chính quyền. Cùng lúc, Uỷ Ban 6 Tháng Một cũng cho biết nhân chứng chính trong buổi điều trần đầu tiên vào ngày thứ Năm 9 Tháng Sáu sẽ là nhà làm phim tài liệu người Anh tên Nick Quested. Ông Quested đã được nhóm Proud Boys cho phép đi theo để quay phim sinh hoạt của nhóm từ vài tuần lễ trước vụ phiến loạn, kể cả một số cuộc họp kín. Vào ngày 6 Tháng Một, Nick Quested đã thâu phim và chụp được nhiều hình ảnh của nhóm Proud Boys khi họ tiến về Quốc Hội cũng như khi họ lọt vào được bên trong. Cuộc điều trần của Nick Quested chắc chắn sẽ hé lộ nhiều chi tiết mà lâu nay công chúng không biết.

Nhà làm phim tài liệu Nick Quested (ảnh: Frederick M. Brown/Getty Images)

Ngoài ra, Uỷ Ban 6 Tháng Một sẽ cho gọi nhân chứng thứ nhì là cảnh sát viên Caroline Edwards thuộc lực lượng Capitol Police. Cô là nhân viên công lực đầu tiên bị thương trong cuộc dấy loạn. Một người đàn ông lạ mặt đã tấn công Caroline Edwards sau khi nói chuyện với một thành viên của Proud Boys đứng gần đó. Lời khai của Caroline Edwards và Nick Quested sẽ chỉ là phát súng đầu tiên trong hành trình đi tìm sự thật đằng sau 6 Tháng Một. Tháng Sáu năm nay có nhiều “tập phim” hay và hồi hộp.

Buổi điều trần thứ nhất của Uỷ Ban 6 Tháng Một sẽ bắt đầu vào 8pm giờ miền Đông (5pm Pacific) ngày 9 Tháng Sáu; được phát hình trực tiếp trên các đài TV chính như ABC, NBC, CBS, C-Span, CNN… Ngoài ra nó cũng sẽ được phát trực tuyến trên kênh YouTube và Website của Uỷ Ban 6/1. Đài Fox tuyên bố họ không chiếu chương trình này.

___________

Lịch điều trần của Uỷ Ban 6 Tháng Một (giờ DC)

Ngày 9 Tháng Sáu, 8pm

Ngày 13 Tháng Sáu, 10am

Ngày 15 Tháng Sáu, 10am

Ngày 16 Tháng Sáu, 10am

Ngày 21 Tháng Sáu, 10am

Ngày 23 Tháng Sáu, 8pm

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: