Một cuốn sách xuất bản năm 1955 viết về những kẻ cực đoan cánh hữu đã dự đoán trước cuộc tấn công vào ngày 6 Tháng Một, 2020 vào Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ.
Từ “The New American Right”
Đó là năm 1954, và Chiến tranh Lạnh đang diễn ra gay gắt. Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy (Cộng hòa-Wisconsin) bỗng nhìn thấy các điệp viên Liên Xô ở mọi ngóc ngách của bộ máy chính phủ. Không lâu sau, Daniel Bell, nhà xã hội học trẻ tuổi tại Đại học Columbia tổ chức một cuộc hội thảo để bóc trần mối đe dọa của chủ nghĩa McCarthy núp dưới chiêu bài chống cộng. Bell đã huy động được một nhóm học giả nổi tiếng gồm bảy người, trong đó có nhà sử học Richard Hofstadter và nhà xã hội học Seymour Martin Lipset. Một năm sau, nhóm công bố những phát hiện của họ dưới dạng một tuyển tập tiểu luận, do Bell biên tập có tựa: “The New American Right”, với nội dung cảnh báo về thuyết âm mưu chống chủ nghĩa cộng sản của McCarthy.
Bây giờ, gần 70 năm sau, khi một ủy ban quốc hội điều tra vụ tấn công của phe cực hữu nhằm vào nền dân chủ Mỹ vào ngày 6 Tháng Một, 2021, tập tiểu luận bị lãng quên đã sống lại, về một vấn nạn đang ám ảnh người Mỹ. Các tác giả khẳng định, chính những kẻ cực hữu trùm lá cờ Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng thực sự đối với các nguyên tắc cơ bản của đất nước. Nhân danh bảo vệ nền dân chủ, các thành phần cánh hữu cực đoan sử dụng các ngôn ngữ và phương pháp của chủ nghĩa chuyên chế (authoritarianism) để huy động công chúng.
Nếu “The New American Right” có vẻ lỗi thời khi nó được xuất bản lần đầu tiên thì nhận thức đó đã thay đổi nhanh chóng sau sự kiện 6 Tháng Một. Vào đầu thập niên 1960, McCarthy đã xây dựng thành công một phong trào đầy quyền lực của các tổ chức cực hữu chống cộng. Lấy ví dụ Hội John Birch (John Birch Society) thành lập vào năm 1962 có khoảng 60,000 thành viên và ước tính có khoảng 9.5 triệu người ủng hộ. Sáng lập hội là Robert Welch, với “cảnh báo” lạnh sống lưng: “Những kẻ phản bội bên trong chính phủ Hoa Kỳ sẽ bán chủ quyền của đất nước bằng cách cấu kết với Liên Hợp Quốc để hình thành một Trật tự Thế giới Mới mang tính tập thể và được quản lý bởi một ‘chính phủ xã hội chủ nghĩa thế giới đại đồng”.
Đến “The Radical Right”
Năm 1963, nhóm của Bell hiệu chỉnh “The New American Right” và phát hành lại với tựa mới “The Radical Right”. Hôm nay, nhiều nhà quan sát tin rằng nó sẽ sớm trở thành một cuốn sách “phải đọc” đối với các sinh viên nghiên cứu lịch sử hiện đại Mỹ. Trong sách, các tác giả cho rằng: “Cánh hữu cực đoan không chỉ làm cho chủ nghĩa cộng sản trở nên ghê tởm mà nền dân chủ tự do và các nguyên lý cơ bản của Hiến pháp Hoa Kỳ cũng ghê tởm không kém!”. Như Bell nhận xét:
“Các phe nhóm cực đoan sẵn sàng loại bỏ các quy trình lập hiến, đình chỉ các quyền tự do và sử dụng các phương pháp của Cộng sản trong cái gọi là cuộc chiến chống lại Chủ nghĩa Cộng sản. Chúng làm rối loạn bầu cử tự do và chuyển giao quyền lực trong hòa bình đồng thời than phiền về sự thiếu độc lập của cơ quan tư pháp và phản đối các quyền dân sự”.
Nếu vào thời điểm đó Liên Xô muốn làm mất ổn định nền cộng hòa và dân chủ Mỹ, họ khó có thể tìm thấy trợ thủ nào đắc lực hơn là cánh hữu cực đoan. Hofstadter gọi những nhà hoạt động cực hữu này là “Những kẻ bảo thủ giả mạo” (pseudo-conservatism – một thuật ngữ mượn từ triết gia Theodor W. Adorno).
Trong một bài phát biểu tố cáo cánh hữu cực đoan, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thomas Kuchel (1910-1994) đã gọi họ là “Những kẻ bán rong đáng sợ!”. Bell cho rằng những người theo chủ nghĩa bảo thủ giả mạo bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi về một nước Mỹ hiện đại, cấp tiến. “Khi Hoa Kỳ đang bắt đầu chuyển sang một nền kinh tế tri thức được điều hành bởi giới trí thức chuyên môn và kỹ thuật, những người theo chủ nghĩa bảo thủ rởm này sẽ cảm thấy bất mãn vì nghĩ rằng họ đã mất hết quyền lực” – Bell nói. Nó có vẻ giống với các lực lượng đã giúp Donald Trump đắc cử tổng thống, đã châm ngòi cho hệ tư tưởng cực đoan QAnon và kích động cuộc tấn công ngày 6 Tháng Một vào Điện Capitol.
Các nhóm bảo thủ giả mạo đã tìm được một lãnh đạo xứng tầm
Trump là một “chất xúc tác” quan trọng. Thập niên 1960, cánh hữu cấp tiến chưa bao giờ tìm thấy một lãnh đạo như Trump để có thể đoàn kết phong trào và mang lại cho nó quyền lực chính trị thực sự. Năm 1961, khi những người cấp tiến lần đầu tiên có được sức mạnh và có một tổng thống Dân chủ (John F. Kennedy), họ đã tiến hành một cuộc phản công giống như Tổng thống Biden và các đồng minh của ông trong Quốc hội đang làm. Em trai của ông, Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy, xem Hội John Birch là “một mối nguy hiểm to lớn” đang biến những người nhân danh chống chủ nghĩa cộng sản thành kẻ gieo mầm nghi ngờ chống lại các nền tảng của chính phủ, Quốc hội, Tòa án tối cao, thậm chí cả tổng thống.
Để ngăn chặn mối đe dọa, Kennedy đã cho rà soát lại các nhóm cực đoan và yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission-FCC) điều chỉnh các đài phát thanh của cánh hữu. Nhưng những nỗ lực này không làm giảm được sức hút của các nhóm cực hữu mà còn khiến Robert bị ám sát. Chủ nghĩa bảo thủ giả mạo chỉ mất đi chỗ đứng vào giữa thập niên 1960, sau khi những chính trị gia bảo thủ như Ronald Reagan bác bỏ Hội John Birch.
Dù hôm nay không ít người trong GOP không ủng hộ Trump vô điều kiện, bác bỏ QAnon cũng như lên án cuộc tấn công vào ngày 6 Tháng Một, nhưng còn nhớ vào Tháng Hai 2021, Ủy ban Quốc gia của GOP từng tuyên bố cuộc nổi dậy là “diễn ngôn chính trị hợp pháp”. Ủy ban Hạ viện điều tra vụ tấn công ngày 6 Tháng Một đã bắt đầu các phiên điều trần từ thứ Năm 9 Tháng Sáu và cam kết tiết lộ sự thật về điều mà Biden gọi là “cuộc tấn công tồi tệ nhất vào nền dân chủ của chúng ta kể từ Nội chiến”. Nhưng ý thức hệ đằng sau vụ tấn công không phải mới mà đã được nhóm học giả của Bell gióng lên hồi chuông báo động cách đây 67 năm.