Cuộc tái ngộ Hằng Nga tuyệt vời của NASA

Orion hoàn thành sứ mạng tái ngộ chị Hằng (rơi an toàn sau chuyến lên Mặt trăng xuống bờ biển Baja California, Mexico ngày 11 Tháng Mười Hai 2022 (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Phi vụ thử nghiệm Artemis I quay lại Mặt trăng của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) đã kết thúc hoàn hảo với con tàu vũ trụ (capsule) Orion đáp an toàn xuống đại dương.

Cú đáp hoàn hảo

Artemis I là phi vụ thử nghiệm không người lái kéo dài 25 ngày rưỡi quanh Mặt trăng nhằm mở đường cho các phi vụ có phi hành gia trong tương lai đã kết thúc mỹ mãn, khi con tàu vũ trụ Orion của NASA lao xuống đại dương vào 12g40 chiều, giờ miền Đông (ET) ngày 11 Tháng Mười Hai ở Thái Bình Dương ngoài khơi bang Baja California của Mexico.

Orion đã hoàn thành đoạn cuối cùng của cuộc hành trình, đi vào bầu khí quyển Trái đất sau khi vượt qua chặng đường dài 385,000 km giữa Mặt trăng và Trái đất trên đường trở về. Đây là một trong những đoạn quan trọng và nguy hiểm nhất của phi vụ Artemis I. Sau khi con tàu hạ cánh, Rob Navias, nhà bình luận của NASA dẫn chương trình phát sóng ngày trở về của Orion đã gọi cú đáp bày là “hoàn hảo như sách giáo khoa”!

Giám đốc NASA Bill Nelson thì nói ngắn gọn: “Tôi choáng ngợp. Đây là một ngày phi thường!”. Con tàu đã ở sáu giờ trên Thái Bình Dương để chờ NASA thu thập thêm dữ liệu và thực hiện một số thử nghiệm trước khi đội cứu hộ trục vớt nó lên. Quá trình đáp, giống như toàn bộ sứ mệnh thử nghiệm là nhằm bảo đảm Orion sẵn sàng chở các phi hành gia trong tương lai gần lên Mặt trăng.

Theo Melissa Jones, Giám đốc phụ trách thu hồi của sứ mệnh Artemis I, con tàu sẽ bị “ngâm” dưới nước ít hơn trong phi vụ có phi hành đoàn, có lẽ không quá hai giờ. Một đội thu hồi, gồm thuyền, máy bay trực thăng và tàu Hải quân USS Portland đợi gần điểm rơi. Một tài khoản Twitter của NASA xác nhận con tàu đã được đưa lên trên USS Portland lúc 6g40 chiều, giờ ET. Mike Sarafin, người quản lý phi vụ Artemis I nói với các phóng viên: “Đây là một sứ mệnh đầy thách thức và đã thành công tốt đẹp như mong đợi”.

Sứ mạng Artemis I phóng Orion lên Mặt trăng được thực hiện ngày 16 Tháng Mười Một 2022 (ảnh: Jonathan Newton/The Washington Post via Getty Images)

Thách thức khi quay trở về bầu khí quyển

Tàu vũ trụ Orion di chuyển với tốc độ nhanh gấp 32 lần tốc độ âm thanh, gần 40,000 km/giờ khi nó lao vào bầu khí quyển Trái đất với lực ma sát lớn, đưa nhiệt độ bên ngoài con tàu lên khoảng 2,760 độ C (5,000 độ F). “Một thử nghiệm khá quan trọng là tấm chắn nhiệt để nhiệt độ bên trong con tàu không cao đến mức nguy hiểm cho đội bay” – Nelson nói giải thích với CNN trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại trước ngày con tàu đáp xuống về tấm chắn được thiết kế để bảo vệ Orion khỏi lực ma sát vật lý rất mạnh khi con tàu quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.

Theo Judd Frieling, Giám đốc chuyến bay của phi vụ Artemis I, nhiệt độ cực cao còn khiến các phân tử không khí bị ion hóa, làm tích tụ plasma khiến thông tin liên lạc giữa con tàu và bên ngoài bị gián đoạn trong 5 phút rưỡi. Khi capsule ở độ cao khoảng 61,000 mét so với bề mặt Trái đất, nó sẽ thực hiện một động tác lăn khiến con tàu bay ngược lên trên trong một thời gian ngắn giống như lướt lên một tảng băng trên mặt hồ. Khi bắt đầu hạ độ cao cuối cùng, capsule giảm nhanh tốc độ hàng ngàn dặm một giờ xuống mức đủ chậm để bung dù.

Vào thời điểm nó hạ cánh, Orion chỉ có tốc độ khoảng 32 km một giờ. Howard Hu, Giám đốc Chương trình Orion của NASA cho biết nhiệt độ trong cabin của phi hành đoàn Orion cần được duy trì ở mức dễ chịu từ 60 độ đến 71 độ F dựa trên dữ liệu ghi nhận từ phi vụ thử nghiệm Artemic I.

Dù không có phi hành gia nào trong sứ mệnh thử nghiệm này nhưng Nelson khẳng định phi vụ rất quan trọng để chứng minh con tàu đáp ứng được các thông số cần thiết để con người có thể bay cùng với nó. “Các kế hoạch của NASA là thông qua các phi vụ Artemis Mặt trăng sẽ thiết kế chương trình đưa các phi hành gia lên sao Hỏa trong cuộc hành trình cần thời gian quay trở lại Trái đất nhanh hơn và táo bạo hơn nhiều”.

Video cho thấy cảnh Orion bắt đầu được vớt lên boong U.S.S. Portland ngày 11 Tháng Mười Hai 2022 sau khi thực hiện sứ mạng 26 ngày đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Apollo 17 đổ bộ lên Mặt trăng (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Thành công ngoài mong đợi

Orion đã đi khoảng 2 triệu km đến quỹ đạo Mặt trăng và bay quanh nó rồi trở về trong cuộc hành trình xa hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào từng chở con người ra ngoài vũ trụ. Mục tiêu phụ của Artemis I là thử nghiệm module dịch vụ (phần đính kèm hình trụ ở dưới cùng Orion) đưa 10 vệ tinh nhỏ lên không gian. Nhưng bốn vệ tinh bị hỏng sau khi được đưa vào quỹ đạo, kể cả một con tàu đổ bộ Mặt trăng thu nhỏ được phát triển ở Nhật Bản và một vệ tinh đầu tiên do chính NASA thiết kế để khám phá không gian liên hành tinh.

Bỏ qua các thất bại trên, trong chuyến đi gặp gỡ chị Hằng lần này, Orion đã chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp về Trái đất. Trong hai lần bay gần, nó đã chụp được những ảnh chụp bề mặt Mặt trăng và “Trái đất mọc” đầy mê hoặc. Nelson cho biết ông chấm điểm A cho sứ mệnh thử nghiệm Artemis I. “Đơn giản bởi vì chúng tôi sợ mọi thứ sẽ không đúng mong đợi, nhưng tin tốt là chỉ có vài sai sót và NASA biết cách khắc phục chúng – ông nói – Vì vậy, nếu tôi là một giáo viên, tôi sẽ cho phi vụ này điểm A+”.

Với thành công của phi vụ Artemis I, sắp tới NASA sẽ nghiên cứu kỹ các dữ liệu thu thập được từ chuyến bay này để chọn phi hành đoàn cho sứ mệnh Artemis II, mà theo dự tính sẽ cất cánh vào năm 2024. Theo kế hoạch, danh sách phi hành đoàn ​​có thể được công bố vào đầu năm 2023. Phi vụ Artemis II sẽ đưa các phi hành gia đi theo quỹ đạo tương tự như Artemis I, bay quanh Mặt trăng nhưng không hạ cánh trên bề mặt của nó. Phi vụ Artemis III, dự trù phóng vào năm 2025 sẽ đưa con người đổ bộ xuống bề mặt Mặt trăng trở lại. Các quan chức NASA cho biết Artemis III sẽ có phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: