Đã có bao nhiêu nhà lập pháp bị trục xuất khỏi Hạ viện?

Từ sự kiện George Santos được yêu cầu tống khỏi Hạ viện
Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Cho đến nay, nhiều nghị sĩ vẫn tiếp tục gây sức ép yêu cầu Hạ viện “tống cổ” dân biểu tân cử George Santos, kẻ “lọt” vào Quốc hội Hoa Kỳ bằng thành tích nói dối. Tính đến nay mới chỉ có năm dân biểu từng bị trục xuất trong lịch sử Hạ viện Mỹ. Những người này được gọi mỉa mai là những kẻ nằm trong một “câu lạc bộ” duy nhất ở Washington DC!

“Câu lạc bộ” này có một cảnh sát trưởng quận hạt nổi tiếng một thời với những lời biện hộ “đầy mầu sắc” tại tòa và cuối cùng nhận bản án liên bang năm 2002 về tội tham nhũng. Một thành viên khác có mặt trong “câu lạc bộ” sau khi FBI bắt quả tang ông ta nhận tiền trong một hoạt động gài bẫy đáng xấu hổ. Ba người khác bị loại vì từng làm việc cho Liên minh miền Nam (Confederacy) nổi dậy ủng hộ chế độ nô lệ và “không trung thành với chính phủ liên bang”. Trong khi danh sách những kẻ bất hảo, bất lương tại Hạ viện thời nào cũng có, thì Quốc hội chỉ mới sử dụng quyền lực được Hiến pháp trao có… năm lần trong lịch sử 234 năm tồn tại để loại bỏ các thành viên bất hảo của mình.

Trường hợp lùm xùm mới nhất là vụ Dân biểu George Santos (Cộng hoà-New York) đang đối mặt với áp lực trục xuất sau khi xuất hiện nhiều báo cáo điều tra rõ ràng cho thấy ông ta ngụy tạo lý lịch và tiểu sử để tranh cử. Ngày 9 Tháng Hai, Dân biểu Robert Garcia (Dân chủ-California) đã đưa ra nghị quyết trục xuất Santos khỏi Quốc hội. Cơ quan giám sát chi tiêu tranh cử cũng đặt câu hỏi về các khoản chi tiêu của ông ta trong khi Ủy ban đảng Cộng hòa New York và Thị trưởng thành phố New York Eric Adams muốn Santos từ chức ngay.

Thượng nghị sĩ Cộng hoà Mick Romney khi gặp Santos tại phiên họp lưỡng viện nghe Thông điệp Liên bang của Tổng thống Joe Biden cũng nói thẳng vào mặt “đàn em”: “Đây không phải là chỗ của anh”! Nhưng Santos vẫn dứt khoát và “kiên định” trả lời là “không có ý định từ nhiệm”. Hiện Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hoà-California) cho biết phải chờ đề nghị từ Ủy ban Đạo đức Hạ viện (House Ethics Committee) trước khi xúc tiến bất kỳ động thái kỷ luật nào. Santos đã từ chức khỏi hai ủy ban mà ông ta có chân nhưng “kẻ man khai” vẫn kiên cường… giữ ghế. Hiến pháp qui định rằng, muốn trục xuất một thành viên Quốc hội, phải đủ 2/3 phiếu ủng hộ. Lần cuối cùng trục xuất thành công là năm 2002 với tỷ lệ phiếu thuận gần như tuyệt đối, 420-1. Dưới đây là danh sách “câu lạc bộ năm người” – dẫn lại từ The Washington Post.

1/John B. Clark (Dân chủ-Missouri)

Clark đang tại nhiệm lần thứ ba thì bị trục xuất vào Tháng Bảy 1861, sau khi dân biểu Francis Preston Blair (Cộng hoà-Missouri) tuyên bố trước Hạ viện: “Mọi người đều biết rõ Clark đang phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Missouri nổi dậy. Quận hạt của ông ta hiện trung thành với chính phủ Hoa Kỳ nên phải có một dân biểu trung thành tương tự”. Nhưng một số thành viên cho rằng Hạ viện đi… quá nhanh! Dân biểu John W. Reid (Dân chủ-Missouri) nói: “Tôi có nghe tin đồn về Clark nhưng chưa bao giờ thấy sự thật được tuyên bố chính thức ở bất kỳ đâu!”. Còn dân biểu Henry C. Burnett (Dân chủ-Kentucky) so sánh thủ tục tố tụng của Hạ viện với những vụ Star Chamber khét tiếng của nước Anh. Nhưng bất chấp sự phản đối của họ, Hạ viện bỏ phiếu trục xuất Clark.

2 và 3/ John W. Reid (Dân chủ-Missouri) và Henry C. Burnett (Dân chủ-Kentucky)

Để chứng minh sự bảo vệ của họ dành cho Clark là… không có gì đáng ngạc nhiên, năm tháng sau khi than phiền về sự vội vã trong trường hợp Clark, cả Reid và Burnett đều bị trục xuất vào Tháng Mười Hai 1861 vì tội “không trung thành với chính phủ Hoa Kỳ”. Hồ sơ Tiểu sử lưu trữ của Quốc hội nêu rõ Burnett là đại tá trong một trung đoàn Liên minh miền Nam và phục vụ trong Quốc hội của Liên minh, trong khi Reid là phụ tá tình nguyện của tướng miền Nam Sterling Price.

4/Michael J. “Ozzie” Myers (Dân chủ-Pennsylvania)

Là thành viên đầu tiên của Hạ viện mất ghế vì tội tham nhũng, Myers bị trục xuất với tỷ lệ phiếu thuận 376-30 vào ngày 2 Tháng Mười 1980. Ông ta là một trong những nhà lập pháp bị chiến dịch cài bẫy bắt tham nhũng ABSCAM của FBI “chiếu tướng” và bị kết án ngày 30 Tháng Tám 1980 về tội nhận hối lộ $50,000.

Michael J. “Ozzie” Myers (file photo)

Bằng chứng buộc tội quan trọng là một đoạn băng video Myers gặp một đặc vụ FBI đóng giả một sheik Ả-rập trong một phòng trọ Phi trường Quốc tế Kennedy ở New York. Myers khăng khăng ông ta chỉ… “làm bộ” nhận tiền hối lộ, nhưng bồi thẩm đoàn bác bỏ. Charles Babcock của tờ The Washington Post tường thuật phiên toà: “Cuối cùng, nhà lập pháp trẻ không thể giải thích thuyết phục đoạn băng video tố cáo”. Bất chấp bị kết án và trục xuất, Myers vẫn tìm cách tái tranh cử, nhưng thất bại.

5/James A. Traficant (Dân chủ-Ohio)

Hạ viện bỏ phiếu áp đảo để trục xuất cựu cảnh sát trưởng Quận hạt Mahoning vào ngày 24 Tháng Bảy 2002, ba tháng sau khi bồi thẩm đoàn liên bang ở Cleveland kết án Traficant về 10 tội gian lận, hối lộ và trốn thuế. Phiên tòa được phóng viên Bob Dart của hãng thông tấn Cox News Service mô tả là “một phần của bộ phim Sopranos và một phần của bộ phim Three Stooges”. Tại tòa, Traficant cố thuyết phục chủ tọa là “Các công tố viên truy tố tôi có… tinh hoàn của một con kiến”. Traficant đã tự biện hộ thay vì chọn luật sư, và đây là tính toán mạo hiểm dù nó từng hiệu quả ở vụ trước.

James A. Traficant (file photo)

Đó là năm 1983 khi Traficant tự biện hộ trước phiên tòa liên bang khác về tội tham nhũng lúc còn là cảnh sát trưởng, ông ta đã thắng, và một năm sau… vẻ vang bước vào Quốc hội! Cách biện hộ “không giống ai” là “đặc sản” của Traficant. Được Peter Carlson và Margaret Smith của tờ The Washington Post mệnh danh là “The House’s Unofficial King of the Surrealistic One-Minute Speech” (ông vua không chính thức của Hạ viện với bài phát biểu một phút siêu thực), Traficant gọi Sở Thuế (Internal Revenue Service) là “Internal Rectal Service” (“Dịch vụ nội soi trực tràng”) và thường kết thúc biện hộ bằng một cụm từ “Beam me up!” (“Hãy đánh thức tôi!”, lấy từ bộ phim khoa học giả tưởng Star Trek). Ở lần “hùng biện” thứ hai, may mắn không quay lại nên Traficant nhận án tù bảy năm. Sau đó ông ta tái tranh cử nhưng không thành công.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: