Khi nước Mỹ nhốn nháo với bản cáo trạng cáo buộc cựu Tổng thống Donald J. Trump xử lý sai các tài liệu mật, giới chính trị thế giới cũng bắt đầu có phản ứng. Một số khôn ngoan giữ thái độ im lặng; số khác bày tỏ sự phẫn nộ không kiềm chế; số khác nữa dường như nhún vai mệt mỏi; và trong khi bọn thuyết âm mưu có cơ hội trồi lên đưa ra những giả định nhảm nhí, những người khác thì đề cập đến sự suy tàn của nước Mỹ.
Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc, thường hí hửng nhảy vào những sự kiện bê bối liên quan hệ thống chính trị Hoa Kỳ, lần này thì im lặng, ít nhất ở thời điểm này. Trong khi đó, giới bình luận chính trị Nga gọi các cáo buộc nhằm vào Trump là màn trình diễn giả tạo của “một nhà nước đen tối”. Trong số các đồng minh Mỹ ở châu Á và châu Âu, có những lo ngại rằng vụ việc không chỉ làm tổn thương cựu tổng thống mà còn với cả nước Mỹ, khi mà các bí mật an ninh giờ đây không còn an toàn trong tay người Mỹ, và rằng tình trạng chia rẽ đảng phái đang khiến nước Mỹ ngày càng mất phương hướng.
Có vẻ như thế giới một lần nữa bắt đầu nhẩm tính những gì được hoặc mất từ sự lộn xộn của Mỹ. Sự cân nhắc tính toán liên quan Trump thật ra không phải chỉ xảy ra ở sự kiện này. Khi Trump làm tổng thống, sự thất thường đến mức quái đản của ông, cùng hai vụ luận tội chưa từng có đối với một tổng thống trong lịch sử Mỹ, đã khiến chính phủ các cường quốc đồng minh lẫn thù nghịch đã phải liên tục nhức đầu cân nhắc những hiệu ứng và ảnh hưởng từ những cơn bão chính trị trong lòng nước Mỹ.
Khi Trump rời Tòa Bạch Ốc, không ít quốc gia thở phào, ít nhất là các đồng minh gần gũi của Mỹ. Người ta tin rằng nước Mỹ sẽ yên ổn hơn và thế giới “thanh bình” hơn bởi những rắc rối từ Trump không còn. Tuy nhiên, bản cáo trạng mới nhất liên quan Trump khiến người ta lập tức nghĩ ngay rằng tất cả những hỗn loạn của bốn năm Trump sẽ lại quay lại nếu Trump tái đắc cử.
Với Trung Quốc, việc Bắc Kinh giữ im lặng có thể phản ánh những mục tiêu dài hạn. Họ chưa biết liệu Trump có thể lại ngồi ghế tổng thống hay không. Im lặng thời điểm này là thượng sách. Tập Cận Bình và Donald Trump đã kết thúc năm 2020 với tư cách là đối thủ gay gắt trong cuộc chiến thuế quan và sự thù địch liên quan nguồn gốc coronavirus.
Tuy nhiên trước đó, Trump thường xuyên ca ngợi Tập hết lời. Nhiều nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh có thể rất mong chờ Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, vì Trump luôn chứng minh ông là một kẻ cực kỳ bất tín, sẵn sàng xé toạc bất kỳ cam kết nào với những đồng minh truyền thống. Trump cũng chẳng quan tâm đến dân chủ. Điều đó có nghĩa Trump sẽ rút lại sự ủng hộ Đài Loan và sẵn sàng bán đứng Đài Bắc để đổi lấy vài món lợi kinh tế với Trung Quốc.
Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Hoa Kỳ và là thành viên tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, nhận định: “Nếu là Trung Quốc, người ta sẽ thấy rõ rằng sách lược làm ăn mua bán của Trump là rất hấp dẫn. Điều đó có nghĩa ông ấy có tiềm năng trở thành một người bạn, để được làm ăn chung” – dẫn lại từ The New York Times.
Tại Nga, Trump luôn có một lực lượng “ủng hộ viên” trung thành. Sergei A. Markov, nhà phân tích chính trị thuộc phe Putin, viết trên Telegram rằng những cáo buộc chống lại Trump toàn là thứ ngụy tạo, rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị gian lận, và Trump mới là kẻ chiến thắng thực sự. Nikolai Starikov, một nhà bình luận khác cũng thuộc phe Putin, mô tả các vụ kiện chống lại Trump là chiến dịch gây áp lực nhằm loại ông ra khỏi cuộc đua 2024, rằng Tổng thống Biden cần phải tái đắc cử vì nếu không chính Biden sẽ bị truy tố.
Ở châu Âu, dư luận nói chung rất gay gắt. Dân châu Âu lục địa lâu nay chưa bao giờ nhìn nhận Trump là kẻ có đủ tư cách ngồi ghế tổng thống Mỹ. “Vụ việc một lần nữa cho thấy Donald Trump mới là kẻ đáng ngồi sau song sắt chứ không phải Tòa Bạch Ốc,” phát biểu của Ralf Stegner, đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội Đức, người có chân trong ủy ban giám sát tình báo Đức, và nói thêm: “Người này (Trump) là mối đe dọa đến an ninh và dân chủ ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.”
“Ở một mức độ nào đó, người châu Âu đang nghĩ rằng, liệu Trump có phải là người mà chúng ta có thể dựa vào để đảm bảo an ninh cho chính mình?” phát biểu của Jacob Kirkegaard, thành viên German Marshall Fund. Giới báo chí châu Âu hoàn toàn không e dè trong ngôn ngữ chỉ trích Trump.
“Tắc trách, ham muốn chiếm hữu, nói láo, che giấu. Nhưng trên hết, (Trump đã) tuyệt đối coi thường an ninh quốc gia,” nhật báo Le Monde của Pháp viết. Trong khi đó, bài bình luận trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức bày tỏ hoài nghi về hệ thống chính trị Mỹ. Tờ báo viết, mặc dù cơ sở pháp lý cho bản cáo trạng có thể mạnh và có tính thuyết phục, nhưng “việc bóp méo chính trị” sau đó có nghĩa là sẽ không có kết quả cuối cùng nào được chấp nhận rộng rãi trong môi trường phân cực cao của nước Mỹ hiện tại.
Một số quan chức và nhà phân tích xem vụ việc vừa phản ánh cách thức hoạt động của một phép thử, vừa là một thách thức đối với chính phép thử của nước Mỹ. Peter Tesch, cựu quan chức quốc phòng và đại sứ Úc tại Nga, nói rằng tất cả đều chỉ ra “những đột biến không thể kiểm soát” (“wild mutations”) mà hệ thống chính trị Mỹ thỉnh thoảng tạo ra. “Ông ấy (Trump) giống như con búp bê lắc; ông ta bị xô ngã nhưng rồi ông ta lăn trở lại để có thể đứng,” Peter Tesch nói. Dù vậy, Peter Tesch thêm rằng, “Có bị kết án hay không thì ông ta cũng bị buộc tội. Điều đó minh chứng cho sức mạnh và khả năng phục hồi của nền dân chủ cũng như những định chế Hoa Kỳ, nơi mọi người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”