Tỷ phú Elon Musk đe dọa hủy bỏ việc mua mạng xã hội Twitter với giá $44 tỷ mà ông ta đưa ra hồi tháng Tư 2022, cáo buộc công ty từ chối cung cấp cho ông thông tin về các tài khoản giả mạo.
Lời đe dọa đó thể hiện trong một bức thư mà các luật sư của ông Musk gửi Twitter và trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC) ngày thứ Hai 6 tháng Sáu 2022, hãng tin AP cho biết.
Trong bức thư, các luật sư viết rằng kể từ ngày 9 tháng Năm, khoảng một tháng sau khi đưa đề nghị mua lại mạng Twitter, ông Musk đã liên tục yêu cầu công ty cung cấp thông tin để ông đánh giá xem có bao nhiêu trong số 229 triệu tài khoản người dùng Twitter là giả mạo. Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal nói ông ước tính số tài khoản giả mạo của Twitter là ít hơn 5% tổng số tài khoản nhưng Musk bác bỏ điều đó và khẳng định mà không cung cấp bằng chứng, rằng con số đó ít ra phải 20% hoặc hơn.
Trong phiên giao dịch hôm nay thứ Hai, giá cổ phiếu của Twitter Inc. đã giảm 1.5%, sau khi giảm hơn 20% trong tháng trước. Các cổ đông của Twitter đã đệ đơn kiện Musk vào cuối tháng trước vì làm giảm giá cổ phiếu. Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Twitter nói ban lãnh đạo công ty đã hợp tác chia sẻ thông tin với Musk “theo các điều khoản của thỏa thuận sáp nhập” và lưu ý rằng thỏa thuận này là vì “lợi ích tốt nhất của tất cả các cổ đông.” “Chúng tôi dự định kết thúc giao dịch và thực thi thỏa thuận sáp nhập ở mức giá và các điều khoản đã thỏa thuận,” tuyên bố cho biết thêm.
Hủy bỏ thương vụ hay đòi giảm giá?
Sau khi đề nghị mua Twitter với giá $54.2 mỗi cổ phiếu, cao hơn 12% so với giá giao dịch thị trường tại thời điểm đó, ông Musk đã có nhiều hành động khiến giới phân tích đặt câu hỏi liệu ông tỷ phú có thực sự muốn thâu tóm Twitter, muốn thương lượng lại giá thấp hơn hay thậm chí hủy bỏ hoàn toàn thương vụ này hay không.
Trong bức thư ngày thứ Hai 6 tháng Sáu, các luật sư của Musk viết rằng, việc Twitter Inc. chỉ cung cấp thông tin về các phương pháp thử nghiệm của công ty mà không khẳng định số tài khoản giả mạo là “tương đương với việc từ chối các yêu cầu dữ liệu của ông Musk” và “vi phạm nghiêm trọng” thỏa thuận sáp nhập. Điều đó cho phép Musk có quyền hủy bỏ thỏa thuận nếu ông muốn.
Tháng trước Musk nói rằng ông đã đơn phương đình hoãn thực thi thỏa thuận. Nếu ông Musk tự ý hủy bỏ thỏa thuận mà không phải do lỗi của Twitter, ông ta có thể phải chịu khoản phí bồi thường trị giá $1 tỷ. Vì thế, các chuyên gia pháp lý cho rằng, động tác gửi thư mới của Musk cho thấy ông ta đang “tìm cách thoát khỏi thỏa thuận hoặc thương lượng lại giá cả”.
Trong quá khứ, ông Elon Musk đã từng có đôi lần đảo ngược quyết định vào phút cuối, khiến giới đầu tư bất ngờ. Năm 2018, ông đăng tweet thông báo đã thu xếp được nguồn tài chính $72 tỷ để “mua đứt” công ty Tesla và biến nó thành công ty tư nhân – giống như ông tuyên bố mua đứt Twitter hiện nay – nhưng sau đó ông bỏ dở, không thực hiện ý định. Bây giờ thì giá trị thị trường của Tesla đã là $911 tỷ, cao gấp mười mấy lần năm 2018, dù ông muốn mua đứt nó thì cũng không thể nào thực hiện được.
Trong nhiều năm, Twitter đã báo cáo ước tính số tài khoản giả mạo cho Ủy ban SEC, dù thừa nhận con số ước tính của họ có thể thấp so với thực tế. Ông Musk đòi công ty phải cho phép ông được đánh giá độc lập những ước tính đó trước khi kết thúc thương vụ.
Trong một động tác liên quan, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Texas Ken Paxton, nơi các công ty của ông Musk đóng trụ sở chính, cho biết ông ta đang mở cuộc điều tra về số lượng tài khoản giả mạo của mạng Twitter, với lý do “bảo vệ người dân Texas”.
Đọc thêm: