Facebook một lần nữa bị “lật mặt”

Minh họa: Solen Feyissa/Unsplash

Trong phiên điều trần trước Tiểu ban Thương mại Thượng viện về Bảo vệ người tiêu dùng vào ngày 5 Tháng Mười, bà Frances Haugen, 37 tuổi đã kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm hành động chống lại nền tảng truyền thông xã hội này. Haugen là người tố cáo Facebook và cung cấp hàng chục nghìn trang nghiên cứu nội bộ và tài liệu cho thấy công ty đã nhận thức được các vấn đề tiêu cực khác nhau do ứng dụng của họ gây ra, gồm cả hiệu ứng “độc hại” tiềm ẩn của Instagram đối với các cô gái tuổi teen, mà vẫn không làm gì!

Những gì được trình ra công chúng?

Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm hỗ trợ nhóm chống gián điệp của Facebook, phụ trách các vấn đề liêm chính công dân tại công ty, trả lời những câu hỏi của các thượng nghị sĩ về những ảnh hưởng xấu của Facebook, Instagram đối với người dùng trẻ tuổi, và một số vấn đề khác. “Tôi ở đây hôm nay vì tôi tin rằng các sản phẩm của Facebook gây hại cho trẻ em, gây chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta – bà mở đầu cuộc điều trần – Ban lãnh đạo của công ty biết cách làm cho Facebook và Instagram an toàn hơn nhưng họ đã không có những thay đổi cần thiết chỉ vì đặt lợi nhuận kếch xù lên trên an toàn của người dùng. Nếu Quốc Hội không hành động ngay lập tức, Facebook sẽ không tự giải quyết vấn đề. Tôi chấp nhận những rủi ro cho cá nhân vì thấy nếu chần chừ sẽ không còn kịp nữa”.

Danh tính của Haugen chỉ mới được tiết lộ trong chương trình “60 Minutes” tối Chủ Nhật 3 Tháng Mười trên kênh CNN. Trước đó, bà đã chuyển đống tài liệu đến các cơ quan chuyên trách và tờ The Wall Street Journal. Tờ báo đã tiến hành cuộc điều tra gồm nhiều phần cho thấy “Facebook biết rất rõ những tiêu cực mà các ứng dụng của nó gây ra, gồm cả ảnh hưởng xấu của thông tin sai lệch và tác hại của nhiều hiển thị trên Instagram, đặc biệt là đối với các cô gái tuổi mới lớn”.

Haugen đặt câu hỏi trước Tiểu ban: “Khi phát hiện các công ty thuốc lá che giấu những tác hại do thuốc lá, chính phủ hành động ngay. Khi phát hiện ra ngồi xe hơi an toàn hơn nếu thắt dây an toàn, chính phủ cũng hành động ngay. Đối với các công ty che giấu bằng chứng về tác hại của opioid cũng thế. Nay, tôi khẩn cầu Quốc Hội hãy làm như thế với Facebook”. Sau phiên điều trần, Facebook đưa ra một tuyên bố để cố làm mất uy tín Haugen, được người phát ngôn Andy Stone đăng trên Twitter với nội dung: “Hôm nay, Tiểu ban Thương mại Thượng viện đã tổ chức cuộc điều trần với một cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, người đã làm việc cho công ty chưa đầy hai năm, chưa có báo cáo trực tiếp nào và chưa bao giờ tham dự cuộc họp quan trọng mang tính quyết định với các giám đốc điều hành cấp! Chúng tôi không đồng ý với bà ấy về nhiều vấn đề mà chỉ đồng ý một điều: Đã đến lúc cần tạo ra các quy tắc tiêu chuẩn mới cho internet”.

Facebook không xa lạ với những chỉ trích. Đây cũng không phải lần đầu tiên công ty là chủ đề của một cuộc điều trần tại Quốc Hội. Và cũng không phải là lần đầu tiên Facebook bị lao đao bởi một người tố giác. Nhưng các tài liệu và cung chứng thêm sắp tới của Haugen được đưa ra trong bối cảnh mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang chịu sự giám sát chặt chẽ hơn về quyền lực, bảo mật dữ liệu, và ngày cành bị lưỡng đảng chỉ trích về những tác động xấu của nó đối với trẻ em.

Bà Frances Haugen trong phiên điều trần Quốc Hội, ngày 5 Tháng Mười 2021 (ảnh: Jabin Botsford-Pool/Getty Images)

Trận chiến không khoan nhượng

Tố cáo của Haugen được đưa ra sau một ngày sau khi Facebook, WhatsApp và Instagram bất ngờ bị “sập” trong khoảng sáu tiếng đồng hồ vào thứ 4 Tháng Mười. Haugen tận dụng “tai nạn” mà Facebook gọi là “vấn đề kỹ thuật nội bộ” này để nhấn mạnh: “Hơn 5 giờ không vào được Facebook là 5 giờ Facebook không thể tăng thêm chia rẽ, thêm bất ổn cho nền dân chủ… Nói vậy để thấy quyền năng của Facebook là rất lớn. Nhưng chúng ta chỉ thực sự tận hưởng mạng xã hội này để kết nối với nhau khi nó không phá vỡ nền dân chủ, không đưa con cái chúng ta vào nguy hiểm và gieo rắc bạo lực sắc tộc trên toàn thế giới. Muốn vậy phải có sự thay đổi. Quốc Hội hoàn toàn có thể thay đổi các quy tắc mà Facebook thực hiện và ngăn chặn nhiều tác hại mà nó đang gây ra”.

Ngoài việc cung cấp các tài liệu tố cáo, câu chuyện cá nhân của Haugen cũng trở thành thời sự. Bà bắt đầu vào làm việc tại Facebook năm 2019 sau một thời gian làm việc cho các công ty công nghệ nổi tiếng khác như Google và Pinterest. Tâm sự với Wall Street Journal, bà cho biết từng đánh mất tình bạn do thông tin sai lệch trên mạng. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội bắt đầu được bà quan tâm. “Tôi lên tiếng không phải để triệt tiêu Facebook mà là để… cứu nó. Sự thật là cho đến thời điểm này, chưa có ai bắt Mark Zuckerberg phải chịu trách nhiệm trước các tiêu cực của Facebook, trừ… chính anh ta!”. Cách nay một tháng, Haugen đã nộp ít nhất tám đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (Securities and Exchange Commission) tố cáo Facebook…

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal, Chủ tịch Tiểu ban Thương mại Thượng viện bày tỏ lòng biết ơn với Haugen vì đã “dám đương đầu với một trong những tập đoàn khổng lồ quyền lực nhất trong lịch sử thế giới!”, đồng thời ông nhấn mạnh: “Những thiệt hại mà Facebook gây ra sẽ ám ảnh cho cả một thế hệ!”. Một thượng nghị sĩ khác hỏi Haugen: “Liệu Facebook có được sử dụng bởi các lãnh đạo độc tài và khủng bố trên thế giới?”. Bà cho biết: “Chắc chắn có và Facebook rất biết điều đó. Nhóm của tôi đã trực tiếp theo dõi người Trung Quốc vào Facebook để trấn áp các tài khoản của người Duy Ngô Nhĩ. Chúng tôi phát hiện chính phủ Iran tiến hành hoạt động gián điệp nhắm vào các tổ chức chống đối trên Facebook. Việc Facebook thiếu nhân sự trong các đội chống gián điệp và chống khủng bố cũng là vấn đề an ninh quốc gia. Tôi rất lo ngại về lỗ hổng của Facebook đối với an ninh quốc gia Mỹ”.

Lần đồng thuận hiếm hoi của hai đảng

Tuần trước, Antigone Davis, người đứng đầu toàn cầu về an toàn của Facebook, cũng bị các thành viên của Tiểu ban Thương mại chất vấn sau bài báo điều tra của The Wall Street Journal về tác động của Facebook đối với những người dùng trẻ tuổi. Davis bác bỏ ý kiến ​​cho rằng bài báo là một “quả bom” nhưng bà không hứa công bố công khai và đầy đủ nghiên cứu nội bộ, nêu lý do “để bảo vệ quyền riêng tư”. Bà cho biết Facebook đang có thêm những nghiên cứu khác để điều chỉnh hoạt động. Nhưng bài báo và áp lực mới từ các nhà lập pháp có thể đã dẫn đến việc buộc Instagram ngưng kế hoạch giới thiệu một phiên bản dành cho trẻ em dưới 13 tuổi. Trước cuộc điều trần của Haugen, Instagram tuyên bố tạm dừng dự án.

Tối 5 Tháng Mười, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đưa ra một tuyên bố từ trên trang Facebook cá nhân, giải trình việc Facebook (Instagram, WhatsApp) bị sập, về tố cáo của Haugen và nhấn mạnh: “Các công ty công nghệ phải làm sao vừa đáp ứng nhu cầu tham gia mạng xã hội của giới trẻ vừa giữ an toàn cho họ. Đã 25 năm kể từ khi các quy chuẩn cho Internet được cập nhật lần cuối. Thay vì chờ chúng tôi đưa ra các quyết định xã hội thuộc phạm trù lập pháp, Quốc Hội phải làm công việc này!”.

Trước đó, Mark Zuckerberg cũng phản pháo lại những chỉ trích và than phiền “Những tin đồn gần đây đã vẽ một bức tranh sai lệch về công ty chúng tôi”. Trong lá thư gửi nhân viên, ông nhấn mạnh: “Nhiều tố cáo không có ý nghĩa gì, chỉ làm suy yếu chính sách kiểm soát những nội dung có hại, tăng cường sự minh bạch và tiến hành một cuộc nghiên cứu lớn để giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến an toàn, hạnh phúc và sức khỏe tinh thần của công chúng”.

Facebook hiện có 2.7 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng (theo số liệu của công ty). Hàng trăm triệu người cũng sử dụng các sản phẩm khác của Facebook, như WhatsApp và Instagram. Đây là lần hiếm hoi mà các thượng nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ thống nhất về một chủ đề. Các thượng nghị sĩ cánh tả và cánh hữu đều bày tỏ lo ngại gã khổng lồ truyền thông xã hội phát triển quá lớn và quá quyền lực.

ĐỌC THÊM:

Sự độc hại của Instagram đối với các cô gái tuổi teen

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: