Hàng trăm ngàn di dân vào biên giới Texas xin tỵ nạn như thế nào?

Những di dân từ Mexico và các quốc gia khác vượt dòng Rio Grande River vào Mỹ xin tỵ nạn. (Hình: Kalynh Ng.)

ROMA, Texas  – Trong lúc Tòa Bạch Ốc và chính quyền của Tổng Thống Joe Biden nỗ lực đối phó với vấn đề di dân đang ồ ạt kéo tới vùng biên giới phía Nam của Mỹ, thì tại thành phố Roma, Texas, mỗi đêm vẫn có từ vài chục đến vài trăm người từ Mexico và các quốc gia khác tìm cách vượt dòng Rio Grande River vào Mỹ xin tỵ nạn.

Con đường gắn nhất vào Mỹ

Roma là một thành phố thuộc Starr County, Texas, với dân số chưa đến 10 ngàn người, theo Census 2010. Thành phố này toạ lạc dọc theo Rio Grande, vốn là biến giới giữa Mỹ và Mexico, cách nhau bởi dòng Rio Grande River dài thứ năm ở Mỹ (1,885 miles.) Đây là một trong những con sông chính ở Tây Nam Hoa Kỳ, bắt đầu từ trung tâm Nam Colorado chảy đến Vịnh Mexico (Gulf of Mexico.)

So với các thành phố khác dọc Rio Grande như McAllen, Laredo, Del Rio…, đoạn sông chảy ngang qua Roma được mệnh danh là con đường ngắn nhất để vào biên giới Mỹ. Do đó, theo lời Mục Sư Luis Silva của nhà thờ Bethel Mission Outreach Center ở trung tâm Roma, từ đầu năm 2021 đến nay có khoảng hơn 100 ngàn di dân “vượt biên” từ Mexico và các quốc gia Trung Mỹ đã vào Texas tại khu vực sông này.

Vào những ngày trời nắng, nước sông thấp, người ta có thể ven theo những mỏm đá giữa sông để đi bộ sang bên này sông. (Hình: Kalynh Ng.)

Từ nhà thờ Bethel Mission Outreach Center đến biên giới Mỹ-Mexico, tức dòng sông Rio Grande, mất khoảng năm phút chạy xe. Roma đúng nghĩa “không một bóng người.” Sự khô cằn, “rờn rợn” của một vùng biên giới hẻo lánh bao trùm suốt đoạn đường. Cảm giác lạnh lẽo đó được bồi đắp thêm khi bóng dáng những người lính vệ binh quốc gia ẩn hiện nơi cuối con dốc. Xung quanh bốn bề hoàn toàn là rừng. Phóng tầm mắt ra xa, Mexico thấp thoáng phía trước.

Ông Tony Pena, người của nhà thờ Bethel Mission Outreach Center, hướng dẫn chúng tôi đi bộ băng qua con đường đất đỏ dẫn đến sông Rio Grande. Dọc trên đường đi, rất nhiều những tàng tích còn lưu lại từ những người đi tìm “Giấc mơ Mỹ.” Đó là những bình sữa, những đôi giày của trẻ con, những xe đẩy em bé, đặc biệt là rất nhiều dải băng đeo tay đủ màu, dấu hiệu cho biết những người này đã trả tiền cho chuyến vượt biên.

Ông Tony Pẽna, người của nhà thờ Bethel Mission Outreach Center (Hình: Kalynh Ng.)

“Mỗi một màu của dải băng là một ý nghĩa khác. Trên đây có chữ ‘Entregas,’ nghĩa là ‘Deliver.’ Có nghĩa là những người đó đã trả tiền để được lên thuyền,” ông Pẽna nhặt một dải băng đeo tay rồi giải thích.

Nhiều dấu tích vượt biên giới nằm lăn lóc trên mặt đường đất đỏ. Những chiếc bình sữa với một chút sữa còn sót lại trong đó, nằm vất vưởng, lấm lem bởi đất cát. Có vài chiếc áo và khăn choàng còn vướng trên cành cây hai bên đường. Những chiếc giày kích cỡ của trẻ em bị đất phủ đầy. Chiếc nơi này, chiếc nơi khác. Có vẻ như đã có một đứa trẻ nào đó chạy thật nhanh nên đôi giày bị rớt lại phía sau…

Bình sữa và dây đeo tay rớt lại (Hình: Kalynh Ng.)
Đôi giày của trẻ em rớt lại trên đường từ bờ sông vào biên giới Mỹ. (Hình: Kalynh Ng.)

Từ vị trí những lính Vệ Binh Quốc Gia trấn giữ, mất khoảng 15 phút đi bộ để đến bờ sông. Nếu không tận mắy nhìn thấy, sẽ khó mà tin được rằng để vào Mỹ từ Mexico có thể dễ dàng đến thế. Đây là lý do Roma là nơi đón nhận nhiều di dân xin tỵ nạn nhất so với các khu vực khác dọc theo Rio Grande River. Vào những ngày trời nắng, nước sông thấp, người ta có thể ven theo những mỏm đá giữa sông để đi bộ từ bên này sông sang bên kia sông.

Tuy nhiên, phần lớn những di dân bất hợp pháp đến Mỹ bằng dòng sông này không phải người dân của thành phố Mexico ở phía bên kia biên giới. Ông Pena giải thích:

“Phía đó (bên kia dòng sông) là khu vực do những người ‘drug dealers’ nắm giữ. Họ có cuộc sống khá tốt. Họ thống trị khu vực đó bằng việc buôn bán ma tuý và họ không nghĩ đến việc vượt sông qua đây xin tỵ nạn.”

Do đó, trong số những người đi tìm “Giấc mơ Mỹ,” ngoài người dân Mexico sinh sống cách xa đường biên giới này, thì đa phần là những người từ South America, Honduras, Sanvador, Pakistan, Venezular, Cuba.

Chi phí cho một lần “xuống thuyền” là khoảng từ 400 đến 500 USD/một người.

Chiếc thuyền hơi bị rạch nát (Hình: Kalynh Ng.)

Chúng tôi đi dọc theo bờ sông Rio Grande, “xác” của một chiếc thuyền hơi bị rạch nát. Ông Pena nói những người của cơ quan Tuần tra Biên giới và Hải quan Hoa Kỳ (CBP) đã dùng dao rạch những chiếc thuyền này như một cách hạn chế người di dân.

“Tôi thật sự không hiểu vì sao họ nghĩ như thế là cách khống chế,” ông Pẽna nói.

Mây đen vụt kéo đến. Những giọt mưa bắt đầu nặng hạt. “Đêm nay sẽ không có thuyền hoặc rất ít thôi,” ông Pena đưa mắt nhìn qua bên kia sông, và nói.

‘Vượt biên’ bằng thuyền hơi

Vào khoảng hơn 11 giờ đêm, Mục Sư Luis Silva và nhóm của nhà thờ Bethel Mission Outreach Center được thông báo có đoàn người đến biên giới. Ông Silva cùng vợ của ông và các cộng sự vội chất thật nhiều nước, thực phẩm, quần áo bỏ vào xe tải lớn.

Dòng Rio Grande River tối đen, chỉ có những ánh đèn flash từ điện thoại của những người trong đoàn cứu hộ và đèn pin để soi đường cho con thuyền hơi tấp vào. Chiếc thuyền nhìn rất giống với chiếc thuyền bị rạch nát mà chúng tôi đã nhìn thấy vào buổi sáng. Trên thuyền gần 20 người chen chút nhau. Trong đó có người phụ nữ đang ẵm một đứa bé trên tay. Mọi người phụ kéo chiếc thuyền vào, giúp từng người bước lên. Họ trao đổi với nhau bằng tiếng Spanish.

Người phụ nữ bế con nhỏ từ thuyền hơi bước vào biên giới Mỹ từ dòng Rio Grande.

Nhóm của Mục Sư Silva đưa nước uống và thực phẩm cho từng người. Sau đó, ông Silva làm phụng sự cầu nguyện. Tất cả diễn ra nhanh chóng, nhịp nhàng, không ồn ào, cứ như một thói quen đã được lặp đi lặp lại rất nhiều lần.

“Tôi không phải người làm chính trị, cũng không phải luật sư. Tôi có nhiệm vụ mà Đức Chúa Trời đã giao phó là cứu giúp mọi người,” ông Silva nói.

Mục sư Luis Silva (Hình: Kalynh Ng.)

Theo lời ông Pena, số người vượt biên vào biên giới đã giảm mạnh trong tháng Năm này. Trước đó, giữa Tháng Ba cho đến Tháng Tư, những đêm thời tiết tốt, có đến vài chục chiếc thuyền tấp vào nơi này, tổng cộng từ 400 đến 500 người.

Trong lúc Mục Sư Silva cầu nguyện cho những người đang có mặt tại đó, cảnh sát biên giới được gọi đến. Những người di dân lầm lũi ven theo con đường đất đỏ, theo cảnh sát đi vào Immigration Center. Nơi đây, họ được hướng dẫn làm giấy tờ cần thiết, chính thức trở thành “người xin tỵ nạn” trên đất Mỹ.

Ông Tony Pena cho biết thêm, những người di dân này phải chứng minh được họ bị bạo hành, bị áp bức tôn giáo, bị các băng đảng đe doạ đến tín mạng, nói chung phải có lý do thích đáng thì mới được chấp thuận tỵ nạn. “Cũng có rất nhiều người đã bị trả về đất nước của họ,” ông nói.

Vì sao họ ‘vượt biên’?

Mục Sư Silva kể, từ đầu năm 2021 đến nay, ông và nhà thờ đã giúp hơn 100 ngàn người từ các quốc gia như Mexico, Honduras, El Sanvador, Venezula…đi vào biên giới Mỹ xin tỵ nạn bằng thuyền hơi như thế. Con số này thật sư tăng cao từ Tháng Giêng, 2021.

Phần lớn những người di dân mà Mục Sư Silva và nhà thờ đã giúp đỡ, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ. Họ thường đi theo gia đình năm, sáu người. Người độc thân cũng có, nhưng chủ yếu là rất nhiều trẻ em và các bà mẹ.

“Trước đây, với chính sách ‘trả về nước’ của ông Trump, họ không thể vào biên giới. Tôi đã hỏi nhiều người di dân gần đây vì sao họ đến, những người ấy nói rằng Tổng Thống Joe Biden cho phép họ vào nước Mỹ. Thế là họ đi,” ông Silva cho biết về lý do vì sao số người di dân tăng cao từ đầu năm 2021.

Một em bé trong đoàn di dân vào Mỹ xin tỵ nạn. (Hình: Kalynh Ng.)

Cũng theo ông Silva, bức tường biên giới do cựu Tổng Thống Trump (đã dùng ngân sách của Ngũ Giác Đài) dựng lên là “có hiệu quả.” Ông nói rõ hơn:

“Năm 2019, tôi đã nhìn thấy rất nhiều người đi đến bức tường biên giới rồi quay về. Vì khi có bức tường biên giới, họ đã bị giữ một khoảng cách rất xa với Mỹ. Nhưng hiện tại, họ tin rằng họ có thể vào Mỹ, và rõ ràng như bạn thấy, Roma là một trong những nơi có nhiều trẻ em và gia đình vượt biên giới vào nhất.”

Thêm một lý do khác, cũng theo Mục Sư Silva, rất nhiều người tìm cách vượt biên giới vào Mỹ vì họ “nhìn lên và muốn có cuộc sống đầy đủ như những người họ quen biết đang sống ở Mỹ.”

“Khi bạn đang chạy xe Toyota đời 80, bạn biết một người quen biết ở Mỹ đang đi xe Toyota đời 2021, bạn sẽ muốn có nó. Và trở thành di dân bất hợp pháp là một phương cách họ chọn,” ông Silva nhìn nhận.

‘Họ nghĩ sai về Chính sách trục xuất – Title 42’

Những người Mỹ gốc Mexico như Mục Sư Luis Silva, ký giả Adolfo Muniz của đài Spectrum News 1, đều có nhận định chung, người di dân xin tỵ nạn vào Mỹ đang tăng cao vì hy vọng Điều Luật nhập cư 42 (Title 42) bị vô hiệu hoá dưới chính quyền ông Biden.

“Nhưng điều đó không đúng,” ký giả Adolfo Muniz nói.

Quốc hội Hoa Kỳ đã ký Đạo luật Tị Nạn (Refugee Act) năm 1980 với nghĩa vụ pháp lý cung cấp tỵ nạn cho những người nước ngoài đến Mỹ xin tỵ nạn tại các cửa khẩu biên giới (asylum seeker) hoặc người tỵ nạn tái định cư (resettle refugee.)

Hàng trăm những người Mexico và các nước Trung Mỹ đến biên giới Texas là những “asylum seeker.”

Tuy nhiên, Tháng Ba, 2020, Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Dựa vào lý do COVID-19, chính quyền ông Trump đã gây áp lực buộc các cơ quan chức năng y tế và tổ chức quốc tế bảo vệ người tị nạn của Hoa Kỳ ra lệnh cho cơ quan nhập cư trục xuất ngay lập tức những người di dân, tước bỏ quyền được tỵ nạn đã thành luật trong Refugee Act 1980. Đó chính là “Chính sách trục xuất 42 (Title 42)”. Chính sách trục xuất 42 đã đóng cửa biên giới Hoa Kỳ một cách hiệu quả đối với gần như tất cả những người xin tị nạn vào Mỹ từ các quốc gia từ Tháng Ba, 2020.

Trong thời gian 100 ngày đầu tiên của Tổng Thống Joe Biden, ông chỉ thay đổi một phần của Chính sách trục xuất 42, đó là không trục xuất trẻ em nếu không có người lớn đi cùng. Ký giả Adolfo Muniz và Mục Sư Silva đều nói, người di dân đã hiểu sai nên gây ra một làn sóng di dân khó kiểm soát tại các biên giới Mỹ.

Thêm vào đó, theo lời ông Silva, nhiều người Mexico và các quốc gia khác, đã mua những thẻ chứng nhận đã chích ngừa vaccine COVID-19, trình cho cảnh sát tại biên giới để hợp pháp vào Mỹ và xin tỵ nạn.

“Do đó, cho dù xây bức tường biên giới có hiệu quả, nhưng chỉ là một phần. Điều quan trọng là Luật Di Trú của Mỹ, và những người trong Toà Bạch Ốc phải có trách nhiệm về điều này,” Mục Sư Silva nhận định.

Sau khi đoàn di dân đi vào Immigration Center, dòng Rio Grande River trở lại sự tĩnh lặng của nó, để chuẩn bị cho những con thuyền khác, cũng trong đêm nay, hoặc đêm mai, chở theo những người đi tìm “Giấc mơ Mỹ.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: