Hậu duệ của các tổng thống Mỹ

Bà Lynda Bird Johnson Robb (cùng chồng, cựu thượng nghị sĩ Chuck Robb) – con gái của Tổng thống Lyndon Johnson (ảnh: Tom Williams/CQ Roll Call)

Lúc còn đang học lớp một, Clifton Truman Daniel phát hiện một điều đáng ngạc nhiên về ông của mình. Khi giáo viên yêu cầu tự giới thiệu và chia sẻ ký ức về gia đình họ, Daniel đứng lên, nhưng chỉ nói được tên của mình và ngồi xuống. Giáo viên hỏi: “Thế ông của em không phải là tổng thống của nước Mỹ sao?”. Đây là thông tin mới đối với Daniel, nên về đến nhà, cậu hỏi mẹ: “Mẹ có biết ông nội Truman từng là tổng thống không?”. Người mẹ tròn xoe mắt và nói: “Đúng! Đúng! Nhưng con hãy nhớ một điều: Bất kỳ ông nội của cậu bé nào cũng có thể là tổng thống! Đừng để điều này lảng vảng trong đầu con”.

Họ đang làm gì?

Năm sau (1965), Daniel và cha mẹ anh đại diện cho gia đình Truman đến dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Lyndon B. Johnson, và họ được mời dùng bữa sáng riêng tại Toà Bạch Ốc. Bữa ăn chưa kết thúc, nhưng cha anh nhìn đồng hồ và nói với gia đình: “Chúng ta nhớ là đừng để trễ chuyền tàu cuối cùng!”. Tổng thống nghe thấy và chen vào: “Cứ thoải mái, các bạn còn thời gian mà!”. Cuối cùng, cả gia đình vội vã đến một chiếc xe hơi đợi sẵn để đến Ga Union. Người soát vé nhìn thấy liền nói: “Xin các bạn hãy từ từ, không cần vội thế đâu! Toà Bạch Ốc đã báo tàu chờ!”. Đó là lần đầu tiên cậu bé bảy tuổi nhận ra quyền lực của một cựu tổng thống.

Hiện Daniel, 64 tuổi, là phó chủ tịch Hội các hậu duệ Tổng thống (Society of Presidential Descendants-SPD) mới thành lập. Mười chín hậu duệ (con, cháu) của các cựu tổng thống khác, từ cháu gái thứ sáu của James Monroe đến cháu trai của Jimmy Carter, đã tụ tập cùng khách mời tại Câu lạc bộ Đại học ở Manhattan cho buổi gặp đầu tiên của hội vào tối Thứ Bảy 30 Tháng Mười, 2021. Bữa tối Thứ Bảy cũng chuẩn bị cho cuộc gặp tại nhà của Teddy Roosevelt ở Sagamore Hill, Long Island, để công bố lần đầu học bổng tổng thống hai năm một lần. Một cuốn sách viết về Theodore Roosevelt và J.P. Morgan là một trong ba cuốn lọt vào vòng chung kết Giải thưởng sách về Lãnh đạo tổng thống (Presidential leadership Book Award) đầu tiên của nhóm. Kết quả, giải trị giá $10,000 đã thuộc về cuốn “Lincoln on the Verge: Thirteen Days to Washington” của tác giả Ted Widmer. Buổi tối khép lại bằng hai bản đồng ca của “Hail to the Chief” và “God Bless America”.

Ông Tweed Roosevelt (ảnh: Frederick M. Brown/Getty Images)

Đối với một số thế hệ hậu duệ các tổng thống, đó là niềm vui và tự hào; nhưng đối với số khác, đó là gánh nặng. Nhưng tất cả đều xác định đây là trách nhiệm, dù ít hay nhiều. Lynda Johnson Robb, 77 tuổi, con gái lớn của cố Tổng thống Lyndon B. Johnson, bộc bạch: “Tôi quan tâm đến những hậu duệ có trước tôi và cách họ sống”. Bà Robb hiện là Phó chủ tịch của hội và là con duy nhất của một tổng thống tham gia hội cho đến bây giờ. Chưa có gia đình tổng thống đương đại nào (Kennedy, Clinton hay Obama) tham gia. Hội đồng quản trị hội vẫn chưa gửi lời mời cho gia đình Trump.

Tweed Roosevelt, chắt của Theodore Roosevelt, và Massee McKinley, chắt nội của Grover Cleveland và chắt ngoại của William McKinley, đã gặp nhau ba năm trước tại một sự kiện của Hiệp hội Lịch sử Toà Bạch Ốc (White House Historical Association) ở thủ đô Washington. Hai người đàn ông nảy ra ý định là cần có một tổ chức tầm cỡ quốc gia dành cho các hậu duệ tổng thống. Khởi đầu chỉ là nơi để các gia đình gặp gỡ chia sẻ vui buồn, sau đó thêm một diễn đàn (forum) cho học bổng tổng thống và huy động “sự cam kết với người dân”. Thông thường, từng gia đình tổng thống đều có các hội của riêng họ, nhưng một hội tập hợp tất cả các gia đình lại với nhau thì bây giờ mới có. Hội không theo đảng phái và tiêu chuẩn hội viên là “phải được mời”, kể cả con cháu, chắt của anh chị em tổng thống. Đại dịch đã buộc hội phải hoãn lại hầu hết các dự tính cho đến năm nay.

Câu chuyện của một số hậu duệ khác

Cái tên Roosevelt không phải là vấn đề lớn đối với cháu, chắt, chít của ông tại các trường nội trú, nhưng tại trường Harvard, cậu học sinh Tweed Roosevelt bị nhắc nhở vì… vi phạm quy định trang phục: “Ngài Roosevelt, những học sinh khác mặc như thế là ổn, nhưng lại không ổn với ngài”. “Suy nghĩ đầu tiên của tôi là thật không công bằng – Roosevelt “hậu duệ” nhớ lại – Nhưng đó lúc tôi nhận ra những lợi ích mà tôi nhận được từ ông cố Roosevelt phải đi kèm với trách nhiệm. Một trong những trách nhiệm là tôi phải thể hiện trước công chúng sao cho những người khác thấy ấn tượng khi gặp tôi và những người thân của tôi”.

Khi Tweed Roosevelt (hiện 79 tuổi) còn trẻ, mọi người thường nói họ rất vinh dự được gặp anh, nhưng không lâu anh phát hiện ra không ai trong số đó thực sự thích kể về anh mà là kể về… người ông tổng thống của mình! Như Tweed Roosevelt, nhiều hậu duệ tổng thống thú nhận họ phải chật vật để “cân bằng sự thật lịch sử với những câu chuyện phổ biến nhưng hư cấu”. Massee McKinley 48 tuổi (chắt nội của Grover Cleveland và chắt ngoại của William McKinley) biết mình là hậu duệ của hai đời tổng thống khi anh mới lên 7 hoặc 8 tuổi. “Tôi chưa bao giờ thấy khao khát chính trị hay quyền lực, và tôi sẽ không bao giờ sống theo di sản đó của các ông tôi” – McKinley nói. Nhưng anh thấy có trách nhiệm phải bảo đảm rằng Cleveland và McKinley cần được hiểu đúng và chính xác những gì họ làm cho đất nước.

Hậu duệ một số tổng thống Hoa Kỳ trong một buổi gặp tại Trung tâm Kennedy, Tháng Tám 2018 – trái sang: Susan Ford Bales, Tweed Roosevelt, (người điều khiển chương trình) David Rubenstein, Lynda Johnson Robb, Massee McKinley và Clifton Truman Daniel (ảnh: Bill O’Leary/The Washington Post/Getty Images)

Bảo vệ di sản

Trong 15 năm đầu tiên của cuộc đời, Ulysses Grant Dietz, chít của vị tướng thời Nội chiến Mỹ Ulysses Grant đã cố tránh cái họ của mình vì Tổng thống Grant bị một số người nguyền rủa là quá nương tay với Liên minh miền Nam thất trận. Grant là anh hùng vĩ đại của Nội chiến nhưng lại mất lòng các sử gia. “Họ nói, khi Grant biến Robert E. Lee của Liên minh miền Nam thành anh hùng, ông đã tự biến mình thành nhân vật phản diện” – Dietz nói. Sau tuổi 15 anh mới quyết định lấy lại họ thật của mình. “Khi mọi người biết tôi là hậu duệ của Ulysses, điều đầu tiên họ làm là chế giễu tôi. Họ bảo Grant là một tổng thống tồi, một học sinh ngốc nghếch. Không có điều nào là đúng cả!” – Dietz, hiện 66 tuổi nói. Năm 30 tuổi, Dietz là nguyên đơn chính trong vụ kiện Bộ Nội vụ tiểu bang việc không chăm sóc phần mộ Grant ở thành phố New York. Ông chiến thắng và phần mộ được phục hồi.

Harry S. Truman chết khi Clifton Truman Daniel 15 tuổi, và mối quan hệ của họ cũng giống bất kỳ ông-cháu nào. Gia đình Truman không có sự bảo vệ của Mật vụ cho đến khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Các đặc vụ bảo vệ gia đình cùng chơi đá gà với thế hệ sau trong hồ bơi và bí mật dạy chúng chơi billiard. Daniel tham gia hội đồng quản trị của Viện Thư viện Truman (Truman Library Institute) khi mẹ anh chuyển giao trọng trách “Đến lượt con!”. Kiên trì bảo vệ phả hệ, ông làm việc cho trường Đại học Harry S Truman ở Chicago, giảng bài về người ông, thậm chí đóng vai Truman trong chương trình truyền hình độc diễn do James Whitmore phụ trách. Sau chương trình, Daniel thường được hỏi về quyết định thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản của ông mình.

Khi Daniel được các phóng viên Nhật gọi điện xin phỏng vấn vào ngày kỷ niệm vụ đánh bom, anh đồng ý gặp gỡ với những người sống sót và gia đình đến dự lễ tưởng niệm ở Hiroshima và Nagasaki. Những người sống sót cung cấp thêm thông tin cho Thư viện Truman và Daniel đã dành năm năm để nói chuyện với sinh viên New York về mối đe dọa hạt nhân. “Tất cả chúng ta đều có chung ý thức bảo tồn di sản của tổ tiên, nhưng mỗi người có cách riêng. Tôi đã đến Hiroshima, Nagasaki và làm việc với các nhà hoạt động giải trừ quân bị, điều mà tôi nghĩ ông tôi sẽ đồng tình. Tôi hiểu sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân và cố gắng làm được điều gì đó để ông tôi không thất vọng” – ông Daniel nói.

Tham khảo: The Washington Post

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: