“Hồ sơ Twitter” có gì mà ầm ĩ thế?

Câu chuyện thứ Năm
Share:
Ông chủ mới của Twitter, Elon Musk, cho công bố các tài liệu nội bộ, gọi là Twitter Files, để lên án cái gọi là đàn áp tự do ngôn luận của chính mạng xã hội này trước đây và gây tranh cãi dữ dội trong công luận Mỹ. Ảnh minh họa Jonathan Raa/NurPhoto via Getty Images
Thời Sự
Thời Sự
Hoa Kỳ “Hồ sơ Twitter” có gì mà ầm ĩ thế?
Loading
/

Vài hôm gần đây, dư luận ở Mỹ nóng lên với cái gọi là “Hồ sơ Twitter” (Twitter Files) do ông chủ mới của mạng xã hội này là tỷ phú Elon Musk công bố. 

Nhiều người thuộc giới bảo thủ nhận định đó là bằng chứng cho thấy mạng xã hội Twitter và các công ty công nghệ lớn (Big Tech) nói chung đang tước đoạt quyền tự do ngôn luận rất quý giá của người dân Mỹ. Cựu Tổng thống Donald Trump thậm chí còn cho rằng, việc đàn áp tự do ngôn luận như vậy là căn cứ đủ để chấm dứt một phần Hiến pháp Hoa Kỳ và khôi phục chức tổng thống cho ông ta? Thực hư thế nào?

Cái gọi là Twitter Files là đứa con tinh thần của ông Elon Musk. Ông Musk nói ông muốn cho mọi người thấy “điều gì thực sự đã xảy ra” trong hậu trường liên quan đến các quyết định kiểm duyệt nội dung (content moderation) tại Twitter trước khi ông ta mua nó vào tháng Mười.

Ông Musk đã giao cho ba nhà báo độc lập — Matt Taibbi, Bari Weiss và Michael Shellenberger — lục lọi các tài liệu nội bộ, các biên bản thảo luận giữa các nhà quản lý công ty để làm rõ quá trình ban hành các quyết định gây tranh cãi của Twitter, chẳng hạn như quyết định cấm cửa cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng Giêng năm 2020.

Song song với việc công khai những tài liệu nội bộ, thường không bao giờ được các công ty công bố, ông Musk liên tục khẳng định rằng ông muốn Twitter trở thành “thánh địa cho tự do ngôn luận”; ông chỉ trích các quyết định của ban quản lý Twitter trước đây về kiểm duyệt nội dung. Và ông cho khôi phục một số danh khoản từng bị Twitter cấm, chẳng hạn như danh khoản của ông Trump, của Dân biểu cực hữu Marjorie Taylor Greene.

Nhưng ông Musk cũng có chính sách kiểm duyệt riêng của mình. Danh khoản Twitter của nghệ sĩ nhạc rap nổi tiếng Ye, trước đây được gọi là Kanye West, đã được ông phục hồi nhưng cũng lại bị ông Musk cấm chưa đầy hai tuần sau đó. 

Danh khoản Twitter của ca sĩ nhạc rap Kanye West bị cấm trước đây, rồi được ông Musk phục hồi để rồi lại bị ông Musk cấm chỉ hai tuần sau đó. Ảnh Jakub Porzycki/NurPhoto via Getty Images

Có gì trong các Twitter Files?

Twitter Files gồm hàng nghìn tài liệu nội bộ, email, tin nhắn văn bản trao đổi giữa các nhân viên quản lý của Twitter về những chính sách của công ty. Cho đến nay, đã có năm phần Twitter Files được phát hành, mỗi phần tập trung vào một sự kiện trong chính sách kiểm duyệt của Twitter.

Twitter Files phần 1 tập trung vào các quyết định xung quanh tin tức về tài liệu được tìm thấy trong cái được cho là máy tính xách tay của Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden.

Twitter Files phần 2 nêu bật cách Twitter sử dụng các công cụ điện toán để làm giảm khả năng hiển thị của một số danh khoản.

Twitter Files phần 3 tập trung vào việc bàn bạc để đi đến quyết định loại bỏ Trump khỏi Twitter sau cuộc tấn công ngày 6 tháng Giêng vào Điện Capitol của Hoa Kỳ.

Twitter Files phần 4 bổ sung chi tiết về việc Twitter loại bỏ Trump.

Twitter Files phần 5 cung cấp thêm thông tin về quyết định của Twitter về việc cấm Trump.

Twitter Files 3, 4 và 5 trình bày khá đầy đủ các cuộc tranh luận giữa các giám đốc điều hành của Twitter về vấn đề liệu ông Trump có vi phạm chính sách nội dung của công ty hay không sau khi đăng một số tweet sau vụ tấn công ngày 6 tháng Giêng 2021.

Twitter 2 làm sáng tỏ các công cụ mà Twitter sử dụng để xử lý các danh khoản hoặc tweet vi phạm chính sách vào một thời điểm nào đó, chẳng hạn như hạn chế khả năng hiển thị của một tweet hoặc người dùng. Bari Weiss, một trong ba nhà báo được Musk cung cấp tài liệu, đã đăng tweet rằng các quyết định “chủ động hạn chế khả năng hiển thị của toàn bộ danh khoản hoặc thậm chí các chủ đề thịnh hành đã được thực hiện trong bí mật mà không thông báo cho người dùng.”

Hầu hết các danh khoản được ông Weiss dẫn chứng ra đều gắn liền với những tiếng nói bảo thủ.

Chiếc máy tính của Hunter Biden

Twitter Files phần 1 – phần được chú ý nhất – cho thấy cuộc thảo luận để đi tới quyết định của công ty liên quan đến thông tin về cái gọi là chiếc máy tính xách tay của Hunter Biden. Tháng Mười 2020, tức là ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, tờ New York Post thuộc cánh hữu bảo thủ đăng bài cho biết một chiếc máy tính xách tay được cho là của Hunter Biden đã bị bỏ lại tại một cửa hàng sửa chữa máy tính ở Delaware và đã được chủ tiệm cung cấp cho FBI. Tài liệu trong ổ đĩa cứng của chiếc máy tính được cho là có liên quan tới công việc làm ăn của Hunter Biden tại Ukraine và hành vi tạo điều kiện để phía Ukraine tiếp cận được cha của ông ta, lúc đó là phó tổng thống trong chính quyền Obama.

The New York Post tháng 10-2020 đăng bài về các email bí mật trong chiếc máy tính được cho là của Hunter Biden. Việc ngăn chặn, sau đó bãi bỏ, sự lan truyền của thông tin này trên mạng Twitter đã gây tranh cãi sôi nổi trong thời gian đó. Ảnh NY Post.

Vào thời điểm đó, cả Twitter và Facebook đều tìm cách hạn chế sự lan truyền của câu chuyện vì lo ngại về tính chất xác thực, về nguồn phát tin và vì chính sách chống lại việc sử dụng các tài liệu bị “đánh cắp” (hack). Nhưng chỉ sau một ngày, Twitter đã đảo ngược hướng quyết định đó và sửa đổi chính sách của mình về các tài liệu bị đánh cắp. Các cuộc thảo luận nội bộ cho thấy các giám đốc điều hành của Twitter đã bối rối và đôi khi không đồng ý với nhau quyết định ngăn chặn câu chuyện. Tranh cãi về cách xử lý tình huống của Twitter đã được đưa tin rộng rãi vào thời điểm đó.

Trong trường hợp câu chuyện của New York Post về máy tính xách tay của Hunter Biden, nhà báo Matt Taibbi đã viết rằng các tài liệu nội bộ cho thấy Twitter “đã thực hiện các bước phi thường để ngăn chặn câu chuyện, xóa các liên kết và đăng cảnh báo rằng nó có thể không an toàn. Họ thậm chí còn chặn đường truyền của nó qua tin nhắn trực tiếp, một công cụ cho đến nay chỉ dành cho các trường hợp nghiêm trọng, ví dụ như nội dung khiêu dâm trẻ em,” ông Taibbi viết.

Tuy nhiên, ông Taibbi nhấn mạnh các quyết định của Twitter là kết quả cuộc thảo luận trong giới quản trị công ty chứ không phải do áp lực của chính phủ Hoa Kỳ – lúc ấy còn dưới quyền Tổng thống Donald Trump. “Không có bằng chứng nào – mà tôi đã thấy – về bất kỳ sự tham gia nào của chính phủ vào câu chuyện máy tính xách tay [của Hunter Biden].”

Taibbi cũng lưu ý rằng Twitter đôi khi nhận được yêu cầu xóa các tweet từ “các nhân tố có liên quan” và rằng các yêu cầu đến từ “cả hai bên”, nghĩa là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.

Elon Musk đã phản ứng như thế nào?

Ông Musk đã quảng cáo Twitter Files cho vô số người theo dõi danh khoản của mình và ông nhấn mạnh đây là bằng chứng cho thấy Twitter đã đàn áp quyền tự do ngôn luận. Chẳng hạn, với tweet của Taibbi rằng “các nhân tố có liên quan” đã liên lạc với Twitter để yêu cầu xóa các tweet, ông Musk viết, “Nếu điều đó không vi phạm Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp, thì là cái gì?”

Tuy nhiên, như các chuyên gia đã chỉ ra, Tu chính án thứ Nhất bảo vệ người dân Hoa Kỳ khỏi sự xâm phạm của chính phủ đối với quyền tự do ngôn luận của họ — nó không bắt buộc các công ty tư nhân như Twitter phải cho phép tự do ngôn luận. Đó là lý do tại sao các công ty như Twitter, Facebook và các diễn đàn khác có thể thực thi việc điều độ nội dung và kiểm duyệt những gì xuất hiện trên nền tảng của họ.

Sau khi một số người dùng Twitter chỉ ra cho Musk rằng, trên thực tế, hành vi của Twitter không vi phạm Tu chính án thứ nhất, Musk đã trả lời: “Twitter tự hành động để ngăn chặn quyền tự do ngôn luận không phải là vi phạm Tu chính án thứ Nhất, mà hành động theo lệnh của chính phủ mà không có sự xem xét tư pháp là đàn áp tự do ngôn luận.”

Tuy nhiên, Twitter Files dường như không cho thấy rằng chính phủ đã ra lệnh cho Twitter – chỉ công ty đã nhận được “yêu cầu” từ cả hai bên và đôi khi cũng đã tham khảo ý kiến ​​của FBI và các cơ quan khác.

Ông Trump với  Twitter Files

Trong một bài đăng trên Truth Social hôm 3 Tháng Mười Hai, cựu Tổng thống Trump đòi “chấm dứt” một phần Hiến pháp Hoa Kỳ sau khi các tài liệu Twitter Files được công bố.

Phản ứng tai tiếng nhất cho đến nay đến từ cựu Tổng thống Trump, người đã tuyên bố các tài liệu nội bộ của Twitter cho thấy nên chấm dứt Hiến pháp Hoa Kỳ. Những bình luận của ông, được đưa ra trên nền tảng truyền thông xã hội bảo thủ Truth Social, ngay lập tức bị các đảng viên đảng Dân chủ lên án, và một số đảng viên Cộng hòa cũng chỉ trích.

Mặt khác, cựu Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey đã viết trong một bài đăng trên blog rằng Twitter Files cho thấy công ty này “không có mục đích xấu hoặc chương trình nghị sự ẩn giấu.” “Mọi người đều hành động theo thông tin tốt nhất mà chúng tôi có vào thời điểm đó,” ông Dorsey nói thêm.

Những người khác nói rằng Twitter Files là cường điệu và không khách quan. Một số danh khoản cánh tả cũng đã bị Twitter cấm, nhưng Twitter Files được phát hành cho đến nay vẫn chưa tiết lộ những cuộc thảo luận hoặc ra quyết định xung quanh các lệnh cấm đó mà chỉ xoáy vào các danh khoản cánh hữu. 

Ông Musk lên án hoạt động kiểm duyệt nội dung của những nhà quản lý trước ông ở mạng Twitter và giải tán bộ phận theo dõi nội dung các bài đăng trên mạng xã hội này nhưng bản thân ông cũng đưa ra các chính sách và hoạt động kiểm duyệt nội dung riêng, vạch ra một ranh giới về những gì được phép và không được phép đăng trên Twitter. Chỗ khác nhau chỉ là những tiêu chuẩn của ông ta thì không giống với những người tiền nhiệm và không giống các mạng xã hội phổ biến khác.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: