Hoa Kỳ kêu gọi các nước mở kho dầu dự trữ để hạ giá xăng

Giá xăng dầu tăng cao thúc đẩy lạm phát ở nhiều nước. Giá xăng ở California đã lên mức cao nhất từ trước tới nay. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images

Trong một nỗ lực phối hợp nhằm hạ giá năng lượng toàn cầu, chính quyền Biden đã yêu cầu một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới – bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Hàn và Nhật Bản – xem xét mở kho dự trữ dầu thô, hãng tin Reuters cho biết trong bản tin độc quyền chiều 17 Tháng Mười Một.

Theo nguồn tin, trong vài tuần qua Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu của ông đã thảo luận với các đồng minh thân cận bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, cũng như với Trung Quốc về hành động phối hợp cùng mở kho dầu dự trữ, tăng lượng cung dầu ra thị trường để kéo giá xăng dầu xuống.

Yêu cầu bất thường này được đưa ra khi ông Biden phải chống chọi với áp lực chính trị nặng nề do giá xăng dầu tăng cao, kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng khác. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong Tháng Mười vừa qua được ghi nhận tăng 6.2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng ba mươi năm qua; riêng các mặt hàng năng lượng tăng giá tới 30%. 

Giá xăng tại Mỹ hiện nay trung bình $3.41/gallon, cao hơn 60% so với một năm trước do nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tại California, giá xăng đã ngấp nghé mức $5 một gallon, cao gấp rưỡi so với đầu năm. 

Lạm phát, giá cả tăng vọt là một trong những yếu tố làm cho người dân Mỹ thất vọng với chính quyền, làm cho tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức hồi đầu năm. Giá cả tăng vọt cũng khiến ông Biden thất vọng trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu đảng Dân Chủ của ông có duy trì được đa số mỏng manh trong Quốc Hội Mỹ hay không.

***

Reuters cho biết chính phủ Nhật Bản đã phản ứng tích cực với đề nghị của Mỹ, không rõ các nước khác phản ứng như thế nào.

Kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia của Mỹ (SPR) hiện có khoảng 727 triệu thùng dầu. Theo một nguồn tin, Mỹ có thể tung ra khoảng 20 – 30 triệu thùng dầu để bình ổn thị trường, theo hình thức bán hoặc cho các nhà máy lọc dầu mượn dầu thô, hoặc cả hai hình thức. SPR được thành lập vào những năm 1970 sau cuộc cấm vận dầu mỏ của khối Arab để bảo đảm Hoa Kỳ luôn có đủ nguồn dầu cung cấp cho thị trường trong trường hợp khẩn cấp.

Nhưng một số người am hiểu vấn đề cảnh báo rằng các cuộc đàm phán về phối hợp mở kho dầu dự trữ vẫn chưa hoàn tất cũng như chưa có bất kỳ quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Trong nhiều tuần qua, Tòa Bạch Ốc cho biết họ đang “nói chuyện với những nước tiêu dùng năng lượng khác để bảo đảm nguồn cung cấp dầu và giá cả không ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu”, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, nhưng xác nhận chưa có thỏa thuận nào được ký kết.

Sau khi Reuters đưa tin về các cuộc thảo luận của Tòa Bạch Ốc, giá dầu thô giao sau của Mỹ được giao dịch ở mức $78.18 một thùng, giảm so với mức đóng cửa giao dịch $78.36, trong khi giá dầu Brent châu Âu giảm xuống $80.21 sau khi kết thúc phiên ở mức $80.28 USD.

***

Yêu cầu phối hợp mở kho dầu dự trữ cũng phản ánh sự thất vọng của Mỹ đối với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của tổ chức này, những người đã từ chối các yêu cầu lặp đi lặp lại từ Washington, yêu cầu đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu của họ.

Tổ chức OPEC, do Arab Saudi dẫn đầu và các đồng minh của họ do Nga dẫn đầu, đã tăng thêm khoảng 400,000 thùng dầu mỗi ngày vào thị trường, nhưng từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Biden yêu cầu tăng nhanh hơn nữa vì cho rằng nhu cầu phục hồi có thể rất mong manh.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo hôm Thứ Ba cho biết ông dự kiến sau Tháng Mười Hai thị trường dầu sẽ chứng kiến sự dư thừa nguồn cung.

***

Liên quan đến giá xăng dầu, Tổng thống Biden hôm nay Thứ Tư, 17 Tháng Mười Một, cũng yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) hãy “ngay lập tức” điều tra xem các công ty xăng dầu có hành vi phạm pháp nào nhằm đẩy giá xăng lên hay không. 

Trong thư gửi bà Lina Khan, người đứng đầu FTC, ông Biden viết: “Đang ngày càng có nhiều chứng cớ cho thấy hành động gây hại cho người tiêu thụ của các công ty xăng dầu,” và ông yêu cầu “FTC phải điều tra xem có hành vi gì bất hợp pháp để đẩy giá lên hay không.”

Yêu cầu của Tổng thống Biden chỉ ra “khoảng cách lớn lao không giải thích được” giữa giá dầu thô và giá xăng bán lẻ tại các trạm xăng mà FTC có nhiệm vụ xem xét để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo tin của CNN, hành động của ông Biden nhiều phần sẽ không có ảnh hưởng tức thời về giá xăng mà người tiêu thụ phải chi trả hiện nay, vốn tăng cao do nhu cầu sau cao điểm dịch bệnh vượt hẳn hơn mức cung cấp.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: