Hồi ký Madeleine Albright – những năm tháng ngoại giao sôi động (phần 1)

Madeleine Albright, Ngoại trưởng thứ 64 của Mỹ, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ ngồi ghế lãnh đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ảnh: Grabowsky/ullstein bild via Getty Images)
Share:
Thời Sự
Thời Sự
Hồi ký Madeleine Albright – 14 bộ vest và một váy đầm
Loading
/

Kỳ 1: 14 bộ vest và một váy đầm

Madeleine Albright, một trong những nhà ngoại giao lão luyện nhất lịch sử Mỹ, phụ nữ đầu tiên trong lịch sử chính trường Mỹ được chọn làm Ngoại trưởng, vừa từ trần vào hôm nay (23 Tháng Ba 2022). Bà là người có công trong việc mở rộng NATO cũng như thúc đẩy NATO can thiệp Balkan để chấm dứt cuộc khủng hoảng diệt chủng và thanh trừng sắc tộc. Trong bài viết trên New York Times (23-2-2022), ngay trước khi Vladimir Putin xâm lược Ukraine, bà đã nhắc rằng việc Putin tấn công Ukraine sẽ là “một sai lầm lịch sử”. Nhân dịp này, xin trích đăng lại vài phần trong hồi ký của bà, Madam Secretary – A memoir (ấn hành cách đây gần 20 năm – năm 2003).

Bà Madeleine Albright và quyển hồi ký ‘Madam Secretary: A Memoir’ (ảnh: Michael Buckner/Getty Images)

Thiên hướng chính trị từ nhỏ

Madeleine Albright là Ngoại trưởng Mỹ từ 1997-2001 và Đại sứ Mỹ tại LHQ từ 1993-1996. Sinh ngày 15 Tháng Năm 1937 tại Prague (Tiệp Khắc), Albright theo gia đình đến London trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ và sau đó sang Mỹ năm 1949. Bà lấy bằng cử nhân chính trị Đại học Wellesley năm 1959 và lấy bằng tiến sĩ về Liên Xô học từ Đại học Columbia năm 1976. Từ 1978-1981, bà làm việc trong Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) thời Tổng thống Jimmy Carter. Từ 1982-1993, bà dạy quan hệ quốc tế và ngoại giao thế giới tại Đại học Georgetown; từ 1989-1993, bà là Chủ tịch Trung tâm chính sách quốc gia.

Thời tại chức (ngoại trưởng), Albright từng có những cuộc xung đột gay gắt giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cũng như với cả Tòa Bạch Ốc. Trong hồi ký, Albright cho biết tên thật của bà không phải là Madeleine mà là Marie Jana, con đầu lòng của ông bà Josef và Anna Korbel. Tuy nhiên, bà nội thích gọi Marie Jana là “Madla” (theo tên một nhân vật trong vở kịch Madla in the Brick Factory); trong khi đó, mẹ bà thích gọi là Madlen; bạn bè lại gọi là Madlenka và cuối cùng, cho đến năm 10 tuổi, khi học tiếng Pháp, Marie Jana chọn cái tên ưng ý là “Madeleine”.

Dù vậy, Madeleine Albright không bao giờ chính thức đổi tên. Trong hồ sơ nhập tịch và hôn thú, bà dùng đúng tên khai sinh “Marie Jana Korbel”. Trong phần đầu hồi ký, Madeleine Albright kể chi tiết về gia thế và đặc biệt ảnh hưởng của cha. Bà cho biết thêm mình thích sinh hoạt câu lạc bộ và có thiên hướng làm chính trị từ nhỏ. Năm lớp 10, bà thành lập câu lạc bộ quốc tế và tự phong làm chủ tịch! Bà chứng tỏ khả năng khi đọc vanh vách tất cả thành viên Liên Hiệp Quốc, theo thứ tự chữ cái (tổng cộng 60 thành viên, vào thời điểm năm 1953)… Với kinh nghiệm thời làm việc trong NSC thời Jimmy Carter, bà được lòng tân Nội các Bill Clinton, và chính nhờ Bill Clinton, cùng quan hệ gần gũi trước đó với Hillary Clinton, sự nghiệp chính trị Madeleine Albright được thăng hoa.

Madeleine Albright (giữa) cùng ban biên tập một tờ báo tại Wesley College (ảnh: Brooks Kraft LLC/Sygma via Getty Images)

Trong hồi ký, bà kể…

Giữa Tháng Mười Một, hai tuần sau cuộc bầu cử tổng thống 1992, tôi là một trong những thành viên đầu tiên của tân Nội các Bill Clinton vào Tòa Bạch Ốc. Nhiệm vụ của tôi là tiếp nhận công việc từ NSC của nội các tiền nhiệm (George H. Bush). Với tư cách điều phối viên chương trình chuyển giao quyền lực, tôi đưa ra nhiều đề nghị cho công tác tổ chức hoạt động của nhóm an ninh quốc gia, trong đó có đề xuất đưa đại sứ Mỹ tại LHQ vào danh sách Ủy ban các vị đứng đầu (Principals Committee, gồm các bộ trưởng và thứ trưởng, giám đốc CIA, cố vấn an ninh quốc gia – ND). Dù xử lý công việc một cách tạm thời cho nội các mới nhưng tôi tin rằng mình đang được giám sát và đánh giá để được chọn vào vị trí chính thức nào đó.

Tôi không đóng vai trò cố vấn cho Bill Clinton như đối với các ứng cử viên Dân chủ trong những kỳ bầu cử trước. Tôi gặp Bill Clinton vài lần trong chiến dịch tranh cử, sau lần gặp đầu tiên năm 1988 tại Boston. Lúc đó, tôi đề nghị Bill gia nhập thành viên Hội đồng quan hệ đối ngoại. Sau kết quả chiến thắng cuộc tranh cử tổng thống 1992, Nancy Soderberg – thành viên nhóm vận động chiến dịch tranh cử Bill Clinton và là học trò cũ của tôi – bắt đầu chuẩn bị bản ghi nhớ liệt kê ứng cử viên cho nội các mới.

Tên tôi là cái tên duy nhất được gạch dưới với từ “good” (tốt) bên lề. Tôi nghĩ rằng mình sẽ được giao chức trách gì đó nhưng không biết là gì. Tôi hy vọng mình được chọn vào NSC, giữ một trong hai vị trí cao nhất. Tuy nhiên, khả năng này khó có cơ hội đạt được. Hai người bạn của tôi – Anthony Lake và Samuel Berger – đều xứng đáng. Anthony Lake từng làm việc trong Bộ Ngoại giao thời Jimmy Carter với Samuel Berger là tay phó của ông. Thời chiến tranh Việt Nam, Anthony Lake đã từ chức (viên chức trong bộ phận các vấn đề hải ngoại trực thuộc Bộ Ngoại giao) khi phản đối Richard Nixon đưa quân Mỹ vào Campuchia. Riêng Samuel Berger, tay chuyên gia luật thương mại nổi tiếng này cũng là bạn thân lâu năm của Bill Clinton.

14 bộ vest và một váy đầm

Tôi bắt đầu hướng giấc mơ sang Bộ Ngoại giao. Tôi hy vọng mình có thể là phụ nữ đầu tiên ngồi ghế thứ trưởng ngoại giao. Tôi không quan tâm đến vị trí đại sứ làm việc ở nước ngoài và không hề nghĩ đến LHQ. Ấy thế mà không lâu sau lễ Tạ ơn, Samuel Berger gọi tôi vào văn phòng riêng và gây bất ngờ khi hỏi: “Bà nghĩ sao nếu được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại LHQ?”. “Khao khát bí mật của tôi là làm thứ trưởng ngoại giao”. Samuel Berger không phản ứng gì và cuộc phỏng vấn coi như kết thúc.

Trong nhiều ngày, không có tin gì liên quan và tôi bắt đầu muốn nổ tung. Tất nhiên tôi không muốn ai thấy mình lo lắng và tự trấn an rằng rồi thì mình cũng được giao một ghế nào đó. Và ngày này sang ngày kia, tối nào cũng vậy, để đỡ căng thẳng, tôi bắt đầu đánh bóng tất cả đôi giày, sắp xếp lại phòng làm việc ở nhà, chuyển mớ báo từ chỗ này sang chỗ kia và lại chuyển về vị trí cũ.

Ngày 20 Tháng Mười Hai 1992, một Chủ Nhật, quá sốt ruột, tôi đến văn phòng và nhấp nhỏm kiểm tra máy trả lời tự động gần như mỗi phút. Khi về nhà lúc 6g chiều, điện thoại bỗng reng. Đó là Warren Christopher, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, hiện chịu trách nhiệm tiến trình chuyển giao quyền lực. Christopher cho biết tân Tổng thống (Bill Clinton) muốn giao cho tôi một nhiệm vụ tại LHQ nhưng cần nói chuyện với tôi trước. Christopher dặn tôi đi cùng ông vào chiều mai và không được tiết lộ cho bất kỳ người nào. Và thế là tôi đáp máy bay đến Little Rock (Arkansas), phấn khích nhưng trong trạng thái kiệt sức và lo sợ vô cớ.

Madeleine Albright tường trình trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện trước khi được chuẩn y làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc; Washington DC ngày 23 Tháng Một 1993 (ảnh: Michael R Jenkins/CQ Roll Call Photograph Collection/PhotoQuest/Getty Images)

Cuối cùng, tôi đến Dinh thống đốc Arkansas vài phút trước 10g tối (gia đình Bill Clinton chưa dọn đến Tòa Bạch Ốc). Tổng thống tân cử đề nghị tôi giữ ghế Đại sứ Mỹ tại LHQ. Sáng hôm sau, nhóm an ninh quốc gia thuộc nội các mới tập hợp tại Dinh thống đốc Arkansas cho buổi họp báo. Trong số khán giả, có Anne, Alice và Katie (ba con gái của bà Albright). Trấn an và cố giữ bình tĩnh, tôi phát biểu. Một số nhà báo nữ cảm động bắt đầu khóc. Khi dứt lời, tôi quay sang ôm Tổng thống và thấy Bill cũng khóc…

Ngày đầu tiên chính thức làm việc với vị trí Đại sứ LHQ, tôi được Warren Christopher đưa đến New York, gặp Tổng thư ký Boutros-Ghali. Do Boutros-Ghali cũng là cựu giáo sư, chúng tôi nói về sự thay đổi và thích ứng từ môi trường mô phạm sang lĩnh vực ngoại giao. Tôi gặp Boutros-Ghali tại châu Phi năm 1986. Ông là chính khách nhà nòi. Ông nội Boutros-Ghali là Thủ tướng Ai Cập và một người chú/bác của ông là ngoại trưởng. Bản thân Boutros-Ghali cũng giữ vị trí thứ hai trong Bộ ngoại giao Ai Cập trong 14 năm và không thèm nhận ghế bộ trưởng, chỉ bởi – theo lời đồn – vợ ông là dân Do Thái.

Trong vài bữa ăn tối đầu tiên, chúng tôi thảo luận việc cải thiện hình ảnh nước Mỹ trong cộng đồng LHQ. Chúng tôi lập danh sách dài những gì cần làm. Boutros-Ghali là người rất lịch sự và tao nhã. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, tôi bắt đầu nhận ra quan hệ giữa hai chúng tôi cũng như giữa Mỹ và LHQ bắt đầu tuột dốc…

Tôi hình dung phiên họp đầu tiên trong Hội đồng bảo an sẽ được tổ chức trong phòng hội nghị khổng lồ với những cái bàn móng ngựa như luôn thấy trên truyền hình. Tuy nhiên, đó là căn phòng dành cho các hội nghị chính thức. Căn phòng dành cho cuộc họp không chính thức – và cũng là các cuộc họp quan trọng nhất – có kích thước không lớn hơn phòng hội thảo của Đại học Georgetown (nơi bà Albright từng dạy học). Khi tôi bước vào, căn phòng chật cứng đã đầy các đại sứ và nhóm cận sự. Tôi lách mình đến ghế. 14 vị đại sứ thường trực, tất cả đều là quí ông, ngồi nghiêm trang như khúc gỗ, tay xếp trước mặt. Tôi lập tức nghĩ rằng nếu mình còn sống đủ lâu để viết hồi ký, tôi sẽ đặt tựa cuốn sách là “14 bộ vest và một váy đầm”…

__________________

Hồi ký Madeleine Albright (2) – “Đảo chính Boutros-Ghali”

Hồi ký Madeleine Albright (3) – Chiến dịch vận động giành ghế ngoại trưởng

Hồi ký Madeleine Albright (4) – Nghệ thuật làm ngoại trưởng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: