Hồi ký Madeleine Albright – những năm tháng ngoại giao sôi động (phần 4)

Bà Madeleine Albright trong ngày làm việc đầu tiên trong cương vị ngoại trưởng (ảnh: Dirck Halstead/Getty Images)
Share:
Thời Sự
Thời Sự
Hồi ký Madeleine Albright – Nghệ thuật làm ngoại trưởng
/

Kỳ cuối: Nghệ thuật làm ngoại trưởng

Văn hóa ngoại giao và cách… hôn trong ngoại giao

Ở cương bị đại diện quốc gia trên sân khấu ngoại giao thế giới, bà Madeleine Albright không chỉ thực hiện vai trò hoạch định chính sách đối ngoại mà còn đối mặt nhiều thử thách ở vị trí nữ chính khách, đặc biệt trong văn hóa giao tiếp với không ít bất tiện khi đối diện đối tác nam. Trong hồi ký, bà viết…

Người ta thường hỏi tôi cuộc đời làm ngoại trưởng như thế nào. Câu trả lời nằm gọn ở một từ: Chuyển động. Thế giới không bao giờ ngưng quay và tôi cũng vậy và dù tôi làm nhiều như thế nào, cũng luôn còn nhiều công việc hơn cần giải quyết. Những từ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi là điện thoại, máy bay, hội họp và bản ghi nhớ. Tôi buồn bã nhận ra rằng mình vô phương duy trì tình bạn cá nhân và có vô số lần tôi phải hủy các cuộc hẹn ăn tối. Đơn giản, tôi không có cuộc sống riêng…

Tổng thống Bill Clinton đã phá vỡ tấm trần kính để phụ nữ có thể xuất hiện và tham gia chính sách đối ngoại. Trong tám năm tổng thống của Nội các Clinton, bảy trong 10 vị trí cao nhất thuộc Bộ Ngoại giao, lúc này hoặc lúc khác, luôn là phụ nữ. Cánh nữ còn tham gia chính sách kinh tế, kiểm soát vũ khí, quản lý và công tác quan hệ với Capitol Hill. Với tư cách Ngoại trưởng, tôi nỗ lực cải thiện hình ảnh nữ giới trong dòng chảy chính sách đối ngoại Mỹ. Không thể đạt được bất kỳ mục tiêu gì nếu phụ nữ tiếp tục bị đối xử như công dân hạng hai. Tại Hội nghị phụ nữ tổ chức ở Bắc Kinh năm 1995, chúng tôi đã đề xuất loạt kế hoạch nhằm tăng cường vai trò phụ nữ…

Madeleine Albright trong chuyến công du Bắc Hàn, Tháng Mười 2000 (ảnh: API/Gamma-Rapho via Getty Images)

Nhiều quốc gia có bộ trưởng văn hóa nhưng Mỹ lại không. Tuy nhiên, sự nhận thức văn hóa là phần quan trọng trong chính sách chúng tôi. Các đại sứ và viên chức Cơ quan đối ngoại Hoa Kỳ đều được đào tạo về lịch sử, truyền thống dân tộc và phong tục tập quán địa phương tại các quốc gia mà họ được bổ nhiệm làm việc. Bản thân tôi cũng đánh giá cao yếu tố văn hóa trong công tác ngoại giao. Tôi từng giúp tổ chức hội nghị về văn hóa và ngoại giao đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc. Ở góc độ cá nhân, tôi gặp nhiều thách thức mà không đồng nghiệp nam nào gặp phải. Đó là nghệ thuật hôn ngoại giao. Vấn đề càng phức tạp khi mỗi quốc gia lại có nền văn hóa giao tiếp khác nhau.

Trong hầu hết trường hợp, tôi được chào bằng nụ hôn phớt trên má. Tuy nhiên, vài quốc gia Mỹ Latin hôn bên phải trong khi vài nước Mỹ Latin khác lại hôn bên trái. Những cú đụng mũi côm cốp khi hôn nhau xảy ra khá thường xuyên. Người Pháp, tất nhiên, hôn cả hai má. Người Bỉ và Hà Lan hôn ba lần và người Botswana hôn bốn lần. Trong một số trường hợp hãn hữu, tôi lúng túng và ngượng nghịu khi được đối tác chào theo cách riêng. Với (lãnh đạo Palestine) Yasser Arafat, đôi khi ông hôn má bên phải, đôi khi bên trái; có lúc hôn cả hai má và có khi lại hôn lên trán và bàn tay…

Ngoại trưởng Madeleine Albright cùng Ngoại trưởng Nhật Yohei Kono (phải) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Joung-binn (giữa) trong một cuộc họp báo tại Seoul, ngày 25 Tháng Mười 2000 (ảnh: Chung Sung-Jun/Newsmakers)

Bất thường nhất trong hoạt động văn hóa ngoại giao thường xảy ra tại hội nghị thường niên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Có lẽ như trường hợp người Nhật thích biểu diễn karate trong chương trình giao lưu văn hóa bởi đơn giản môn võ này xuất phát từ nước họ, ASEAN cũng có hoạt động truyền thống riêng trong các hội nghị ngoại giao: Màn trình diễn ca nhạc, ngâm thơ hoặc nhảy múa. Màn biểu diễn thường do các ngoại trưởng đảm nhiệm. Vài nước ASEAN xem cuộc biểu diễn rất nghiêm túc, mang tính thể diện quốc gia, và họ tập dợt từ vài tháng trước. Người ta còn mời diễn viên chuyên nghiệp huấn luyện.

Trong Hội nghị ASEAN 1997 tổ chức ở Malaysia, Tòa Đại sứ Mỹ tại Malaysia đã soạn lời mới cho ca khúc Mary Had a Little Lamb (Cô Mary có con cừu nhỏ). Lời bài hát dí dỏm nhưng ca khúc không phù hợp với tôi, vì vậy, trong chuyến bay dài đến Kuala Lumpur, tôi sửa cô gái nhỏ Mary thành phụ nữ trung niên Evita để hợp với tuổi tác mình. Trong đêm diễn, tôi mặc chiếc váy đen dài, môi sơn đỏ chót, quấn khăn choàng và cài cành hoa to trên tóc. Với nhóm cận sự hát bè phụ họa, tôi trình diễn ca khúc cải biên Don’t cry for me, ASEANies (Đừng than khóc cho tôi, hỡi những người bạn ASEAN).

Một cuộc gặp của các cựu ngoại trưởng (trái sang): James Baker, Madeleine Albright, Colin Powell và Hillary Clinton; Washington DC, ngày 3 Tháng Chín 2014 (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Buổi diễn được hoan hô nồng nhiệt và một đại biểu thậm chí tán rằng tôi là một Madonna mới (Madonna thủ vai phu nhân Tổng thống Argentina, Evita, trong phim nhạc kịch Don’t cry for me, Argentina – ND). Năm sau, tại Hội nghị ASEAN ở Manila, tôi và Ngoại trưởng Nga Yevgeny Primakov bắt cặp với nhau và diễn trong một vở “nhạc kịch”. Trên sân khấu, tôi xuất hiện từ bên trái cánh gà, vận bộ áo truyền thống Philippines màu sắc sặc sỡ và hát: “Âm thanh đẹp nhất mà tôi từng nghe là Yevgeny, Yevgeny, Yevgeny”. Bên kia, Primakov đáp lại: “Madeleine Albright, tôi vừa gặp cô gái tên Madeleine Albright…”. Một lần nữa, màn trình diễn được đón chào nhiệt liệt và quan trọng nhất, nó giúp giải tỏa căng thẳng Nga-Mỹ quanh vấn đề Balkans và Iraq…

Trong các chuyến công du châu Á (bà Albright đến Việt Nam hai lần – giữa năm 1997 và Tháng Chín 1999), lần sang Bình Nhưỡng của Madeleine Albright nhằm giải quyết căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên được đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, trong hồi ký, bà Albright không tiết lộ nhiều thông tin hậu trường khác với những gì báo chí từng đăng tải về chuyến đi này (ngoài câu chuyện về chương trình tiếp đãi và cuộc gặp mang tính ngoại giao với Chủ tịch Kim Jong Il).

Nhìn lại sự nghiệp

Madeleine Albright được đánh giá khá thành công trong cương vị ngoại trưởng Mỹ. Một trong những thành công sáng giá là thuyết phục được Thượng viện chuẩn y Hiệp ước vũ khí hóa học (từng gây nhiều khó khăn cho người tiền nhiệm Warren Christopher). Đáng chú ý nhất là việc bà góp phần mở rộng khối NATO. Từ khi bà vào Bộ Ngoại giao, ngân sách các vấn đề đối ngoại đã tăng từ $19.6 tỉ năm 1996 lên $22.3 tỉ trong năm tài khóa 2000. Tuy nhiên, thành tích của Albright trong vụ khủng hoảng Kosovo – thử nghiệm chính sách ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ hai của Bill Clinton – là đề tài gây tranh cãi.

Cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright được Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do Tổng thống (Presidential Medal of Freedom) ngày 29 Tháng Năm 2012 (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Một số nhà bình luận (dẫn lại từ Washington Post) cho rằng Albright đã thực hiện vài thao tác chiến lược không cần thiết khi mở rộng cuộc chiến, đặc biệt sự thất bại vụng về tại Hội nghị đàm phán hòa bình Rambouillet. Bà cũng bị đánh giá trịch thượng và thường phát biểu trật nhịp với Bill Clinton. Ngoài ra, Albright không được lòng cấp dưới. Albright gần như không bao giờ diễn thuyết về chính sách đối nội mà không nhắc khéo đến việc cần thiết phải chi nhiều hơn cho các vấn đề đối ngoại, với một lý do luôn nghe chắc nịch.

Năm 1999, Ủy ban cố vấn hải ngoại cảnh báo rằng sự hiện diện ngoại giao Mỹ ở nước ngoài đang gần tới “tình trạng khủng hoảng”, cho rằng các tòa đại sứ Mỹ quá thừa đến độ vài nhân viên phải làm vài công việc ngoài chức năng. Để đối phó, Albright lấy lòng Quốc hội (lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của phe Cộng hòa) bằng cách thực hiện những chuyến “hành hương” đến nhà thượng nghị sĩ Jesse Helm (Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện) ở North Carolina…

Đó cũng là một “xảo thuật” trong nghề làm ngoại trưởng ở một môi trường chính trị phức tạp như Mỹ của bà Madeleine Albright. Đoạn cuối hồi ký, bà viết:

“Trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, bạn tôi – Gabriel García Márquez – viết về những cá nhân bị mắc bẫy, như tất cả chúng ta, bởi chu kỳ sống không thể né tránh. Mặt trời mọc rồi lặn, mùa này đi, mùa kia đến, năm tháng trôi qua, bánh xe cứ lăn và chiếc trục xe mòn dần. Chúng ta không được phép chọn tham gia hay lẩn tránh cái qui trình này nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không thể không có sự tự chọn lựa mang ý nghĩa nhất định nào đó. Tôi luôn tin, vì tôi học được từ bố mẹ, rằng bạn phải chiến đấu để giành tất cả những gì có thể, không phải theo nghĩa đen mà là với những quà tặng trong cuộc sống mà bạn được trao. Tôi được dạy cách tồn tại, không phải bởi có những bảo đảm nào đó của thành công, mà bởi hành động tồn tại, bản thân nó, là cách duy nhất để giữ niềm tin trong cuộc đời”…

___________

Hồi ký Madeleine Albright (1)– 14 bộ vest và một váy đầm

Hồi ký Madeleine Albright (2) – “Đảo chính Boutros-Ghali”

Hồi ký Madeleine Albright (3) – Chiến dịch vận động giành ghế ngoại trưởng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: