Hỗn loạn “tin vịt” sau bầu cử

Trang “Stop the Steal” bị Facebook xóa sổ chỉ sau vài tiếng ra đời

Thảm họa tin vịt (fake news), vốn hoành hành và làm méo mó nhận thức dư luận suốt bốn năm qua, giờ tiếp tục quậy phá hỗn loạn.

Một video khẳng định ứng cử viên Joe Biden “chơi gian lận” đang lan truyền chóng mặt. Nó đã nhận được ít nhất 17 triệu lượt xem. Trong video, Joe Biden “rõ ràng” nói rằng muốn thắng cử thì phải tổ chức chơi “ăn gian”. Thật ra video đã bị chỉnh sửa. Nội dung nguyên thủy là một buổi nói chuyện của ông Biden. Khi được hỏi làm thế nào để đảm bảo an ninh bầu cử, ông nói rằng cần tăng cường giám sát khả năng xảy ra gian lận lá phiếu. Thế là “ai đó” đã sửa video để thay đổi hoàn toàn bản chất nội dung. Một trong những người share video trên là Eric Trump và bị Facebook lập tức dán nhãn cảnh báo với nội dung video có thể dẫn đến việc hiểu sai. Tuy nhiên, video này, khi được chia sẻ trên trang “Team Trump”, được xem hơn 264.000 lần, thì Facebook không dán nhãn. Trên Twitter, nơi nhiều tài khoản “có số má” (high-profile accounts) chia sẻ đoạn video, nó được xem đến hơn 8,4 triệu lần!

Một tweet của Tổng thống Trump bị Twitter nhanh chóng ẩn lại

Vô số tin vịt tiếp tục bùng nổ sau bầu cử, từ những tin “cho biết” có nhiều lá phiếu “bị thất lạc” hoặc “mới tìm được sau khi bị vất đi”, đến những tin về việc kiểm phiếu gian lận khiến số phiếu dành cho Joe Biden tăng vọt tại những bang chiến địa. Một trong những tin giả đang làm nhức đầu là tin đồn rằng những cử tri Arizona được đánh giá thuộc thành phần ủng hộ Tổng thống Trump đã được nhân viên các phòng phiếu địa phương đưa dùng bút lông Sharpie để điền phiếu, như một cách đánh dấu rồi sau đó các phiếu bầu Trump này dễ dàng được phát hiện và được loan bố không hợp lệ! Clint Hickman, chủ tịch Ban giám sát bầu cử hạt Maricopa (thuộc Cộng hòa) – và Steve Gallardo (người duy nhất trong Ban giám sát bầu cử thuộc đảng Dân chủ) – đã cùng lên tiếng trong bức thư chung, khẳng định rằng tin trên là không chính xác. Bút Sharpie được dùng chỉ đơn giản nó rõ nét và mau khô mực.

Dù vậy, “Sharpie-gate” vẫn tiếp tục ồn ào. Dân biểu Cộng hòa Paul Gosar viết tweet rằng mình sẽ đưa vấn đề đến Bộ Tư pháp tiểu bang. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Mark Brnovich gửi thư đến giới chức bầu cử địa phương hạt Maricopa, yêu cầu trả lời về việc những điểm bỏ phiếu nào dùng bút Sharpie và bao nhiêu phiếu bị loại vì “liên quan”  Sharpie. Ngày 4-11-2020, một phụ nữ ở Phoenix tên Laurie Aguilera thậm chí đệ đơn lên tòa, nói rằng việc dùng bút Sharpie khiến lá phiếu của mình không được thừa nhận và đòi bỏ phiếu lại. Đơn kiện của bà Laurie Aguilera bị bác.

Các hãng truyền thông mạng xã hội đang hành động khá quyết liệt với dịch fake news. Nhóm “Stop the Steal” vừa được thành lập vào ngày 4-11 với hơn 300.000 thành viên đã lập tức bị Facebook xóa sổ. Post đầu tiên của nhóm này chỉ ghi một hàng ““Welcome to Stop the Steal” nhưng một giờ sau họ đưa lên một video dài một phút, chiếu cảnh một đám đông bên ngoài một điểm bỏ phiếu tại Detroit, la to “Stop the count” (Ngưng kiểm phiếu đi). Video được nhanh chóng share gần 2.000 lượt, với những bình luận bên dưới, đại loại “Biden is stealing the vote” và “this is unfair”. Đoạn video ngắn đã đưa trang “Stop the Steal” trở thành trang phát triển nhanh nhất lịch sử Facebook. Đến sáng 5-11, chưa đầy 22 tiếng sau khi bắt đầu, “Stop the Steal” đã có hơn 320.000 người follow. Ở một thời điểm, trang có thêm 100 thành viên mới mỗi 10 giây! Dù yểu mệnh, “Stop the Steal” đã kịp thực hiện “sứ mạng” của nó: lan truyền tin giả, với các cáo buộc vô căn cứ về chuyện cuộc bầu cử xảy ra gian lận.

Facebook cũng dán nhãn một post của ông Trump

Twitter, Facebook và YouTube đã chuẩn bị chiến dịch đối phó tin vịt từ nhiều tháng trước ngày bầu cử. Nhiều tweet của chính Tổng thống Trump đã bị dán nhãn cảnh báo, tương tự các tweet của Eric Trump và thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany. Tuy nhiên, chính sách kiểm soát thông tin của các hãng truyền thông xã hội chưa đủ nghiêm nhặt. Ngày 4-11, hệ thống mạng truyền hình cáp One America News Network với gần 1 triệu người đăng ký trên YouTube đã post một video cho rằng Tổng thống Trump đã chiến thắng và phe Dân chủ “đang phá hủy các lá phiếu Cộng hòa, khai thác phiếu giả và trì hoãn kết quả”. Video được xem hơn 280.000 lượt. YouTube không xóa video này nhưng họ cắt quảng cáo để những người làm video không thể kiếm tiền.

Loạn tin vịt cũng bùng nổ trên Facebook Việt Nam. Phổ biến nhất là những tin đại loại Tổng thống Trump đã thắng cử; rằng phe Dân chủ đang “chơi bẩn”; rằng có gian trá trong việc kiểm phiếu ở Pennsylvania; rằng ban đêm ban hôm, “bọn Dân chủ mò vào các điểm bỏ phiếu để đánh tráo hoặc hủy các lá phiếu bầu cho Tổng thống Trump”… Điều đáng nói là phần đông dư luận vẫn tin vào những tin vịt vô căn cứ, như thể một cách mặc nhiên “thừa nhận” rằng hệ thống kiểm phiếu của Mỹ nói chung là vô giá trị, rằng luật pháp Mỹ là zero, rằng FBI lẫn Bộ Tư pháp Hoa Kỳ là những cơ quan vô tích sự! Điều đáng nói hơn hết là có không ít nhà báo lại là những người nhiệt tình loan tin giả hoặc thậm chí tạo tin giả!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: