Khi một cái bánh McDonald’s có thể ảnh hưởng lá phiếu nước Mỹ

Ngày 20 Tháng Mười Hai 2022, Topher Olive đến một cửa hàng McDonald’s ở thị trấn Post Falls, Idaho để mua chiếc “smoky double quarter pounder BLT” với khoai tây chiên và một Sprite. Bữa ăn có giá $16.10 và anh ta đã đăng biên lai lên TikTok. Dù đây là món ăn mới, nhưng video của Olive về đơn đặt hàng McDonald’s trị giá $16 đã lan truyền mạnh, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Đa số không tìm hiểu thêm mà chỉ chú ý đến giá tiền được cho là “(đắt) khủng khiếp”.

Đầu Tháng Mười Một năm nay, sau khi McDonald’s công bố báo cáo doanh thu, bài đăng tương tự được phát tán rộng rãi trở lại, với ít nhất nửa tá hãng tin (gồm cả Washington Examiner, New York Post và Newsmax) góp tay lan truyền câu chuyện về chiếc bánh đắt tiền của Olive. Tháng Mười Một 2023, một video YouTube với hai triệu lượt xem mô tả không chính xác đó là “bữa ăn Big Mac có giá khủng khiếp $16!”

Các bài đăng trên Reddit, Twitchy và một số trang web bảo thủ khác đã gán giá cao của chiếc bánh với “việc quản lý kinh tế tồi” của Tổng thống Biden, kèm theo cùng kiểu lập luận: Lạm phát đã vượt quá tầm kiểm soát đến mức giá một chiếc bánh mì kẹp thịt thức ăn nhanh lên tới gần $20!

Theo tờ The Economist, một chiếc Big Mac trung bình trên toàn quốc tính đến mùa Hè này có giá $5.58, tăng 70 cent so với $4.89 trước khi Biden nhậm chức; tăng hơn 10% nhưng không phải $16. Tuy nhiên, chuyện “bất thường” xảy ra ở một cửa hàng ở Idaho cách nay hơn 11 tháng đã lan truyền khắp các mạng xã hội để “tính chung” cho toàn bộ nền kinh tế. Một quan chức đảng Dân chủ cảm thán: “Chúng ta phải làm gì đây? Bảo tổng thống hoặc (thượng nghị sĩ) Chuck Schumer gửi một dòng tweet có nội dung: Này, hầu hết bánh Mac đặc biệt cũng không đắt đến thế”.

Câu chuyện về Big Mac phản ánh điều mà các trợ lý của Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao của đảng Dân chủ xem là một trong những thách thức khó chịu nhất họ phải đương đầu trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Ngay cả khi lạm phát đã giảm xuống mức 3% và dù thị trường lao động chưa hết nóng trong bối cảnh tăng trưởng mạnh, cử tri vẫn không thích nền kinh tế và đổ lỗi cho tổng thống.

Xoá tan sự bất mãn này (và những toan tính xấu phía sau nó) đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Toà Bạch Ốc và các nhà lập pháp đảng Dân chủ, dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà kinh tế, những người thăm dò ý kiến và các chuyên gia khác trong đảng. Khi chính phủ Biden cố gắng tìm ra cách cải thiện báo cáo kinh tế, Chánh văn phòng Toà Bạch Ốc Jeff Zients đã tổ chức các cuộc họp nội bộ cách nay vài tuần với giới chức kinh tế và truyền thông hàng đầu.

Khi cựu Tổng thống Donald Trump biến việc chế giễu thành tích kinh tế của Biden thành một trong những chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của ông, cuộc đua “phá vây” của Toà Bạch Ốc càng tăng tốc. Chính phủ Biden chưa biết làm cách nào để trả lời một cách thuyết phục những cuộc thăm dò dư luận tiêu cực. Nhiều chiến lược gia và quan chức đảng Dân chủ nhận thấy rõ rằng, dù Biden xứng đáng được ngợi khen hơn nhờ những thành tựu kinh tế của ông (thị trường việc làm đang bùng nổ; tăng lương đáng kể cho người lao động có thu nhập thấp; tăng trưởng kinh tế ấn tượng), nhờ các biện pháp kích thích kinh tế hiệu quả năm 2021 và các giải pháp liên quan vấn đề lập pháp có ý nghĩa, nhiều người Mỹ vẫn không công nhận những thành tích đó nếu tổng thống và các đồng minh của ông không “nói rõ hơn” về chúng.

Vấn đề nằm trên mạng xã hội và truyền thông

Trọng tâm của cuộc tranh luận trong đảng Dân chủ là những thông tin sai trên các mạng xã hội và nhận thức lệch lạc về nền kinh tế đang đẩy cử tri vào tâm trạng lo lắng “mơ hồ” cho tương lai. Ít nhất có một số bằng chứng cho thấy thế giới kỹ thuật số đang vẽ ra một bức tranh ảm đạm khác với những số liệu thống kê. Nhà tư vấn tiếp thị kỹ thuật số Brendan Gahan nhận định:

“Những gì đang phát tán trên TikTok cho thấy cuộc trò chuyện xung quanh “nguy cơ” #economycollapsing đã lên đến đỉnh điểm trong Tháng Mười với hàng chục triệu lượt xem, ngay cả khi lạm phát hạ nhiệt rõ rệt, tăng trưởng vẫn mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp kỷ lục. TikTok có rất nhiều thông tin sai lệch hoặc không chính xác như thế về thực trạng kinh tế”.

Ví dụ, một video đăng vào Tháng Chín với 2.3 triệu lượt xem có tựa “SILENT DEPRESSION” và một video đăng vào mùa Hè với 2.1 triệu lượt xem đưa tin không chính xác: “Chúng ta đang có sức mua thấp nhất từng có trong lịch sử Hoa Kỳ và mức lương được điều chỉnh theo lạm phát thấp hơn so với yêu cầu” (trên thực tế, thu nhập bình quân đầu người đã điều chỉnh theo lạm phát cao hơn năm lần so với năm 1930).

Một video nữa với 1.8 triệu lượt xem, cũng tuyên bố sai sự thật: “Chúng ta đang kiếm được ít tiền hơn lúc đỉnh cao của Đại khủng hoảng”. TikTok và YouTube có hàng tá video kiểu này với những tuyên bố sai trái tương tự. Trước cuộc tấn công tới tấp này, Brian Hanly, giám đốc điều hành của công ty truyền thông tài chính Bullish Studio có khách hàng là những người sáng tạo nội dung, cảnh báo: “Biden sẽ khó vượt qua được ma trận tin giả này cho dù có cung cấp bao nhiêu biểu đồ và con số”.

Một số nhà kinh tế xem tin giả kinh tế không chỉ sai mà còn nguy hiểm. Họ rất kinh ngạc khi nhìn vào con số thăm dò về mức độ tán thành kinh tế của chính phủ Biden hay các cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng, trong đó đa số cho rằng nền kinh tế tệ như thời… Đại suy thoái (lúc tỷ lệ thất nghiệp cao gấp ba hiện nay!).

Họ không hiểu tại sao người tiêu dùng bi quan lại vẫn có tiền để chi tiêu thoải mái trong tình trạng tài chính bất ổn!

Các nhà kinh tế lo ngại những câu chuyện phóng đại, cuối cùng, sẽ dẫn đến một kết quả tồi tệ hơn: Giúp Trump giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử. Theo họ, điều quan trọng là phải làm sao cho cử tri hiểu: Xét theo nhiều khía cạnh, giai đoạn Biden vẫn chứng kiến một trong những đợt phục hồi tốt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại.

Một quan chức Toà Bạch Ốc cho biết chính quyền đang làm việc với những người sáng tạo TikTok để kể những câu chuyện tích cực về khả năng quản lý kinh tế của tổng thống, đồng thời làm việc với lãnh đạo các nền tảng truyền thông xã hội để chống lại các thông tin sai lệch. Will Stancil, nhà nghiên cứu tại Metropolitan Opportunity, nhận định: “Vấn đề không chỉ dừng ở TikTok và các mạng xã hội mà các phương tiện truyền thông cũng đưa tin không cân xứng khi quá chú ý đến những tin tức tiêu cực. Hệ sinh thái truyền thông đang làm méo mó nhận thức của cử tri, đặc biệt là giới trẻ, khi các đánh giá về kinh tế được chỉ dựa vào những gì người khác nói!”.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác và thậm chí một số quan chức Dân chủ vẫn nhận thấy mối nguy hiểm chính trị tiềm tàng trong sự bất mãn của cử tri. Lạm phát đã giảm nhưng giá cả tiếp tục tăng và thu nhập vẫn ở dưới mốc trước đại dịch sau khi tính lạm phát. Hàng triệu cử tri đột nhiên thấy tình hình tài chính của họ tồi tệ hơn so với một năm trước. Theo Matt Bruenig, người sáng lập Dự án Chính sách Nhân dân (People’s Policy Project), một tổ chức tư vấn hỗ trợ mở rộng “nhà nước phúc lợi”, gần 60% người dân nhận thấy thu nhập của họ giảm so với năm 2022.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: