Khinh khí cầu trong cuộc chạy đua vũ trang

Vũ khí mới nhất của quân đội Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc và Nga là một kỹ thuật xưa như Trái đất nhưng tỏ ra lợi hại với những ứng dụng mới…

Sát thủ của vũ khí siêu thanh?

Ngũ Giác Đài đang âm thầm quân sự hoá các dự án khinh khí cầu (balloon) tầm cao bằng cách chuyển các dự án đang có sang phục vụ quốc phòng, một kế hoạch mới để vượt lên Trung Quốc và Nga trong cuộc chạy đua vũ trang ngày càng căng thẳng. Khinh khí cầu đã thực sự trở thành một vũ khí lợi hại trong chiến tranh hiện đại. Các khinh khí cầu bay ở độ cao từ 60,000 đến 90,000 feet sẽ được thêm vào mạng lưới giám sát rộng lớn của Ngũ Giác Đài, thậm chí có thể được sử dụng để theo dõi vũ khí siêu thanh.

Các hồ sơ ngân sách của Bộ Quốc phòng (DoD) cho thấy công nghệ khinh khí cầu đang được chuyển từ khoa học thuần tuý sang phục vụ các mục đích quân sự. Tom Karako, thành viên cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế (International Security Program) kiêm Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa (Missile Defense Project) tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (Center for Strategic and International Studies) cho biết: “Ngũ Giác Đài sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án này vì quân đội có thể sử dụng khinh khí cầu cho nhiều nhiệm vụ khác nhau”.

Hai năm qua, DoD đã chi khoảng $3.8 triệu cho các dự án khinh khí cầu và đã có kế hoạch chi $27.1 triệu trong năm tài chính 2023 để tiếp tục thực hiện nhiều dự án nữa song song với việc nghiên cứu chương trình vũ khí siêu thanh. Một điểm sáng của khinh khí cầu là chúng có thể phát hiện và đánh chặn các vũ khí siêu thanh do Trung Quốc và Nga bắn.

Tháng Tám năm ngoái, Trung Quốc đã gây bất ngờ cho Ngũ Giác Đài khi thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và chỉ bắn chệch mục tiêu xa hai chục dặm trong gang tấc. Nga tăng cường phát triển vũ khí siêu thanh để đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống Tên lửa đạn đạo (Anti-Ballistic Missile Treaty) vào năm 2002. Chính phủ Nga tuyên bố đã bắn một tên lửa siêu thanh vào Ukraine trong Tháng Ba, đánh dấu lần đầu tiên nó được sử dụng trong chiến tranh. Lợi thế khác của khinh khí cầu là chia sẻ gánh nặng và bổ sung cho các vệ tinh đắt tiền trong hoạt động theo dõi tên lửa.

Ảnh: aerostar

Giảm lệ thuộc vào vệ tinh

Khinh khí cầu hình giọt nước thu thập dữ liệu phức tạp và điều hướng bằng các thuật toán trí khôn nhân tạo AI. Trong nhiều năm, DoD đã thực hiện loạt thử nghiệm khinh khí cầu tầm cao và máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời để thu thập dữ liệu, cung cấp thông tin liên lạc cho lực lượng mặt đất và giảm thiểu lệ thuộc vào vệ tinh. Sau đó, Ngũ Giác Đài âm thầm chuyển các dự án khinh khí cầu sang các cơ quan quân sự để thu thập dữ liệu và truyền thông tin đến máy bay.

Ngũ Giác Đài xác nhận với Politico rằng, chương trình COLD STAR đã giúp chuyển khinh khí cầu sang phục vụ quân đội nhưng DoD không tiết lộ chi tiết vì nó được phân loại mật. Trong một sáng kiến ​​khác nhằm kết nối tất cả công nghệ lại với nhau, Ngũ Giác Đài đang có các thử nghiệm để đánh giá việc kết hợp khí cầu độ cao và vệ tinh thương mại trong một cuộc tấn công, được gọi là “kill chain” (chuỗi tàn sát).

“Ở đây, các khinh khí cầu có thể xem như xe tải cho bất kỳ phương tiện nào, từ liên lạc, liên kết dữ liệu, đến việc theo dõi các mối đe dọa trên không và tên lửa, thậm chí nhiều loại vũ khí khác nhau. Đặc biệt khinh khí cầu không có quỹ đạo cố định như vệ tinh nên không thể dự đoán đường bay của nó” – Tom Karako nói. DoD cũng đang nghiên cứu sử dụng máy bay không người lái với khả năng tải trọng tầng bình lưu (“stratospheric payloads”) kết hợp với khinh khí cầu để theo dõi các mục tiêu trên mặt đất đang di chuyển, cung cấp thông tin liên lạc và can thiệp vào các tín hiệu điện tử.

Theo hồ sơ ngân sách DoD, công nghệ này sau khi hoàn thiện sẽ được chuyển giao cho lục quân (Army) và Bộ Chỉ huy Các chiến dịch Đặc biệt (U.S. Special Operations Command). Tìm kiếm cách khác để theo dõi các mục tiêu mặt đất là ưu tiên của Ngũ Giác Đài khi Không quân đã cho “nghỉ hưu” các máy bay trinh sát. Đây không phải quả bóng bay bình thường – Russell Van Der Werff, Giám đốc kỹ thuật của Raven Aerostar (thuộc tập đoàn Raven Industries) chuyên sản xuất khinh khí cầu, cho biết – Chúng có bộ phận điều khiển chuyến bay dùng pin năng lượng mặt trời.

Công ty này cũng cung cấp gói thiết bị điện tử kiểm soát an toàn bay, điều hướng và thông tin liên lạc. Các luồng gió sẽ lái khinh khí cầu trôi theo đường bay mong muốn, và gói thiết bị sẽ tận dụng tốc độ và hướng gió để di chuyển khinh khí cầu đến nơi cần đến. Cụ thể, Raven Aerostar sử dụng một thuật toán độc quyền dự đoán hướng gió và kết hợp dữ liệu cảm biến trong thời gian thực.

Công ty đang thử nghiệm một phần mềm để giám sát đội khinh khí cầu và đã mở một trung tâm đào tạo kỹ sư bay cho những phi vụ có người. Khinh khí cầu có thể bổ sung cho các công việc thường do máy bay và vệ tinh truyền thống đảm trách. Khí cầu tầng bình lưu được chế tạo và phóng với chi phí thấp hơn. Ví dụ, chi phí để phóng và vận hành khinh khí cầu trong nhiều tuần hoặc vài tháng chỉ khoảng vài trăm ngàn đôla, so với hàng triệu, hoặc hàng chục triệu đôla để phóng và vận hành máy bay không người lái hoặc vệ tinh.

Hệ thống JLENS (ảnh: U.S. Air Force/Tiffany DeNault via Getty Images)

Không phải lần đầu tiên

Từ thập niên 1950, Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) đã thử nghiệm các khí cầu bình lưu chứa khí heli, và quân đội Mỹ trong những năm gần đây thử nghiệm các hệ thống này ở độ cao thấp hơn. Khu vực tư nhân cũng đang đầu tư vào thị trường khinh khí cầu. Năm 2017, Alphabet dùng khinh khí cầu để cung cấp thông tin liên lạc di động cho Puerto Rico sau cơn bão Maria. Giữa thập niên 2010, quân đội Mỹ đầu tư vào một chương trình khinh khí cầu gián điệp có tên Joint Land Attack Cruise Missile Elevated Netted Sensor System hay JLENS.

Khinh khí cầu do thám này khác khinh khí cầu tầm cao được thiết kế để theo dõi tàu thuyền, giao thông mặt đất, máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Khinh khí cầu DoD đang sử dụng hiện nay nhỏ hơn, nhẹ hơn và có thể bay cao hơn đáng kể so với khinh khí cầu gián điệp. Từ năm 2015, quân đội Mỹ tiến hành một cuộc thử nghiệm thực địa kéo dài ba năm để xem có nên tiếp tục mua các khí cầu JLENS từ Raytheon hay không. Tuy nhiên, khinh khí cầu bị tai nạn, đứt dây neo gần Baltimore, bay trong ba giờ và cuối cùng hạ cánh gần Moreland Township (Pennsylvania), quân đội quyết định bỏ chương trình vào năm 2017. Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (U.S. Central Command) tiêu tốn gần $2 tỷ để phát triển JLENS nhưng không thành công.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: