Kinh tế hồi phục tốt nhưng sao người Mỹ vẫn bất an?

Chỉ số tiêu dùng Mỹ đang thể hiện tốt (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Tâm trạng u ám kéo dài

Tuần trước, người dân Mỹ được biết nền kinh tế không hề rơi vào tình trạng suy thoái như các nhà kinh tế dự đoán. Sản lượng kinh tế không chỉ phục hồi toàn bộ phần bị mất trong đại dịch mà còn cao hơn mức dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (Congressional Budget Office) vào đầu năm 2020 nếu không có đại dịch.

Điều tương tự cũng xảy ra với thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 3.8% – chỉ cao hơn chút ít so với thời điểm Tháng Một, 2020. Thậm chí có lúc, tỷ lệ thất nghiệp thấp đã tạo sự tự tin quá mức về “sức khoẻ của thị trường lao động” đến nỗi nhiều người tạm bỏ việc. Nhưng ngoại trừ những người trên 64 tuổi, hầu hết họ đã quay trở lại làm việc. Tháng Tám qua, tỷ lệ dân số từ 15 đến 64 tuổi có việc làm đã đạt mức cao nhất so với trước đại dịch.

Tuy nhiên, khoảng 69% số người được hỏi trong cuộc khảo sát vào Tháng Tám qua của tờ Wall Street Journal tin rằng đất nước đang đi sai hướng. Tỷ lệ tán thành Tổng thống Biden đang ở mức dưới 40%, thậm chí mức độ tán thành đối với việc xử lý nền kinh tế của ông còn thấp hơn.

Cách giải thích được nghe nhiều nhất cho sự “tréo ngoe” này là dù tình hình tốt đẹp về công ăn việc nhưng tâm lý chung là cảm giác bi quan về lạm phát cao. Trong khi nhóm nghiên cứu kinh doanh Conference Board nhận thấy quan điểm lạc quan của đa số người được hỏi về thị trường việc làm thì Đại học Michigan phát hiện 40% người được hỏi đã xem lạm phát là nguyên nhân chính gây ra tình hình tài chính khó khăn hiện nay.

Giá bất động sản ngày càng tăng là một trong những lý do khiến người tiêu dùng thấy lo lắng (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Kể từ khi đạt đỉnh 9.1% vào Tháng Sáu năm ngoái, lạm phát (dựa trên chỉ số giá tiêu dùng) đã giảm xuống chỉ còn 3.7%. Lạm phát cơ bản chỉ ở mức khoảng 3% và Cục Dự trữ Liên bang (FED) tin rằng nó sẽ trở về 2% để không cần phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan chỉ tăng vừa phải kể từ khi lạm phát bắt đầu giảm.

Mức lương trung bình hàng tuần được điều chỉnh theo lạm phát hiện cao hơn một chút, so với cuối năm 2019. Người lao động ngày càng có nhiều thời gian nghỉ ngơi và chuyển chỗ làm hơn. Số tiền cứu trợ đại dịch của liên bang đã làm cho tài chính các hộ gia đình mạnh hơn cả trước đại dịch. Giá nhà đất và chứng khoán cao cũng nâng mức độ giàu có của các hộ gia đình (sau khi trừ lạm phát) lên 37% trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2022, cao nhất trong lịch sử khảo sát của FED.

Thế thì tại sao tâm trạng người dân Mỹ vẫn u ám? Dù Fed đặt mục tiêu giảm lạm phát (giảm tốc độ tăng giá) nhưng người tiêu dùng vẫn thấy giá cao hơn nhiều so với cách đó vài năm, bất chấp tác động của nhiều đợt tăng lãi suất. Theo công ty dữ liệu tiếp thị Numerator, giá cà phê trung bình tại Starbucks đã tăng từ dưới $3 khi bắt đầu đại dịch lên $3.63 trong Quý II/2023.

Những nghịch lý về tỷ lệ không hài lòng

Giá nhà cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến “hiệu ứng” gây chán nản. Tuy nhiên, cú sốc này cũng không đủ để giải thích mức độ bất mãn sâu sắc về kinh tế của người dân. Đến đây thì “thủ phạm” dần lộ rõ: Sự phân cực chính trị đóng một vai trò quan trọng.

Theo mặc định, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa (GOP) có quan điểm giống nhau: Nền kinh tế “tuyệt vời” khi đảng của họ kiểm soát Toà Bạch Ốc và “khủng khiếp” khi đảng kia kiểm soát! Tâm trạng quốc gia đang tồi tệ hơn theo thời gian. Giữa thập niên 2000 trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống George W. Bush, tỷ lệ người tham gia khảo sát tin rằng đất nước đang đi sai hướng lên tới 50% và tỷ lệ này đứng yên kể từ đó. Tính trung bình, xếp hạng tán thành cho Tổng thống Biden gần bằng cựu Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ của ông và cả hai đều thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Bush hoặc Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên của họ.

Sự rạn nứt và chia rẽ bởi tình trạng phân cực chính trị về nhiều vấn đề là một trong những nguyên nhân lớn khiến tâm lý xã hội Mỹ ngày càng bất an. Trong ảnh là thái độ phản đối Israel của những người ủng hộ Palestine trong phiên điều trần trước Ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện (Senate Appropriations Committee) với sự có mặt của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Capitol Hill ngày 31 Tháng Mười 2023 (ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images)

Có lẽ phần lớn sự bi quan về nền kinh tế là “nỗi đau lây lan”, giống như một bộ phận cơ thể bị tổn thương do lây từ bộ phận khác. Sự bi quan về nền kinh tế có thể phản ánh sự bất mãn đối với tình hình đất nước nói chung. Gần đây, người dân Mỹ có rất nhiều điều để không hài lòng: Sự gia tăng chia rẽ và bất khoan dung về chính trị và văn hóa, vấn đề di dân tại biên giới, xả súng hàng loạt, tội phạm, chiến tranh Ukraine và bây giờ là chiến tranh Trung Đông.

Quả thực, thật khó để giải thích thái độ của cử tri theo hướng nào khác hơn. Trong cuộc khảo sát của Wall Street Journal, chỉ 37% người được hỏi tán thành cách xử lý nền kinh tế của Biden. Con số này có thể “công bằng” với ông hoặc không, nhưng khi chỉ có 39% tán thành việc ông xử lý An sinh xã hội (Social Security) và Medicare thì nghe thật kỳ lạ vì Biden thực sự… không làm gì cả đối với hai vấn đề này. Có lẽ, khi nhìn thấy chi phí ngày càng tăng của hai chương trình này, một số người nghĩ rằng không làm gì cũng là… xấu.

Chỉ 45% tán thành cách xử lý cơ sở hạ tầng của Biden và 42% tán thành cách ông đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ. Cũng thấp một cách kỳ lạ đối với một tổng thống đã ký luật thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng sản xuất tại Mỹ.

Trong bài báo mới đây, The Economist cho biết tâm lý giới chủ công ty Mỹ cũng không vui. Alphabet, công ty mẹ của Google, đã thành công vượt qua dự báo lợi nhuận nhưng lại chứng kiến giá cổ phiếu giảm 10% sau khi các nhà đầu tư không hài lòng với hoạt động của bộ phận điện toán đám mây. Cảnh báo của Meta về sự bất ổn kinh tế vĩ mô có nghĩa là con số doanh thu hàng quý lớn nhất từ trước đến nay của đế chế truyền thông xã hội này không được thị trường đánh giá cao. Khả năng kéo dài một cuộc suy thoái và mức độ giao dịch doanh nghiệp yếu kém đã làm lu mờ lợi nhuận của các ngân hàng từ việc cho vay với lãi suất cao hơn.

Một số vết nứt đang bắt đầu xuất hiện. Theo Bank of America, dữ liệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho thấy chi tiêu sụt giảm trong Tháng Mười so với một năm trước. Nhìn chung, chi tiêu hiện đang tăng nhanh hơn thu nhập thực tế khả dụng, ăn vào tiền tiết kiệm. Đồng thời, tình trạng quá hạn thanh toán bằng thẻ tín dụng và khoản vay mua xe hơi đang tăng. Những sự kiện chính trị nghiêm trọng ở nước ngoài cũng đè nặng lên tâm trí các ông chủ, đặc biệt cục diện Trung Đông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: