Làm ăn kiểu Trung Quốc: “cầm vàng giả, vay tiền thật”

Mỹ sẽ cấm cửa công ty Trung Quốc mon men tới Wall Street

HIẾU CHÂN

Mười bốn tổ chức tài chánh của Trung Quốc, chủ yếu là các quỹ tín dụng, trong năm năm qua đã cho Công ty Trang sức Kingold Vũ Hán (Wuhan Kingold Jewelry Inc.) vay tới 20 tỷ nhân dân tệ (NDT) (tương đương 2,8 tỷ USD) hiện đang ngồi trên lửa do công ty này không trả được nợ, và tài sản thế chấp, 83 tấn vàng thỏi, hóa ra chỉ là “vàng giả”, phóng sự của báo Tài Tân (Caixin) phanh phui một lối làm ăn lừa đảo khá phổ biến ở Trung Quốc. Đáng chú ý Kingold là một trong những công ty Trung Quốc niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nasdaq của Mỹ.

Kingold là công ty chế tác hàng trang sức bằng vàng thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc. Chủ công ty là ông Giả Chí Hoành (Jia Zhihong), một cựu quân nhân trong quân đội Trung Quốc, người nắm quyền kiểm soát mọi cổ đông của công ty.

Phát hiện chấn động

Để vay tiền, công ty Kingold đã cầm cố cho các ngân hàng và quỹ tín dụng 83 tấn vàng thỏi, đồng thời các món vay được bảo lãnh bởi các hợp đồng bảo hiểm của tập đoàn bảo hiểm quốc doanh PICC Property & Casualty Co. Ltd (PICC P&C) mà giá trị bồi thường cam kết lên tới 30 tỷ NDT.

Thế nhưng hồi tháng 02-2020 vừa qua, khi quỹ tín dụng Đông Hoàn (Dongguan Trust Co. Ltd.) bắt đầu phát mại tài sản thế chấp của Kingold để thu hồi nợ quá hạn thì mới lộ ra chuyện những thỏi vàng mà Kingold cầm cố trong kho của Đông Hoàn chỉ là những thỏi đồng được mạ lớp vàng mỏng bên ngoài.

Tin vàng giả gây chấn động các công ty tài chánh là chủ nợ của Kingold, làm cho quỹ tín dụng Dân Sinh (Minsheng Trust Co. Ltd.) – một trong vài chủ nợ lớn nhất – phải xin trát tòa cho phép kiểm tra tài sản cầm cố trước khi các món vay của Kingold đáo hạn. Ngày 22 tháng Năm, kết quả xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền trả về cho thấy các thỏi vàng được niêm phong trong kho của Dân Sinh cũng chỉ là những thỏi hợp kim đồng.

Tiếp theo phát hiện chấn động của hai quỹ tín dụng Đông Hoàn và Dân Sinh, các chủ nợ khác cũng xét nghiệm các thỏi vàng cầm cố của công ty Kingold và phát hiện chúng đều là vàng giả.

Một nhân viên của Đông Hoàn Trust cho biết quỹ tín dụng này đã báo cáo sự vụ tới công an vào ngày 27-02, một ngày sau khi có kết quả xét nghiệm vàng giả, và đòi công ty bảo hiểm PICC P&C chi nhánh Hồ Bắc bồi thường 1,3 tỷ NDT. Công ty Kingold đã không trả được món nợ 1,8 tỷ NDT cho Đông Hoàn và còn một khoản nợ 1,6 tỷ NDT sẽ đáo hạn vào cuối tháng Bảy này.

Tính ra, công ty Kingold đã cầm cố 83 tấn vàng, được cho là vàng ròng, vào kho của các chủ nợ để bảo đảm các khoản vay trị giá 16 tỷ NDT, khối vàng này tương đương 22% sản lượng vàng của Trung Quốc trong một năm, và bằng 4,2% tổng lượng vàng trong kho dự trữ của nhà nước Trung Quốc năm 2019.

Hồi đầu tháng Sáu, các quỹ tín dụng Đông Hoàn, Dân Sinh và các chủ nợ khác đã nộp đơn kiện Kingold và đòi công ty bảo hiểm PICC P&C phải bồi thường tổn thất của họ.

Nhà cầm quyền đang điều tra xem chuyện vàng biến thành đồng đã xảy ra như thế nào. Ông chủ của Kingold Giả Chí Hoành bác bỏ thẳng thừng rằng có chuyện sai quấy với tài sản mà công ty ông cầm cố tại các tổ chức tín dụng.

Vụ Kingold làm người ta nhớ lại một vụ tương tự được cho là vụ lừa đảo vàng giả lớn nhất Trung Quốc, xảy ra ở tỉnh Thiểm Tây năm 2016 và liên đới tới tỉnh Hồ Nam lân cận ở miền tây bắc Trung Quốc. Cơ quan điều tra đã phát hiện các thỏi vàng giả cầm cố giữ trong kho của 19 tổ chức tín dụng để bảo đảm cho khoản vay 19 tỷ nhân dân tệ. Một chủ nợ đã cho nung chảy thỏi vàng cầm cố và tìm thấy một khối tungsten được mạ vàng bên ngoài.

Không phải cứ lấp lánh là vàng

Trở lại công ty Kingold; trong hồ sơ vay tiền, công ty này nói rằng họ thế chấp vàng, vay nợ để bổ sung nguồn tiền mặt, mở rộng kinh doanh. Năm 2018, công ty Kingold đấu thầu và thắng thầu mua lượng lớn cổ phần của công ty quốc doanh Tri-Ring, chuyên sản xuất phụ tùng xe hơi. Kingold đã bỏ ra 7 tỷ NDT bằng tiền mặt mua lại 99,97% của công ty Tri-Ring. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc – mà thủ phủ là thành phố Vũ Hán nơi phát xuất dịch Covid-19 – chủ sở hữu của công ty Tri-Ring đánh giá thương vụ Kingold mua lại Tri-Ring là “mẫu mực” của cái gọi là cải cách “sở hữu công tư hỗn hợp”: cho tư nhân góp vốn vào các công ty nhà nước dưới hình thức mua cổ phần. Tuy nhiên, vụ Kingold thâu tóm Tri-Ring sau đó diễn ra không suôn sẻ, phải đối mặt với hàng loạt vụ tranh tụng và điều tra tham nhũng.

Được ông Giả Chí Hoành lập ra năm 2002, công ty Kingold khởi thủy là một công ty chế tác đồ trang sức bằng vàng ở tỉnh Hồ Bắc. Theo thông tin trên website của công ty, Kingold kinh doanh thiết kế đồ trang sức bằng vàng, sản xuất công nghiệp và thương mại và được coi là một trong những công ty sản xuất nữ trang bằng vàng lớn nhất Trung Quốc.

Công ty Kingold niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nasdaq ở New York từ năm 2010 với mã KGJI. Trong phiên giao dịch hôm nay (01-07-2020), giá cổ phiếu KGJI là 0,6 USD, giảm hơn 15,69% so với phiên trước, tính ra giá trị vốn hóa thị trường của Kingold vào khoảng 6,5 triệu USD, giảm hơn 80% so với một năm trước. Trong khi đó, báo cáo tài chánh của Kingold cho biết đến cuối tháng 9-2019 công ty có tổng tài sản 3,3 tỷ USD, nợ phải trả 2,4 tỷ USD.

Chủ công ty, ông Giả Chí Hoành, 59 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc ở Vũ Hán và Quảng Châu và có sáu năm sống ở Hong Kong. Ông Giả có thời quản lý các mỏ khai thác vàng do quân đội Trung Quốc sở hữu.

Một số nguồn tin ở các tổ chức tín dụng nói ông Giả có quan hệ rộng ở tỉnh Hồ Bắc, có lẽ nhờ quan hệ mà ông dễ dàng vượt qua các đối thủ, thâu tóm công ty Tri-Ring. Nhưng cũng nhiều người ở Hồ Bắc nói doanh nghiệp của ông Giả không mạnh như người ta tưởng. “Chúng tôi biết rõ trong nhiều năm rằng ông ta không có nhiều vàng – ông ta chỉ có đồng”, một nguồn tin ẩn danh nói với báo Tài Tân. Các ngân hàng địa phương ở Hồ Bắc đều tránh làm ăn với Kingold nhưng họ không muốn xúc phạm ông Giả công khai. “Hầu như không ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng địa phương nào của Hồ Bắc dính dáng tới việc tài trợ cho Kingold,” nguồn tin này nói thêm.

Hồ sơ vay vốn cho thấy phần lớn các chủ nợ của Kingold đều ở ngoài tỉnh Hồ Bắc; báo Tài Tân liệt kê được quỹ tín dụng Dân Sinh Trust là chủ nợ lớn nhất của Kingold, với số nợ lên tới 4,1 tỷ NDT, ngân hàng Hằng Phong (Hengfeng Bank) cho vay 3,9 tỷ NDT, quỹ tín dụng Đông Hoàn Trust 3,4 tỷ NDT, quỹ tín dụng An Tín (Anxin Trust & Investment Co.) 1,9 tỷ NDT và quỹ tín dụng Tứ Xuyên (Sichuan Trust) 1,8 tỷ NDT.

Ngân hàng Hằng Phong là ngân hàng thương mại duy nhất tài trợ cho Kingold. Năm 2017 ngân hàng này cho Kingold vay 8 tỷ NDT để đảo nợ, xóa món nợ xấu 500 triệu NDT và năm sau đó Kingold trả được một nửa khoản nợ, còn nợ 3,9 tỷ NDT. Nhưng thương vụ này có nhiều dấu hiệu trái quy định, khi quyền tiếp cận và thủ tục kiểm tra khối vàng được cầm cố đều nằm trong tay của Kingold chứ không thuộc về ngân hàng.

Tuy vậy, Kingold vẫn được ưu ái vay tiền do sự thôi thúc của Tống Hạo (Song Hao), cựu giám đốc chi nhánh Yên Đài (Yantai) của ngân hàng Hằng Phong. Tháng 03-2018, Tống Hạo bị bắt, bị điều tra tham nhũng dính dáng với cựu chủ tịch ngân hàng Hằng Phong là Sái Quốc Hoa (Cai Guohua) và ngân hàng tiến hành cải cách bộ máy nhân sự. Năm 2019, ban giám đốc mới của Hằng Phong khởi kiện Kingold vì không trả nợ và thực hiện phát mại tài sản thế chấp. Việc xét nghiệm các thỏi vàng cho thấy, chúng chỉ là những thỏi đồng!

Vẫn chưa rõ là số vàng cầm cố là vàng giả ngay từ đầu hoặc bị đánh tráo sau đó. Các nguồn tin từ quỹ tín dụng Đông Hoàn và Dân Sinh Trust khẳng định rằng tài sản thế chấp đã được một bên thứ ba kiểm tra và được giám sát chặt chẽ bởi công ty Kingold, đại diện các chủ nợ và công ty bảo hiểm trong quá trình giao nhận tài sản.

Đổ vỡ dây chuyền

Hồ sơ lưu trữ cho thấy công ty Kingold bắt đầu cầm cố tài sản là vàng thỏi để vay vốn từ năm 2013, khi công ty cầm cố một tấn vàng để vay 200 triệu NDT của quỹ tín dụng Trường An (Chang’An Trust) trong hai năm để đầu tư một dự án bất động sản ở thành phố Vũ Hán. Món nợ đã được trả đúng hạn. Trước đó, công ty này chủ yếu vay vốn từ các ngân hàng thương mại, tài sản thế chấp là bất động sản và thiết bị.

Tới năm 2015, Kingold bắt đầu dựa nhiều vào phương thức cầm cố vàng để vay vốn từ các quỹ tín dụng và liên kết với công ty bảo hiểm PICC P&C để bảo hiểm các khoản nợ. Năm 2016, Kingold vay 11 tỷ NDT, gấp 16 lần số tiền vay năm trước đó và tỷ lệ nợ trên tổng tài sản tăng mạnh từ 43,4% năm trước đó lên 87,5%, theo sổ sách kế toán của công ty. Năm đó, Kingold đưa ra 54,7 tấn vàng để cầm cố, gấp 7,5 lần so với năm trước.

Một người thân cận với ông chủ của Kingold cho biết công ty tăng vay nợ là để có tiền mua lại công ty sản xuất phụ tùng xe hơi Tri-Ring. Năm 2016 chính quyền tỉnh Hồ Bắc công bố kế hoạch bán cổ phần của công ty Tri-Ring cho tư nhân trong chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của tỉnh. Năm 2017, công ty Kingold trúng thầu mua lại công ty Tri-Ring với giá 7 tỷ NDT, hồ sơ dự thầu nói rằng Kingold có chiến lược mở rộng việc kinh doanh phụ tùng cho xe hơi chạy bằng khí hydro hóa lỏng (fuel-cell vehicle). Nhưng những nguồn tin am hiểu thương vụ này nói rằng Kingold không có chuyên môn gì về phụ tùng xe hơi mà chỉ nhắm tới khối bất động sản công nghiệp khổng lồ mà Tri-Ring sở hữu với ý đồ câu kết với chính quyền biến chúng thành bất động sản thương mại, chia lô bán nền hoặc xây nhà để bán – một phương thức làm giàu nhanh rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Hồ sơ lưu trữ tại quỹ tín dụng Đông Hoàn cho thấy Tri-Ring sở hữu nhiều khu đất lớn ở Vũ Hán và Thẩm Quyến có giá trị tới gần 40 tỷ NDT.

Thương vụ Kingold mua Tri-Ring gây nhiều tranh cãi về năng lực của Kingold lẫn tính chất minh bạch của quá trình đấu thầu. Theo hồ sơ tài chánh của Kingold, năm 2016 công ty chỉ có 100 triệu NDT tiền vốn, tăng lên 2 tỷ NDT năm 2017 – còn thấp hơn rất nhiều so với số tiền 7 tỷ NDT bỏ ra để mua Tri-Ring. Thế nhưng Kingold đã trả ngay 2,8 tỷ NDT trong đợt thanh toán thứ nhất và vài tháng sau trả thêm 2,4 tỷ NDT đợt thứ hai, từ tiền vay của quỹ tín dụng Đông Hoàn Trust.

Tháng 12-2017 thương vụ Kingold-Tri Ring hoàn tất và Kingold có được quyền sở hữu 99,97% cổ phần tại Tri-Ring. Thế nhưng rắc rối lập tức nảy sinh sau khi hàng loạt vụ điều tra tham nhũng ở công ty Tri-Ring nổ ra, chủ tịch công ty bị mất chức, tài sản của công ty bị đóng băng khiến cho ông Giả không tiếp cận được khối bất động sản của Tri-Ring mà ông ta nhắm tới.

Bị vướng vào thương vụ Tri-Ring, bỏ ra hàng tỷ NDT mà không có lợi nhuận, dòng tiền mặt của công ty Kingold bị sụp đổ hoàn toàn khi ngân hàng Hằng Phong thúc giục trả nợ, kích hoạt hàng loạt sự kiện dẫn tới vụ phanh phui vàng giả nói trên.

Bảo hiểm ở đâu

Sự tham gia của công ty bảo hiểm là yếu tố quan trọng giúp cho công ty Kingold lấy được lòng tin của các chủ nợ. Theo thông lệ, nếu người vay không trả được nợ thì công ty bảo hiểm phải gánh nợ thay. Sự tham gia bảo hiểm của công ty PICC P&C của nhà nước Trung Quốc là căn cứ chính giúp các chủ nợ yên tâm cho Kingold vay tiền.

Theo hồ sơ của báo Tài Tân, công ty bảo hiểm PICC P&C chi nhánh tỉnh Hồ Bắc đứng ra bảo hiểm hầu hết các món vay của Kingold và tất cả các hợp đồng bảo hiểm này đều đáo hạn vào tháng 10 sắp tới; tính đến ngày 01-06 vừa qua có 60 hợp đồng như vậy còn hiệu lực hoặc đang bị kiện tụng.

Các chủ nợ của Kingold đã kiện công ty bảo hiểm PICC P&C đòi bồi thường, nhưng phát ngôn viên của công ty nói rằng hợp đồng bảo hiểm chỉ bồi thường trong trường hợp tài sản thế chấp bị mất đi do tai nạn, thiên tai địch họa hoặc bị cướp bóc mà thôi. Một nguồn tin của PICC P&C nói rằng, yêu cầu bồi thường phải xuất phát từ công ty Kingold là bên được bảo hiểm chứ không phải từ các chủ nợ; đồng thời cho biết cần phải chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra.

Luật sư Vương Quang Minh (Wang Guangming) của Văn phòng Luật Dacheng, nói vấn đề chủ chốt là ở chỗ chuyện gì đã xảy ra với số vàng cầm cố và bên nào biết được việc lộng giả thành chân. Theo ông Vương, nếu người vay là Kingold cố tình cầm cố vàng giả mà bên bảo hiểm lẫn bên cho vay đều không biết được thì bên bảo hiểm phải bồi thường cho bên cho vay và kiện bên Kingold về tội lừa đảo. Bảo hiểm cũng phải bồi thường nếu họ biết âm mưu lừa đảo của Kingold mà các bên cho vay không biết. Còn nếu cả bên vay và bên cho vay đều biết đây là vàng giả thì bảo hiểm phải chấm dứt hợp đồng và kiện các bên ra tòa. Còn nếu như cả bên bảo hiểm cũng tham gia vào vụ lừa đảo thì tất cả các hợp đồng đều vô hiệu mà các bên đều phải chịu trách nhiệm pháp lý về tội lừa đảo.

Một quan chức ngành quản lý tài chánh nói với báo Tài Tân rằng trong những cuộc điều tra trước đây về những vụ dùng vàng giả cầm cố vay tiền đều phát hiện có sự thông đồng ăn chia giữa bên đi vay và viên chức các tổ chức tín dụng.

Vấn đề lại càng rối rắm khi đầu năm nay công ty bảo hiểm PICC P&C cách chức bí thư đảng kiêm giám đốc chi nhánh Hồ Bắc Lưu Phương Minh (Liu Fangming), các nhân viên liên quan tới hợp đồng bảo hiểm với Kingold đều bị sa thải.

Mỹ sẽ cấm cửa công ty Trung Quốc

Vụ scandal “vàng giả tiền thật” liên quan tới công ty Kingold gây chấn động dư luận chỉ ba tháng sau vụ lừa đảo Luckin Coffee – một công ty Trung Quốc khác trên thị trường chứng khoán Nasdaq – bị phanh phui đã kê khống 310 triệu USD trong sổ sách kế toán để thổi giá cổ phiếu lên, lừa đảo nhà đầu tư.

Hồi tháng Tư, TAL Education Group – một công ty điều hành các trường dạy kèm trẻ em ở Bắc Kinh nhưng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York NYSE bị phát hiện đã thổi phồng giá trị và doanh thu thêm hàng trăm triệu USD so với thực tế.

Công ty chuyên phát video iQiyi của Trung Quốc, niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq cũng bị tố cáo gian lận, thổi phồng giá trị tài sản lên cao nhiều lần dù công ty bác bỏ lời cáo buộc.

Một số trường hợp gian lận tiêu biểu này của các công ty Trung Quốc đã làm cho các nhà lập pháp Mỹ ngày càng ác cảm với các công ty Trung Quốc muốn huy động vốn trên các thị trường chứng khoán Mỹ.

Theo số liệu của Reuters, hiện có khoảng 550 công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu ở Wall Street. Năm 2019 các công ty Trung Quốc huy động được 3,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư Mỹ thông qua việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York; sáu tháng đầu năm nay con số này là 1,67 tỷ USD.

Trước lối làm ăn không minh bạch của các công ty Trung Quốc, hồi tháng Sáu, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật bảo vệ thị trường Wall Street, siết chặt thủ tục niêm yết cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Mỹ. Theo dự luật, công ty nước ngoài – chủ yếu là công ty Trung Quốc – muốn huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ phải chứng minh rằng họ không thuộc sở hữu hoặc không bị kiểm soát bởi các chính phủ nước ngoài, phải chấp nhận để Ủy ban giám sát Kế toán các công ty đại chúng (PCAOB) của Mỹ thực hiện kiểm toán sổ sách tài chánh.

Ngoài ra, ban điều hành thị trường chứng khoán Nasdaq còn nâng điều kiện tham gia thị trường cho các công ty muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) ở đây: phải huy động tối thiểu 25 triệu USD hoặc tương đương một phần tư vốn cổ phần của công ty.

Giới phân tích cho rằng, những biện pháp pháp lý quyết liệt của Quốc hội Mỹ sẽ khiến các công ty Trung Quốc hoặc rút lui, hoặc bị loại khỏi thị trường, nhưng đó là điều hết sức cần thiết – dù muộn màng – để bảo vệ nhà đầu tư Mỹ – trước lối làm ăn gian trá bất hảo của các công ty Trung Quốc.

(dựa theo tài liệu của báo Tài Tân và báo Nikkei Asia Review)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: