Cảnh sát đến lúc 6 giờ sáng vào đầu Tháng Sáu để nói với Josanne English những gì chị đã biết: Chị bị đuổi khỏi nhà! English đã mất việc làm giám đốc dự án gần thủ phủ Sacramento của tiểu bang California vào Tháng Tư. Lúc đó, English còn nợ $9,160 tiền thuê và tiền phạt trả không đúng hạn. Tài khoản ngân hàng của chị gần bằng… không! Dù nhận được $1,300 tiền hỗ trợ nhà ở của chính quyền quận hạt, nhưng Josanne English vẫn không thể sống nổi ở một khu vực nơi giá thuê nhà trung bình lên đến gần $2,800 một tháng!
Sau một tuần ở khách sạn, English và người bạn đời phải gửi ba đứa con đến sống với người thân, còn họ ngủ trên chiếc SUV Hyundai và tắm tại phòng tập thể dục. “Tôi đã kiếm tiền rất tốt, năm ngoái được gần $100,000 nên tôi không thể tin rằng tình huống này lại xảy ra với mình – chị kể. Chi phí nhà ở tăng cao, cùng tình trạng lạm phát không dừng và tăng giá các nhu yếu phẩm cơ bản như khí đốt và thực phẩm, đã khiến nhiều người Mỹ trở thành người vô gia cư mới và hàng triệu người nữa lo sợ sẽ sớm mất nhà.
Các toà nhà tạm trú trên khắp đất nước đang cảnh báo đà gia tăng đột biến số người tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong khi giá nhà tăng cao làm cho các chủ nhà thấy tài sản của họ sinh lợi thì đối với nhiều người Mỹ, việc tìm một nơi để qua đêm ngày càng xa tầm với. Và số này đang đông dần.
Theo Liên minh Quốc gia chấm dứt Tình trạng vô gia cư (National Alliance to End Homelessness), tính đến Tháng Một, 2020, có hơn 580,000 người Mỹ không có nhà ở. Trong những cuộc phỏng vấn, giới chức quản lý nhà tạm trú ở 15 tiểu bang đều báo cáo số người, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân, nộp đơn đăng ký chỗ tăng đáng kể trong năm nay. Tại một số địa điểm, danh sách chờ tăng gấp đôi, gấp ba chỉ trong vài tháng.
Nếu trước đây tình trạng vô gia cư thường chỉ xảy ra ở những người gặp khó khăn sau khi mất việc làm, phải trả các khoản chi phí y tế đột xuất hoặc gặp các vấn đề sức khỏe liên tục khiến tiền bạc dành dụm bị hao mòn; thì hiện nay, các nhà tạm trú cho biết họ chứng kiến sự gia tăng những trường hợp vẫn có công việc ổn định, thậm chí có thu nhập tốt, nhưng không thể tìm được ngôi nhà đủ tiền mua.
Sabrina Barger-Turner, 36 tuổi phải sống trong một khách sạn ở Harford County, Maryland với hai con trai kể từ khi hợp đồng thuê nhà bị ngưng vào đầu Tháng Ba, 2020 vì không thể trả tiền thuê nhà đúng hạn. Điều đó có nghĩa là chị phải sống lâu dài trong chiếc Nissan Cube; và hai đứa con, 8 và 13 tuổi, phải tạm ở nhà người thân.
“Sẽ tiết kiệm hơn nếu trả tiền thuê nhà hàng tháng so với thuê khách sạn $89 một đêm. Nhưng số điểm tín dụng của tôi đã bị sụt giảm bởi khoản nợ y tế không trả được của các con. Năm 2019, tôi mất công việc kế toán $60,000 một năm ngay sau khi con trai phải nhập viện vì bệnh hen suyễn nặng. Công việc lặt vặt tôi làm từ đó đến nay hầu như không đủ trang trải cuộc sống chứ đừng nói đến việc mua một căn hộ mới. Tem phiếu thực phẩm cũng không đổi được vì nơi gia hạn là một địa chỉ không còn tồn tại. Hiện tôi bán trên mạng đồ trang sức tự làm và đôi khi nhận làm giao hàng cho công ty DoorDash nhưng giá xăng tăng vọt khiến công việc này phải ngưng lại. Tôi không ao ước gì hơn là có chiếc giường riêng để cho các con không phải ăn nhờ ở đậu” – chị tâm sự.
Ngay cả những người vẫn đang ở trong nhà của họ, viễn cảnh đột nhiên bị “mất” nhà cũng đến gần hơn bao giờ hết. Ước tính có khoảng 13.7 triệu người Mỹ bị chậm trả tiền thuê nhà hoặc tiền trả góp mua nhà vào Tháng Sáu, tăng 7% so với Tháng Tư, theo cuộc khảo sát Household Pulse Survey của Cục Điều tra Dân số. Trong số đó, 4.6 triệu người trưởng thành nói họ “có khả năng” hoặc “rất có thể” bị đuổi ra khỏi nhà hoặc bị tịch thu nhà trong hai tháng tới, tăng 32% so với đầu Tháng Tư.
Jeannie Jansen 55 tuổi nhận được giấy báo “kéo” căn mobile home của mình ở Wyoming, phía Tây New York ba tuần trước. Bà chỉ còn đến ngày 8 Tháng Bảy để thanh toán $5,000 tiền thuế tài sản quá hạn, nếu không sẽ mất nhà. Jansen hiện sống bằng trợ cấp khuyết tật An sinh Xã hội $980 một tháng (bà từng là chủ một công ty vệ sinh cho đến khi bị chẩn đoán mắc bệnh phổi và rối loạn suy giảm miễn dịch vào năm 2009). Bà than thở không có cách nào để giải quyết vấn đề. Bà đã trả được $48,000 cho căn mobile home cách đây nhiều năm rồi ngưng.
“Có thể tôi sẽ sống trong chiếc Dodge Nitro SUV. Giá nhà tăng chóng mặt đã nâng giá nhà trung bình ở quận hạt của tôi lên 16% trong năm qua, khiến tôi phải chịu thuế bất động sản cao hơn, trong khi còn phải trang trải cho những thứ thiết yếu hàng ngày. Xăng và thuốc kê đơn đều đắt hơn. Nếu mất nhà, tôi sẽ tụt hẳn lại phía sau và không còn cơ hội làm lại” – Jeannie Jansen kể.
Theo ước tính năm 2020 của Văn phòng kiểm toán chính phủ Hoa Kỳ (GAO), mỗi lần tăng $100 tiền thuê nhà sẽ làm tăng 9% tỷ lệ người vô gia cư. Các nhà kinh tế xem con số này là đáng lo ngại khi giá thuê nhà tiếp tục tăng lên mức cao chưa từng thấy. Giá chào thuê trung bình trên toàn quốc đã đạt mức kỷ lục $2,002 trong Tháng Năm, tăng 15% so với $1,738 của năm trước.
Suốt nhiều tháng, Venus Lopez, 35 tuổi phải làm việc từ xa nhưng không có nhà để ngồi làm việc. Cô bị đuổi khỏi căn hộ ở Tucson vào Tháng Mười và chuyển đến nhà trọ Super 8 với ba con trai. Vẫn còn làm việc từ xa nhưng việc kết nối internet không ổn định của nhà trọ khiến công việc gặp nhiều trở ngại. Chủ công ty nói họ muốn thuê cô trở lại nếu cô tìm được nơi ở ổn định. Trong khi đó, giá thuê nhà địa phương đã tăng 22% kể từ đầu đại dịch, khiến thu nhập $1,100 của Lopez “không là gì cả”! Cô trả $483 một tuần cho một căn phòng trọ ở cùng ba con (3, 5 và 14 tuổi) nên gần như hết sạch tiền. Một vài căn hộ giá thuê phải chăng nhưng phải chờ hàng tháng mới có…
Tham khảo: The Washington Post