Lò lửa Trung Đông có bùng nổ?

Vụ sát hại tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran ngày 3-1-2020 là một bước ngoặc quan trọng có thể đẩy Trung Đông vào một cuộc xung đột lớn, gây nguy hiểm cho vị thế và quyền lợi của Hoa Kỳ và các đồng minh, đồng thời tác động bất lợi tới tình hình thế giới nói chung.

Đáng lưu ý là quyết định hạ sát tướng Soleimani được Tổng thống Donald Trump trực tiếp phê chuẩn; ông Trump đã làm chuyện mà hai vị tổng thống tiền nhiệm là George Bush và Barack Obama từ chối vì ngại gây chiến tranh với Iran, làm bùng nổ kho thuốc súng ở vùng Vịnh.

Tại sao tướng Souleimani phải chết?

Mối “thâm thù” giữa Hoa Kỳ và Iran đã tồn tại từ lâu, nhất là với lực lượng Quds và cá nhân tướng Souleimani. Lực lượng Quds – được biết có từ 10.000 đến 20.000 chiến binh, là bộ phận tinh nhuệ nhất của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Islamic Revolutionary Guard Corp – Quds Force, viết tắt là IRGC-QF). Quds cũng là bộ phận hải ngoại của IRGC, chuyên tổ chức, huấn luyện, trang bị và điều khiển các nhóm Hồi giáo Shiite bên ngoài lãnh thổ Iran, tiến hành chiến tranh chống Do Thái, chống Hồi giáo Sunni, chống Mỹ và mở rộng ảnh hưởng của Nhà nước Iran khắp vùng Trung Đông. Những nhóm quân sự được Quds tổ chức và hậu thuẫn nổi bật là Hezbollah ở Lebanon, Hezbollah ở Palestine, Houthi ở Yemen, Chính phủ Assad ở Syria, Islamic Jihad ở Afghanistan và Popular Mobilization Forces (PMF) ở Iraq. Những tổ chức quân sự này trong nhiều năm qua đã gây nhiều thương vong cho người dân các nước đồng minh và lực lượng Hoa Kỳ ở vùng Vịnh Ba Tư. Hồi tháng 4-2019, Chính phủ Hoa Kỳ chính thức đưa Quds vào danh sách các tổ chức khủng bố, bất chấp đây là một lực lượng quân sự chính thức của một nhà nước có chủ quyền. Tướng Souleimani của Iran chính là “linh hồn” của Quds và cũng là của phong trào quân sự Shiite ở Trung Đông, là cái gai nhọn trong mắt người Mỹ, Israel và Saudi Arabia.

Kế hoạch ám sát Souleimani nhằm triệt hạ “cái đầu” của lực lượng Quds, qua đó làm suy yếu mạng lưới các tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông đã được giới quân sự và tình báo Hoa Kỳ vạch ra và cân nhắc nhiều năm. Tướng Souleimani đã nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nhưng tới ngày 3-1-2020 vừa qua thì không thoát được nữa. Máy bay không người lái của Mỹ bắn bốn quả tên lửa giết ông ta cùng một số phụ tá cao cấp tại sân bay quốc tế Bagdad, Iraq.

Vụ sát hại tướng Souleimani diễn ra sau một số vụ đối đầu ở Iraq: đầu tiên là nhóm dân quân Kataeb Hezbollah – một nhóm dân quân thuộc lực lượng PMF được Iran hậu thuẫn – pháo kích vào một doanh trại Iraq tại Kirkut phía Bắc Iraq, giết chết một nhà thầu dân sự người Mỹ và làm bị thương một số binh lính Mỹ và Iraq; phía Mỹ trả đũa bằng cuộc không kích vào năm cơ sở của Kataeb Hezbollah ở Iraq và Syria, giết chết 25 dân quân; sau đó lực lượng PMF phản pháo bằng cuộc biểu tình vây hãm và phá hoại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bagdad trong ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020. Khi tướng Souleimani bay tới Iraq rạng sáng ngày 3-1-2020 và được thủ lĩnh của PMF đón tiếp, phía Hoa Kỳ cho rằng lực lượng Quds của Iran đang hoạch định và chuẩn bị cho những cuộc tấn công kế tiếp, có thể đẫm máu hơn nữa, vào lực lượng Mỹ tại Iraq nhất là giới ngoại giao; và “tiên hạ thủ vi cường”, người Mỹ đã ra tay trước: giết chết Souleimani và Abu Mahdi al-Mohandes, chỉ huy phó nhóm dân quân Kataeb Hezbollah – kẻ được coi là đạo diễn cuộc tấn công đại sứ quán Hoa Kỳ hôm trước.

Phản ứng

Ngay sau khi ra lệnh giết Qassem Souleimani, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng, tướng Souleimani đã “giết và làm bị thương trầm trọng hàng ngàn người Mỹ trong một thời gian dài, và âm mưu giết thêm nhiều người nữa… nhưng ông ta đã bị vô hiệu hóa”. Ông Trump sau đó nói thêm với báo chí: “Lẽ ra ông ta [Souleimani] phải bị tiêu diệt nhiều năm trước. Chúng tôi hành động tối hôm trước để chấm dứt một cuộc chiến tranh. Chúng tôi không hành động để khởi đầu một cuộc chiến tranh.”

Tuy biện minh cho hành động của Washington là có tính chất tự phòng vệ, Hoa Kỳ cũng chuẩn bị cho những hậu quả xấu có thể xảy ra bằng việc điều động khẩn cấp 3.500 binh sĩ tới vùng Vịnh, phối hợp với 750 lính thủy quân lục chiến đã được đưa đến vài ngày trước và 5.200 binh sĩ đang đồn trú tại Iraq. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Iraq ra thông báo thúc giục các công dân Hoa Kỳ phải rời khỏi đất nước này “ngay lập tức”.

Cùng quan điểm với Hoa Kỳ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: “Tổng thống Trump xứng đáng được ghi công vì đã hành động nhanh chóng, mạnh mẽ và dứt khoát. Israel đứng cùng với Hoa Kỳ trong cuộc chiến đấu chính nghĩa vì hòa bình, an ninh và tự vệ.”

Các đồng minh của Hoa Kỳ như Anh, Đức và Canada cho rằng Iran phải chịu một phần trách nhiệm về vụ tấn công bởi vì Tehran gây hấn trước. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ra thông cáo thúc giục các nhà lãnh đạo “kiềm chế tối đa bởi vì… thế giới không chịu được một cuộc chiến tranh khác nữa ở vùng Vịnh.”

Nhưng các đối thủ Iran, Iraq thì phản ứng một cách giận dữ.

Tại Tehran, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei công bố ba ngày quốc tang tướng Souleimani và cảnh cáo “một cuộc trả thù dữ dội đang chờ đợi những kẻ tội phạm”. Hàng ngàn người dân Iran đổ xuống đường biểu tình chống Mỹ trong khi Chính phủ Iran nói rằng vụ giết chết tướng Souleimani là “hành vi tuyên chiến” của Hoa Kỳ với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Giáo chủ Ali Khamenei cũng lập tức bổ nhiệm thiếu tướng Esmail Ghaani, phó của ông Souleimani, lên thay vị trí chỉ huy lực lượng Quds.

Tại Iraq – nơi xảy ra các biến cố – Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi lên án vụ không kích giết chết Souleimani là hành vi “xâm phạm chủ quyền của Iraq,” “vi phạm cam kết giữa hai nước về sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Iraq”. Đi xa hơn, ông Mahdi quyết định triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội Iraq, có thể vào thứ Bảy 4-1-2020, để bàn khả năng chấm dứt vai trò của quân đội Hoa Kỳ tại nước này.

Tại Mỹ, thị trường chứng khoán quay đầu sụt giảm và giá dầu tăng do giới kinh doanh dự báo nguồn cung cấp dầu cho thế giới có thể bị tác động mạnh vì xung đột giữa Mỹ và Iran leo thang.

Những kịch bản có thể xảy ra

Cái chết của tướng Souleimani gây phản ứng giận dữ trong cộng đồng Hồi giáo Shiite làm nhiều người lo lắng xung đột sẽ leo thang thành chiến tranh, lò lửa Trung Đông sẽ bùng nổ với khả năng dẫn tới một cuộc đại chiến thảm khốc. Nhưng không có nhiều phân tích gia lo sợ khả năng chiến tranh vì cho rằng Iran chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với Mỹ, còn Tổng thống Trump cũng không muốn phát động chiến tranh ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay.

Các phân tích gia nhận định, mặc dù Iran có kho vũ khí khổng lồ trong tầm tấn công các đơn vị quân đội Mỹ đồn trú tại Iraq, Syria và vùng Vịnh, nhưng Tehran phải rất thận trọng trong việc phát động cuộc trả thù có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện và toàn khu vực.

Mục tiêu lớn của Iran, và của tướng Souleimani nói riêng, là mở rộng và củng cố ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự của Iran và dòng Hồi giáo Shiite lên toàn khu vực Trung Đông. Trở ngại của mưu đồ này chính là Hoa Kỳ với thế lực quân sự và kinh tế bén rễ rất sâu trong khu vực. Nhưng vụ Hoa Kỳ ra tay giết chết tướng Souleimani có tác dụng giúp Iran nhanh chóng đạt được mục tiêu đó.

Nếu như Iraq kiên quyết không chấp nhận để quân đội Mỹ tiếp tục trú đóng ở nước này với mục tiêu ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), thì Iran đạt được mục đích đẩy Mỹ ra khỏi Iraq. Cái chết của Souleimani cũng củng cố vị thế của các thế lực chính trị thân Iran trong chính quyền Iraq và đẩy Iraq đi sâu thêm vào vùng ảnh hưởng của Iran, cùng với Syria và Lebanon làm thành một thế lực Hồi giáo Shiite hùng mạnh, đối đầu có hiệu quả với Israel và khối Hồi giáo Sunni do Saudi Arabia cầm đầu. Và như thế những nỗ lực chiến tranh, tái thiết và xây dựng nhà nước Iraq dân chủ của Washington trong nhiều năm qua, với cái giá cao khủng khiếp về tài sản và nhân mạng, coi như thất bại.

Rất có thể Iran sẽ không trực tiếp hoặc công khai phát động chiến tranh trả thù nhắm vào các lực lượng Mỹ tại vùng Vịnh, nhưng Iran xây dựng và hậu thuẫn hàng chục nhóm dân quân vũ trang được trang bị tận răng, bố trí dày đặc từ Afghanistan, sang dải Gaza, Syria, Lebanon, Libya và Yemen, sẵn sàng tấn công bằng hỏa tiễn, pháo kích, phục kích, đánh bom tự sát vào các căn cứ của Hoa Kỳ và đồng minh Israel, gây những tổn thất chưa biết trước được. Cái chết của một ông tướng Iran rồi đây sẽ phải trả giá bằng hàng ngàn cái chết của thường dân vùng Vịnh, của người Iran, Iraq, Israel và cả người Mỹ.

Một kịch bản có khả năng dễ xảy ra nhất là Iran sẽ phá hoại các cơ sở hạ tầng ngành dầu khí của Mỹ và các đồng minh trong vùng Vịnh, như họ đã từng phá hoại giếng dầu và nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia hồi tháng 9-2019 làm thị trường dầu khí thế giới chao đảo.

Iran có thể sẽ siết chặt kiểm soát lưu thông qua eo biển Hormuz giữa Iran và Oman, nơi có một nửa sản lượng dầu mỏ của thế giới được vận chuyển qua. Trước đây Iran từng gây khó khăn cho các tàu chở dầu, bắt giữ tàu dầu của một số quốc gia thù địch, và dự báo sắp tới việc bắt giữ này sẽ gia tăng nhằm gây xáo trộn trên thị trường năng lượng, từ đó tác động tiêu cực đến các nền kinh tế Mỹ và phương Tây.

Iran cũng có thể từ bỏ hoàn toàn hiệp ước về chương trình làm giàu nguyên liệu hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015 nhằm đóng băng hoạt động hạt nhân của Iran đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế. Hoa Kỳ đã thông báo rút ra khỏi hiệp ước này hồi tháng 5-2018, tái lập cấm vận kinh tế Iran. Nhưng Iran, một mặt công khai vi phạm một số thỏa ước, một mặt thúc đẩy các đối tác khác (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) thực hiện việc nới lỏng cấm vận kinh tế. Bây giờ có thể Iran sẽ không ngần ngại vứt bỏ hẳn hiệp ước hạt nhân, hủy bỏ cam kết về giải trừ vũ khí, để đi theo con đường phát triển vũ khí hạt nhân giống như Bắc Triều Tiên. Nếu như thế, sẽ không có gì có thể ngăn cản Saudi Arabia và các nước khác trong vùng tham gia vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ và ngăn chặn đối thủ.

Một kịch bản khác là Iran có thể sẽ tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng viễn thông của chính Hoa Kỳ, phá hoại các hệ thống tài chính ngân hàng, mạng lưới truyền tải điện, các hệ thống giao thông, cơ sở khai thác và lọc hóa dầu v.v… nhằm gây gián đoạn cho kinh tế Mỹ. Giới an ninh tin học cho biết mấy năm gần đây, Iran đã nhiều lần tìm cách thâm nhập mạng máy tính điều khiển của Mỹ nhưng chưa thành công, dù Tehran đã đôi lần gây gián đoạn cho hệ thống của các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh.

Nga và Trung Quốc – hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – như thường lệ lại có những phát biểu lên án sự leo thang bạo lực, phản đối hành động của Hoa Kỳ và kêu gọi các bên kiềm chế. Nhưng theo nhận định của nhiều nhà phân tích, Moscow và Bắc Kinh có thể ngầm hài lòng khi thấy Hoa Kỳ lún sâu vào xung đột ở Trung Đông, từ đó Nga và Trung Quốc có thể an tâm thực thi các kế hoạch bành trướng ảnh hưởng của mình ở châu Âu và Đông Á. Ở vị thế “tọa sơn quan hổ đấu,” cho dù Hoa Kỳ hay Iran thắng thế trong cuộc xung đột nóng bỏng ở Trung Đông thì Moscow và Bắc Kinh vẫn là kẻ được hưởng lợi sau cùng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: