Mãi loay hoay về luật bán dẫn, Mỹ mất gì?

Nhà máy lắp ráp GM Lansing Grand River hôm 2 Tháng Chín, 2021 ở Lansing, Michigan. GM đã phải tạm thời đóng cửa hầu hết các nhà máy ở Bắc Mỹ do tình trạng thiếu chip bán dẫn. (ảnh: Bill Pugliano / Getty Images)

Những thất bại trong việc thông qua luật bán dẫn (Semiconductor Bill) cho thấy lý do tại sao Hoa Kỳ vẫn phải vật vã để cạnh tranh với Trung Quốc, châu Âu và cả Ấn Độ.

Khi Tổng thống Joe Biden đối mặt “thảm họa” và có thể thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng ông vẫn còn một cơ hội cuối cùng. Để chứng tỏ rằng mình vẫn đủ khả năng điều khiển bộ máy Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát, ông cần làm mọi cách để thông qua kế hoạch lớn mang tính lưỡng đảng, nhằm củng cố sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tổng thống Joe Biden phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh Giám đốc điều hành về Khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và chất bán dẫn thông qua hội nghị truyền hình trực tuyến tại Tòa Bạch Ốc hôm 12 Tháng Tư năm 2021. (ảnh: Amr Alfiky-Pool / Getty Images)

“America Competes Act” (đạo luật cạnh tranh Mỹ) là tên gọi hấp dẫn cho nỗ lực đột phá trị giá $52 tỷ nhằm tăng tốc ngành công nghiệp bán dẫn và duy trì lợi thế công nghệ trước Trung Quốc. Nhưng với sự trì hoãn không ngừng và những tranh cãi chính trị đã ảnh hưởng xấu đến nỗ lực này.

Cho đến nay, việc luật bán dẫn không thể sớm thông qua thực sự là một minh chứng về lý do tại sao Mỹ chưa thể vượt qua Trung Quốc. Chính hệ thống chính trị bị chia rẽ sâu sắc và ngày càng nặng tính đảng phái đã khiến “giấc mơ về ngôi vua bán dẫn” gần như không thể xảy ra. Có vẻ kỳ lạ khi các cơ quan hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ lại phải tập trung vào chất bán dẫn ở thời điểm đất nước đang quay cuồng với rất nhiều “cú đánh” khác: Tối cao Pháp viện bảo thủ ra các phán quyết tranh cãi về súng, về quyền phá thai và Đảng Cộng hòa (GOP) vẫn không lên án âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 của cựu Tổng thống Donald Trump, người mà trên thực tế đang là lãnh đạo đảng ở một số phương diện nào đó.

Đó là chưa nói đến tình trạng lạm phát, nhiên liệu tăng giá và một số vấn đề khác. Phải thành thật mà nói, những vấn đề lớn này không thể được giải quyết một sớm một chiều bởi một Quốc hội “siêu đảng phái”. Nhưng luật cạnh tranh công nghệ là một “cú đánh” có thể giáng trả ngay được, nói như một số người tham gia soạn thảo luật.

Khi một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng lần đầu tiên đệ trình dự luật bán dẫn cách nay hơn hai năm, họ xem nó là “giải pháp cấp bách” cho một vấn đề chiến lược lớn của đất nước, khi Hoa Kỳ bắt đầu thua Trung Quốc trong hoạt động thiết kế và sản xuất chip máy tính tiên tiến. Sự cần thiết phải có thêm kinh phí nghiên cứu liên bang để cạnh tranh với “China Inc” trong công nghệ quan trọng này là một trong số ít vấn đề mà GOP và Đảng Dân chủ có cùng chung ý kiến.

Các nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất wafer silicon tại một xưởng của Jiejie Semiconductor Co., Ltd hôm ngày 17 Tháng Ba năm 2021 ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (ảnh: Getty Images)

Hai dự luật “đá” nhau

Lúc đầu, ai cũng tưởng việc thông qua luật chip là điều “không thể cưỡng lại”. Thượng viện thông qua “Chips Act” (Đạo luật Chips) vào Tháng Sáu, 2021 với biên độ ủng hộ lớn, 68-32. Dự luật cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng cũng được Thượng viện thông qua không lâu sau đó. Vì vậy, vào lúc ấy, có vẻ như Biden chắc chắn sẽ thực hiện được lời hứa của mình là “làm cho hệ thống chính trị hoạt động trở lại với sự thống nhất cao để giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước”.

Nhưng rồi điều lạ lùng xuất hiện: Thay vì bỏ túi chiến thắng… chắc như bắp, Hạ viện do Dân chủ khống chế bất ngờ trì hoãn bỏ phiếu thông qua “Chips Act” tám tháng nữa, giống như họ đã làm với gói cơ sở hạ tầng bị một số người phê là “quá tả”. Cuối cùng, khi Hạ viện thông qua phiên bản “Chips Act” vào Tháng Hai, nội dung của nó lại khác về cơ bản so với “Chips Act” của Thượng viện, vì có “thêm mắm thêm muối”.

Thế là, một ủy ban khổng lồ gồm 107 thành viên lưỡng đảng lưỡng viện được hình thành vào Tháng Tư để giải quyết vấn đề, dung hòa hai dự luật và phải chờ đến Tháng Năm mới có cuộc bỏ phiếu. Nhưng có phải tất cả các đảng viên Dân chủ đều hiểu rằng thông qua “Chips Act” là khẩn cấp không?

Thượng nghị sĩ Maria Cantwell (Dân chủ-Washington), Chủ tịch nhóm Thượng viện của uỷ ban lưỡng đảng nhận định khi hội nghị bắt đầu: “Thách thức công nghệ của Trung Quốc là một cú sốc giống như cuộc chạy đua vào không gian của Liên Xô năm 1957. Tôi tin đây là thời điểm của Sputnik, nơi người Mỹ rõ ràng đang tụt hậu về đổi mới công nghệ nên chúng ta không thể để tụt hậu xa hơn nữa!”.

Biden lặp lại sự khẩn cấp đó: “Hãy sớm thông qua dự luật này và gửi ngay cho tôi!” ông nói trong chuyến thăm hồi Tháng Năm đến tiểu bang Ohio, nơi công ty sản xuất chip Intel cho biết sẽ mở rộng nhà máy chế tạo chip trị giá $20 tỷ lên $100 tỷ nếu nhận được sự ủng hộ của Quốc hội.

Nhưng thật không may, Tổng thống Biden, vì bất cứ lý do gì, đã thất bại trong việc huy động các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện biến “bài hùng biện có cánh” tại Intel thành hiện thực. Đảng Dân chủ Hạ viện di chuyển với tốc độ rùa bò chứ không phải tốc độ của chip.

General Motors đã phải tạm thời đóng cửa hầu hết các nhà máy ở Bắc Mỹ do tình trạng thiếu chip bán dẫn. Hình chụp tại Nhà máy lắp ráp GM Lansing Grand River hôm 2 Tháng Chín, 2021 ở Lansing, Michigan. (ảnh: Bill Pugliano / Getty Images).

Sai lầm vì quá chủ quan

Các thành viên cấp tiến đã phạm một số sai lầm khi nghĩ rằng dự luật bán dẫn nhận được ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, chắc chắn sẽ được thông qua, nên họ thêm vào đó các nội dung “ăn theo” không liên quan gì đến chip. Hệ quả là một hiệu ứng “Christmas tree” (cây thông Noel) diễn ra, tương tự những gì xảy ra với các dự luật ủy quyền quốc phòng (defense authorization bills).

Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lẽ ra phải dừng ngay cách làm lệch hướng này lại, nhưng họ đã không làm thế. “Chúng ta cần nhanh hơn nữa,” Thượng nghị sĩ Mark R. Warner (Dân chủ-Virginia), một trong những người soạn thảo dự luật đầu tiên, nói. “Nếu chúng ta không tận dụng cơ hội, GOP sẽ tìm cách dời việc thông qua dự luật sang năm sau”.

Một số CEO công nghệ cho biết họ không muốn trì hoãn lâu hơn nữa. Nhưng liệu Đảng Dân chủ có nghe họ? Thoạt đầu, ban lãnh đạo Hạ viện nói về việc hoàn thành dự luật vào Tháng Năm, rồi lùi sang cuối Tháng Sáu. Không kịp, vì Quốc hội sắp hết thời gian trước kỳ nghỉ vào Tháng Tám. “Không có lý do gì Quốc hội lại không thông qua được dự luật này vào Tháng Bảy,” Pelosi và lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer khẳng định trong một tuyên bố chung vào tuần trước. Không có lý do gì, đúng! Nếu không tính đến sức ì, sự chủ quan và các cuộc chiến tranh nhỏ đan xen.

Coi chừng bị vượt nếu còn… loay hoay

Điều khiến vấn đề thực sự đáng lo ngại là trong khi Quốc hội Mỹ còn đang loay hoay giải bài toán chip, các quốc gia khác đang chạy đua, thông qua các chính sách công nghiệp của riêng mình để đầu tư vào sản xuất chip. Chính phủ Ấn Độ nói với một nhà sản xuất chip, nếu khoản khuyến khích $10 tỷ là chưa đủ, họ sẽ tăng thêm.

Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện kế hoạch bán dẫn của khối vào năm ngoái, một năm sau khi nỗ lực lập pháp của Hoa Kỳ bắt đầu nhưng đang chuẩn bị đi vào hoạt động. EU được cho là “một tổ chức quan liêu” đi sau Mỹ trong việc xây dựng lộ trình thiết yếu cho chip trong tương lai, nay thở phào nhẹ nhõm khi vượt Mỹ.

Tác giả bài viết trên tờ Washington Post kết luận: “Cố lên, thưa Tổng thống Biden! Hãy hoàn thành công việc. Ngài không thể sửa chữa được mọi thứ ở đất nước lộn xộn này, nhưng ngài có thể thực hiện lời hứa của mình là tạo ra nhiều công việc mới trong kỹ nghệ bán dẫn và cạnh tranh với Trung Quốc để giành vị trí chiến lược hàng đầu”.

Đọc thêm:

-Nước Mỹ hỗn loạn chia rẽ dữ dội

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: