Một phụ nữ Hàn Quốc ‘đối đầu’ với người da trắng kỳ thị chủng tộc

“Tôi mong đây không phải là việc ông muốn mọi người làm theo nhé, thế giới này không cho quyền ông muốn làm gì thì làm.”

“Để tôi đoán nhé, cô vẫn chưa lấy chồng.”

“F…”

“Đây không phải chuyện của cô. Tôi đang nói chuyện với ông ta.”

“Ông là đồ F… kỳ thị chủng tộc…Này, các em, lớn lên đừng bắt chước giống như ông ta nhé.”

“Đi tìm chồng đi”

“F… kỳ thị chủng tộc. Cha của các cậu là người kỳ thị người Châu Á. Các cậu cảm giác như thế nào khi nhìn thấy điều đó?”

***

Đó là nội dung của đoạn video clip đang lan truyền rất mạnh trên mạng xã hội Twitter và được đăng tải trên tài khoản của cô Stella Hwang – người Hàn Quốc. Cô Hwang kêu gọi mọi người hãy chia sẻ thật nhiều để tìm ra danh tính người đàn ông da trắng trong video đã “đối chất” với cô.

Sự việc được cô Hwang kể lại với NextShark rằng khi đang đứng đợi xe Uber tại phi trường Los Angeles International Airport (LAX) vào hôm thứ Ba, 9-3-2021, cô thấy người đàn ông da trắng bước ra khỏi một chiếc Uber, hét lớn vào người tài xế xe: “Đồ thứ Á Châu rác rưởi. Tao chắc chắc là mày cũng không có giấy tờ hợp pháp ở đây (Mỹ)”

Câu chuyện bắt nguồn từ việc người khách da trắng đã nổi nóng vì ông ta không được tài xế Uber cho phép ngồi lên ghế trước vì vi phạm quy định của Uber từ lúc xảy ra đại dịch Covid-19.

Cô Hwang nhận thấy người tài xế đã bị sốc và rất lúng túng không đối đáp lại được với lời nói kỳ thị và thái độ hung dữ của người khách da trắng. “Người lái xe Uber nhút nhát, bất lực và bị sốc. Tôi biết ông ấy bị rào cản ngôn ngữ, tôi phải can thiệp ngay,” cô nói với NextShark.

Cảnh sát chỉ đến nơi sau khi sự việc đã xảy ra và cô Hwang cũng đã kêu người tài xế Uber chạy đi. Theo lời cô Hwang, phía cảnh sát “không thèm hỏi vì sao cô can dự vào câu chuyện đó” và cũng không hỏi liệu cô có muốn lập một biên bản hay không. “Ông ta (cảnh sát) chỉ nói tôi đừng dính vào để mọi chuyện không căng thẳng” – cô Hwang nói.

Trung sĩ Tarek Azmy – cảnh sát sân bay nói với NextShark, cảnh sát không thành lập biên bản, nghĩa là không có tội phạm. Ông Azmy cho biết có vài cuộc điện thoại gọi vào mỗi đêm liên quan đến dịch vụ Uber. Nếu những điều đó được giải quyết, không có tội phạm liên quan, nghĩa là không có biên bản nào được thành lập. “Và đó là trường hợp của sự việc này,” ông Azmy nói.

Vị trung sĩ này nói thêm: “Miễn là không có va chạm, ẩu đả cơ thể, điều mà có thể chứng minh là tội phạm, thì chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài việc cố gắng giúp họ giải quyết vấn đề.”

Uber đã xác minh người lái xe là ông David, người gốc Philippine, và lên án hành động của hành khách da trắng trong một tuyên bố gửi cho NextShark. Người phát ngôn Uber nói với NextShark: “Uber không dung thứ cho sự phân biệt chủng tộc hoặc thù địch dưới bất kỳ hình thức nào, chống lại bất kỳ cộng đồng nào. Khi một cộng đồng bị tấn công, tất cả chúng ta đang bị tấn công. Chúng tôi rất sốc và đau buồn vì sự căm ghét chống người châu Á gia tăng gần đây, đặc biệt khi nó ảnh hưởng đến người lái xe hoặc khách đi xe.”

Uber cho biết đã xóa quyền truy cập của hành khách da trắng trong video clip của cô Hwang và đã liên hệ với tài xế để đề nghị hỗ trợ.

Người gốc Á đang bị tấn công

Cũng liên quan kỳ thị chủng tộc, ngay sau khi chuyển đến Ladera Ranch, California vài tháng trước, gia đình của ông Haijun Si đã gặp phải hàng loạt những phản ứng tiêu cực liên quan đến “hate crimes.”

Nhà của ông Si bị nhóm thanh niên liên tục kéo đến mỗi đêm, bấm chuông, la hét, đập cửa. Có người nói ông Si rằng: “Go back to your country.” Có người thì dùng những từ rất “thấp kém” để gọi vợ của ông Si, một người Trung Quốc. Thậm chí, có những người đã ném đá vào nhà ông. Theo tường thuật của nhật báo Los Angeles Times, gia đình ông Si phải thay phiên nhau “làm bảo vệ” bên ngoài căn nhà của họ. Họ dựng hàng rào, gọi cảnh sát… nhưng các hành động quấy phá vẫn không dừng lại. Sau đó, những ngôi nhà xung quanh phải “vào cuộc.”

Mỗi tối, hàng xóm tụ tập về ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Si, đặt ghế ngồi trước lối đi vào nhà ông. Những người khác theo dõi xe của họ hoặc “tuần tra” các công viên gần đó.

Tổ chức Stop AAPI Hate, một trung tâm dành cho Người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương tại California, cho biết đã có hơn 3,000 vụ tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á kể từ giữa tháng 3-2020. Cảnh sát ở một số thành phố lớn đã chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh mẽ về tội phạm thù địch nhắm vào người châu Á từ năm 2019 đến năm 2020, theo dữ liệu được thu thập bởi Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa thù hận & cực đoan, Đại học Bang California, San Bernardino. Gần đây, Thống đốc California, Gavin Newsom, đã ký ban hành luật phân bổ 1,4 triệu đô la hỗ trợ tổ chức Stop AAPI Hate và Trung tâm Nghiên cứu Người Mỹ gốc Á của đại học UCLA.

Theo các nạn nhân của những vụ tấn công bạo lực và tổ chức dân sự, thì giọng điệu “gieo rắc hận thù” của Donald J. Trump dường như đã “châm ngòi” cho tình trạng bạo lực này. Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) tuyên bố: “Donald Trump đã thúc đẩy làn sóng chống người châu Á trong đại dịch Covid-19 bằng giọng điệu phân biệt sắc tộc để mô tả coronavirus, và điều này có thể đã góp phần vào các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc và bạo lực trên khắp Hoa Kỳ.”

Theo giáo sư Sử học Mari Webel, cách gọi “Chinese virus” hoặc “China virus” là “nguy hiểm” và “sai trái” bởi nó châm ngòi cho sự hận thù và kỳ thị chủng tộc. Các thành phần cực đoan vốn nung nấu sẵn lòng thù ghét sẽ dựa vào cách gọi “Chinese virus” này của Tổng thống Mỹ để hợp thức hoá cho các cuộc tấn công bạo lực đối với người gốc Á.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: