Tổng thống Jimmy Carter (Getty Images)

Jimmy Carter, thống đốc của tiểu bang Georgia là một khuôn mặt khá mới lạ trong đảng Dân Chủ. Ông chẳng có gốc rễ chính trị gì tại Washington. Thế nhưng ông được chọn làm ứng cử viên của đảng trong bầu cử tổng thống năm 1976, và thắng Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford trong đường tơ kẻ tóc (297/240).

Georgia là một tiểu bang Cộng Hòa bảo thủ, nhưng Carter là một nhân vật Dân Chủ cấp tiến. Ông từng ở trong ngành tiềm thủy đỉnh của Hải quân Hoa Kỳ. Sau khi trở lại đời sống dân sự, ông hoạt động trong ngành trồng đậu của gia đình. Sau đó ông tham gia hoạt động chính trị, chống phân biệt chủng tộc, ủng hộ phong trào dân quyền, và tích cực vận động cho đảng Dân Chủ.

Một tác giả Mỹ viết như sau về ông: “Khi ông quyết định ra tranh cử tổng thống, bên ngoài tiểu bang chẳng ai biết ông là ai. Hầu hết mọi người đều cười khi nghe ông ra. Mẹ của ông cũng cười. Nhưng Jimmy Carter đã nhất quyết. Nói năng nhẹ nhàng và giọng điệu như người giảng đạo, Carter nói với người dân Mỹ: ‘Tôi sẽ không dối gạt bà con’. Và quả thật, ông chưa hề nói dối”.

Khi đắc cử, xa lạ với Washington, ông đem theo bạn bè ở Georgia đến thủ đô giúp ông. Đó là một quyết định cho thấy ông chưa hiểu chính trị Mỹ. Ông rất cần có bên cạnh những người am hiểu chính trị Washington để họ có thể nói cho ông biết những vấn đề ưu tiên là gì, và làm sao có những quan hệ với chính giới để có thể đạt được những mục tiêu này. Nhưng ông vốn chủ trương: Làm những gì đúng thì làm, không nhất thiết phải theo những mục tiêu chính trị. Cho nên một trong những quyết định đầu tiên của ông khi nhậm chức là ân xá cho những người trốn lính vì chiến tranh Việt Nam. Hàng trăm ngàn người Mỹ có cơ hội trở lai đất nước và định cư chính thức trở lại.

Đồng thời, ông tìm cách cứu giúp những thuyền nhân Việt Nam đang không có chỗ nương tựa. Đó là những năm cao điểm của phong trào vượt biên vượt biển, hàng trăm ngàn người đã mạo hiểm trong số phận thuyền nhân, và người ta nói ít nhất cũng một nửa số người đã bỏ mình giữa biển cả mênh mông, làm mồi cho cá mập.

Ướt sũng và mệt mỏi sau cuộc hành trình trên biển, thuyền nhân Việt Nam được cứu từ tàu hải lý vào lúc nửa đêm. Nhiều người trong số những người tị nạn không thể sống sót qua hành trình này, đối mặt với nguy hiểm và khó khăn do cướp biển, tàu thuyền quá đông và bão tố, những chấn thương tâm lý này kéo dài hàng chục năm sau. (ảnh: Fred Ihrt/LightRocket via Getty Images)

Từ năm 1978, ông đã có ý kiến chấp nhận những thuyền nhân đang ở những đảo tạm trú và muốn đến nước Mỹ, nhất là những người có thân nhân ở Mỹ. Ông cũng ra lệnh cho các tàu biển của Hải quân Mỹ cứu vớt những ngưòi vượt biên đang lênh đênh trên biển cả vùi dập. Năm 1978, giữa khi các nhà lãnh đạo thế giới đang họp hội nghị để thoả thuận về những chuyện sống còn của đất nước của họ, Carter đã đưa ra một vấn đề làm người ta nín lặng: Cái chết của những người vượt biên trên biển cả và nghĩa vụ của những nước phương Tây phải cứu vớt họ.

Ông thông báo Mỹ sẽ gia tăng gấp đôi số người tỵ nạn hàng tháng sẽ được nhận vào Mỹ, từ 7,000 lên đến 14,000 (khoảng 168,000 người một năm). Quyết định này nhằm thúc đẩy các nước khác phải có thái độ tích cực tương tự. Chẳng phải dân Mỹ ai cũng ủng hộ chuyện này. Thăm dò của CBS và báo New York Times cho thấy đến 62% người Mỹ không đồng tình với chuyện mở cửa cho người tỵ nạn. Thăm dò Gallup chỉ ra 57% người Mỹ chống lại chủ trương nới lỏng chính sách di dân cho người tỵ nạn từ Đông Nam Á (người Việt, Lào và Campuchia).

Chính những bước khởi đầu đó đã dẫn đến những chương trình về sau này, như Đoàn tụ gia đình; Ra đi có trật tự (ODP), HO (dành cho những người thuộc chế độ Sài Gòn đã bị “cải tạo” hơn ba năm). Cũng chính ông Carter là người cho thuyền Mỹ đến đón những người Cuba muốn đến Mỹ tỵ nạn nhưng bị Fidel Castro gom trên đảo không đưa đến Mỹ. Ông nhấn mạnh nước Mỹ là một đất nước của người tỵ nạn (a nation of refugees), trách nhiệm của những người lãnh đạo là mở cửa. Suy cho cùng, những thuyền nhân Việt Nam bị mất nước, hay những người Cuba tỵ nạn, trong cả hai trường hợp, Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm về sự mất nước này ở một mức độ nào đó.

Vào Tháng Sáu 2023, trong những ngày của Carter tại nhà “tạm cư” (hospice – trong khi chờ đợi những giây phút cuối của đời), một số nhà viết sử nói rằng ông Carter thất bại trong tái tranh cử năm 1980 vì nhiều lý do, trong đó có thái độ của ông đối với người tỵ nạn mà ông quyết tâm ủng hộ, trong khi nhiều người Mỹ da trắng bảo thủ phía Cộng Hòa (nhánh Quyền Tôn giáo – Religious Right) vẫn chống đối.

Tuy nhiên, tờ New York Times trong một bài điều tra tiết lộ chính Tổng thống Reagan, vào năm 1980 khi còn là một ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, đã âm mưu cùng với một chính khách cơ hội có tiếng là John B. Connally (từng là thống đốc Texas và đi cùng xe với Tổng thống Kennedy và bà Kennedy nên tai bay vạ gió ông bị thương trong vụ tổng thống bị bắn chết ngày 21 Tháng Mười Một 1963), bí mật đề nghị với Iran khoan thả những người Mỹ đang bị chính quyền cách mạng Hoa Kỳ của Khomeini tại Tehran bắt giữ từ Tháng Chín 1979, để cho Carter mất điểm với ngay cả cử tri Dân Chủ.

Iran giữ lời, chỉ tha con tin Mỹ sau khi Reagan đắc cử và nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng 1981. Đáp lại công trạng của Iran giúp lật đổ Carter, Reagan sau này bán vũ khí cho Iran, dùng tiền đó cho loạn quân Contras tại Nicaragua mua vũ khí! Ông Reagan ủng hộ loạn quân này! Tổng thống Carter (1924) nay đã 100 tuổi ta, hẳn phải cảm thấy an ủi phần nào khi đọc những dòng này trong những giờ phút cô quạnh hiện nay!

Carter thừa kế một nền kinh tế đang suy yếu. Trong nhiệm kỳ của ông, lạm phát vượt mức 10%, lãi suất cho vay đến gần 20%. Tăng trưởng kinh tế nặng nề cùng với lạm phát tệ hại hơn làm cho suy thoái kéo dài, bắt đầu có từ thời Nixon. Carter cố thăng bằng ngân sách liên bang nhưng không thành (như tất cả tổng thống khác từ thời Eisenhower). Nhiều vấn đề kinh tế của Mỹ xuất phát từ chi phí dầu hỏa OPEC gia tăng.

Tổng thống Carter đã tăng ngân sách để nghiên cứu tìm kiếm một nguồn năng lượng thay thế. Ông cho thành lập một cơ quan chính phủ mới, cấp nội các, có tên là Bộ Năng lượng để thúc đẩy những nỗ lực này. Nhiều người Mỹ xem năng lượng hạt nhân như là một giải pháp cho những vấn đề năng lượng của đất nước. Những người chống đối lý luận rằng sự thất bại của nhà máy năng lượng hạt nhân sẽ có hậu quả tai hại không lường. Sự lo sợ của họ đã càng tăng khi một nhà máy tại Three Mile Island, Penn., bị hỏng, thải ra những chất liệu phóng xạ vào không gian.

Cao điểm của chính quyền Carter là khi ông đích thân vận động cho một thỏa hiệp hòa bình giữa Do Thái và Ai Cập. Sự xung đột giữa hai nước này đã có từ ngày Do Thái được thành lập vào năm 1948 và bị phong tỏa bởi những nước láng giềng A Rập thù nghịch. Căng thẳng giữa Do Thái và Ai Cập đã gia tăng từ Cuộc Chiến Sáu Ngày năm 1967. Trong cuộc chiến này, Do Thái đã chiếm đóng bán đảo Sinai, một vùng sa mạc thuộc Ai Cập.

Tuy nhiên, vào năm 1978, lãnh tụ của hai nước đồng ý gặp nhau trên đất nước của nhau. Đó là một bước chuyển biến lớn trong quan hệ Do Thái-A Rập; hầu hết các nước A-Rập đều không chịu nhìn nhận ngay cả sự hiện hữu của Do Thái. Tổng thống Carter hy vọng có thể lợi dụng được cơ hội này để tạo được một chuyển biến. Ông mời cả hai bên đến Camp David và đích thân bàn bạc với cả hai bên để có một thỏa thuận. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã tham dự tích cực trong thương thảo hòa bình của vùng này.

Carter còn đạt được một vài thành công khác về ngoại giao. Ông đã đúc kết một hiệp định vũ khí với Liên Xô. Carter chủ trương vận động cho nhân quyền là nền tảng của chính sách đối ngoại. Ông thương thảo một hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Panama nhằm trao trả lại cho Panama quyền kiểm soát vùng kênh đào và sau đó Thượng Viện Mỹ đã thông qua hiệp định này.

Tuy nhiên, Carter cũng bị một vài thất bại lớn. Khi Liên Xô xâm lăng Afghanistan vì tưởng từ đó có thể mở ra ảnh hưởng trong vùng Nam Á-Trung Đông, những nỗ lực của Carter là vô hiệu trong việc ép Liên Xô rút lui. Carter cũng lúng túng ở Nicaragua, nơi ban đầu ông tỏ ra thân thiện với chính quyền Sandinista cách mạng, nhưng rồi lại chống lại họ khi chính quyền này liên kết chặt chẽ với Liên Xô và Cuba.

Khủng hoảng tệ nhất cho Carter là khi Iran trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, giáo chủ Ayatollah Khomeini lên cầm quyền, và người xuống đường đã tấn công vào sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran, bắt giữ khoảng 70 người Mỹ (nhân viên ngoại giao và thường dân) ngày 4 Tháng Mười Một 1979 để đáp lại chuyện Mỹ trước đây ủng hộ và nay cho nhà vua Iran độc tài tỵ nạn chính trị. Sau khi thất bại trong âm mưu giải cứu, Carter quyết định chọn phương cách thương lượng để bảo vệ an toàn cho các con tin. Bởi vậy, mãi đến 444 ngày sau, tức đúng vào ngày tân Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức và Carter ra đi, con tin mới được phóng thích.

Giới bình luận chính trị theo dõi cuộc bầu cử tổng thống năm 1980 đã sớm nhất trí rằng Tổng thống Jimmy Carter không có cách gì có thể tiếp tục ở lại Tòa Bạch Ốc bốn năm nữa. Ngay cả trong đảng Dân Chủ của ông, lẽ ra người ta phải ủng hộ một tổng thống đương nhiệm, thế nhưng người ra phá ông chính là em út của cố Tổng thống John F. Kennedy, tức Ted Kennedy (Hiện nay, 2023, con trai của cố Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, tức cháu gọi JFK bằng bác ruột, cũng ra tranh cử với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden).

Trong cuộc “nội chiến” này của đảng Dân Chủ, Kennedy, vốn nổi tiếng một phần là vì ông là em út của cố Tổng thống JFK, một phần là nhờ “tai nạn Chappaquiddick” (10 năm trước đó ông lái xe giữa đêm rớt xuống cầu làm tử thương một phụ nữ ngồi trên xe), chỉ được 1/3 số phiếu trong vòng sơ bộ của đảng Dân Chủ. Điều này cũng cho thấy Carter không được lòng cử tri Dân Chủ và quan hệ cũng không hay với những người lãnh đạo đảng của ông.

Theo giới bình luận chính trị và lịch sử, đến cuối thập niên 1970, nhiều người đã thấy mỏi mệt vì những xung đột trong thập niên qua. Nhiều người cảm thấy không thoải mái và có thái độ phê phán nghiêm khắc nhằm vào những người lãnh đạo chính trị. Jimmy Carter đã tạo sự bất bình – và làm nhiều người thấy khó chịu – khi ông than phiền trong một bài diễn văn là người dân đang bị cuốn hút vào một cuộc “khủng hoảng niềm tin”.

“Đó là một cuộc khủng hoảng đánh ngay vào con tim và linh hồn của ý chí dân tộc. Chúng ta có thể thấy cuộc khủng hoảng này thể hiện nơi sự nghi ngờ đang nổi lên về ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta và trong sự mất đoàn kết và thiếu mục tiêu của một dân tộc. Sự suy đồi niềm tin vào tương lai đang đe dọa tiêu hủy kết cấu chính trị và xã hội của đất nước”.

Người ta gọi đó là một “diễn văn dằn vặt” (malaise speech), trong khi người dân lại cảm thấy ông chỉ nêu bật sự bế tắc của chính ông và không chỉ ra lối thoát nào cho đất nước.

Bởi vậy mới có sự đồng tình của cử tri quay qua Reagan để tìm một thử nghiệm mới. Reagan tranh cử với các chủ điểm gia tăng chi phí quốc phòng, thực hiện chính sách kinh tế dựa trên nguồn cung, và thực hiện một ngân sách thăng bằng. Carter chỉ trích Reagan là một phần tử cực đoan khuynh hữu nguy hiểm, và cảnh báo Reagan sẽ cắt Medicare và An sinh Xã hội.

Tuy nhiên, cử tri Mỹ xem chừng chỉ bỏ phiếu cho người họ lựa chọn thay vì cân nhắc hay tính toán xem người đó nghĩ gì trong đầu. Người dân đã nói rõ sự chọn lựa của mình: Reagan được 489 phiếu cử tri đoàn và 50.8% phiếu phổ thông, trong khi Carter chỉ được 41% phiếu phổ thông và 49 phiếu cử tri đoàn. Đảng Cộng Hòa cũng giành được thế đa số tại Thượng Viện – lần đầu tiên kể từ năm 1952. Chủ nghĩa bảo thủ nay đã có thể bừng dậy!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: