Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay thứ Hai đã đưa Cuba trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ cho khủng bố quốc tế – một động tác ngoại giao vào phút cuối sẽ gây khó khăn cho của chính phủ sắp nhậm chức Joe Biden trong việc giao thiệp với Havana.
Chỉ chín ngày trước khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo thông báo Cuba bị đưa trở lại danh sách khủng bố vì“nhiều lần cung cấp hỗ trợ cho những hành động khủng bố quốc tế” qua việc chứa chấp người Mỹ đào tẩu và lãnh đạo phiến quân Colombia.
Ông Pompeo cũng dẫn chứng việc Cuba hỗ trợ an ninh cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, cho phép nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa giữ được quyền lực và tạo ra “một môi trường thuận lợi cho các tổ chức khủng bố quốc tế sống và phát triển bên trong Venezuela”.
“Bằng hành động này, chúng ta sẽ một lần nữa buộc chính phủ Cuba chịu trách nhiệm và gửi tới họ một thông điệp rõ ràng: chế độ Castro phải chấm dứt bảo trợ khủng bố quốc tế và lật đổ công lý của Hoa Kỳ,” ông Pompeo nói trong tuyên bố.
Các quốc gia khác trong danh sách khủng bố là Syria, Iran và Bắc Triều Tiên.
*
Việc đưa Cuba trở lại danh sách khủng bố là một bước đảo ngược thêm nữa cuộc hòa dịu mà cựu Tổng thống Dân chủ Barack Obama đã dàn xếp giữa hai nước cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.
Quyết định của Obama chính thức rút Cuba khỏi danh sách khủng bố năm 2015 là bước đi quan trọng tiến tới khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm đó.
Từ khi lên cầm quyền năm 2017, ông Trump đã siết chặt những hạn chế về du lịch và kiều hối của Mỹ đến Cuba và áp đặt cấm vận lên việc chở dầu của Venezuela đến đảo quốc này.
Chính sách của Trump được đông đảo dân Mỹ gốc Cuba ở Florida ủng hộ, giúp ông giành chiến thắng ở tiểu bang này hồi tháng Mười Một dù ông thua cuộc bầu cử trước ông Joe Biden, phó tổng thống của ông Obama.
Trong chiến dịch tranh cử ông Biden đã nói là ông sẽ đảo ngược ngay lập tức các chính sách của ông Trump với Cuba mà ông cho là “gây thiệt hại cho người dân Cuba và không có tác dụng thúc đẩy dân chủ và nhân quyền”.
Nhưng động tác của ông Trump có thể gây thêm nhiều khó khăn cho ông Biden trong việc tái tục mối quan hệ hữu nghị với Cuba khi ông lên nắm quyền trong mười ngày nữa.
Ông Trump đã duy trì vào giờ cuối một loạt các quyết định cấm vận và những hành động khác chống lại Cuba, Venezuela và Iran; và các phụ tá của ông Biden nói rằng một số quyết định như vậy có vẻ như được thiết kế để trói tay ông Biden khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-01 sắp tới.
*
Đối với Cuba, việc bị đưa trở lại danh sách khủng bố có ý nghĩa nặng về biểu tượng và không rõ tác động thực tế của nó sẽ đến đâu.
Quyết định sẽ cấm sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ, cấm xuất cảng vũ khí Mỹ, kiểm soát các hàng hóa “lưỡng dụng” dùng trong cả quân sự và dân sự và đòi hỏi nước Mỹ phản đối việc cho Cuba vay tiền từ các định chế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Nhưng nhiều biện pháp hạn chế này đã có sẵn rồi – hoặc đã được ông Trump siết chặt; chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba đã kéo dài nhiều thập niên vẫn còn đó và chỉ Quốc hội mới có quyền dỡ bỏ.
“Chúng tôi lên án quyết định đạo đức giả và cay độc của Hoa Kỳ rằng Cuba là một nhà nước bảo trợ khủng bố. Chủ nghĩa cơ hội chính trị của Mỹ đã được công nhận bởi những ai thật lòng quan tâm tới tai họa của chủ nghĩa khủng bố và các nạn nhân của nó” Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez viết trên Twitter.
*
Để biện minh cho quyết định đưa Cuba trở vào danh sách khủng bố, ông Pompeo đã viện dẫn trường hợp Cuba chứa chấp kẻ đào tẩu nổi bật nhất của Mỹ: bà Joanne Chesimard – người đã chạy đến Cuba và đổi tên thành Assata Shakur sau khi đào thoát khỏi nhà tù ở New Jersey, nơi bà ta bị giam giữ về tội đã giết một vệ binh của tiểu bang năm 1973.
Ông Pompeo cũng lên án việc Cuba từ chối yêu cầu của Colombia trục xuất 10 nhân vật lãnh đạo của tổ chức phiến quân ELN (Quân đội Giải phóng Dân tộc) chịu trách nhiệm vụ tấn công vào một học viện cảnh sát ở thủ đô Bogota năm 2019, giết chết 22 người.