Mỹ: Lạm phát lên 8.5% cao nhất trong 40 năm

Giá xăng tại một trạm xăng ở Washington DC sáng 11 tháng Tư. Giá xăng cao là do nhiều yếu tố như dịch Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, và đặc biệt là cuộc chiến trang của Nga ở Ukraine dẫn tới việc trừng phạt kinh tế của phương Tây. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Giá cả tăng 8.5% trong Tháng Ba so với một năm trước, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ Tháng Mười Hai năm 1981, một phần do cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt. Lạm phát đang đặt ra thách thức to lớn cho chính quyền Biden và đảng Dân Chủ ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Bộ Lao động hôm Thứ Ba 12 Tháng Tư cho biết chỉ số giá tiêu dùng (consumer price index – CPI) – đo lường mức người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ – đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ Tháng Mười Hai năm 1981, lên 8.5% và tăng từ mức 7.9% hồi Tháng Hai. Như vậy giá cả đã tăng sáu tháng liên tiếp, vượt xa mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Các nhà kinh tế giải thích, lạm phát cao là mặt trái của tăng trưởng bùng nổ khi nền kinh tế phục hồi trở lại sau Covid-19, được hỗ trợ bởi lãi suất thấp và nhiều khoản kích thích của chính phủ để chống lại tác động của đại dịch. 

Nhu cầu tiêu thụ tăng cao sau gần hai năm bị đại dịch kiềm chế, cộng với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đã làm cho cung không đáp ứng được cầu, đẩy giá cả tăng vọt ở hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ. Các chính trị gia hy vọng, khi chuỗi cung ứng được thông suốt và nhu cầu giảm bớt thì giá cả sẽ hạ xuống, sẽ quay lại mặt bằng giá cũ.

Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến giá dầu và xăng tăng vọt trong Tháng Ba, đạt mức kỷ lục vào giữa Tháng Ba và giá năng lượng tổng thể tăng 11% so với tháng trước. Không chỉ như vậy, vụ bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc, buộc chính phủ nước này phải phong tỏa nhiều khu vực sản xuất và dịch vụ như thành phố Thượng Hải, đã khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu thêm bất ổn, góp phần đẩy giá cả tăng lên.

Cái gọi là chỉ số giá cốt lõi (core CPI) – không bao gồm giá các mặt hàng thực phẩm và năng lượng thường xuyên biến động – đã tăng 6.5% trong Tháng Ba so với một năm trước và tăng từ mức tăng 6.4% của Tháng Hai. Mức tăng chậm của chỉ số giá cốt lõi được các quan chức của Fed đánh giá là một tín hiệu lạc quan, cho thấy lạm phát sẽ giảm khi giá thực phẩm và năng lượng sẽ được kiềm chế khi những yếu tố gây bất ổn – chủ yếu là cuộc chiến tranh ở Ukraine – không còn tác động nữa.

***

Xăng dầu, mặt hàng thiết yếu nhất và cũng là mặt hàng tăng giá nhiều nhất. Bộ Lao động cho biết, nhìn chung, chỉ số giá năng lượng đã tăng 32% trong năm qua. Chỉ số giá xăng dầu đã tăng 18.3% trong Tháng Ba so với cùng kỳ năm trước. Chiến tranh và biện pháp cấm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga là yếu tố khiến nguồn cung dầu của thế giới bị sụt giảm, đẩy giá cả lên.

Ngoài dầu mỏ, Nga và Ukraine là những nước sản xuất nhiều lúa mì và phân bón hóa học nhất thế giới. Cuộc chiến tranh đã khiến giá lương thực trên toàn cầu tăng cao. Bộ Lao động ghi nhận chỉ số giá lương thực đã tăng 1% trong Tháng Ba so với Tháng Hai; tăng 8.8% so với 12 tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ Tháng Năm năm 1981. Trong số này ngũ cốc ăn sáng đã tăng 2.4% từ Tháng Hai đến Tháng Ba; giá gạo tăng 3.2%, thịt bò xay tăng 2.1%; trứng tăng 1.9%’ sữa tăng 1.3%, khoai tây tăng 3.2%, trái cây và rau đóng hộp tăng 3.8%.

Do lạm phát, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn vào cuối năm nay, chỉ khoảng 3.3% so với mức dự báo 3.6% trước đây, theo tính toán của Ngân hàng Bank of America.

***

Bất chấp thị trường lao động tương đối mạnh, lạm phát lan rộng đã tạo ra những vấn đề chính trị lớn cho Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân Chủ. Chính quyền đã đặt tên cho đợt lạm phát đột biến gần đây là “Vụ tăng giá của Putin”, nhưng lối giải thích đó dường như không giúp nâng điểm xếp hạng của Tổng thống Biden lên ngay trước thời điểm bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Tòa Bạch Ốc và Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra một số sáng kiến ​​để giảm lạm phát, nhưng giá xăng dầu, thực phẩm vẫn tiếp tục đè nặng lên hàng triệu người Mỹ. Tổng thống Joe Biden tháng trước đã quyết định xuất kho dầu dự trữ chiến lược quốc gia ở mức 1 triệu thùng dầu/ngày, kéo dài trong sáu tháng để giúp tăng nguồn cung cho các nhà máy lọc dầu nhưng giá xăng vẫn giảm rất chậm. Hiệp hội AAA cho biết, giá xăng bình quân toàn nước Mỹ ngày hôm qua 11 Tháng Tư là $4.1/gallon, chỉ giảm chút ít so với mức $4.7/gallon tháng trước.

Chính quyền Biden hôm Thứ Ba thông báo rằng Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) sẽ cho phép bán một loại xăng pha trộn giữa xăng và ethanol gọi là xăng E15 vào mùa Hè để tạo thêm nguồn cung. Tuy nhiên chỉ có 2,300 trong số 150,000 trạm xăng của quốc gia cung cấp được xăng E15.

Đa số các nhà kinh tế đều cho rằng, lạm phát là không thể tránh khỏi, không chỉ xảy ra ở Mỹ mà cả trên toàn thế giới và trong nền kinh tế thị trường tự do, chính phủ Mỹ không có nhiều “công cụ chính sách” để kéo giá hàng hóa xuống. Vì vậy, việc quy cho các chính sách của chính quyền của đảng Dân Chủ như là một yếu tố gây lạm phát là không hợp lý.

Đọc thêm:

– Lạm phát và kinh tế: Hai tử điểm của Dân chủ trước bầu cử

-Tổng thống Biden sẽ trả giá chính trị nếu lạm phát tiếp tục tăng?

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: