Ngày 12 Tháng Bảy năm 2022, nhạc sĩ Nam Lộc được Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) chọn là một trong tám Đại Sứ Quốc Tịch (Citizenship Ambassador) – một vai trò có ý nghĩa đặc biệt nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về quyền lợi chính đáng của việc nhập tịch. |
Đã nhận quá nhiều
“Chỉ một sớm một chiều mình là người tỵ nạn trong trại, ngày hôm sau mình đi làm. Quyền lợi của mình, lương bổng của mình, y như người Mỹ ở đây” – nhạc sĩ Nam Lộc nhớ lại những ngày của hơn 45 năm trước.
Năm 1975, chân ướt chân ráo từ trại tỵ nạn vào nước Mỹ, ông Nguyễn Nam Lộc, tức nhạc sĩ Nam Lộc, cũng như rất nhiều người Việt Nam khác chạy trốn chế độ Cộng Sản, bắt đầu lao vào xây dựng cuộc sống mới. Dù là một người hoàn toàn xa lạ, “tóc đen da vàng” nhưng ông nhớ rằng, ông được đối xử không khác người bản xứ. Công nhân làm chung với ông nhận mức lương $2/giờ. Ông cũng nhận mức lương tương tự. Họ nghỉ 45 phút – một tiếng, ông cũng nghỉ 45 phút – một tiếng. Khi đi tìm nhà thuê, không ai hỏi ông “Bạn qua đây lâu chưa? Bạn là người tỵ nạn hay người Mỹ?”. Có đủ giấy tờ hợp pháp, thế là ông thuê được nơi ở.
“Điều đầu tiên tôi có được ở Mỹ, đó là được đối xử rất công bằng, như một người Mỹ” – ông nhớ và kể lại.
Rồi sau một năm, ông trở thành thường trú nhân, có thêm những quyền lợi khác để được tự do khám phá những điều mới lạ trên thế giới. Năm năm sau nữa, ông chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ, được quyền làm việc trong các cơ sở của chính quyền hoặc những nơi đòi hỏi phải đảm bảo cho an ninh quốc gia. Quan trọng hơn ông và cả gia đình được đoàn tụ trên xứ sở của tự do. Câu hỏi ngắn gọn nhạc sĩ đưa ra sau khi kể về những ngày đầu tiên ấy là:
“Tôi hỏi bạn, mình nhận có nhiều hay không? Đó là những gì mình nhận suốt mấy chục năm qua. Đâu có dễ gì để có cơ hội để đóng góp lại ngoài vấn đề mỗi khi có biến cố gì ở đất nước này, hay những thiên tai bão lụt xảy ra thì mình cùng hỗ trợ, kêu gọi cùng đóng góp tiền bạc. Cho nên khi cơ hội đến, thì tôi trả lời ngay.”
Trong suốt 41 năm qua, nhạc sĩ Nam Lộc là giám đốc di trú và tị nạn của Catholic Charitites, thuộc Tổng giáo phận Los Angeles. Ông chia sẻ kinh nghiệm, tin tức xác thực cho đồng hương biết được những thủ tục cần thiết trong các vấn đề liên quan đến di trú. Ông tranh đấu rất nhiều cho đồng bào, những người còn kẹt ở trại tị nạn, những chương trình bảo lãnh ODP, HO, con lai…
Nhạc sĩ Nam Lộc nghỉ hưu năm 2016. Nhưng người Việt hải ngoại vẫn thấy ông xuất hiện trong những chương trình gây quỹ, kêu gọi đóng góp cứu trợ cho đồng bào trong nước hoặc trong những biến cố của nước Mỹ. Ông có mặt ở tất cả các cuộc vận động, tranh đấu. Cho đến tận giờ, ông vẫn tiếp tục vận động với Quốc hội Hoa Kỳ cho đồng bào Việt Nam ở Thái Lan.
“Lúc nào mình cũng xin, cũng hỏi, thì bây giờ có dịp, mình cho lại” – ông quan niệm như thế.
Sứ mệnh của Đại Sứ Quốc Tịch
Theo lời của bà Ur M. Jaddou, Giám đốc USCIS, đây là sáng kiến đầu tiên của USCIS. Những Đại Sứ Quốc Tịch sẽ làm việc trực tiếp với cơ quan di trú, giúp cho cộng đồng của họ trong việc nộp đơn xin nhập tịch, hiểu rõ về những thủ tục và đặc biệt là quyền lợi của một công dân Mỹ. Bà Jaddou nhấn mạnh vai trò Đại Sứ Quốc Tịch là “một bước tích cực để nhiều người biết đến quyền lợi của việc nhập tịch, cung cấp phương tiện giúp di dân thành công khi bắt đầu cuộc sống của công dân Mỹ.”
Đó là lý do rất thực tế của chính quyền Hoa Kỳ, “vì sự phồn thịnh của nền kinh tế quốc gia” – theo lời bà Jaddou. Đối với một người dành cả cuộc đời cho hoạt động xã hội-cộng đồng như nhạc sĩ Nam Lộc thì ngoài việc truyền tải những tin tức xác thực từ USCIS đến người thụ hưởng, trong đó có cộng đồng người Việt, thì ông còn một “tham vọng” khác.
“Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ đến một điều nữa, đó là sự cần thiết và quan trọng của vấn đề vận động lập pháp.” – ông Nam Lộc nói.
Có rất nhiều điều mà cộng đồng Việt đã và đang tranh đấu, như tranh đấu cho những người tị nạn còn đang vất vưởng ở Thái Lan, tranh đấu cho tù nhân lương tâm trong nước, thậm chí là tranh đấu cho vấn đề tự do dân chủ ở quê nhà. Theo nhạc sĩ Nam Lộc, nếu tranh đấu mà chúng ta không biết sử dụng lá phiếu thì sẽ không có sức mạnh. “Chúng ta phải tận dụng lá phiếu. Muốn tận dụng lá phiếu thì chúng ta phải đi bầu, mà muốn đi bầu thì phải có quốc tịch” – đó là điều ông nhấn mạnh.
Nhạc sĩ khẳng định, quốc tịch là một sức mạnh ngầm, âm thầm mà người ta chưa khai thác hết để có thể giải quyết những vấn đề nói trên. Bên cạnh đó, quốc tịch chứng minh một sức mạnh nữa, đó là sự bình quyền. Ông nói, dù là một vị tổng thống hay một người dân thường cũng chỉ được bầu một lần. “Sức mạnh lá phiếu của hai người ấy, vị tổng thống và người dân thường đều giống nhau. Cho nên tôi khuyến khích mọi người nên nhập tịch. Đó là lý do tôi nhận lời làm Đại Sứ Quốc Tịch, là một vai trò mà tôi nghĩ là thích hợp trong hoàn cảnh này cũng như thích hợp với công việc của tôi hiện tại.”
Với vai trò Đại Sứ Quốc Tịch, nhạc sĩ Nam Lộc tin rằng ông sẽ có nhiều cơ hội làm việc với giới chức lãnh đạo di trú hoặc các ngành khác của chính phủ Hoa Kỳ, đưa ra những nguyện vọng của cộng đồng Việt một cách dễ dàng hơn.
“Tôi mong rằng khi đảm nhận vai trò này, đối với những câu hỏi ‘tế nhị’ về vấn đề di trú thì tôi sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu hơn, để có được những câu trả lời chính xác từ Sở Di trú Hoa Kỳ chứ không phải là những tiên đoán.”
Nhạc sĩ Nam Lộc chia sẻ, vai trò phục vụ cho xã hội, cộng đồng đến với ông trước khi ông trở thành người viết nhạc và người dẫn chương trình. Ông yêu thích và gắn bó với hoạt động xã hội từ những năm tháng của tuổi trẻ. Những năm trung học, ông đã tham gia những buổi gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt, nạn nhân chiến tranh. Đặc biệt là những chương trình đại hội nhạc trẻ ngoài trời với mục đích chính là giúp cho những nạn nhân chiến tranh, cô nhi quả phụ… Chính những buổi gây quỹ này đã vô tình đưa ông đến với vai trò là một người điều khiển chương trình.
Nếu hỏi ông, có gì khác nhau giữa một Nam Lộc-nhạc sĩ, một Nam Lộc-MC, một Nam Lộc-phục vụ cộng đồng di dân, tị nạn, và giờ đây là một Nam Lộc-Đại Sứ Quốc Tịch của Hoa Kỳ; và vai trò nào hiện diện trong đời ông nhiều nhất? Câu trả lời của ông là:
“Công việc phục vụ cộng đồng, xã hội luôn luôn đến trước những công việc khác trong đời của mình. Nhưng chắc chắn, tất cả vai trò đó luôn tương trợ nhau, bổ trợ nhau.” |
___________