Nền dân chủ Hoa Kỳ: ‘Ngàn cân treo sợi tóc’

Người biểu tình đấu tranh cho quyền bỏ phiếu cầm bảng kêu gọi chấm dứt quyền tự do vẽ lại bảng đồ phân chia khu vực (Gerrymandering) trước Tối Cao Pháp Viện ngày 7 Tháng 12. Ảnh: Getty Images

Thứ Tư, ngày 7 Tháng Mười Hai, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ bắt đầu nghe các tranh luận trong vụ kiện Moore vs Harper. Cựu thẩm phán liên bang, đồng thời là luật gia bảo thủ nổi tiếng, J. Michael Luttig, nói rằng vụ kiện này là “vụ án quan trọng nhất đối với nền dân chủ Hoa Kỳ và cho nền dân chủ Hoa Kỳ trong lịch sử quốc gia.”

Điều gì khiến vụ án này lại có ảnh hưởng quan trọng đến thế?

Vào Tháng Hai năm 2022, Tòa Tối cao bang North Carolina đã ra phán quyết không chấp nhận bản đồ tái phân chia khu vực bầu cử (redistricting maps) do các thành viên Đảng Cộng hòa thiết lập vì vi phạm hiến pháp của bang này. Một hội đồng gồm các chuyên gia bất phân đảng phái, do tòa án chỉ định, đã vẽ một bản đồ mới và nó đã được sử dụng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Biểu tình bên ngoài Tối Cao Pháp Viện trong ngày bắt đầu các tranh luận vụ kiện Moore vs Harper. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images

Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa đã không chấp nhận phán quyết này và đã áp dụng học thuyết quyền lực độc lập của cơ quan lập pháp bang (Independent State Legislature Theory) để kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Trong những năm gần đây, một nhóm thành viên Đảng Cộng hòa đã khơi nguồn học thuyết này nhằm trao cho cơ quan lập pháp của các tiểu bang quyền hạn rộng rãi trong việc tái phân chia khu vực bầu cử. Trong thực tế, Hiến pháp Hoa Kỳ trao quyền điều hành các cuộc bầu cử liên bang cho cơ quan lập pháp của tiểu bang, nhưng dưới thẩm quyền của Quốc hội Hoa Kỳ. Nghĩa là, hiện tại đã có sự bất đồng về mức độ quyền lực được giao cho quốc hội ở các bang.

Hiến pháp Hoa Kỳ có hai Điều khoản quy định về vấn đề bầu cử liên bang. Thứ nhất, Điều 1 Khoản 4 qui định: “Thời gian, địa điểm, và cách thức tiến hành bầu cử thượng nghị sĩ và dân biểu sẽ do cơ quan lập pháp mỗi bang quy định. Nhưng vào bất cứ lúc nào, Quốc hội cũng có thể dựa theo luật để đưa ra hoặc thay đổi các quy định đó.

Thứ hai, Điều 2 Khoản 1 qui định: “Theo thể thức mà cơ quan lập pháp ở bang qui định, mỗi bang sẽ chỉ định một số Đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và dân biểu mà bang sẽ bầu ra trong quốc hội.

Hiện tại có hai lập luận trái ngược nhau về định nghĩa của từ “cơ quan lập pháp” trong hai điều khoản Hiến pháp trên. Theo cách hiểu truyền thống, ““cơ quan lập pháp” chỉ các quy trình làm luật chung tại quốc hội của mỗi bang. Vì vậy, nếu hiến pháp của bang quy định một đạo luật có thể bị thống đốc phủ quyết, thì các luật bầu cử cũng có thể bị vô hiệu hoá tương tự. Tòa án tại mỗi tiểu bang phải đảm bảo rằng các luật bầu cử liên bang, giống như các luật khác, phải tuân thủ hiến pháp của tiểu bang đó.

Biểu tình bên ngoài Tối Cao Pháp Viện trong ngày bắt đầu các tranh luận vụ kiện Moore vs Harper. Ảnh: Tasos Katopodis/Getty Images for Common Cause

Trái ngược với cách hiểu truyền thống là lập luận đến từ Đảng Cộng hòa cho rằng hai điều khoản của Hiến pháp trao cho cơ quan lập pháp ở mỗi bang quyền lực chính trị độc quyền và gần như tuyệt đối để quy định các cuộc bầu cử liên bang. Nghĩa là, những người phe bảo thủ cho rằng quốc hội ở mỗi tiểu bang có thể tự do vi phạm hiến pháp tiểu bang, và các tòa án tiểu bang không thể ngăn cản họ. Hiện tại, Đảng Cộng hòa tại Hạ viện bang North Carolina đang áp dụng lý thuyết này trong cuộc chiến phân chia lại khu vực bầu cử, lập luận rằng họ có thể đặt ra quy tắc trong các cuộc bầu cử liên bang mà không có bất kỳ sự ràng buộc nào của tòa án, hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác của bang.

Các nhóm bảo vệ quyền bầu cử cho rằng học thuyết này là sai trái và sẽ dẫn đến quyền lực tuyệt đối của các tiểu bang, bao gồm việc chọn người chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang. Kịch bản ác mộng là quốc hội của một bang nào đó, ví dụ như Arizona, không hài lòng với cách quan chức bầu cử diễn giải luật bầu cử của Arizona, sẽ viện dẫn học thuyết này như một cái cớ để từ chối xác nhận kết quả bầu cử tổng thống và thay vào đó chọn nhóm đại cử tri của riêng mình.

Thực tế, đây gần như là kế hoạch mà các đồng minh của cựu Tổng Thống Donald Trump đã tìm cách thực hiện, sau thất bại của Trump trong cuộc bầu cử năm 2020. Theo cựu thẩm phán liên bang thuộc phe bảo thủ, J. Michael Luttig, học thuyết này sẽ là một phần trong “kế hoạch chi tiết của Đảng Cộng hòa nhằm đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Đối với đông đảo cử tri đảng Dân chủ, nếu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết ủng hộ học thuyết này, thì hậu quả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự công bằng của các cuộc bầu cử tương lai.

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ phán quyết ra sao?

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, hay còn được gọi là nhánh Tư pháp, đang dưới quyền kiểm soát của sáu thẩm phán theo quan điểm bảo thủ ủng hộ Đảng Cộng hòa (3 thẩm phán còn lại theo quan điểm tự do phóng khoáng ủng hộ Đảng Dân chủ). Trong cuộc tranh tụng hôm thứ Tư, các thẩm phán bảo thủ, bao gồm Samuel Alito, Clarence Thomas, và Neil Gorsuch, dường như đã bật đèn xanh chấp nhận học thuyết trao quyền lực lớn hơn cho tiểu bang mà Đảng Cộng hòa đưa ra.

Biểu tình bên ngoài Tối Cao Pháp Viện trong ngày bắt đầu các tranh luận vụ kiện Moore vs Harper. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images

Trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, đội ngũ luật gia ưu việt đại diện cho các nhóm bảo vệ quyền bầu cử tranh luận với đội ngũ pháp lý của Đảng Cộng hòa bang North Carolina, bao gồm ông Neal Katyal (cựu tổng cố vấn pháp lý thời Obama), ông J. Michael Luttig (cựu thẩm phán liên bang), ông Don Verrilli (cựu cố vấn pháp lý thời Obama), và bà Elizabeth Prelogar (tổng cố vấn pháp lý của chính quyền Biden).

Bà Elizabeth Prelogar lập luận rằng: “Thực tiễn hơn hai thế kỷ đã xác nhận rằng các cơ quan lập pháp của bang phải tuân theo các ràng buộc hiến pháp của bang đó.” Trong phần tranh tụng giữa hai bên, Thẩm phán Tòa án Tối cao Ketanji Brown Jackson, nói: “Điều tôi không hiểu là làm sao bạn có thể loại bỏ hiến pháp bang ra khỏi vấn đề thảo luận, khi mà hiến pháp bang trao cho cơ quan lập pháp của bang đó quyền hành để thực thi pháp luật.

Đội ngũ pháp lý của Đảng Cộng hòa lập luận rằng nhiều tòa án bang đã vượt quá thẩm quyền của họ trong cuộc bầu cử năm 2020, thay đổi các quy tắc mà không có sự cho phép của quốc hội ở bang đó. Họ còn cho rằng tòa án tối cao ở North Carolina đã bác bỏ bản đồ tái phân chia khu vực bầu cử dựa trên một điều khoản mơ hồ trong hiến pháp quy định các cuộc bầu cử phải “tự do”. Đó cúng là mối quan tâm mà Thẩm phán Tối cao John Roberts đã nêu ra trong các cuộc tranh luận, đề xuất một con đường trung gian sẽ mang lại chiến thắng cho Đảng Cộng hòa trên một phạm vi hẹp và hạn chế hơn.

Luật sư cao cấp của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU), ông Ari Savitzky, cho biết nếu Tối cao Pháp viện ra phán quyết có lợi cho các nhà lập pháp Cộng hòa của bang North Carolina, điều đó sẽ giúp các cơ quan lập pháp ở các bang dễ dàng hơn trong việc giới hạn quyền bỏ phiếu của cử tri, cũng như phủ nhận kết quả bầu cử. Điều quan trọng hơn, phán quyết sẽ bật đèn xanh cho cả hai chính đảng vẽ ra các khu vực bầu cử có lợi cho đảng mình, bỏ mặc lợi ích của cử tri.

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ đưa ra quyết định trước cuối tháng Sáu năm 2023. Ông Michael Struett, chủ tịch ngành khoa học chính trị của Đại học North Carolina, cho biết bất kể phán quyết của Tối cao Pháp viện ra sao, kết quả sẽ ảnh hưởng to lớn tới tương lai của luật bầu cử. Ông Struett nhấn mạnh: “Phán quyết chắc chắn sẽ thay đổi cách thức hoạt động của luật bầu cử Hoa Kỳ vĩnh viễn và mãi mãi nếu Tối cao Pháp viện ra phán quyết vô hiệu hóa phán quyết của Tòa án Tối cao North Carolina.

Biểu tình bên ngoài Tối Cao Pháp Viện trong ngày bắt đầu các tranh luận vụ kiện Moore vs Harper. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images

Cựu Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền Obama, ông Eric Holder, cảnh báo rằng, phán quyết sắp tới của Tối cao Pháp viện có thể tạo ra “mối đe dọa hiện hữu đối với nền dân chủ của chúng ta.” Luật sư Steven Donziger cho rằng một phán quyết có lợi cho Đảng Cộng hòa có nghĩa là “dù đảng Cộng hòa thắng hay thua trong cuộc bầu cử sẽ không là vấn đề vì họ sẽ có thể duy trì quyền lực bất luận kết quả ra sao.” Đây cũng là nỗi lo lắng của đông đảo cử tri Mỹ. Vụ kiện này rõ ràng là một lời nhắc nhở quan trọng cho những ai luôn cho rằng ‘không có thế lực nào có thể phá hoại’ nền dân chủ Mỹ.

Theo một bản báo cáo của học viện Brookings về thực trạng nền dân chủ Mỹ, bà Elaine Kamarck (Giảng viên Đại học Havard) và ông William A. Galston (Giáo sư Đại học Maryland) lập luận rằng, nếu dân chủ Mỹ bị khai tử một ngày nào đó, thì nguyên nhân không phải là do đa số người Mỹ chán ghét chế độ dân chủ, mà là do một nhóm nhỏ độc đoán có tổ chức, có quyết tâm nắm giữ các vị trí chiến lược trong hệ thống và âm thầm lật đổ các giá trị cốt lõi của dân chủ mà vẫn giữ được lớp vỏ bên ngoài của nó. Trong khi đó, nhóm những người yêu chuộng dân chủ còn lại không có qui mô tổ chức tốt, hoặc không đủ quan tâm để chống lại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: