Ngoại trưởng Mỹ cam kết bảo vệ đồng minh châu Á ứng phó Trung Quốc

HKMH Theodore Roosevelt vào Biển Đông nhận nhiệm vụ chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 2nd Class Casey Scoular)

HIẾU CHÂN

Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, ngay sau khi nhậm chức, đã có nhiều cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở châu Á, khẳng định cam kết thực hiện các hiệp ước phòng thủ chung để bảo vệ đồng minh trong trường hợp lãnh thổ của họ bị tấn công và cam kết sát cánh với các nước Đông Nam Á đối đầu với sức ép của Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin hôm qua thứ Tư 27-01, ông Blinken nhấn mạnh cam kết của Mỹ theo hiệp ước phòng thủ chung. Thông cáo báo chí của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 27-01 cho biết: 

“Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Locsin tái khẳng định một Liên minh Hoa Kỳ-Philippines mạnh mẽ là rất quan trọng đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Phòng thủ chung đối với an ninh của cả hai quốc gia; và hiệp ước rõ ràng được áp dụng đối với các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lực lượng vũ trang, tàu bè công hoặc phi cơ của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông.” 

Hiệp ước phòng thủ chung ký kết năm 1951 giữa Mỹ và Philippines tuyên bố rằng hai nước quyết “tự bảo vệ mình trước cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài để không một kẻ xâm lược tiềm năng nào có thể ảo tưởng rằng một trong hai bên đứng một mình trong Khu vực Thái Bình Dương.”

Điều 4 của hiệp ước quy định mỗi quốc gia thừa nhận một cuộc tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương đối với một trong hai bên “sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của chính họ và tuyên bố sẽ hành động để đáp ứng những nguy hiểm chung phù hợp với các quy trình hiến pháp.”

Điều khoản tiếp theo nói rõ rằng “một cuộc tấn công vũ trang” là bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ của một trong hai bên hoặc vào các hải đảo thuộc quyền tài phán của một bên ở Thái Bình Dương hoặc vào các lực lượng vũ trang, tàu bè công cộng hoặc máy bay của họ ở Thái Bình Dương.

Trước cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Ngoại trưởng A. Blinken và Tổng thống Joe Biden cũng nhắc lại cam kết tương tự trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Yoshihide Suga và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi.

Hai bộ trưởng Blinken và Motegi “khẳng định Liên minh Nhật-Mỹ là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và của toàn thế giới”, theo thông cáo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng nhắc lại cam kết về việc bảo vệ quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý ở Biển Hoa Đông, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Nhật Bản và Mỹ đã ký kết hiệp ước phòng thủ chung giống như hiệp định giữa Mỹ và Philippines.

Qua các cuộc điện đàm cấp cao, chính quyền Biden có vẻ bảo đảm với Manila và Tokyo, cũng như nói với Bắc Kinh rằng Washington sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào Philippines và Nhật Bản tương đương với một cuộc tấn công trên đất Mỹ.

Tuy nhiên, báo Asia Nikkei của Nhật cho rằng, hiệp định có một quy tắc mơ hồ “phù hợp với các quy trình hiến pháp”, khẳng định Hoa Kỳ “sẽ hành động để đối phó với nguy cơ chung” nhưng không cam kết các lực lượng Mỹ sẽ được triển khai để bảo vệ lãnh thổ của đối tác, nếu Quốc hội Hoa Kỳ phản đối các hành động đó thì các lựa chọn có thể bị hạn chế vì theo hiến pháp Mỹ, thẩm quyền phát động chiến tranh thuộc về Quốc hội. 

*

Hoa Kỳ bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông ngoài các vùng biển mà Trung Quốc được phép đòi hỏi theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982. Ngoại trưởng Blinken cam kết sát cánh với các nước có tuyên bố chủ quyền Biển Đông ở Đông Nam Á đương đầu với áp lực của Trung Quốc,

–  Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, “Ngoại trưởng Blinken cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông ngoài các vùng biển mà Trung Quốc được phép đòi hỏi theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982. Ngoại trưởng Blinken cam kết sát cánh với các nước có tuyên bố chủ quyền Biển Đông ở Đông Nam Á đương đầu với áp lực của Trung Quốc,” phát ngôn viên Ned Price cho biết thêm.

Ngoài Nhật Bản, Philippines và các đồng minh châu Âu, Ngoại trưởng Anthony Blinken trong vài ngày qua đã có các cuộc điện đàm với bộ trưởng ngoại giao các nước Nam Hàn, Thái Lan và Úc, cam kết củng cố lại mối quan hệ đồng minh lâu đời của Mỹ ở châu Á – bước đầu trong chiến lược xây dựng khối liên minh các nền dân chủ ứng phó với các chế độ độc tài Trung Quốc, Bắc Hàn và Nga.

Phản ứng lại hành động ngoại giao mới của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) hôm nay thứ Năm nhấn mạnh rằng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông “đã được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài” và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, bất chấp sự thực lịch sử rằng yêu sách chủ quyền theo đường lưỡi bò chín đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển bác bỏ trong phán quyết tháng 07-2016 và bị các cường quốc cùng đánh giá là “bất hợp pháp”. 

Nhấn mạnh rằng Trung Quốc “cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn với các nước khác có liên quan trực tiếp”, ông Triệu yêu cầu Mỹ hãy đứng ngoài cuộc. “Chúng tôi hy vọng các nước ngoài khu vực sẽ tôn trọng đúng mức các nỗ lực của Trung Quốc và các nước khác, giải quyết đúng đắn các tranh chấp trên biển và bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.” Về việc này, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã xác nhận với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) rằng “Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương và Biển Đông là lợi ích quốc gia của nước Mỹ”.

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tại khu vực châu Á, Hoa Kỳ hiện có hiệp ước phòng thủ chung với nhiều quốc gia, cụ thể là hiệp ước với Úc và New Zealand (ANZUS, ký kết tháng 9-1951), với Philippines (8-1951), Đông Nam Á (hiệp ước phòng thủ đa phương gồm Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Pháp, Anh, Philippines và Thái Lan, ký kết tháng 8-1954), Nam Hàn (10-1953) và Nhật Bản (01-1960).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Nỗi buồn ngày mưa
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần giải mã cơ chế sinh học đằng sau những tác động của thời tiết trên tâm trạng con người, đồng thời đưa ra…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: