Theo một cuộc thăm dò mới, phần lớn những người Mỹ trưởng thành dự báo mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đối thủ nước ngoài như Nga và Bắc Hàn sẽ trở nên thù địch hơn – AP cho biết.
Cuộc thăm dò thăm dò của Viện Pearson và The Associated Press-NORC (Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng) cho thấy đã có sự thay đổi lớn trong dư luận so với 4 năm trước dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Sau hai năm Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, 60% người Mỹ trưởng thành tin rằng mối quan hệ với các kẻ thù sẽ ngày càng tồi tệ hơn, tăng từ 26% so với cách đây bốn năm dưới thới chính quyền Trump. Chỉ có 21% nói mối quan hệ với các đồng minh sẽ xấu đi, giảm sâu so với 46% có ý nghĩ tiêu cực như thế. Nhìn chung, chỉ còn 39% dự đoán vị thế toàn cầu của nước Mỹ sẽ xấu đi, so với 48% của năm 2018.
Điều quan trọng, chính trị nội bộ Hoa Kỳ bị chia rẽ sâu sắc đã ảnh hưởng lớn đến quan điểm của người dân về vị thế của quốc gia trên đấu trường thế giới.
Bà Sheila Kohanteb, nhà khoa học chính trị và Giám đốc điều hành Diễn đàn Toàn cầu (Global Forum) thuộc viện Pearson Institute for the Study and Resolution of Global Conflicts có trụ sở tại thành phố Chicago, nhận định: “Những kết quả đó thực sự cho thấy tính đảng phái (đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa) ảnh hưởng đến mức độ tự tin hay thất vọng về quốc gia mình. Cách người dân Mỹ bày tỏ ý kiến về các quan hệ của Hoa Kỳ ở nước ngoài có sự chi phối của một yếu tố chủ đạo: Ai thuộc xu hướng chính trị nào sẽ gắn bó với xu hướng chính trị đó”.
Bốn năm trước, 3/4 đảng viên đảng Dân chủ dự kiến vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng, nay tỷ lệ mới cho thấy họ tin rằng vị thế này vẫn ổn định hoặc sẽ cải thiện trong tương lai gần.
Ngược lại, khoảng 6/10 đảng viên Cộng hòa từng dự đoán sẽ có những cải thiện trong năm 2018 thì nay cũng tỷ lệ tương tự dự kiến chính quyền hiện tại sẽ vấp ngã. “Các quốc gia khác có lẽ đang cười nhạo chúng ta, chờ đợi nước Mỹ sụp đổ – Kristy Woodard, 30 tuổi, đảng viên Cộng hòa ở Winston-Salem, tiểu bang North Carolina, nói – Tôi thấy nền kinh tế và sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng dưới thời Tổng thống Joe Biden. Tôi không nghĩ chúng ta thực sự còn đồng minh đúng nghĩa nữa khi nước Mỹ đang bị mang ra bỡn cợt vào thời điểm này”.
Nhưng David Dvorin, 49 tuổi, đảng viên Dân chủ ở thành phố Pittsburgh, một chuyên gia về giá, tin rằng Biden đã giành được sự tôn trọng ở nước ngoài bằng cách huy động thành công các đồng minh quốc tế để đáp lại cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông nói: “Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy sự lãnh đạo của chính quyền Biden đã giúp đưa phần lớn châu Âu xích lại gần nhau”. Tuy nhiên, khi Nga đẩy mạnh cuộc tấn công vào Ukraine, Trung Quốc gây thêm căng thẳng về vấn đề Đài Loan và các vấn đề khác, Mỹ đối đầu với Triều Tiên và Iran về các chương trình hạt nhân của hai quốc gia này, khi được hỏi có tin mối quan hệ với các đối thủ sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm sau, tỷ lệ nói “có” vẫn tương tự ở cả đảng Cộng hòa và Dân chủ như thời Trump.
Cuộc thăm dò của Viện Pearson/AP-NORC cũng cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ quyền phụ nữ và người thiểu số trên khắp thế giới, dù ít người nghĩ Hoa Kỳ rất thành công trong việc bảo vệ những quyền tương tự ở quê nhà.
Đa số người Mỹ trưởng thành cho biết họ xem việc ngăn chặn sự phân biệt đối xử với phụ nữ và người thiểu số trên khắp thế giới là một mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng và chính phủ Hoa Kỳ phải có trách nhiệm bảo vệ quyền của những nhóm yếu thế này. 78% người dân Mỹ muốn chính phủ rút lại sự hỗ trợ tài chính cho các quốc gia xem thường quyền phụ nữ và các nhóm thiểu số.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/5 người Mỹ trưởng thành tin rằng Hoa Kỳ đang dẫn đầu thế giới về bảo vệ quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, hoặc cộng đồng các giới tính khác LGBTQ. Nhiều người cho rằng Hoa Kỳ nằm trong số nước đang làm tốt việc này, nhưng khoảng 1/3 nói có những quốc gia còn làm tốt hơn.
Rick Reinesch, 61 tuổi, cư dân tại thủ phủ Austin của tiểu bang Texas (hiện là quản lý dự án cho một công ty tư vấn và tự mô tả mình là một người độc lập về chính trị nhưng nghiêng về đảng Dân chủ), xem việc bảo vệ quyền tự do của phụ nữ và người thiểu số ở nước ngoài là “điều cần thiết” đối với nước Mỹ. “Nhưng sự chia rẽ giữa Cộng hòa và Dân chủ ngày càng tăng có nghĩa là thành tựu của nước Mỹ trong lĩnh vực này là “một mớ hổ lốn”, với việc các quyền bị suy giảm ở các bang bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quan điểm ‘bác bỏ’ của cựu Tổng thống Donald Trump”.
Chris Ormsby, 53 tuổi, sống ở Edmond, tiểu bang Oklahoma, một quản trị viên giáo dục đại học, người tự mô tả mình là độc lập về chính trị, đã lấy ví dụ Iran, nơi phụ nữ đang dẫn đầu các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần chống lại chính sách che tóc khắc nghiệt của chính phủ cũng như đòi các quyền khác. “Có lẽ chúng ta nên có các bước chủ động hơn tại nước ngoài khi đề cập đến quyền – Ormsby nói – Có những thứ khác quan trọng không thua gì phổ biến hạt nhân hoặc tương tự như thế”.
Ông xem việc đẩy lùi biến đổi khí hậu bằng cách đưa thế giới rời xa nhiên liệu hóa thạch nên là một ưu tiên trong chính sách của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Kohanteb, quan chức Viện Pearson, cảnh báo về sự chia rẽ khó tin trong những người chịu trách nhiệm định hình chính sách của Mỹ về bảo vệ nhân quyền. Cuộc thăm dò mới lấy ý kiến của 1,003 người trưởng thành từ ngày 9-12 Tháng Chín với biên sai số cộng hoặc trừ 4 điểm phần trăm.