“Nhóm Ấn Độ-Thái Bình Dương” – lực lượng chủ lực của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ

Nikkei Asia ngày 11-2-2021 cho biết, đội ngũ đặc trách an ninh quốc gia lớn nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ là Ban Ấn Độ-Thái Bình Dương, gồm các chuyên gia ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Do điều phối viên Ấn Độ-Thái Bình Dương Kurt Campbell lãnh đạo, nhóm này phối hợp với Ban các vấn đề châu Á – theo truyền thống gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đông Nam Á và Úc; và Ban Nam Á phụ trách Ấn Độ. Dự kiến ​​có 15 đến 20 thành viên trong nhóm Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Đây là “dấu hiệu cho thấy Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) ưu tiên đối phó Trung Quốc cũng như các vấn đề chính sách liên quan Ấn Độ-Thái Bình Dương” – người phát ngôn NSC Emily Horne nói với Nikkei Asia. Bà nói thêm “những việc liên quan Trung Quốc mở rộng đến hầu hết mọi ban giám đốc NSC”, có nghĩa họ giám sát các vấn đề “công nghệ và an ninh quốc gia”, “an ninh y tế toàn cầu, an ninh sinh học”, “quốc phòng”, “dân chủ, nhân quyền” và “kinh tế quốc tế” – tất cả cùng tham gia việc định hình chính sách đối đầu Trung Quốc.

Emily Horne nói: “Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đặt trọng tâm vào Trung Quốc như một ưu tiên, xây dựng năng lực cho các ban ngành và điều phối hoạt động nhằm có thể phá vỡ những lỗ hổng cũ giữa đối ngoại và đối nội”. Ryan Hass, giám đốc NSC phụ trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ thời Barack Obama, cho biết thành phần NSC thường thay đổi theo các ưu tiên thời đại. Có lúc, bộ phận châu Âu là lớn nhất, đặc biệt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Sau đó, giai đoạn hậu sự kiện khủng bố Mỹ 11/9, NSC tập trung vào Trung Đông. Bây giờ, ưu tiên một là ban Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Thời gian gần đây, các thành viên mới của NSC đã viết nhiều bài bình luận kêu gọi cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc. Họ đồng tình trong việc định hình mối quan hệ như một sự “cạnh tranh” hơn là hợp tác, gắn bó hay kiên nhẫn. Chẳng hạn bài “Democratic Values Are a Competitive Advantage” viết trên Foreign Affairs vào tháng 12-2020 của Laura Rosenberger, người hiện đảm nhận vị trí giám đốc cấp cao đặc trách Trung Quốc mới được thành lập. Laura Rosenberger và Zack Cooper, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Washington DC), viết rằng “sự cạnh tranh ngày nay giữa các nền dân chủ và cường quốc độc tài không chỉ là cuộc đấu tranh quyền lực”. Rosenberger, chánh văn phòng của Antony Blinken khi ông là thứ trưởng ngoại giao, đã đóng góp nhiều trong việc chống lại sự can thiệp nước ngoài vào chính trị Mỹ từ năm 2016, với tư cách giám đốc Alliance for Securing Democracy, một sáng kiến ​​phi đảng phái thuộc German Marshall Fund của Hoa Kỳ.

Shanthi Kalathil, hiện là điều phối viên NSC về dân chủ và nhân quyền, viết về mối nguy hiểm của việc thực thi “quyền lực sắc bén” (“sharp power”) của các chính phủ độc tài, trái ngược với quyền lực mềm hoặc quyền lực cứng. Trong bài “The cutting edge of sharp power” đăng trên Journal of Democracy tháng 1-2020, Kalathil cùng các đồng tác giả Christopher Walker và Jessica Ludwig đã mô tả sức mạnh sắc bén là những nỗ lực “làm suy yếu quyền tự do ngôn luận, thỏa hiệp và vô hiệu hóa các thể chế độc lập, và làm sai lệch môi trường chính trị”.

Một ví dụ mà họ nêu ra là vào tháng 9-2019, tài liệu bị rò rỉ cho biết mạng xã hội TikTok do Trung Quốc sở hữu đã bị yêu cầu kiểm duyệt những video đề cập sự kiện Thiên An Môn, phong trào đòi độc lập của Tây Tạng và những chủ đề mà chính phủ Trung Quốc xem là nhạy cảm. Họ nhận xét: “Quy mô gia tăng mạnh mẽ của các nỗ lực độc tài trong việc thao túng và kiểm duyệt đặt ra một thách thức mới về chất lượng đối với các tổ chức trong lĩnh vực xuất bản, giáo dục, văn hóa, kinh doanh, truyền thông và công nghệ… Để chống lại quyền lực sắc bén, phải làm sao buộc lãnh đạo các thể chế này thực hiện những bước cụ thể nhằm đổi mới cam kết của họ đối với những tiêu chuẩn dân chủ và tự do biểu đạt chính trị”.

Tarun Chhabra, người từng soạn diễn văn cho giới chức Bộ Quốc phòng, hiện là điều phối viên NSC về công nghệ và an ninh quốc gia. Tháng 2-2020, ông là đồng tác giả bài “The Left should play the China card” trên tạp chí Foreign Affairs. Như Rosenberger và Kalathil, Chhabra và các đồng tác giả cho rằng Hoa Kỳ cần duy trì tính cạnh tranh công nghệ. Họ viết: “Dù khu vực tư nhân ở Mỹ vẫn là một trong những khu vực sáng tạo nhất thế giới nhưng chi tiêu chính phủ là rất quan trọng để hỗ trợ những ngành công nghệ hứa hẹn nhưng chưa được chứng minh với các ứng dụng thương mại chưa rõ ràng”. “Năm 2017, đầu tư liên bang của Mỹ vào khoa học cơ bản và nghiên cứu đạt khoảng 66 tỷ USD, tương đương 1,7% ngân sách liên bang – chỉ bằng một nửa so với những năm 1960. Như vậy là quá ít, trong khi Trung Quốc đang dồn sức đầu tư cho công nghệ mới, đặc biệt lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sinh học tổng hợp và truyền thông lượng tử” – họ viết.

Chuyên gia an ninh quốc gia Ryan Hass cho biết, tất cả những người này làm việc rất chặt chẽ với nhau, cả bên trong lẫn bên ngoài chính phủ. Giữa họ có nhiều gắn kết. Họ chia sẻ sự đồng thuận về các nguyên tắc chung. Ông nói thêm: “Họ có một chẩn đoán chung về mối quan hệ với Trung Quốc”. Thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã công bố bản ghi nhớ “Đổi mới hệ thống Hội đồng An ninh Quốc gia”, phác họa các thành phần chủ lực lãnh đạo các nhóm trong NSC. Nhìn chung, diện mạo NSC hoàn toàn khác với bốn năm qua. NSC bây giờ là một tổ chức tập thể với chiến lược đối ngoại được hoạch định rõ ràng chứ không phải là sự bát nháo loạn xạ đầy ngẫu hứng của một cá nhân. “Trump không hề dựa trên sự kiện. Ông ấy không biết đánh cờ. Ông ấy chỉ làm theo cảm tính” – nhận xét của John Bolton, viên cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của Trump – “Bạn không thể làm gì cho ra hồn với một người như thế” (dẫn lại từ bài viết của Alex Ward trên Vox ngày 10-2-2021).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: