Những số phận còn giạt trôi bên lề hai xã hội Việt-Mỹ

Danh sách tìm kiếm con lai tại Việt Nam sau chiến tranh (ảnh: Dirck Halstead/Liaison)
Thời Sự
Thời Sự
Những số phận còn giạt trôi bên lề hai xã hội Việt-Mỹ
/

Chiếc xe Mitsubishi hiệu Lancer Evo đời 2006 màu đỏ mận đang lướt với vận tốc xấp xỉ 80 dặm/giờ trên đường Marietta. Tới khoảng block số 2500, chiếc xe bỗng đột ngột ngoặt sang phải, đầu và thân xe lảo đảo xoay một vòng và chiếc xe văng qua lề đường, lật ngửa, giơ bốn bánh lên trời như đang giỡn chơi một trò đùa nguy hiểm. Chỉ một phút sau, tiếng còi hụ vang lên từ hai hướng. Hai chiếc xe cảnh sát nháng đèn xanh đỏ lập tức trờ tới từ hai ngả đường. Hai xe cứu thương cũng vừa tới nơi. Đội cứu hộ đổ xuống, mang theo băng ca, hộp thuốc. Nhưng tất cả đứng khựng. Không có cách nào mở cửa để đưa các nạn nhân ra khỏi xe.

Giải pháp được chọn là mang máy cắt kim loại tới cắt thân xe để đưa các nạn nhân ra ngoài. Sau gần nửa giờ, nhóm thợ cơ khí mở được thân xe. Hai nam thanh niên được đỡ ra ngoài với vài xây xát nhỏ nơi mặt, cổ và cánh tay. Cả hai đều tỉnh táo, gương mặt chỉ hơi tái xanh chút. Hai người được đỡ vào băng ca, đưa lên xe cứu thương chạy thẳng tới bệnh viện công Lancaster, Pennsylvania cách đó chừng chưa tới hai dặm.

Hai thanh niên là Tùng và Duy, xấp xỉ tuổi dưới 40 vào buổi sáng mùa Hè không thể quên đó của năm 2014. Duy, người lái xe, chỉ bị chùn một đốt sống cổ, tình trạng khá nhẹ; Tùng hoàn toàn bình an vô sự. Người dân địa phương vài năm sau còn nhắc đến vụ thoát chết nhờ may mắn kỳ lạ của cả hai.

Đôi bạn mới quen biết chừng vài tháng khi cả hai share phòng ở tại một ngôi nhà lớn đông đúc nằm ngay nơi con phố đẹp nhất của thành phố. Ngôi nhà với nội thất vốn dĩ cầu kỳ sang trọng, bể bơi và vườn cỏ rợp mát bóng cây của một nhân viên CIA để lại cho con nuôi Việt Nam được tùy ý ngăn thành nhiều phòng nhỏ với số lượng có khi lên tới 14 người ở, tại cả tầng áp mái và tầng hầm, trong điều kiện vệ sinh và điện nước nghèo nàn. Những ngày lạnh, điện thỉnh thoảng bị cúp vì quá tải, các phòng ăn, nhà bếp và toilet được share chung, nhưng với hầu hết giới lao động nghèo không đủ tiền mướn cả căn hộ ở quanh vùng thì share được một phòng ngủ hẹp tại đây với giá $370/tháng/người ($470 tháng/cặp) được bao điện nước và máy giặt để có chốn náu nương là tạm ổn.

Duy vốn là thợ làm nails từ Minneapolis. Anh có đôi mày dài rậm, mắt sâu ánh màu xanh da trời, da trắng, tóc đen nhánh cứng như rễ cỏ, vóc người gầy gò, tầm thước. Duy vừa thụ án với tội sexual harassment (quấy rối tình dục), đang trong thời kỳ probation (thử thách) nhưng hầu như những người có kinh nghiệm sống biết chuyện đều nghiêng về khả năng anh bị “gài bẫy”.

Duy phải lên sở cảnh sát trình diện vào mỗi chiều Thứ Ba. Chủ nhà sẵn lòng lái xe chở anh đi cũng như hậu thuẫn một số việc vặt khác, để đổi lại việc Duy được mướn phòng tại đây, chi phí do sở cảnh sát trả, lợi nhuận chủ nhà dùng gánh đỡ tiền thuế nhà hàng năm (khá cao) và… gởi nhà băng. Cuối tuần, anh đi lễ tại Nhà thờ Tin Lành Việt Nam ở địa phương. Nhờ đi lễ mà Duy quen một bà lớn tuổi chỉ mách cho anh share phòng ở đây. Tuy vậy xin bạn đọc đừng vội hình dung Duy giống như các tín hữu Tin Lành hầu hết chất phác, chân chỉ làm ăn và tự nguyện hoằng dương đạo pháp ở bất cứ đâu. Vụ đụng xe kinh hoàng là một ví dụ cho tánh… ham quậy thấu trời của Duy.

Duy còn nổi tiếng trong vùng nhờ giai thoại… có thực vì đi thi lại bằng lý thuyết lái xe tới lần thứ… 13 mới đậu. Anh lấy bằng và lái xe từ lâu, nhưng trong thời gian thụ án, bằng lái hết hạn và buộc phải thi lại như một người chưa có bằng. Tính lộp chộp, thiếu kiên nhẫn suy xét đã khiến anh thi rớt môn lý thuyết lái xe hết lần này tới lần khác.

Tùng thoạt tiên thấy lành như đất. Khổ người cao lớn, bụng bệ vệ, nước da hơi ngăm, nụ cười hiền lành. Anh cũng cởi mở giãi bày trò chuyện với mấy người lớn tuổi, “Hồi ở Việt Nam mọi người chửi con, ‘đồ lai đen không có lỗ đít’ mấy chú ơi.” Tùng thường chịu khó nấu mấy món cháo lòng, heo áp chảo xá xíu… “quốc hồn quốc túy”, lúc nào rảnh là thấy anh chặt băm, nấu nướng rồi bê thức ăn mời mọi người. Ít ai ngờ Tùng là dân giang hồ anh chị nổi tiếng, “dám xách dao đi lùng người ta” như anh tự nhận và phải trốn tránh vì bị một băng nhóm khác ở Philadelphia truy tầm.

Một người quen của anh, người Việt gốc Hoa có cơ sở đóng gói thuốc tân dược quanh vùng, thu xếp đưa Tùng “lánh nạn” ở đây, nhân tiện bảo kê luôn đường dây đóng gói thuốc tân dược và canh chừng người supervisor (phụ trách) đưa đón công nhân đi làm cũng như quản lý các shift (ca làm việc). Được một thời gian ngắn, tính ngang ngạnh của Tùng bộc lộ khiến cho cả cộng đồng nhỏ trong nhà lắc đầu ngao ngán. Anh sẵn sàng gây gổ với bất kỳ người lớn nào “dám” nhắc nhẹ anh về giờ giấc sinh hoạt hay giữ yên tĩnh để tôn trọng lúc nghỉ ngơi của những người còn lại. Sẵn con dao đang chặt xương heo trong tay, Tùng chỉ mặt la mắng người đối diện cộc cằn, uy hiếp. Rất may, những người trong nhà chưa ai thiếu chữ “nhẫn” đến mức chọc cho Tùng thực sự nổi nóng manh động.

Quê hương mới và những cơ hội

Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu hay thống kê nào cho biết có bao nhiêu phần trăm “những đứa trẻ của chiến tranh,” hay “Amerasians,” như cách gọi chung của người Mỹ cho những đứa con mang hai dòng máu Mỹ-Việt qua cuộc chiến hơn 20 năm (1954-1975) đã được định cư tại quê cha nhưng vẫn sống cuộc đời phiêu dạt ngoài lề cả hai xã hội như Duy và Tùng.

Trong khi một bộ phận đáng an ủi những người con lai Mỹ-Việt khác tìm được cơ hội xây dựng cuộc đời mới với nghề nghiệp ổn định, có thu nhập cao, có địa vị hoặc tiếng tăm trong xã hội như giảng sư đại học, lập trình viên, kỹ sư, quản lý cơ sở kinh doanh, nhà văn, nhà báo, làm việc cho các cơ quan công quyền, vv… thì cũng có những người khó thoát khỏi tổn thương tâm lý và nhân cách lúc đầu đời để tìm được sự tự chủ, động lực tích cực tồn tại và trưởng thành trong đời sống mới. Duy và Tùng, từ góc độ này, có thể được xem là những nạn nhân.

Theo David Lamb của Smithsonian Magazine, nhìn lại 22 năm thực hiện chương trình “Amerasian Homecoming Act” do Thượng nghị sĩ Bob Mrazek đề xuất và vận động, được Lưỡng viện thông qua và Tổng thống Ronal Reagan ký vào Tháng Mười Hai 1987, đã có 26 ngàn người con lai Mỹ-Việt ở độ tuổi 30-40 tính cho tới năm 2009 (thời điểm bài báo ra mắt) và 75 ngàn người Việt Nam được cho là thân thích của họ định cư tại Hoa Kỳ.

Cũng theo thống kê của Lamb, trong số người lai Mỹ Việt, có không hơn 3% tìm thấy cha đẻ của mình. Số người có công việc tốt hiếm hoi. Một số bị nguy cơ cao nghiện ma túy, trở thành thành viên băng đảng và kết cuộc trong nhà tù. Có tới một nửa người lai Mỹ-Việt mù chữ hoặc nửa mù chữ (không sử dụng thông thạo) cả hai ngôn ngữ Anh-Việt, nên không thể trở thành công dân Hoa Kỳ (nghĩa là vẫn còn đối mặt với nguy cơ có thể bị trục xuất). Số người tự tạo dựng được đời sống mới tốt lành là những người may mắn được mẹ ruột đùm bọc nuôi dạy, được học tiếng Anh từ khi còn ở Việt Nam, hoặc được nhận làm con nuôi, được yêu thương trong các gia đình Mỹ khi vừa đặt chân tới Hoa Kỳ. Thông tin này cho thấy số con lai thuộc diện may mắn đó không nhiều. Vậy giải pháp nào về mặt chính sách xã hội và cá nhân có thể giúp những người không may mắn như Duy và Tùng trụ lại được một bến đỗ bình an?

Để “quay đầu là bờ”

Duy có “sao đào hoa” chiếu mệnh. Một người bạn gái ở California đã gởi tiền cho anh sắm chiếc Mitsubishi Lancer Evo cũ. Cô cũng bay từ Cali qua Penn, đến tận căn nhà nơi anh share phòng. Trong vài ngày cô lưu lại, mọi người thấy cô trò chuyện và liên tục thuyết phục anh điều gì đó rất tha thiết, nhưng rốt lại là những cuộc cãi vã. Cô gái lên đường trở về Cali. Chiếc xe mới mua vừa chạy được khoảng vài tuần thì hư tanh bành vì trò quậy của Duy.

Người phụ nữ thứ hai quan tâm đến Duy trong thời gian này là Sương, một thiếu phụ ngoài 30 tuổi. Cô sống ở Florida với hai con nhỏ, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ lên 7. Sương bán đồ trang sức tại một tiệm PX (cửa hàng bán đồ gia dụng và tiêu dùng với giá ưu đãi) của quân đội Hoa Kỳ, tuy không giàu có nhưng thu nhập ổn định. Cô quen với Duy qua kết bạn trên Facebook. Qua thời gian, tình cảm giữa hai người trở nên mặn nồng.

Sương lấy ngày nghỉ phép, gửi con nhỏ, để bay sang Penn với người yêu và lưu lại trong hai tuần. Người thiếu phụ ăn vận giản dị, thậm chí xuềnh xoàng nhưng lời ăn tiếng nói thể hiện sự mềm mỏng khôn ngoan. Cô mê vẻ đàn ông của Duy như điếu đổ. Cô quyết tâm chung sống lâu dài với anh. Sương đã trả lời một cuộc phỏng vấn kéo dài hai giờ với cảnh sát về những hiểu biết của cô về Duy cũng như kế hoạch trong tương lai cho tổ ấm nhỏ đang xây đắp của mình. Mọi người mừng cho Duy từ nay có một bến đỗ bình yên.

Sương vừa quay trở về Florida chưa đầy một tháng thì có điện thoại từ Penn báo tin “sét đánh”: Vị hôn phu của cô vừa bị cảnh sát bắt lại vì vi phạm probation. Duy theo Tùng lên Philadelphia đánh bài trong sòng bài mới mở và đi mướn khách sạn trú đêm. Theo luật, Duy không được đi khỏi nơi tạm trú ở Lancaster, PA khi đang trong thời kỳ thử thách. Sương lại lặn lội từ Florida qua Pennsylvania, mang tiền bạc qua lo đóng bail (tiền thế chân) để Duy được tại ngoại và kiếm luật sư bảo vệ cho anh. Chi phí cho luật sư lần đó lên tới $5,000. Sau vụ việc, Duy theo Sương về Florida…

Thật khó có thể tưởng tượng gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến Việt Nam, vấn đề con lai và những bi kịch quanh đó vẫn còn tồn tại. Một sự thật hiển nhiên nhưng bị khuất lấp hoặc cố ý lảng tránh, trùng với quan sát và nhận xét của tôi, cuối cùng cũng được nói ra công khai. Đó là con lai trong chiến tranh Việt Nam thực chất, phần nhiều là kết quả của tình yêu, những mối quan hệ chính đáng và cần nhận được tôn trọng cũng như quan tâm. Xã hội Hoa Kỳ luôn đề cao giá trị và trách nhiệm cá nhân. Vì vậy, chính sách của họ với người tị nạn nói chung và với con lai Mỹ-Việt chỉ mang tính mở đường trong thời kỳ đầu. Phần còn lại được xem như vấn đề cá nhân, phụ thuộc vào nỗ lực của từng người. Dù vậy, họ cũng cần được cộng đồng giúp đỡ thay vì xa lánh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: