Nước Mỹ, lại một sinh nhật buồn

(Hình: Nicolas Economou/NurPhoto via Getty Images)

Tháng Bảy hằng năm là tháng lễ hội vui chơi của người Mỹ, ngày trọng đại nhất trong năm là Lễ Độc Lập 4 Tháng Bảy. Những chuyến đi chơi xa, những bữa tiệc hội ngộ chén chú chén anh đã được tính toán chi tiết hứa hẹn một “cuối tuần dài” tưng bừng và sôi nổi. Nhưng Tháng Bảy năm nay bắt đầu với nhiều chuyện không vui, khi người Mỹ vừa đối mặt với khó khăn bộn bề trong cuộc sống thường nhật, vừa âu lo về tương lai của đất nước và bản thân. Một mùa sinh nhật buồn nữa lại đến với nước Mỹ và người Mỹ.

Tàn “giấc mơ Mỹ”

Dù các báo cáo chính thức cho thấy nền kinh tế Mỹ đã phục hồi vững chắc sau đại dịch COVID-19, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) tăng mạnh, thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất, nhưng người dân Mỹ bình thường hầu như không cảm thấy dễ thở hơn trước do giá cả hàng hóa và dịch vụ leo thang không ngừng.

Một tính toán của nhật báo The Wall Street Journal ghi nhận, nếu cuối năm 2019 ngay trước khi đại dịch bùng phát, bạn mua một giỏ hàng ở Costco với giá $100 thì cuối Tháng Ba, 2024, một giỏ những mặt hàng y hệt như vậy bạn phải trả $139. Một vài nhật báo khác ghi nhận, từ khi ông Joe Biden lên làm tổng thống đến nay, giá cả hàng hóa và dịch vụ đã tăng khoảng 20%. Giá tăng xói mòn túi tiền của từng người, trong khi việc tăng lương và trợ cấp xã hội không tăng theo kịp và thế là người lao động có cảm giác đồng tiền làm ra ngày càng ít đi và mối lo tài chính gia đình ngày càng căng thẳng.

Đáng lo nhất là giá nhà. Sở hữu một ngôi nhà là phần quan trọng trong “giấc mơ Mỹ.” Nhưng với giá nhà cao ngất ngưởng, tiền lãi vay mua nhà cũng cao ngất ngưởng hiện nay, giấc mơ đó đã vuột ra ngoài tầm tay của rất nhiều người, nhất là giới trẻ. Một bản tin trên nhật báo Người Việt hồi giữa Tháng Tư năm nay ghi nhận, người mua nhà lần đầu ở Mỹ hiện nay cần gần gấp đôi số tiền so với thời trước đại dịch COVID-19; cụ thể họ cần có thu nhập hằng năm là $75,849 so với mức $40,465 ở thời điểm Tháng Hai, 2020, khi giá trung vị một ngôi nhà ở Mỹ chỉ là $169,000 và lãi suất thế chấp trung bình chỉ 3.5%/năm.

Không ở đâu mà thị trường nhà cửa căng thẳng như California: tính chung trong ba năm 2021-2023, đã có nửa triệu người dọn ra khỏi “Tiểu Bang Vàng” vì không tài nào mua nổi một căn nhà, không kham nổi giá thuê nhà, thuế nhà và không muốn làm “homeless” sống lay lắt trên vỉa hè, đường phố. Làn sóng di cư đã làm dân số California giảm mất 1%, tiểu bang mất một phiếu “đại cử tri,” mất một ghế trong Hạ Viện liên bang, và xu thế đó chưa dừng lại.

Trong cuộc khảo sát ý kiến hơn 8,000 người Mỹ trưởng thành về “giấc Mơ Mỹ” do tổ chức Pew Research thực hiện và công bố hôm Thứ Ba, 2 Tháng Bảy, có đến 41% nói giấc mơ Mỹ đã không còn nữa. Người Mỹ gốc Hispanic, ở độ tuổi từ 18 đến 39, chưa có bằng đại học là những người bi quan nhất về hiện trạng của họ. Người Mỹ gốc Á Châu có lạc quan hơn một chút nhưng chỉ 50% nói rằng họ vẫn đang nỗ lực thực hiện “giấc mơ Mỹ” của mình.

Chỉ bốn tháng nữa người Mỹ sẽ đi bầu tổng thống và Quốc Hội; và cũng như mọi cuộc bầu cử khác, cảm nhận của cử tri về kinh tế là yếu tố quyết định sự lựa chọn của họ. Khách quan mà nói, tình trạng lạm phát hay giá cả tăng vọt không hoàn toàn do chính sách điều hành của chính phủ Mỹ mà bị tác động của nhiều yếu tố bên ngoài như vụ gián đoạn nguồn cung cấp hàng hoá do hậu quả của đại dịch và chiến tranh ở Trung Đông, ở Ukraine. Nhưng nói gì thì nói, chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm về sự an lạc của người dân và sự thịnh vượng của đất nước. Nếu từ nay đến ngày bầu cử 5 Tháng Mười Một chính quyền Biden không xoa dịu được nỗi lo cơm áo của người Mỹ thì triển vọng tái đắc cử của ông Biden rất mong manh.

Không khí chính trị ô nhiễm

Tháng Bảy bắt đầu với dư âm cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống “lão suy” Joe Biden và Donald Trump. Một ông già 81 tuổi nói năng lập cập đấu khẩu với một ông lão 78 tuổi lợi khẩu hơn, hoạt bát hơn nhưng toàn dối trá.

Nước Mỹ – cái nôi của thể chế dân chủ tự do, với 50 “tiểu quốc” có nền kinh tế, chính trị, văn hóa phát triển hàng đầu thế giới, nhân tài nhiều như cát sông Hằng – đã không chọn được những ứng cử viên trẻ tuổi, minh mẫn và năng động hơn để chèo lái đất nước qua những ghềnh thác của thời đại. Thật đáng buồn!

Cuộc bầu cử cũng làm xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc về chính trị. Sự chia rẽ giữa các quan điểm bảo thủ và tự do, giữa Cộng Hòa và Dân Chủ đã tồn tại từ lâu nhưng chưa bao giờ hai bên coi nhau là thù địch như hiện nay. Tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống đều được mọi người xem xét chiểu theo quan điểm chính trị cực đoan, “bên này dãy Pyrenees là chân lý, bên kia là sai lầm” như lời của nhà bác học Blaise Pascal thuở trước.

Cựu Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động chính trị ở Pennsylvania hôm 3 Tháng Chín. Một thẩm phán liên bang quyết định cử một giám sát viên độc lập xem xét các tài liệu mà FBI đã thu giữ tại nhà ông ta. Phán quyết được coi là một thắng lợi pháp lý của ông Trump, có thể làm chậm cuộc điều tra mà Bộ Tư pháp đang thực hiện. (Hình: Kyle Mazza/Anadolu Agency via Getty Images

Ngày xưa chưa xa lắm, văn hóa ứng xử của xã hội văn minh không cho phép người ta biến sự khác biệt về quan điểm chính trị thành sự thù địch và triệt hạ lẫn nhau bằng mọi thủ đoạn. Chế độ dân chủ đề cao sự tương nhượng: mỗi bên nhường một chút để cùng đi đến sự đồng thuận vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. Trong cuộc bầu cử 2008, hai thượng nghị sĩ Barack Obama và John McCain là đối thủ chính trị đại diện cho hai đảng nhưng hai ông vẫn tôn kính lẫn nhau như là những nhà ái quốc thật sự vì dân vì nước.

Bây giờ sự bao dung đó dường như không còn nữa. Ông Donald Trump trở lại đường đua vào Tòa Bạch Ốc với tham vọng trả thù không giấu giếm. Chưa trúng cử, thậm chí chưa chính thức được đề cử làm đại diện của đảng Cộng Hòa, ông ta đã lớn tiếng đe dọa truy tố, bỏ tù không chỉ Tổng Thống Joe Biden và gia đình, mà trả thù cả những người chống đối ông ta, thậm chí đòi đưa ra tòa án binh cựu Dân Biểu Liz Cheney, con gái cựu Phó Tổng Thống Dick Cheney, người cùng đảng Cộng Hòa nhưng cương quyết chống ông Trump vì nhìn thấy ở nhân vật này một nguy cơ lớn cho nền dân chủ. Phía ông Trump thì cáo buộc ông Biden “vũ khí hóa” ngành tư pháp, xướng xuất nhiều vụ án để triệt hạ ông ta, điều mà đảng Dân Chủ luôn bác bỏ mà cũng không thích hợp với thể chế tam quyền phân lập.

Chưa bàn tới chuyện đúng sai trong quan điểm của từng bên, sự thù địch về chính trị đang làm ô nhiễm bầu không khí chính trị nước Mỹ, làm cho người dân hết sức chán nản. Một cuộc khảo sát cuối năm 2023 của Pew Research Center ghi nhận hai phần ba người Mỹ trưởng thành (65%) cảm thấy “kiệt sức” (exhausted) khi nghĩ tới chính trị của đất nước, cho rằng các chính trị gia không đoái hoài tới nguyện vọng của người dân và không thấy có triển vọng tình hình được cải thiện; chỉ có 4% nói rằng hệ thống chính trị của Mỹ vẫn đang hoạt động tốt. “Đại đa số nói các tiến trình chính trị đang bị các nhóm đặc quyền chế ngự, bị tràn ngập bởi dòng tiền vận động tranh cử và bị sa lầy trong chiến tranh đảng phái (partisan warfare). Các giới chức dân cử bị coi là những kẻ tự tư tự lợi và không hiệu quả,” báo cáo của Pew ghi nhận.

Bóng ma chuyên chế

Nhìn về tương lai, người ta càng lo lắng hơn khi thấy bóng ma của chế độ độc tài đang thấp thoáng. Trong một phán quyết gây tranh cãi hôm 1 Tháng Bảy, sáu thẩm phán bảo thủ của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã mở rộng quyền miễn truy tố của các tổng thống, tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho nền dân chủ khi bãi bỏ giới hạn luật pháp về những gì một tổng thống có thể làm mà không minh định được đâu là những hành vi chính thức (official) thuộc thẩm quyền tổng thống và đâu là hành vi không chính thức (unofficial) phục vụ cho lợi ích cá nhân. Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tháng Mười Một sắp tới, khả năng ông này hành xử như một nhà độc tài, một “ông vua” đứng trên Hiến Pháp và pháp luật là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nước Mỹ tương lai cũng có thể quay trở về với chủ nghĩa biệt lập, bỏ mặc thế giới cho các thế lực chuyên chế Nga, Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn mặc tình thao túng. Nếu ông Trump đắc cử và rút quân đội Mỹ khỏi các điểm nóng ở Đông Á, Trung Đông và Châu Âu, bãi bỏ các liên minh quân sự đang là trụ cột cho sức mạnh Mỹ như ông ta đã tuyên bố nhiều lần thì đó là thảm họa của thế giới. Ukraine, Đài Loan sẽ biến mất, sẽ bị sáp nhập vào Nga và Trung Quốc, Biển Đông sẽ thành ao nhà của Trung Quốc.

Hơn 70 năm qua, nước Mỹ giữ vai trò người kiến tạo và bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật lệ; nếu mai này nước Mỹ quay lại với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, với đường lối American First, thì ông Vladimir Putin của Nga, ông Tập Cận Bình của Trung Quốc sẽ rất hoan hỉ mở sâm-banh ăn mừng giấc mơ thành sự thực: giấc mơ “lật đổ” sự thống trị của Mỹ, lập lại một trật tự thế giới mới phục vụ cho lợi ích của các nhà độc tài, trong đó lẽ phải thuộc về kẻ mạnh chứ không thuộc về chính nghĩa và luật pháp.

Đã 248 năm trôi qua từ ngày lập quốc, có lẽ chưa bao giờ có ngày 4 Tháng Bảy buồn như năm nay. Nhưng dù thất vọng nhiều người Mỹ vẫn tin đất nước này bao dung hơn, dân chủ hơn và kiên cường hơn mọi quốc gia khác trên thế giới. Và đó là một niềm tin có căn cứ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: