Quốc Hội ra luật thúc đẩy khoa học và công nghiệp bán dẫn

Tổng thống Joe Biden làm việc với lãnh đạo các công ty công nghệ bán dẫn hôm Tháng Ba 2022 để vận động họ mở nhà máy sản xuất chip ở Mỹ, giúp tránh phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ châu Á. Ảnh Doug Mills-Pool/Getty Images

Hạ Viện Hoa Kỳ hôm nay thứ Năm 28 Tháng Bảy đã thông qua một dự luật sâu rộng, được chờ đợi từ lâu để trợ cấp ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao sức cạnh tranh với Trung Quốc.

Hôm qua thứ Tư, dự luật đã được Thượng Viện thông qua với số phiếu 64/33 với 17 thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu thuận cùng các thượng nghị sĩ Dân Chủ, thể hiện một sự đồng thuận hiếm hoi trong một Thượng Viện bị chia rẽ sâu sắc. 

Hôm nay thứ Năm 28 Tháng Bảy, dự luật được Hạ Viện thông qua với số phiếu 243/187, trong đó 24 dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu thuận cùng 218 dân biểu Dân Chủ. 

Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ký phê chuẩn dự luật thành luật và ban hành vào đầu tuần tới, mang lại một thắng lợi pháp lý mà đảng Dân Chủ đang rất cần để duy trì thế đa số mỏng manh trong Quốc Hội trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào Tháng Mười Một.

Dự luật có nội dung gì?

Đạo luật có tên “Chips và Khoa học” – được coi là một bước đột phá hiếm có trong chính sách công nghiệp của Hoa Kỳ. Trọng tâm của đạo luật là kế hoạch đầu tư $52 tỷ trợ cấp của chính phủ cho việc sản xuất chất bán dẫn (vi mạch điện tử) của Hoa Kỳ. Vi mạch bán dẫn, hay còn gọi là chip, là sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong đời sống hiện đại, từ xe hơi và vũ khí công nghệ cao đến mọi thiết bị điện tử khác. Các công ty sản xuất vi mạch điện tử cũng sẽ được khấu trừ thuế lợi tức (tín dụng thuế) ước tính khoảng $24 tỷ nữa cho hoạt động của các nhà máy sản xuất chip tại Hoa Kỳ thay vì chuyển thiết kế sang châu Á để sản xuất.

Phần lớn ngân sách của đạo luật – khoảng $200 tỷ trong 10 năm – sẽ được bổ sung cho Quỹ Khoa học Quốc gia để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đặc biệt là vào trí tuệ nhân tạo, người máy, điện toán lượng tử và một loạt các công nghệ khác. 

Dự luật cũng dành $10 tỷ cho Bộ Thương mại để lập ra 20 “trung tâm công nghệ khu vực” trên khắp đất nước. Các trung tâm này sẽ liên kết các trường đại học nghiên cứu với ngành công nghiệp tư nhân trong nỗ lực tạo ra các trung tâm sáng tạo giống như Silicon Valley để đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực bị toàn cầu hóa đào thải.

Bộ Năng lượng cũng sẽ nhận được nhiều tỷ đô la để thúc đẩy cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu và phát triển sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, cũng như các chương trình phát triển lực lượng lao động, trong nỗ lực xây dựng nguồn lao động cho các ngành công nghệ mới.

Cạnh tranh gay gắt

Hoa Kỳ là nơi phát minh ra công nghệ bán dẫn và hiện vẫn là nơi thiết kế ra những dòng chip cao cấp nhất, tân tiến nhất, nhưng ngành sản xuất chip cao cấp của Mỹ đã bị co lại trong nhiều năm gần đây. Các công ty điện tử Mỹ thường chỉ nghiên cứu và thiết kế mẫu chip rồi chuyển bản thiết kế đó cho các công ty ở châu Á – như công ty TSMC của Đài Loan hay Samsung của Nam Hàn – sản xuất hàng loạt. Tỷ trọng năng lực sản xuất chip của Hoa Kỳ đã giảm từ khoảng 40% thị trường thế giới xuống còn 12% hiện nay, khiến các công ty Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp chip của nước ngoài. Sự gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa do đại dịch COVID-19, trong đó có sản phẩm chip, đã làm ngưng trệ nhiều nhà máy của Mỹ thuộc nhiều ngành khác nhau, đặc biệt là xe hơi.

Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất wafer (bảm nạch) điện tử ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hôm 25 Tháng Ba 2022. Ảnh Zhao Qirui/VCG via Getty Images

Trong khi đó, đối thủ Trung Quốc đã đầu tư rất lớn để xây dựng các công ty sản xuất chip tầm cỡ thế giới nhằm tránh phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ, đồng thời “nâng cấp” nền kinh tế của họ từ chỗ sản xuất hàng hóa giá trị thấp, sử dụng nhiều lao động sang sản xuất hàng hóa công nghệ cao. Trung Quốc đã đề ra chiến lược “Made in China 2025” với mục tiêu vượt qua Hoa Kỳ trong 10 ngành công nghệ tân tiến nhất. Trung Quốc có chương trình “Ngàn Tài Năng” để thu hút chất xám từ phương Tây phục vụ cho các mục tiêu công nghệ của họ. Và Bắc Kinh vẫn liên tục sử dụng các thủ đoạn cưỡng ép, mua chuộc, ăn cắp để thủ đắc những công nghệ mới giúp họ giảm lệ thuộc vào phương Tây, đặc biệt là trong công nghệ chất bán dẫn. Về công nghệ chip, từ chỗ nhập cảng toàn bộ nay Trung Quốc đã tự sản xuất được khoảng 12% sản lượng chip toàn cầu, tỷ lệ ngang với Mỹ dù sản phẩm của Trung Quốc có công nghệ cũ hơn nhiều thế hệ.

Không chỉ Trung Quốc mà các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, Nhật Bản và Nam Hàn đều trợ cấp rất lớn cho các công ty sản xuất chip vì đây là “bộ não” của mọi thứ hàng hóa hiện đại mà không ai muốn phụ thuộc nào nước khác.

Trong cuộc đua gay gắt đó, Mỹ không thể đứng nhìn dù các nhà chính trị Mỹ vẫn quan niệm rằng trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, chính phủ không nên nhúng tay vào thị trường mà phải để các công ty được tự do quyết định. Cuộc khủng hoảng thiếu chip hiện nay cho thấy, nền kinh tế Mỹ rất dễ bị tổn thương nếu tiếp tục phụ thuộc vào việc nhập cảng các linh kiện thiết yếu như chip điện tử.

Loay hoay một dự luật

Khi đắc cử tổng thống, ông Biden đã đề ra ý tưởng vận động các công ty sản xuất chip – cả của Mỹ và của các nước đồng minh – đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Mỹ, và hứa hẹn nhiều biện pháp ưu đãi về thuế, về trợ cấp tài chính. Việc xây dựng nhà máy sản xuất chip cũng góp phần thúc đẩy đào tạo nghề và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trẻ, bị rơi vào tình trạng thất nghiệp do các ngành công nghiệp kiểu cũ đã chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài trong những năm gần đây.

Dự luật Chips được manh nha từ năm ngoái, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh của đảng Cộng Hòa, những người không muốn chính phủ can thiệp vào thị trường, không muốn dùng tiền thuế để trợ cấp cho các công ty công nghiệp có thể làm tăng thâm hụt ngân sách của quốc gia. Tuy vậy, sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chất bán dẫn và triển vọng tạo ra nhiều việc làm với mức lương cao đã làm thay đổi quan niệm của những người Cộng Hòa bảo thủ.

Dự đoán đạo luật Chips sẽ được thông qua, các nhà sản xuất vi mạch điện tử đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng các nhà máy mới ở Ohio, Texas, Arizona, Idaho và New York. Khi dự luật bị “tắc” tại Hạ Viện đầu năm nay, các công ty này đã đe dọa hủy bỏ dự án ở Mỹ và dốc nguồn lực vào việc xây dựng nhà máy ở Đức và Singapore – những nơi có chính sách ưu đãi hơn, nếu Quốc Hội không sớm đồng ý cho họ vay tiền, trợ cấp và khấu trừ thuế.

Hãng tin Reuters cho biết, từ hôm qua đến nay, nhiều công ty sản xuất chip của Mỹ đã loan báo khởi động lại các dự án sản xuất, xây dựng và mở rộng cơ sở sản xuất chip ở Mỹ sau khi biết chắc dự luật sẽ được thông qua và hoạt động của họ sẽ được chính phủ tài trợ.

Nhà máy lắp ráp GM Lansing Grand River hôm 2 Tháng Chín, 2021 ở Lansing, Michigan. GM đã phải tạm thời đóng cửa hầu hết các nhà máy ở Bắc Mỹ do tình trạng thiếu chip bán dẫn. (ảnh: Bill Pugliano / Getty Images)

Những ràng buộc của luật

Đạo luật Chips và Khoa học không phải là “tấm ngân phiếu khống chỉ” (blank check) trao tiền của người đóng thuế cho các ông chủ công ty tùy nghi sử dụng như cáo buộc của một số chính trị gia Cộng Hòa và của thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập – Vermont).

Luật quy định các nhà sản xuất chip vay tiền từ quỹ của liên bang và hưởng trợ cấp thuế do luật cung cấp  không được mở rộng các nhà máy hiện có hoặc xây dựng các nhà máy mới ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc và Nga, trong một nỗ lực hạn chế sản xuất chip tiên tiến ở các quốc gia mà Mỹ có lo ngại về an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Gina Raimondo cho biết, Bộ sẽ thu hồi các khoản tiền được cung cấp cho các công ty theo đạo luật này nếu các công ty không tuân theo những hạn chế đó và sử dụng đồng tiền trợ cấp không đúng mục đích, kể cả để mua lại cổ phần hoặc trả lương thưởng cho đội ngũ quản lý.

Chính phủ Trung Quốc đã ráo riết vận động chống lại việc thông qua đạo luật Chips và Khoa học. Ngay trong cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm 28 Tháng Bảy, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn tỏ ra khó chịu: “Những nỗ lực nhằm tách rời hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng bất chấp các luật cơ bản sẽ không giúp thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ. Chúng sẽ chỉ làm cho nền kinh tế thế giới dễ bị tổn thương hơn,” thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Sau khi dự luật được Thượng Viện thông qua, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói Trung Quốc “cương quyết phản đối”, gọi đạo luật gợi nhớ đến “tâm lý Chiến tranh Lạnh”“đi ngược lại nguyện vọng chung của người dân” hai nước.

Không rõ phía Trung Quốc muốn nói tới “nguyện vọng” nào của người dân Mỹ. Ngay sau khi dự luật được thông qua ở Thượng Viện hôm qua thứ Tư, Thượng nghị sĩ Charles Schumer (Dân Chủ – New York), lãnh đạo khối đa số Thượng Viện, nói với các đồng nghiệp: “Dự luật này sẽ có một trong những tác động lớn nhất và sâu rộng nhất đối với nước Mỹ mà chúng ta từng thực hiện. Rất nhiều con cháu của các bạn sẽ có công việc được trả lương cao nhờ vào lá phiếu mà các bạn bỏ phiếu hôm nay.”

Đọc thêm:

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: