Với tình trạng sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ngày càng xấu đi, California đã khởi động một sáng kiến mới để giúp trẻ em tiếp cận dịch vụ điều trị miễn phí.
Sáng kiến Sức khỏe Hành vi cho Trẻ em và Thanh thiếu niên (Children and Youth Behavioral Health Initiative-CYBHI) trị giá hơn $4 tỷ, một phần trong Kế Hoạch Tổng Thể Về Sức Khỏe Tâm Thần Cho Trẻ Em của Thống Đốc Newsom được công bố vào năm 2022, nhằm mục đích chống lại cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên thông qua các ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa miễn phí cung cấp hỗ trợ từ bạn bè, hỗ trợ điều hướng hệ thống chăm sóc sức khỏe và kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương.
Theo một cuộc khảo sát trên toàn tiểu bang, từ năm 2019 đến năm 2021, Cứ ba thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi thì có một em trong tình trạng đau khổ về mặt tâm lý nghiêm trọng. Còn trên toàn quốc, cứ hai thanh thiếu niên thì có một em bị rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó gần một nửa trong số này xuất hiện lần đầu trước 14 tuổi. Khi những con số này tăng lên, thanh thiếu niên trên toàn tiểu bang không nhận được sự chăm sóc cần thiết. Ví dụ, trong số 284,000 thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm ở California, 66% không được điều trị trong thời kỳ vị thành niên.
Trong khi đó, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên California từ 10 đến 18 tuổi đã tăng 20% trong giai đoạn 2019-2020.
Autumn Boylan, phó giám đốc Văn Phòng Đối Tác Chiến Lược tại Sở Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe California (DHCS), cho biết tại cuộc họp báo do tiểu bang tổ chức vào ngày 10 Tháng Mười Hai: “Để giúp trẻ em nhận được sự giúp đỡ cần thiết, và giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà cung cấp dịch vụ trên toàn quốc khiến các bệnh nhân phải chờ đợi lâu, chúng tôi đã ra mắt hai ứng dụng sức khỏe tâm thần, BrightLife Kids và Soluna, cung cấp hỗ trợ miễn phí cho cha mẹ, người chăm sóc và trẻ em sống tại California, bất kể tình trạng bảo hiểm như thế nào.”
BrightLife Kids cung cấp hỗ trợ miễn phí cho các gia đình có trẻ em dưới 12 tuổi, bao gồm hướng dẫn về các vấn đề về giấc ngủ, lo lắng, kỹ năng xã hội và phối hợp chăm sóc gia đình thông qua các cuộc trò chuyện video trực tiếp một kèm một, nhắn tin trực tiếp và nội dung theo yêu cầu.
Các huấn luyện viên song ngữ tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, và người dùng là người chăm sóc có thể sử dụng bản dịch lên đến hơn 17 ngôn ngữ.
Đối với người dân California từ 13 đến 25 tuổi, Soluna cung cấp dịch vụ trò chuyện video và tin nhắn văn bản một kèm một đa ngôn ngữ với các huấn luyện viên do người dùng lựa chọn, với thời gian chờ trung bình là một phút; diễn đàn thảo luận giữa các đồng nghiệp; nhật ký tương tác, bài tập thở, nhật ký tâm trạng và các công cụ đặt mục tiêu; bài kiểm tra sức khỏe tâm thần, video và bài viết; hỗ trợ điều hướng hệ thống chăm sóc sức khỏe, bao gồm nha khoa và thị lực; và thậm chí giúp tìm các nguồn lực khác như ngân hàng thực phẩm địa phương, hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại…
Các nguồn lực miễn phí hiện đang được nhà nước tài trợ đến hết ngày 30 Tháng Sáu năm 2027 và có thể tải xuống trên App Store và Google Play, yêu cầu mã bưu chính trong tiểu bang để ghi danh.
Boylan nói: “Khi chính đứa con của tôi gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, việc tự mình điều hướng một hệ thống y tế phức tạp thực sự rất khó khăn. Và khi nói chuyện với những người trẻ tuổi trước khi ra mắt các ứng dụng này, chúng tôi biết họ không muốn nói chuyện với bác sĩ, mà là với những người bạn đồng trang lứa và những người bạn thân thiết có thể hiểu được trải nghiệm sống của họ.”
“Vì vậy, việc cung cấp hỗ trợ can thiệp sớm, trực tiếp cho những thanh thiếu niên có thể không nhất thiết phải được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, nhưng cần các kỹ năng để đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày và cho họ biết rằng họ không đơn độc là điều hợp lý… điều này cũng sẽ giảm bớt áp lực cho những bác sĩ thiếu nhân lực trên toàn tiểu bang. Sau đó, đối với những trẻ em cần nhiều sự hỗ trợ, chúng tôi kết nối các em với bác sĩ thông qua các ứng dụng.”
Câu chuyện cộng đồng
Brando Menjivar, một huấn luyện viên cao cấp của BrightLife Kids kể: “Tôi đã làm việc với Diana, bác sĩ gia đình, có người con hay nổi cơn giận dữ và có hành vi hung hăng như cắn người. Bác sĩ này không tin chương trình này lắm, nhưng đã ghi danh vì con mình. Thông qua việc huấn luyện để hỗ trợ con mình, không chỉ hành vi của con cô ấy được cải thiện mà còn giúp cô cùng chồng cùng nhua hiểu được cách nuôi dạy con mình tốt nhất.”
“Càng làm việc với người chăm sóc và trẻ em, tôi càng nhận ra rằng đôi khi chúng ta phải đấu tranh với cảm xúc của mình. Bước đầu tiên là bỏ qua những cảm xúc này để chúng ta có thể nhận thức và xác định nguyên nhân gây ra… và chấp nhận rằng việc trải qua, chẳng hạn như đau buồn hay căng thẳng không phải là điều xấu. Nó trở nên tồi tệ khi chúng ta không kiểm soát được, cứ diễn ra và ngày càng tồi tệ hơn.”
Hầu hết các sách giáo khoa y khoa tiêu chuẩn đều quy kết 50% đến 80% bệnh tật là do nguồn gốc liên quan đến căng thẳng.
“Khái niệm mà tôi thích dạy trẻ em đối phó với những cảm xúc lớn là trở thành người lướt sóng bơi về phía con sóng lớn để cưỡi, thay vì bơi,” Menjivar nói thêm. “Gần cuối buổi hướng dẫn, Bác Sĩ Diana nói rằng ‘Không ai dạy bạn cách làm cha mẹ ở trường y.’ Cô ấy có đầy đủ kiến thức, nhưng không biết cách kết nối để mình và con có thể tạo không gian chấp nhận cảm xúc.”
Yasmin, một huấn luyện viên của Soluna cho biết: “Tôi lớn lên trong một gia đình người Mỹ Latinh khá truyền thống, vì vậy sức khỏe tâm thần là một chủ đề cấm kỵ. Người ta hiếm khi nói đến vấn đề này. Khi còn là một thiếu niên, tôi đã trải qua rất nhiều sự kiện đau thương và cảm thấy thực sự cô đơn trong nỗi đau của mình. Trong một thời gian dài, tôi chỉ tự hỏi tại sao mình lại phải trải qua điều đó. Phải đến khi tôi biết về mô hình hỗ trợ ngang hàng ở trường đại học thì tôi mới hiểu ra, tất cả những thách thức về mặt cảm xúc mà tôi đã trải qua đều là để tôi có thể giúp đỡ những người khác.”
“Tôi chia sẻ câu chuyện của mình vì đó là câu chuyện mà tất cả các chuyên gia hỗ trợ ngang hàng của chúng tôi đều gặp tương tự. Tất cả chúng tôi đều đã trải qua những cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần, thúc đẩy chúng tôi phải tìm cách hỗ trợ người khác,” cô nói tiếp. “Và các buổi huấn luyện của chúng tôi đều dựa trên mục tiêu, vì vậy nếu người tham gia muốn dự 10 buổi hay chỉ một buổi duy nhất, chúng tôi đều có cách tiếp cận tập trung vào giải pháp để giúp tạo những thay đổi hiệu quả.”
Mô tả về nhu cầu đối với các dịch vụ này, Moa Kim, một cố vấn tại Trung Tâm Cộng Đồng Thanh Thiếu Niên Koreatown ở Los Angeles, cho biết: “Tôi có một cậu học sinh lớp năm người Mỹ gốc Hàn, sinh ra và lớn lên ở Koreatown. Em đến cùng mẹ đến để trị liệu vì mối quan hệ hai mẹ con rất căng thẳng, họ không nói chuyện với nhau, và hay nổi cơn thịnh nộ.
“Người mẹ làm việc quá sức, còn cha cô bé thường không có mặt ở nhà vì công việc, và mong vợ mình chăm sóc con cho tốt. Người mẹ phải vật lộn với những cơn bộc phát cảm xúc của con mình, và thường mất bình tĩnh, điều này làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, và cô ấy cảm thấy quá kiệt sức để nuôi dạy con cái, thậm chí không tha thiết chăm sóc bản thân mình.”
Cậu con trai rất nhạy cảm nên mỗi khi cãi nhau với mẹ, cậu lại nhốt mình trong phòng chơi game. Người mẹ nghĩ con mình cần không gian riêng nên cứ để vậy, nhưng sau đó lại thấy không ổn mà cần phải có sự thay đổi. Kim giải thích, họ đã giúp người mẹ cách và cả mẹo nuôi dạy con, nhưng chỉ có thể gặp họ một lần một tuần, nên có vẻ người mẹ này cần thêm thời gian.
Kim nói: “Đây chỉ là một ví dụ về rất nhiều thanh thiếu niên và gia đình có những khó khăn tương tự trên khắp California mà sáng kiến này. Để giải quyết những vấn đề sức khỏe tâm thần, cha mẹ và con cái cần được giúp để học cách giao tiếp với nhau, từ đó sẽ giải quyết được vấn đề. Và đó là mục đích của những ứng dụng này.”
(theo EMS. T.N chuyển ngữ)