Shoplifting, loại tội phạm nhỏ nhưng không nhỏ

Những tên trộm cắp có tổ chức đang hoành hành như chốn không người tại nhiều địa phương trên khắp nước Mỹ.
Xe cảnh sát NYPD đậu trước Walgreens Pharmacy, Queens, New York khi nhận được tin xảy ra một vụ trộm (ảnh: Lindsey Nicholson/UCG/Universal Images Group via Getty Images)

“Shoplifting” (Trộm cắp trong cửa hàng bán lẻ) là một từ quá nhẹ đối với những tội danh mà cảnh sát Quận hạt Montgomery đã gán cho sáu nghi can vào tháng trước. Nhóm này bị cáo buộc đánh cắp số hàng hóa trị giá $49,000 tại 11 cửa hàng Ulta Beauty, Sephora, Target và Nike ở Montgomery cho đến khi cảnh sát bắt được chúng vào ngày 15 Tháng Sáu. Nút chặn giao thông đã không cho chúng trốn thoát trong một chiếc xe bị đánh cắp.

Điều tra cho thấy nhóm này đã bán hàng ăn cắp lấy tiền mặt và tiến hành 80 vụ trộm tương tự ở DC. Bốn trong những nghi can ở lứa tuổi vị thành niên (nhỏ nhất mới 13 tuổi). Gần như không có cộng đồng nào miễn nhiễm với sự gia tăng đột biến của loại “tội phạm cửa hàng bán lẻ có tổ chức” (organized retail crime-ORC), một thuật ngữ mà các chuyên gia an ninh dùng để phân biệt hành vi trộm cắp có kế hoạch, quy mô lớn để cung cấp cho thị trường chợ đen và các hành vi trộm vặt “five-fingered discount” mang tính cá nhân.

Nhưng loại trộm cắp vặt này đang gia tăng “ấn tượng” nếu nhìn vào các video lan truyền mô tả những kẻ đeo mặt nạ thản nhiên đập phá các tủ trưng bày, đổ hàng hóa vào các túi lớn và thoải mái rời đi.

The Washington Post cho biết, dữ liệu của một nghiên cứu do Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (National Retail Federation) công bố vào Tháng Tư qua cho thấy 70% cửa hàng bán lẻ được khảo sát vào năm ngoái đã xem ORC là “nỗi ám ảnh” ngày càng tăng của họ.

Giữa Tháng Năm 2023, một siêu thị Giant Food ở Bowie, Maryland phải chặn bớt cổng vào để hạn chế phần nào sự đột nhập của bọn trộm (ảnh: Jahi Chikwendiu/The Washington Post via Getty Images)

ORC chiếm một nửa trong $94.5 tỷ thiệt hại do trộm cắp được các công ty bán lẻ báo cáo vào năm 2021, tăng gần $4 tỷ so với năm 2020.

Có ba nguyên nhân dẫn đến gia tăng: Các tổ chức ORC thường tuyển dụng những con nghiện opioid (đang là đại dịch của nước Mỹ) trộm cắp hàng hoá để đổi lấy thuốc; luật chống trộm cắp ở một số khu vực tài phán quá lỏng lẻo, và hàng hóa trộm cắp bán lại trên mạng internet khá dễ dàng.

Nhóm trộm cắp với nửa tá thành viên bị bắt ở Montgomery là một điển hình cho thấy, ORC không hề ngẫu hứng mà lên kế hoạch đàng hoàng, bài bản. ORC không phải tổ chức xuyên bang, nhưng nói thế không có nghĩa là việc chống lại nó là “chuyện của địa phương”, dù cảnh sát địa phương ngày càng tích cực hơn, giống như những gì nhìn thấy ở Montgomery. Phản ứng cấp liên bang và tiểu bang rất cần thiết, một phần vì một số ORC, như ở DC, đã vượt qua ranh giới tiểu bang và vì tác động “sao chép” nhanh của nó.

Dù tổn thất là nhỏ so với tổng doanh thu hơn 5 ngàn tỷ mỗi năm (không gồm các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu) của các cửa hàng bán lẻ nhưng tác hại không hề nhỏ. Chi phí chống trộm của cửa hàng được chuyển sang khách hàng; chính quyền không thể thu thuế bán hàng đối với hàng hóa bị đánh cắp; và trong những trường hợp nghiêm trọng, loại trộm cắp này có thể buộc cửa hàng phải ngừng kinh doanh, làm cuộc sống đô thị trở nên khó khăn hơn.

“ORC không chỉ là một tội phạm về tài sản. Khi những tên trộm bình thản dùng xà beng đập vỡ tủ kính, chúng sẽ làm người chứng kiến sợ hãi – Marcus Jones, Cảnh sát trưởng của Quận hạt Montgomery nói với The Washington Post – Họ là những người làm việc tại các cửa hàng để kiếm sống và khách mua sắm”.

Biện pháp liên bang quan trọng nhất cho đến nay là Đạo luật thông tin (Inform Act) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27 Tháng Sáu. Theo luật, các siêu thị trực tuyến như eBay và Amazon phải thu thập, xác minh và tiết lộ một số thông tin nhận dạng nhất định về những người bán sản phẩm tiêu dùng bên thứ ba với số lượng lớn, để giúp ngăn chặn những kẻ bán hàng ăn cắp và hàng giả.

Cũng trong tháng trước, Bộ trưởng Tư pháp California Rob Bonta (Dân chủ) đã công bố kế hoạch chia sẻ thông tin tự nguyện giữa các cửa hàng truyền thống, siêu thị trực tuyến và cơ quan thực thi pháp luật. Nhưng còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của các chính sách này. Nhưng ít nhất chúng phản ánh thực tế, được nêu rõ trong báo cáo Tháng Tư của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia: “Bản chất phân tán của ORC khiến việc chống lại nó phải dựa phần lớn vào tin tình báo và những cải tiến trong việc xác minh hàng bán trên mạng”.

Bước tiếp theo, Quốc hội cần ban hành sớm Đạo luật chống tội phạm bán lẻ có tổ chức (Combating Organized Retail Crime Act) mang tính lưỡng đảng đang bị tắc ở cả hai viện từ đầu năm nay. Dự luật nêu rõ: “ORC đe dọa… sự an toàn và tự do” và trao cho các công tố viên liên bang quyền điều tra hoạt động rửa tiền liên quan đến ORC.

Quan trọng nhất, dự luật sẽ thành lập một trung tâm điều phối ORC liên bang, với nhân sự đến từ các cơ quan thực thi pháp luật liên bang và đặt tại Bộ An ninh Nội địa (Department of Homeland Security-DHS) để tạo thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin giữa các nhà điều tra ở các cấp chính quyền và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Hiện cả chính phủ lẫn doanh nghiệp vẫn phản ứng chậm với loại tội phạm ORC và đôi khi khá lúng túng trước sự liều lĩnh, thách thức và láu lỉnh tinh quái của bọn chúng. Nhưng thiệt hại cho nền kinh tế và cảm giác mất an toàn của công chúng khi đến các không gian bán lẻ là điều không thể phủ nhận.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: