Siêu pháo thế hệ mới của quân đội Hoa Kỳ

Đạn pháo thông minh (smart bullet) trong các bộ phim khoa học giả tưởng đã được hiện thực hoá khi mới đây nó đã bắn hạ một tên lửa hành trình. Được thiết kế để rải mưa đạn xuống kẻ thù nay đạn pháo có thể bắn hạ cả tên lửa hành trình, các máy bay tầm thấp và thiết bị bay không người lái với độ chính xác và công phá cao.

Hệ thống phòng thủ ABMS và “Internet of Things”

Không lực Mỹ vừa sử dụng một loại đạn pháo hướng dẫn siêu nhanh (Hypervelocity Guided Projectile-HGP) để bắn hạ một mục tiêu đang bay với tốc độ cao từ một khẩu trọng pháo tự hành tại bãi thử nghiệm tên lửa White Sands Missile Range ở tiểu bang New Mexico. Kết quả thật khả quan. Viên đạn bắn ra từ khẩu pháo Howitzer 155 ly đã hạ một thiết bị bay không người lái mô phỏng tên lửa hành trình.

“Thành công này mở ra một triển vọng: Trong tương lai, các xe tăng trang bị trọng pháo có thể bắn hạ mọi loại tên lửa hướng về phía nó – Tiến sĩ Will Roper, Trợ lý tư lệnh không quân về công nghệ, hậu cần và mua khí tài quân sự nhận định với các phóng viên có mặt tại buổi trình diễn – Video game, phim khoa học giả tưởng đã đưa ra nhiều chỉ dẫn thú vị về vũ khí và chiến tranh tương lai nhưng lại bỏ qua dự báo về việc bắn hạ tên lửa hành trình tốc độ cao bằng… xe tăng, một khí tài quân sự thông dụng trên mọi chiến trường mặt đất. Nhưng nếu chúng ta phát triển được một loại đạn thông minh, chúng ta có thể dùng hệ thống thông minh trang bị cho xe tăng để bắn hạ tên lửa bằng loại đạn này”.

“Loại đạn siêu tốc được đánh giá cao mà quân đội Mỹ đã có trong tay chỉ là bước tiến đầu tiên trong sáng kiến bắn hạ tên lửa hành trình bằng xe tăng và trọng pháo, vốn có ưu thế về sự cơ động” – bài viết trên tờ Task & Purpose nhấn mạnh đoạn trích trong báo cáo Breaking Defense của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ mới Advanced Battle Management System (ABMS), hai viên đạn HGP bay với tốc độ 5-Mach (tương đương 3,856 dặm/giờ; hoặc 6,174 km/giờ) đã bắn hạ hai thiết bị bay không người điều khiển BQM-167 (mô phỏng tên lửa hành trình bay thấp của Nga).

HGP do công ty BAE Systems phát triển và sử dụng công nghệ của chương trình vũ khí không gian “Railgun”. Theo BAE, Howitzer 155 ly có thể bắn HGP xa đến 43 hải lý và bắn sáu viên một phút. Theo báo cáo Breaking Defense về cuộc thử nghiệm, HGP do một khẩu trọng pháo tự hành Howitzer 155 ly “M109 Paladin” của Bộ binh và một khẩu pháo trên tàu Hải quân bắn đi. Trung tâm chỉ huy cuộc thử nghiệm đã dùng trí khôn nhân tạo (AI) và dữ liệu lưu trữ trên đám mây (cloud) để điều phối và kiểm soát tác chiến trong mọi hình thái chiến trường.

 

Khai thác dữ liệu thông qua mạng 4G, 5G và đám mây đã cho phép bắn hạ mục tiêu trong vài giây chứ không phải vài phút như thường thấy. Cuộc thử nghiệm đã huy động hơn 60 nguồn dữ liệu khác nhau. Mục tiêu thử nghiệm là đẩy mạnh việc sử dụng “Internet of Things” cho quân đội giống như internet trong gia đình, nhưng thay vì dùng internet để nắm thông tin và điều khiển tủ lạnh, TV, smartphone, nó sẽ được dùng để lưu trữ, trích xuất thông tin và vận hành các khí tài quân sự (ở đây là trọng pháo và xe tăng) để bắn hạ các mục tiêu di chuyển của đối phương. Hệ thống tác chiến ABMS có khả năng phân tích nhanh dữ liệu để phản ứng kịp thời trong mọi tình huống. Ở đây là tiêu diệt nhanh các mục tiêu tấn công của đối phương.

Cú đột phá mới cho Văn phòng Phát triển Vũ khí chiến lược (SCO)

Ý tưởng về hệ thống tác chiến điện tử trang bị cho trọng pháo và xe tăng được hình thành từ năm 2013 trong lực lượng Hải quân nhưng khái niệm không được quan tâm một thời gian dài, trước khi Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập Văn phòng Phát triển Vũ khí chiến lược (Strategic Capabilities Office-SCO) vào năm 2016, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhiệm vụ SCO hiện do Chris Shank làm giám đốc là “sửa đổi và tăng cường tính năng của các khí tài quân sự có sẵn bằng công nghệ tiến bộ để dùng chúng cho các mục đích hoàn toàn mới”.

Ví dụ, trọng pháo tự hành Howitzer 155 ly chuyên bắn phá mục tiêu cách xa nhiều chục dặm nay được bổ sung thêm tính năng bắn hạ cả tên lửa hành trình. Thuận lợi của HGP so với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có như Patriot là chi phí thấp. Trong khi tên lửa tiêu chuẩn Evolved Seasparrow Missile hay Rolling Airframe Missile có chi phí sản xuất nhiều triệu đôla một chiếc thì theo tiến sĩ Vincent Sabio, người quản lý chương trình HGP thì một HGP chỉ tốn có… $85,000! “Tên lửa đánh chặn Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) dùng pin THAAD được lắp đặt tại một số điểm phòng thủ trên thế giới cũng rất tốn kém – Sabio nói – Mỗi lần nhấn ngón tay vào nút khai hỏa là đốt hàng đống tiền. Nhưng với HGP, bạn có thể nhấn nút mà không phải lấn cấn về tiền bạc”.

Quan trọng hơn, Tướng Glen VanHerck, Tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh phương Bắc (Northern Command) cho biết cuộc thử nghiệm thành công đã khiến ông tin là các hệ thống tác chiến điều khiển bằng trí khôn nhân tạo (AI) có thể thêm chọn lựa mới để các chỉ huy ra quyết định về phương thức tác chiến trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga. “Tôi hoàn toàn không còn hoài nghi về hệ thống mới sau khi chứng kiến cuộc thử nghiệm” – ông nói.

Hệ thống pháo hạ tên lửa sẽ sớm được triển khai trên diện rộng

Theo tạp chí Air Force Magazine, sáu BQM-167 “Skeeter” tầm thấp đã được các máy bay ném bom B-52 phóng đi từ trên cao. Để tấn công chúng, ngoài một HGP bắn đi từ Howitzer 155 ly và một HGP bắn ra từ trọng pháp 5-inch của tàu Hải quân, còn có một tên lửa phóng từ máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon, một tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder bắn ra từ máy bay không người người lái MQ-9 Reaper, và một tên lửa phóng lên từ mặt đất. Kết quả, đạn từ Howitzer bay nhanh hơn và đủ để bắn hạ hỏa tiễn đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay, tàu chiến và cả các mục tiêu trên mặt đất.

Mục tiêu của ABMS đa năng (multi-faceted) là để phát triển các kết nối quan trọng cần có để xây dựng mạng “Internet of Things” quân sự (IoT), cho phép quân đội hiện thực hóa ý tưởng “Mạng của các mạng” (Network of Networks) có tên Joint All-Domain Command and Control (JADC2), với khả năng kết hợp được dữ liệu từ các bộ cảm biến (sensor) khác nhau, bao trùm tất cả lĩnh vực nhằm tạo ra một “Hình ảnh tác chiến chung” (Common Operational Picture-COP). Các chỉ huy sẽ dựa vào COP để quyết định hạ các mục tiêu nào trước, mục tiêu nào sau, bằng các vũ khí nối mạng, và quyết định được thực hiện gần như ngay lập tức.

Nói chung, ABMS được thiết kế để dò tìm nhanh và phá hủy nhanh các tên lửa đang tiến đến của đối phương. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ cần thêm thời gian để đánh giá và cấp kinh phí cho chương trình HGP. “Điều chắc chắn là cả trọng pháo nâng cấp lẫn đạn pháo đều có giá rất thấp so với các tên lửa đã có trong mạng lưới phòng thủ của nước Mỹ. Ngoài chúng, nước Mỹ sẽ có thêm một lá chắn rẻ và cơ động hơn. Thành công HGP cho thấy việc triển khai hệ thống bắn đạn pháo hạ tên lửa có thể xúc tiến ngay lập tức” – Roper nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: