MINH ĐĂNG
Bất luận kết quả kiểm phiếu đại cử tri ngày 14-12-2020 khẳng định một lần nữa ông Joe Biden thật sự đắc cử tổng thống và chẳng hề có gian lận gì, rất nhiều người vẫn không tin điều đó là sự thật và phải chấp nhận đó là sự thật. Ngoài lý do chính là họ yêu thích ông Trump, còn có nguyên nhân nữa là họ bị tác động bởi một số kẻ làm truyền thông lệch lạc.
Một trong những “bài báo” điển hình gần đây nhất là bài “Liệu một Hạt Nhỏ ở Bắc Michigan có phải là Chìa khóa để Lật đổ Kết quả Bầu cử của Quốc gia không?” đăng trên website Gateway Pundit ngày 12-12-2020 (Gateway Pundit đã được giới nghiên cứu truyền thông xác định là một trong những nguồn nhảm nhí nhất chuyên bịa chuyện nhằm lôi kéo dư luận ủng hộ Trump). Và trên một podcast mà người dẫn chương trình không ai khác là cựu chiến lược gia Nhà Trắng – nhà hoạt động chính trị bảo thủ nổi tiếng Stephen K. Bannon – cũng tuyên bố sẽ đệ đơn kiện mới nhằm tìm cách đảo ngược cuộc bỏ phiếu của đại cử tri. Bannon kiện “ai” và làm thế nào để kiện thì đương sự không nói. Trong khi đó, Phill Kline, giám đốc Dự án Amistad, thề “chiến” đến cùng…
Bằng cách phủ nhận kết quả bầu cử, những kẻ này thật ra đã phủ nhận giá trị của Hiến pháp Hoa Kỳ và khước từ một hệ thống bầu cử hàng trăm năm mà chính hệ thống đó đã đưa Trump lên ghế tổng thống năm 2016. Ngày 14-12-2020, cố vấn cấp cao của tổng thống, Stephen Miller, trong một cuộc phỏng vấn trên “Fox & Friends”, thậm chí còn nói rằng cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn phần lớn “không liên quan”, vì tất cả những gì thực sự quan trọng là Ngày nhậm chức, ngày 20 tháng 1. “Vì vậy, chúng ta có quá đủ thời gian để sửa sai kết quả bầu cử gian lận và chứng nhận Donald Trump là người chiến thắng” – Miller nói.
Cuối tuần trước, một liên minh gồm Đảng Trà, cùng các tổ chức chính trị bảo thủ, đã viết một thư ngỏ kêu gọi giới hoạt động chính trị cần “bắt đầu vận động ngay lập tức để liên hệ các nhà lập pháp của tiểu bang mình, cũng như đại diện của họ tại Hạ viện và Thượng viện, nhằm có thể tác động việc bổ nhiệm các đại cử tri “sạch sẽ”. Lời kêu gọi này tan biến vào hư không. Những nhân vật truyền thông thân Trump, chẳng hạn Mark Levin, tiếp tục làm cho khán giả của mình tin rằng việc gây áp lực để các nhà lập pháp tiểu bang từ chối chiến thắng Biden là điều hoàn toàn khả thi. Họ có niềm tin “sắt đá” vào những cáo buộc ngông cuồng không chứng cứ của những kẻ hoang tưởng. Levin, cùng Rush Limbaugh và Stephen Bannon, là một trong những người đầu tiên đẩy các thuyết âm mưu lên thành dư luận phổ biến, gây chú ý không chỉ với nước Mỹ mà cả thế giới; đặc biệt những thuyết vớ vẩn của hai luật sư Lin Wood và Sidney Powell.
Trong một cuộc phỏng vấn với Mark Levin ngày 10 tháng 11, Lin Wood kêu gọi cơ quan lập pháp Georgia cần phải “thay thế” các đại cử tri ủng hộ Biden “để họ có thể bầu các đại cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump”. Sau đó, ông ta khẳng định chắc như bắp rang rằng Trump không chỉ thắng “long trời lở đất” ở bang Georgia còn thắng đậm trong cuộc bỏ phiếu phổ thông toàn quốc với 70% ủng hộ. Sáng thứ Hai 14-12, với chiến thắng của ông Biden sắp được các đại cử tri phê chuẩn, Gateway Pundit vẫn “kiên trì” đăng một bài về cuộc phỏng vấn mà Sidney Powell thực hiện với The Epoch Times, một trong những tờ báo đăng fake news kinh khủng nhất thế giới của Pháp Luân Công. Powell khăng khăng rằng “một trong những chuyên gia của chúng tôi” đã phát hiện cách mà các máy bỏ phiếu của Dominion tạo ra “số phiếu bầu cao hơn 5% cho Biden, ở mọi nơi”.
Yochai Benkler, giáo sư Trường Luật Harvard, người giúp viết quyển “Network Propaganda” (một nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông cánh hữu đối với chính trị), cho biết, sự khác biệt giữa thời của John Birch Society và ngày nay là vấn đề quy mô. “Chúng ta đang ở trong một vòng phản hồi, nơi truyền thông cung cấp cho khán giả vũ khí và công cụ để phủ nhận thực tế” – ông Benkler nói – “Và khán giả lại gây áp lực cho truyền thông bằng cách dọa tìm đến nơi nào đó khác thậm chí kỳ quặc hơn, nếu truyền thông không làm vừa ý họ”.
Tóm lại là những người ủng hộ Trump nói chung và “truyền thông vỉa hè” nói riêng vẫn tiếp tục tạo ra dư luận rằng Trump chưa thua và cục diện chưa ngã ngũ. Cách họ dẫn giải và định hướng “niềm tin” này có thể nhìn thấy rõ. Khi các đồng minh của Trump đệ đơn kiện lên Tối Cao Pháp Viện vào tuần trước (mà các chuyên gia pháp lý cho rằng có rất ít cơ hội thành công), giới truyền thông vỉa hè dĩ nhiên không đề cập đến những sai sót của vụ việc. Thay vào đó, hầu hết ý kiến đều tập trung vào việc tổng thống đã “định khung” vụ kiện là “một vụ lớn”. Limbaugh chẳng hạn. Ông này nhấn mạnh rằng có đến 18 tổng chưởng lý Cộng hòa cùng những người khác trong Hạ viện ủng hộ “vụ lớn” này. Cuối cùng, Tòa án Tối cao bác bỏ vụ kiện. Những tưởng bây giờ họ phải tỉnh ra. Nhưng không. Những người ủng hộ Trump tiếp tục phủ nhận… “nỗi đau”, bất luận bong bóng niềm tin vỡ tan hết lần này đến lần khác. Họ tiếp tục tự tin nói rằng thất bại chỉ là tạm thời. “Kịch hay vẫn còn phía trước”! “It’s not over, it’s not over” – người dẫn chương trình Greg Kelly của Newsmax TV khẳng định, như thể trấn an chính mình.