Thượng Viện thỏa thuận ngân sách để không phải đóng cửa chính phủ

Hạ Viện
Trong cuộc họp báo thường kỳ sáng nay thứ Năm 30 tháng Chín, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng thỏa thuận mới của Thượng Viện về ngân sách tạm thời để chính phủ không phải đóng cửa là “một dự luật lưỡng đảng mạnh bởi vì nó giúp duy trì các dịch vụ công thiết yếu”. Ảnh Alex Wong/Getty Images

Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại Thượng Viện đã thông qua một biện pháp tài trợ tạm thời cho chính phủ liên bang hoạt động đến đầu Tháng Mười Hai, ngăn chặn tình trạng đóng cửa dự tính sẽ ​​xảy ra sau nửa đêm nay.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sáng Thứ Năm 30 Tháng Chín sau nhiều tuần giằng co giữa hai đảng, làm tăng nguy cơ đóng cửa chính phủ từ ngày mai. Đảng Dân Chủ ban đầu tìm cách gắn việc phân bổ ngân sách cho chính phủ hoạt động vào một đề nghị khác nhằm nâng mức trần nợ của đất nước. Nếu trần nợ không được Quốc Hội nâng lên thì khả năng vay tiền của chính phủ sẽ chấm dứt sau 18 ngày nữa. Đảng Cộng Hòa đã chặn nỗ lực đó, gây rủi ro khủng hoảng tài chính trầm trọng.

Biện pháp tài trợ tạm thời được thông qua sáng nay cung cấp ngân sách cho các cơ quan liên bang hoạt động đến ngày 3 Tháng Mười Hai, 2021. Đến thời điểm đó Quốc Hội phải thông qua một biện pháp khắc phục ngắn hạn khác, hoặc thông qua dự luật phân bổ ngân sách cho chính phủ liên bang trong năm tài chính 2022, bắt đầu từ ngày 01 Tháng Mười 2021 đến 30 Tháng Chín 2022.

Biện pháp mới sẽ dành nhiều tỷ đôla để hỗ trợ các tiểu bang khắc phục hậu quả hai cơn bão gần đây, cũng như các khoản tiền hỗ trợ tái định cư những người tị nạn đến từ Afghanistan.

Thỏa thuận của Thượng Viện còn phải được Hạ Viện thông qua trước khi có hiệu lực thi hành, dự kiến trong buổi chiều nay. “Chúng tôi hy vọng đây có thể là một dự luật lưỡng đảng mạnh bởi vì nó giúp duy trì các dịch vụ công thiết yếu,” Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói sau cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện.

***

Cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách chưa xử lý vấn đề trần nợ- tức là giới hạn nợ mà chính phủ được phép vay mượn. 

Hôm qua Thứ Tư, Hạ Viện đã đưa ra một biện pháp cho phép nâng trần nợ nhưng Thượng Viện vẫn chưa đồng thuận. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã báo cáo Quốc Hội rằng chính phủ liên bang sẽ mất khả năng chi trả các khoản lãi và vốn vay của các khoản nợ hiện hành vào ngày 18 Tháng Mười nếu Quốc Hội không duyệt cho tăng trần nợ. Nếu điều đó xảy ra, Hoa Kỳ sẽ bị coi là vỡ nợ, lần đầu tiên trong lịch sử, và một vụ vỡ nợ sẽ không chỉ gây tổn hại trầm trọng cho uy tín và nền tài chính của Mỹ mà còn làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu.

Các nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện từ chối nâng trần nợ và cho rằng họ không muốn tài trợ cho chương trình kinh tế rộng lớn của Tổng thống Joe Biden nhưng các nghị sĩ Dân Chủ nói rằng, tăng giới hạn vay nợ là để trả những món nợ cũ đã vay mượn từ các chính quyền trước. Biện pháp mà đảng Dân Chủ tại Hạ Viện đưa ra chưa phải là nâng trần nợ mà chỉ là tạm treo (suspend) mức trần nợ hiện hành để chính phủ được tiếp tục vay mượn thêm một thời gian nữa trong thời gian Quốc Hội tìm giải pháp.

Vẫn chưa rõ đến bao giờ thì vấn đề trần nợ sẽ được Thượng Viện giải quyết.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: