Tổng thống Donald Trump có gây hại cho nền dân chủ Mỹ?

Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh History in HD/Unsplash.com

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Donald Trump đang làm xói mòn nền dân chủ Mỹ qua hành động tấn công các định chế dân chủ như nền tư pháp độc lập, báo chí truyền thông và nhiều lĩnh vực khác nữa.

 Sáng ngày 9-2, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán quyết Tổng thống Trump phải trình bản khai thuế cá nhân của ông cho tòa án New York. Ông John Roberts, Chánh Án tòa tối cao khẳng định, Tổng thống không đứng trên luật pháp. “Hôm nay chúng tôi tái xác nhận nguyên tắc, Tổng thống không được miễn khỏi trát tòa hình sự của tiểu bang đòi hỏi những giấy tờ cá nhân và cũng không được hưởng tiêu chuẩn cao hơn,” ông Roberts nói.

Ngay sau khi phán quyết này được đưa ra, ông Trump đã tự biến mình trở thành nạn nhân sau nhiều loạt tweet.

Khác với những tổng thống tiền nhiệm, tổng thống thứ 45 của Mỹ luôn tìm mọi cách sử dụng quyền lực tổng thống để không công khai hồ sơ thuế cá nhân.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao ông Trump lại phải giấu hồ sơ thuế của mình? Phải chăng bên trong đó còn có những khuất tất mà báo chí đã nói nhiều trong thời gian qua?

Tấn công nền tư pháp độc lập

Ông Trump đã nhiều lần tấn công nền tư pháp độc lập qua việc lên án những thẩm phán đã ngăn chặn các sắc lệnh hành pháp của ông.

Tháng trước Tòa án Tối cao đã phán quyết bác bỏ lệnh của ông Trump về việc hủy bỏ chương trình bảo vệ người di dân không giấy tờ đến Mỹ khi còn niên thiếu, gọi tắt là chương trình DACA.

Ngay sau đó Trump phản ứng bằng loạt tweet, “Các quyết định mang động cơ chính trị được đưa ra từ Tòa án Tối cao. Đây là những phát súng bắn vào mặt những ai tự hào mình là đảng viên Cộng hòa hoặc bảo thủ”. Ông Trump còn cho rằng do tư pháp không ưa ông nên mới ra phán quyết vậy”.

Hồi năm 2017, ông Trump cũng đe dọa, có nhiều lời lẽ thiếu xứng hợp với các thẩm phán chặn sắc lệnh hành pháp cấm nhập cư từ bảy nước có đông dân theo Hồi giáo.

Trên cương vị Tổng thống, Trump liên tục cản trở sự điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ông ngăn người ra làm chứng trong cuộc điều tra của Hạ viện.

Ông Trump dường như không hiểu quyền lực của tổng thống có những giới hạn nên đã có nhiều quyết định trái với luật pháp, hành động, phát biểu trái với nền dân chủ.

Gây chia rẽ dân tộc

Ông chủ Nhà Trắng hiện nay đã nhiều lần cáo buộc rằng cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 có gian lận dù không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Các cuộc điều tra cũng không cho thấy điều ông nói là đúng.

Tổng thống thứ 45 của Mỹ không ngừng tấn công trực tiếp vào nền báo chí độc lập. Trên Twitter, ông Trump liên tục gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân”, đòi bỏ tù phóng viên. Ông cáo buộc báo chí đưa tin, bình luận không có lợi cho ông bằng từ “fake news”, bất kể đó là những tờ báo hàng đầu của Mỹ như The New York Times, Washington Post, TIME, Newsweek, hay các cơ quan truyền thông như CNN, MSNBC. Ngay cả Fox News, The Wall Street Journal của cánh hữu cũng không thoát khỏi sự chỉ trích của ông, nếu đăng bài trái ý ông.

Tính lưỡng đảng – yếu tố đảm bảo sự cạnh tranh chính trị, giúp nước Mỹ chọn ra giải pháp tốt để điều hành quốc gia – chưa bao giờ lại khó hòa giải như từ lúc ông Trump bước vào Nhà Trắng.

Tổng thống thứ 45 của Mỹ không tạo ra sự đoàn kết quốc gia. Thay vào đó ông liên tục tạo ra mâu thuẫn, khoét thêm chia rẽ đảng phái. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã phải thốt lên rằng ông Trump “Cố tình chia rẽ dân Mỹ”.

Dùng quân đội để dẹp biểu tình?

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nước Mỹ phải đối diện với những cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát, kỳ thị chủng tộc. Phong trào “Black Lives Matters” bùng lên qua nhiều năm âm ỉ sau cái chết của George Floyd hôm 25/5.

Trước các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp các thành phố lớn ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã không xoa dịu sự căm phẫn của đám đông. Thay vào đó, ông đã đổ thêm dầu vào lửa khi đánh đồng đa số những người biểu tình ôn hoà với thiểu số những kẻ lợi dụng thời cơ đập phá hôi của. “Những kẻ vô chính phủ chuyên nghiệp, những đám đông bạo lực, những kẻ cướp bóc, tội phạm, những kẻ bạo loạn”. Đây là lời buộc tội của Tổng thống Trump về người biểu tình của phong trào “Black Lives Matter” vào tối ngày 1-6, tại Nhà Trắng.

Những ngày sau đó, Tổng thống thứ 45 của Mỹ tiếp tục đe dọa bắn, thả chó dữ, đến dùng vũ khí mạnh mẽ nhất để đè bẹp người biểu tình chống việc kỳ thị chủng tộc của cảnh sát.

Không dùng lại ở lời nói, vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã nhanh nhảu lạm dụng quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình tại thủ đô Washington. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được điều động về thủ đô theo lệnh Tổng thống. Tuy nhiên sau đó đã phải rút đi do phản ứng của thị trưởng Muriel Bowser và công chúng.

Ông Trump đe dọa, dùng bạo lực để đàn áp. Đòi đưa Vệ binh Quốc gia xuống “giải quyết” vấn đề nếu các thống đốc các tiểu bang và thị trưởng thành phố không nhanh chóng dẹp biểu tình.

Hành động đe doạ của ông Trump còn cho thấy một dấu hiệu lạm quyền của chính phủ liên bang đối với các tiểu bang.

Với những lời phát biểu, hành động của mình, Ông Trump đã tấn công trực tiếp vào sự thực hành và biểu hiện của nền dân chủ Mỹ qua các cuộc biểu tình.

Cũng ông Trump trong hai tháng qua đã nhiều lần gây sức ép với các thống đốc tiểu bang mở cửa hoạt động trở lại bình thường và xem nhẹ việc lây lan của dịch bệnh.

Trước những lời nói, hành động của Tổng thống Donald Trump, ông Colin Powell cựu tướng bốn sao, và cựu Ngoại trưởng Mỹ đã phải lên tiếng, “Ông Trump đang rời xa Hiến pháp”.

Vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã có không ít cáo buộc, phát biểu gây sức mẻ ‘ngọn hải đăng’ các giá trị dân chủ của thế giới.

Trung thành với Trump hơn Hiến pháp?

Không quá khó để thấy được trong thời gian nắm cương vị Tổng thống, Ông Trump chỉ thích dùng người trung thành với ông hơn với Hiến pháp và lời thề công việc của họ. Những lời thề vốn dĩ đảm bảo tính chuẩn mực, trách nhiệm, khách quan, quy trình để kiểm soát công việc.

Bởi thế ngay khi vào Nhà Trắng, Donald Trump đã yêu cầu James Comey, Giám đốc FBI bày tỏ sự trung thành với ông. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông Trump nhanh chóng loại bỏ Comey bằng người khác dễ bảo hơn. Thông tin sau đó cho thấy James Comey đã không làm theo mong muốn của Tổng thống.

Chưa có Tổng thống Mỹ nào sa thải, hoặc gây sức ép để sa thải, thay thế nhân sự nhiều như Donald Trump. Từ cố vấn, đến chuyên viên, bất kể ai, không làm vui lòng Trump, phản đối, hay gây bất lợi cho ông bằng sự thật, trách nhiệm công việc đều nhanh chóng bị mất chức.

Trong hơn ba năm, Trump đã đã lần lượt bị sa thải hay ép từ chức các cố vấn từ Michael Flynn, H.R. McMaster, Steve Bannon, John Bolton; Chánh văn phòng Nhà Trắng từ Reince Priebus, đến John Kelly và Mick Mulaney.

Việc thay đổi nhân sự liên tục có vẻ như đã biến Nhà Trắng của ông Trump thành một nơi chỉ tuyển nhân viên tập sự.

Chưa hết một nhiệm kỳ, ông Trump đã hai lần thay bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hai lần thay bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bốn lần thay Phát ngôn viên Nhà Trắng.

Ít nhất ba người làm chứng trong việc điều tra luận tội Donald Trump tại Thượng viện đã bị ông buộc thôi việc.

Thượng nghị sĩ Mitt Romney, sau khi bỏ phiếu kết tội ông Trump về, “Tội lạm quyền” đã bị ông công kích nhiều lần. Bà Murkowski, Thượng nghị sĩ bang Alaska sau phát biểu, cân nhắc có nên ủng hộ Trump trong lần bầu cử tới hay không, liền bị Trump tấn công.

Ngược lại, Donald Trump bất chấp dư luận, đưa con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner vào vị trí cố vấn cấp cao buộc nhiều người sừng sỏ phải nghe theo dù hai người này chưa hề có kinh nghiệm chính trị, hoặc các vị trí dân cử.

Do thiếu niềm tin, cần sự trung thành, Donald Trump đã dùng người nhà trong chính phủ, phá vỡ sự độc lập giữa công quyền và tư lợi, vốn là nền tảng dân chủ Mỹ xưa nay.

Phải chẳng Tổng thống Donald Trump đang phá vỡ nền dân chủ Mỹ trong cái tôi quá lớn cùng các toan tính, lợi lộc cá nhân, phe nhóm lên trên lợi ích quốc gia?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: