H.C.
Trong một hành động chống Trung Quốc, có thể là cuối cùng đưa ra chỉ vài ngày trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ xem xét giảm thiểu việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc để giảm rủi ro gián điệp, cố vấn an ninh quốc gia của ông cho biết.
Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien hôm nay thứ Sáu 15-01 ra thông báo tố cáo Trung Quốc nhắm mục tiêu vào hệ thống thông tin của chính phủ Mỹ để ăn cắp hồ sơ nhân sự, kế hoạch quân sự và các dữ liệu khác thông qua mạng internet và các phương tiện khác. “Vì vậy, Hoa Kỳ phải có những hành động tương ứng để bảo vệ lợi ích của mình. Chúng ta phải điều chỉnh các quy định và chính sách và thực hiện các hành động cần thiết khác để giảm nguy cơ gián điệp kỹ thuật và gián điệp con người của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhắm vào chính phủ liên bang”, ông O’Brien nói, theo tường thuật của Reuters.
Ông O’Brien cho biết ông Trump đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ tiến hành đánh giá các phương cách để “giảm thiểu việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của chính phủ CHND Trung Hoa.”
Ông O’Brien không đưa ra ví dụ về hoạt động mua sắm mà ông đề cập, nhưng một quan chức chính quyền cấp cao cho biết mục đích chính của quyết định này là đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc nhằm xâm nhập vào mạng điện toán của Mỹ.
Thông báo được đưa ra chưa đầy một tuần trước khi ông Trump chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống và ông Joe Biden của đảng Dân chủ Joe Biden kế nhiệm vào ngày 20-1-2021. Đây là quyết định mới nhất trong hàng loạt các biện pháp nhắm vào Trung Quốc mà các nhà phân tích coi là một nỗ lực để cố định một chính sách đối phó cứng rắn với Bắc Kinh cả cho chính phủ tương lai.
Ông Trump đã theo đuổi các chính sách cứng rắn với Trung Quốc từ các vấn đề thương mại đến gián điệp và virus coronavirus. Quan hệ Trung-Mỹ hiện ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
* Trong diễn biến liên quan, đầu tuần này cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) thông báo CBP sẽ ngăn chặn tất cả những lô hàng bông vải và cà chua nhập cảng từ tỉnh Tân Cương (Xinjiang) của Trung Quốc vì nghi ngờ chúng được sản xuất bằng lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ thiểu số theo đạo Hồi trong các trại tập trung ở tỉnh này. Công ty nhập cảng các lô hàng này hoặc phải chứng minh rằng chúng không được làm ra từ lao động nô lệ, hoặc phải chở chúng đi nước khác.
* Hôm qua thứ Năm 14-01-2021 Chính quyền Trump cũng đã giáng một đòn mạnh vào Trung Quốc và các công ty lớn nhất của nước này khi áp đặt các biện pháp trừng phạt các quan chức và công ty Trung Quốc hành vi sai trái ở Biển Đông và áp đặt lệnh cấm đầu tư đối với chín công ty khác.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước, các quan chức của đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội, cùng với tập đoàn dầu mỏ khổng lồ CNOOC phải bị những hạn chế mới vì cáo buộc sử dụng biện pháp cưỡng bức đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
CNOOC – tên chính thức là tập đoàn quốc gia dầu khí hải ngoại Trung Quốc – là chủ sở hữu giàn khoan dầu Hải Dương 981 đã hoạt động bất hợp pháp gần quần đảo Hoàng Sa làm nổ ra vụ căng thẳng kéo dài giữa hai nước Việt – Trung năm 2014. Trong số các công ty bị cấm vận đợt này do có liên hệ với quân đội Trung Quốc còn có nhà sản xuất máy bay Comac và nhà sản xuất điện thoại Xiaomi Corp.
Thông báo cấm vận của Bộ Ngoại giao Mỹ nằm trong chuỗi hành động nhằm thực hiện sắc lệnh do Tổng thống Trump ký ban hành tháng 11-2020, cấm các công ty, cá nhân Mỹ mua và nắm giữ, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các quỹ đầu tư, cổ phần của 31 công ty Trung Quốc có tên trong “danh sách đen” của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Các nhà đầu tư Mỹ phải thoái vốn đã bỏ vào các công ty trong danh sách đen trước ngày 11 tháng 11 năm 2021.