Trò “đi lạc đường” của gián điệp Trung Quốc trên đất Mỹ

Các doanh trại quân đội hoặc trung tâm nghiên cứu khoa học chẳng hạn trạm không gian Cape Canaveral ở Florida nơi có những hỏa tiễn hiện đại luôn là những địa điểm thèm khát của những cặp mắt gián điệp tò mò Trung Quốc (ảnh: Eva Marie Uzcategui/Getty Images)

Những người Trung Quốc (TQ) vượt cổng bảo vệ tại các căn cứ của Mỹ đang làm dấy lên mối lo ngại về hoạt động gián điệp nguỵ trang bằng lý do “du khách đi lạc đường”.

Gây lo lắng

Các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đã theo dõi khoảng 100 công dân TQ cố gắng tiếp cận các căn cứ của quân đội Mỹ và các cơ sở khác. Những kẻ đột nhập đôi khi đóng giả là du khách, đã tìm cách xâm nhập các căn cứ quân sự và các địa điểm nhạy cảm khác tới 100 lần trong những năm gần đây và đã trở thành “mối đe dọa gián điệp tiềm tàng”.

Năm ngoái, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) và các cơ quan khác của Mỹ đã tổ chức một cuộc đánh giá để cố gắng hạn chế những kẻ đi vào cổng an ninh (vô tình hay cố ý) mà không có sự cho phép. Công dân TQ được phát hiện đi vào khu vực bắn tên lửa của Mỹ ở New Mexico và bơi lặn trong vùng nước sâu gần địa điểm phóng tên lửa ở Florida. Loại gián điệp này dường như được thiết kế để kiểm tra các hoạt động an ninh tại các căn cứ quân sự của Mỹ và các cơ sở liên bang khác, đôi khi xảy ra ở các vùng nông thôn, nơi có rất ít du khách và cách xa sân bay thương mại.

Theo một quan chức quen thuộc với vấn đề, những kẻ xâm nhập bị ép phải làm như thế để chuyển về cho chính phủ TQ những gì thu thập được. Các vụ xâm nhập căn cứ của quân đội Mỹ xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung tăng vọt (sau khi một khinh khí cầu của TQ bay qua bầu trời Mỹ vào đầu năm nay mang theo những thứ được cho là thiết bị giám sát) đã chứng minh cho lời cảnh báo: Bắc Kinh đang sử dụng các phương tiện phi truyền thống để thu thập thông tin tình báo trên đất Mỹ bằng cách tiếp cận trực tiếp các căn cứ quân sự hay sử dụng các thiết bị do thám thông thường.

Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), người phát ngôn của Đại sứ quán TQ phản ứng trước cảnh báo: “Đây là hoàn toàn bịa đặt với ý đồ xấu. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, chấm dứt những cáo buộc vô căn cứ và hãy làm những gì có lợi hơn cho việc tăng cường niềm tin giữa hai nước và tình hữu nghị giữa hai nhân dân”. Theo Dân biểu Jason Crow (Dân chủ-Colorado, thành viên của ủy ban tình báo), Quốc hội cần có một đạo luật về vấn đề này vì tính nghiêm trọng của nó. Crow lưu ý về một lỗ hổng luật pháp cấp liên bang vì hầu hết các luật xâm phạm đều là của tiểu bang và địa phương.

Ông nói: “Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với các tiểu bang và địa phương để có những hướng dẫn cụ thể vì đôi khi họ không biết phải giải quyết thế nào”. Một số vụ xâm nhập là lành tính, chẳng hạn như dùng ứng dụng Google Maps để tìm đến cửa hàng McDonalds hoặc Burger King gần nhất nhưng nó lại nằm trong một căn cứ quân sự.

Số xâm nhập khác phức tạp hơn. Ví dụ một nhóm công dân TQ nói họ đã đặt phòng tại một khách sạn trong một căn cứ quân sự; và gần đây, một nhóm công dân TQ tự nhận là du khách đã định vượt qua lính canh ở căn cứ Fort Wainwright thuộc tiểu bang Alaska, nêu lý do đã đặt phòng tại một khách sạn thương mại trong căn cứ! (căn cứ này là bản doanh của Sư đoàn Dù số 11 thuộc Lục quân phụ trách chiến tranh Bắc Cực).

Những kẻ xâm nhập giải thích bằng luận điệu có vẻ được học trước để phòng khi bị nhân viên bảo vệ ngăn chặn: Du khách bị lạc đường! Emily Harding, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) ở Washington và là cựu phó giám đốc nhân viên tại Ủy ban Tình báo Thượng viện, nhận định:

“Vấn đề thu thập thông tin tình báo cấp thấp của TQ đã được biết đến rộng rãi trong giới tình báo. Đây là trò chơi của những con số. Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng số đông để đạt được mục đích. Nếu một vài người trong số họ bị bắt, chính phủ Hoa Kỳ sẽ rất khó chứng minh được điều gì khác ngoài việc xâm phạm bất hợp pháp trong khi những người không bị bắt có thể đã thu thập được thông tin hữu ích. Những người bị bắt được thả dễ dàng, trong khi nếu một người Mỹ bị bắt ở TQ vì lý do không rõ ràng tương tự, hệ quả sẽ rất khác”.

Những vụ điển hình

Đối với quân đội Hoa Kỳ, việc xâm nhập căn cứ đã trở thành “một hiện tượng đáng lo ngại” và lặp đi lặp lại. Sue Gough, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nêu rõ: “Trong một số trường hợp, các cá nhân xâm nhập căn cứ thường phóng nhanh xe qua hoặc chạy nhanh qua các trạm kiểm soát an ninh. Họ chỉ bị áp giải ra khỏi căn cứ và bị cấm tiếp cận cơ sở trong tương lai”.

Ngũ Giác Đài cho biết đã tiến hành một số đánh giá an ninh cơ bản kể từ năm 2018, với sự phối hợp với các cơ quan khác ở một số trường hợp. Cuối năm ngoái, một cuộc đánh giá đã được thực hiện với việc tập trung vào vấn đề an ninh của khoảng 1,400 cổng bảo vệ tại các căn cứ quân đội, cũng như các khía cạnh khác của an ninh căn cứ. Gough kết luận: “Đánh giá đã và sẽ tiếp tục dẫn đến những thay đổi trong hoạt động bảo vệ các căn cứ”.

Bình quân mỗi ngày có hơn 10,000 lượt người bị chặn tại cổng ra vào căn cứ quân sự. Hầu hết là những người lái xe bối rối không biết mình đi đâu và phải quay đầu lại. Một số được yêu cầu kiểm tra bổ sung và một số nhỏ cần điều tra. Gough nói: “Cho đến nay, chưa có trường hợp nào là gián điệp”. Không phát hiện dấu hiệu gián điệp nhưng cũng đủ nghiêm trọng để gây lo ngại. Ví dụ có nhiều trường hợp công dân TQ bị phát hiện chụp ảnh một căn cứ. Nhiều vụ xảy ra tại Công viên Quốc gia White Sands, nơi du khách trượt xuống cồn cát trên các đường trượt rồi đi đến địa điểm tên lửa liền kề.

Trong một số trường hợp, họ sử dụng cả máy bay không người lái! Liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm phạm tại một trung tâm tình báo ở Key West, Florida, khi một số công dân TQ, tự xưng là du khách bị phát hiện bơi ở vùng biển gần trung tâm và chụp ảnh. Có ít nhất một trường hợp bị bắt giữ và bị truy tố.

Đó là năm 2020, ba công dân TQ bị kết án một năm tù sau khi nhận tội xâm nhập trái phép căn cứ không quân hải quân ở Key West và chụp ảnh sau khi đi qua hàng rào, vào từ bãi biển, hoặc đi bằng xe và phớt lờ lệnh buộc quay lại. Trong một vụ khác, các công dân TQ bị phát hiện lặn biển ngoài khơi Mũi Canaveral, nơi đặt Trung tâm Không gian Kennedy (Kennedy Space Center) chuyên phóng các vệ tinh do thám và các nhiệm vụ quân sự khác.

Bên ngoài hàng rào Toà Bạch Ốc, Sở Mật vụ có lần phải đuổi các công dân TQ đóng giả du khách nhưng lại ra rời khu vực quy định để chụp ảnh cả khuôn viên, các thiết bị liên lạc và vị trí của nhân viên bảo vệ ngôi nhà. Năm 2019, một phụ nữ TQ lãnh án tám tháng tù sau khi bị kết tội xâm nhập trái phép khu nghỉ dưỡng Mar -a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump ở Florida. Ả bước vào khu nhà mang theo hai hộ chiếu, bốn chiếc điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.

Trong nhiều trường hợp, những kẻ xâm nhập căn cứ, rõ ràng là có chủ ý, chỉ bị giam giữ trong thời gian ngắn và sau đó bị áp giải ra khỏi đất nước. Không có trường hợp nào dẫn đến tội danh gián điệp.

Nhưng trong một vụ năm 2019, hai nhà ngoại giao TQ bị trục xuất vì nghi ngờ hoạt động gián điệp sau khi họ cùng vợ lái xe tới Joint Expeditionary Base Little Creek, Virginia; nơi huấn luyện của lực lượng SEAL của Hải quân Hoa Kỳ. Bảo vệ phải đưa một chiếc xe cứu hỏa ra đường để dừng xe xâm nhập. Phía TQ phủ nhận các nhà ngoại giao của họ hoạt động gián điệp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: